(CHG) Trong tháng cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các siêu thị và cửa hàng bán lẻ bày bán đa phần hàng hóa Việt với chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả phù hợp được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Để tăng tốc bán hàng, các doanh nghiệp Việt đã chọn kênh bán hàng trực tuyến để kéo hàng chục triệu người tiêu dùng đến với “chợ online” mua sắm cho ngày Tết.
Hàng tết "nội" tràn ngập các gian hàng tại nhiều siêu thị.
Kích cầu mua sắm online
Trên phạm vi cả nước, từ giữa tháng 11 đến 22/12/2022, chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022” đã được triển khai nhằm xúc tiến thương mại, kích cầu thị trường trong nước. Chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân về hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp Việt.
Đầu tháng 12/2022, Bộ Công thương kích hoạt ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2022 thu hút sự tham gia của hơn 70.000 sản phẩm chính hãng với hơn 500 chương trình khuyến mãi của 370 nhà bán hàng là các doanh nghiệp sản xuất, phân phối, sàn thương mại điện tử.
Theo thống kê, người tiêu dùng đang tận dụng các dịp sale lớn trong năm để mua sắm, chỉ tính riêng đợt sale 12/12, các mặt hàng bán chạy nhất trên sàn thương mại điện tử là đồ gia dụng, dệt may, sản phẩm sức khỏe, tiện ích gia đình... Nhu cầu mua sản phẩm phục vụ làm đẹp và trang hoàng nhà cửa gia tăng đáng để. Các sản phẩm làm đẹp có doanh số tăng hơn 8 lần ngày thường. Phổ biến là sản phẩm dưỡng da, trang điểm và mỹ phẩm chăm sóc cá nhân và các sản phẩm thời trang.
Đánh giá về chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2022 - Vietnam Grand Sale 2022”, các chuyên gia kinh tế cho rằng, người tiêu dùng đang có nhiều lựa chọn trong mua sắm hàng hóa và ưu tiên chọn mua những mặt hàng không có khuyến mãi trên kênh trực tiếp, còn lại sẽ mua sắm trực tuyến. Do đó, 99% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam sẽ triển khai các sự kiện ưu đãi trên nền tảng thương mại điện tử trong tháng 12 này. Có đến 79% người tiêu dùng cho rằng, cần phải kéo dài các sự kiện khuyến mại hơn nữa.
Ông Kawwal Preet, Chủ tịch Fed Express khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi (AMEA) nhận định về xu hướng của người tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử: “Thực tế nhiều người mong đợi có thêm các lễ hội mua sắm trực tuyến và đã sẵn sàng tăng chi tiêu cho thương mại điện tử trong ba năm tới. Vấn đề của các nhà bán lẻ trực tuyến là để tận dụng tối đa nhu cầu mua sắm theo mùa, họ phải tìm cách nâng cao hiệu quả và đổi mới dịch vụ thông qua ưu đãi cá nhân hóa dành cho khách hàng, chẳng hạn như “mua sắm giải trí” trực tuyến hay tùy chọn thanh toán mới để thu hút khách truy cập và nhấp chuột”.
Theo sách trắng thương mại điện tử Việt Nam, năm 2022, do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, công bố, dự báo đến năm 2025 Việt Nam sẽ đạt mức 39 tỷ USD, đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong khu vực Đông Nam Á. Dự báo quy mô thị trường B2C (từ doanh nghiệp đến doanh nghiệp) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt tới 16,4 tỷ USD.
Tại chuỗi siêu thị GO tràn ngập hàng hoá "made in Vietnam".
Hàng Việt chiếm lĩnh thị trường Tết
Hiện các hệ thống phân phối, siêu thị, cửa hàng tạp hóa đã có đủ hàng để phục vụ người dân với nhiều sản phẩm thương hiệu Việt. Theo Bộ Công thương, hiện hàng Việt đã chiếm tỷ lệ trên 90% trong các cơ sở phân phối của doanh nghiệp trong nước. Còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này là 60-90%.
Tại siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội), các sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát Việt được bày ở khu riêng và trang trí bắt mắt, với nhiều chương trình khuyến mại kèm theo. Do đặc trưng mùa Tết nên siêu thị sẽ bày bán rất nhiều giỏ quà với các mức giá thành từ 700.000 đến gần 2 triệu đồng. Trong giỏ quà, đa phần là sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, các sản phẩm đặc sản hoặc OCOP. Các mặt hàng trong giỏ phổ biến là rượu vang, trà, hộp bánh, kẹo, mứt, một số loại hạt, nước ngọt. Tùy theo giá bán ra mà các sản phẩm sẽ được lựa chọn theo chủng loại và khung giá sản phẩm cụ thể khác nhau.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc siêu thị Co.Opmart Hà Nội cho biết, hàng Việt Nam hiện chiếm tới hơn 90% hàng hóa đang bán tại siêu thị. Sau nhiều năm nỗ lực với những thay đổi mang tính chiều sâu, đến nay có thể khẳng định nhiều mặt hàng “made in Việt Nam” đã đủ mạnh để chi phối thị trường Tết Nguyên đán. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua bởi sự thay đổi căn bản về mẫu mã và chất lượng.
Tại chuỗi siêu thị GO!, Tops Market, các loại bánh kẹo Việt như Tràng An, Hải Hà, Richy và các loại bánh mứt kẹo do trong nước sản xuất chiếm đa số. Các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam luôn được ưu tiên tại các vị trí trưng bày tốt trong siêu thị và được miễn phí thuê quầy kệ.
Đến nay, trên 90% doanh số của hệ thống bán lẻ này đến từ hàng nội địa và hàng sản xuất trong nước. Cùng đó, doanh nghiệp cũng thúc đẩy thu mua nông sản tại các vùng miền địa phương, đặc biệt ưu tiên thu mua tại vùng miền địa phương gần vị trí siêu thị; hỗ trợ nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp bằng việc thực hiện chính sách thu mua tận vườn và đặt đơn hàng trực tiếp với các hộ nông dân và các hợp tác xã.
Tại AEON Việt Nam, hàng Việt cũng đang tăng tỷ lệ bày bán và tiêu thụ tại đây, đặc biệt là trong dịp cận Tết này.
Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa cho biết, bánh kẹo nhập khẩu mẫu mã thường rất đẹp, sang trọng biếu hay ăn đều rất được. Tuy nhiên, giá thành cũng rất cao, cùng với đó hương vị nhiều loại cũng không phù hợp với người Việt Nam. Thêm nữa, việc mua bán trên mạng cũng không biết chất lượng thực hư ra sao, nên người dùng cũng e ngại khi đặt hàng. Trong khi đó, nhiều sản phẩm hàng Việt hiện mẫu mã rất đẹp và chất lượng tốt. Nhất là ngành hàng bánh kẹo. Tết năm nay, nhiều loại trà, hạt, thực phẩm chế biến sẵn với mẫu mã cải tiến, giá bán khá cao, nhưng vẫn được nhiều người lựa chọn.
Dịp Tết, ngoài thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn, người tiêu dùng thường mua sắm nhiều nhất là các mặt hàng bánh mứt kẹo, trà, nước giải khát, thực phẩm khô.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, so với Tết năm ngoái, giá hàng Tết có xu hướng tăng nhẹ, từ 5-7% tùy mặt hàng. Tuy nhiên, với một số mặt hàng, nhà sản xuất và phân phối cũng liên kết để khuyến mại, giảm giá để phục vụ khách hàng. Hiện nay, sức mua hàng Tết trên thị trường chưa tăng cao đột biến.
Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã tăng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết, trung bình tăng từ 15-30% so với Tết 2021. Các doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra.
Ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng. Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ 131 xe chở hàng hóa thiết yếu của 23 doanh nghiệp được lưu thông 24/24h để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết.
Với sự thúc đẩy nhằm tăng tốc và kích cầu trong dịp cuối năm, hàng hoá "made in Vietnam" đã và đang chiếm lĩnh thị trường Tết tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ với chất lượng, mẫu mã đẹp. Đâylà cơ hội cho các doanh nghiệp Việt khẳng định thương hiệu và phát triển, đứng vững trên thương trường trước sự cạnh tranh quyết liệt với hàng ngoại, khi đất nước mở rộng cửa đón nhận làn sóng đầu tư, và cả làn sóng cạnh tranh của các thương hiệu quốc tế đến với Việt Nam.
5
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết