(CHG) Là một trong số ít ngành có kim ngạch xuất khẩu tăng trong quý I/2023, rau quả Việt Nam có nhiều triển vọng đạt kim ngạch xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm nay.
Kim ngạch xuất khẩu tăng
Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay: 3 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt gần 1 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó thị trường Trung Quốc tăng rất ấn tượng, đạt 23%.
Sầu riêng là mặt hàng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đạt được kết quả trên là do năm 2022 Việt Nam ký được Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, chuối, khoai lang sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu thành công trái bưởi đi Mỹ, chanh đi New Zealand cũng giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng ấn tượng.Sầu riêng là mặt hàng có đóng góp lớn vào kết quả xuất khẩu ấn tượng của ngành rau quả 3 tháng đầu năm. Chỉ tính riêng quý IV/2022, sầu riêng đã mang lại 420 triệu USD kim ngạch cho ngành. “Dự kiến năm nay nếu tình hình thuận lợi, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ đạt trên dưới 1 tỷ USD, đẩy kim ngạch xuất khẩu chung của cả ngành đạt 4 tỷ USD, tăng 20%”, ông Đặng Phúc Nguyên nói.
Các hiệp định thương mại tự do đang thực thi cũng là lực đẩy quan trọng giúp xuất khẩu rau quả tăng mạnh trong những tháng đầu năm và góp phần quan trọng vào xuất khẩu của ngành trong cả năm nay.
Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu của ngành sang những thị trường như EU, Mỹ… tăng không nhiều bởi thị trường Trung Quốc mở cửa đúng dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu tăng vọt; ưu thế về vị trí địa lý gần, chi phí vận chuyển thấp, giá thu mua cao cũng khiến nguồn hàng về Trung Quốc nhiều hơn. Vì vậy, nguồn hàng dành cho các thị trường khác bị co hẹp.
Mở thêm thị trường xuất khẩu chính ngạch
Rau quả là ngành có tiềm năng xuất khẩu lớn nhưng vẫn chưa được khai thác tối đa. Do vậy, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam đề nghị: Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành khác, nhất là Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc nghiên cứu đàm phán ký kết thêm nghị định thư cho một số mặt hàng đã xuất khẩu chính ngạch như: Thanh long, xoài, dưa hấu, mít, chôm chôm…Cùng đó, đề nghị phía bạn mở cửa thêm cho các mặt hàng rau quả của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, chanh, dứa, vú sữa.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc cũng cần đẩy mạnh các hoạt động nhằm mở cửa thị trường cho các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh.
Riêng với trái sầu riêng, để tạo sự đột phá về tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc, tăng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2023 như mục tiêu mong muốn, đề nghị đàm phán với phía Trung Quốc cấp phép thêm mã số vùng trồng và mã số đóng gói cho Việt Nam. Hiện cả nước mới chỉ có 246 mã vùng trồng, quá ít so với Thái Lan (20.000 mã số vùng trồng; 2.000 cơ sở đóng gói).“Với diện tích gần 110.000ha, sản lượng gần 1 triệu tấn/năm, năm nay nếu mã vùng trồng không được cấp thêm sẽ có hiện tượng thắt cổ chai trong xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc”, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam lo lắng.
Ngoài ra, lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tăng cường kêu gọi đầu tư vốn, công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp chế biến rau quả nhằm tăng thêm giá trị xuất khẩu, thâm nhập hiệu quả các thị trường xa, thị trường khó tính như Mỹ, EU. Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức lễ hội trái cây Việt Nam ở nước sở tại cùng các món ăn chế biến từ rau quả nhằm quảng bá cho ngành hàng rau quả và du lịch văn hóa ẩm thực Việt Nam đến bạn bè nước sở tại và khách quốc tế.
Trước đề xuất của Hiệp hội rau quả Việt Nam về thị trường Trung Quốc, ông Vũ Tiến Hùng, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc) cho hay: Nhiều loại nông sản của Việt Nam có thời điểm thu hoạch cùng với Trung Quốc nên sức cạnh tranh khốc liệt, do vậy doanh nghiệp trong nước cần lưu ý. Đặc biệt, từ 1/1/2022 Trung Quốc đã thực thi lệnh 248, 249, do vậy doanh nghiệp cần nghiêm túc thực hiện để được cấp mã xuất khẩu vào Trung Quốc. Bên cạnh đó, bao bì nhãn mác nên nghiên cứu theo thị hiếu tiêu dùng. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ thông tin về giá thành, chi phí vận tải khi có đối tác đến tìm hiểu, trao đổi để đàm phán nhập khẩu sản phẩm của doanh nghiệp./.
Dự kiến năm 2023, xuất khẩu của ngành rau quả Việt Nam đạt 4 tỷ USD, trong đó riêng sầu riêng đạt khoảng 1 tỷ USD. |
Nguồn: https://congthuong.vn/nganh-rau-qua-huong-den-kim-ngach-xuat-khau-4-ty-usd-252216.html
2
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết