Những thành tựu và giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo của Việt Nam


Bài nghiên cứu "Những thành tựu và giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo của Việt Nam" do Trịnh Xuân Trường (Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải) thực hiện.

Tóm tắt:

Trước tình hình giá gạo thế giới ngày càng tăng cao, trong khi ngành lúa gạo lại là mặt hàng xuất khẩu chiến lược đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta, Việt Nam cần phải có các giải pháp phù hợp để tăng cường xuất khẩu lúa gạo, nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Bài viết phân tích những thành tựu và giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo đối với Việt Nam với 4 nội dung chính: (i) Những thành tựu về xuất khẩu gạo; (ii) Phân tích thị trường tiêu thụ gạo Việt Nam trên thế giới; (iii) Giá gạo xuất khẩu và lợi thế so sánh của giá gạo Việt Nam so với các nước trên thế giới; (iv) Giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Từ khóa: kim ngạch xuất khẩu, thị trường, xuất khẩu, giá gạo, an ninh lương thực.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là nước xuất phát từ nền văn minh nông nghiệp lúa nước, có truyền thống trồng lúa từ lâu đời, lúa gạo là sản phẩm lương thực thiết yếu đối với nước ta. Từ việc đảm bảo an ninh lương thực trong nước, đến nay, Việt Nam đang là quốc gia có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới. Đây là thành tựu to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Song, vấn đề đặt ra không chỉ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu gạo, mà còn phải phát triển được cả lượng và chất bền vững. Để đạt được điều đó, không chỉ là tăng quy mô, tăng năng suất, tăng chất lượng, mà cần chú ý đến những giá trị từ việc sản xuất và xuất khẩu gạo mang lại cho xã hội, đồng thời không làm tổn hại môi trường sinh thái.

2. Những thành tựu đạt được về xuất khẩu gạo của Việt Nam

Những năm gần đây, ngành Gạo đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều kết quả. Hàng năm, lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới. Hiện nay, hạt gạo Việt Nam đã có mặt trên 150 nước và vùng lãnh thổ. (Hình 1)

Hình 1: Kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I từ năm 2011 - 2023

xuất khẩu gạo

( Nguồn: Tổng hợp từ số liệu từ Tổng cục Hải quan)

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2023 đạt 1,85 triệu tấn, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất trong 12 năm qua. Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của ngành Gạo trong quý I/2023 đã thiết lập kỷ lục mới là 981 triệu USD, tăng 34,3% so với quý I/2022. Với nhu cầu từ các thị trường truyền thống đang tăng lên, xuất khẩu gạo của Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt, trong đó 3 thị trường lớn nhất của Việt Nam trong quý I/2023 là Philippines 893.254 tấn, Trung Quốc 340.385 tấn và Indonesia 148.587 tấn, tăng lần lượt 32,9%, 90,7% và 180 lần so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu đi các nước Đông Nam Á như Indonesia, Singapore đang tăng trưởng cao, xuất khẩu sang EU cũng ghi nhận tăng trưởng gần 50%, với nhiều thị trường tăng mạnh như Hà Lan, Bỉ, Ba Lan. Trong đó, tỷ trọng xuất gạo sang Indonesia tăng đột biến, từ 0,1% trong quý I/2022 lên 8% trong quý I/2023. Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm, gạo chất lượng với giá trị gia tăng cao. Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu từ cả các thị trường khó tính. Không chỉ gia tăng xuất khẩu các chủng loại gạo có thế mạnh như gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng, Việt Nam đã bắt đầu xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, đem lại giá trị cao, giảm dần tỷ trọng xuất khẩu gạo thường chất lượng thấp.

Trong quý I/2023, gạo trắng chiếm gần 56% khối lượng gạo xuất khẩu gạo của nước ta, đạt khoảng hơn 1 triệu tấn, trị giá 523 triệu USD, tăng 41,2% về lượng và tăng tới 52,7% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do xuất khẩu sang Philippines và Indonesia tăng mạnh. Khối lượng xuất gạo nếp cũng tăng tới 81,1% lên hơn 200 nghìn tấn, do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc phục hồi. Ngoài ra, lượng gạo Nhật và gạo lứt, gạo dinh dưỡng cũng tăng lần lượt là 8% và 18%. Tuy nhiên, xuất khẩu nhóm gạo thơm (Jasmine, DT8, KDM, ST24, ST25…) giảm 5% so với cùng kỳ, đạt 576 nghìn tấn và chiếm 30,8% tỷ trọng. (Bảng 1)

Bảng 1. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu của Việt Nam quý I/2023

xuất khẩu gạo

(Nguồn: Số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê)

3. Phân tích thị trường tiêu thụ gạo Việt Nam trên thế giới

Do ảnh hưởng biến đổi khí hậu hiện tượng El Nino, xung đột vũ trang Nga - Ucraina, tình trạng hạn hán tại châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt, đồng thời chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao đã khiến hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 có nhiều thuận lợi. Trong đó, thị trường Indonesia với nhu cầu nhập khẩu được công bố lên đến 2 triệu tấn gạo; Bangladesh cũng tăng nhu cầu mua lương thực, đã đồng ý gia hạn biên bản ghi nhớ về thương mại gạo với Việt Nam thêm 5 năm. Đây là cơ hội để gạo Việt Nam thâm nhập thị trường Bangladesh ổn định trong thời gian tới. Trong khi đó, Trung Quốc đã mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho những DN xuất khẩu gạo. Dự báo năm 2023, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có thể đạt 1 triệu tấn. Thị trường Philippines là quốc gia tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam, mới đây Chính phủ nước này quyết định duy trì thuế nhập khẩu gạo ở mức 35%. Việc duy trì chính sách giảm thuế nhập khẩu của Philippines sẽ tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm 2023, cũng như đảm bảo tính ổn định của thị trường. Đáng chú ý, những thị trường khó tính như châu Âu, Hàn Quốc, Australia và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông sẽ tiếp tục tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. (Hình 2)

Hình 2: Tỷ trọng xuất khẩu gạo sang các thị trường chính của Việt Nam 

(khối lượng) (vòng ngoài: quý I/2023; vòng trong: quý I/2022)

xuất khẩu gạo

(Nguồn: Số liệu tổng hợp từ Tổng cục Hải quan)

Trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo tăng, thì nguồn cung gạo từ các quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan tiếp tục hạn chế; giá gạo Thái Lan tăng do đồng Baht tăng giá trở lại. Việt Nam đang có lợi thế nguồn cung có sớm từ vụ lúa Đông Xuân; sản lượng, chất lượng lúa gạo ổn định, nên dự báo trong ngắn hạn, giá gạo Việt Nam vẫn ở mức tốt. Nhìn chung, thị trường xuất khẩu gạo năm nay về phía nguồn cung thấp hơn nhu cầu, nên đầu ra thuận lợi. Ngành Gạo Việt Nam năm nay cần quan tâm khâu sản xuất và liên kết sản xuất sao cho có các chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu thị trường.

4. Giá gạo xuất khẩu và lợi thế so sánh của giá gạo Việt Nam

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam dao động quanh ngưỡng 350 - 400$/M trong phần lớn giai đoạn từ tháng 2/2016 đến tháng 1/2020. Tuy nhiên, từ tháng 2/2020, giá gạo của Việt Nam đã tăng lên, đạt mức 450-520$/MT. Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) cho thấy, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ tháng 2/2016 đến tháng 2/2021 luôn thấp hơn giá gạo của Mỹ và Uruguay, nhưng cao hơn giá gạo của Ấn Độ và Pakistan. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cơ bản thấp hơn của Thái Lan. Tuy nhiên, từ đầu tháng 2/2021, giá gạo của Việt Nam đã cao hơn một chút so với Thái Lan. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng một phần là do chất lượng gạo của Việt Nam đã được cải thiện, chủng loại gạo xuất khẩu cũng dần chuyển sang những loại gạo có giá trị gia tăng cao. Trong quý I/2023, giá xuất khẩu gạo bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Đáng chú ý, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ để vươn lên đứng đầu thế giới. (Hình 3)

Hình 3: Biểu đồ so sánh biến động giá gạo của Việt Nam và các nước

xuất khẩu gạo

(Nguồn: Tổng hợp từ số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Giá gạo xuất khẩu tăng cao là nhờ tỷ trọng các loại gạo phẩm cấp cao (gạo thơm, gạo nếp, gạo đặc sản…) có giá bán cao đã tăng mạnh. Hiện nay, tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, với giá bán dao động từ 600 - 1.000 USD/tấn. Trong quý I/2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đạt trung bình khoảng 450 USD/tấn và gạo 25% tấm đạt khoảng 430 USD/tấn, cao hơn giá gạo xuất khẩu cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ. Trên thị trường gạo châu Á, trong tuần đầu của tháng 4/2023, giá gạo xuất khẩu Việt Nam điều chỉnh tăng mạnh. Theo đó, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Việt Nam hiện đạt lần lượt 473 USD/tấn và 453 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với thời điểm ngày 31/3/2023.

Trong nước, tính đến cuối quý I/2023, giá lúa tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng 600 - 640 đồng/kg và giá gạo tăng 1.100 - 1.500 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. (Bảng 2)

Bảng 2. Thống kê giá lúa gạo nội địa ngày 20/03/2023 và so sánh

xuất khẩu gạo

(Nguồn: Hiệp hội Lương thực Việt Nam, 2023)

5. Giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia

Để nâng cao khả năng cạnh tranh của hạt gạo nước ta trên thị trường thế giới, Việt Nam cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là cần chú ý tới việc nâng cao chất lượng gạo. Thực tế cho thấy, các nước nhập khẩu luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản như gạo. Các nước xuất khẩu gạo lớn khác đều chú trọng đến chất lượng gạo và xây dựng các thương hiệu gạo của mình. Theo đó, các giải pháp cụ thể như sau:

- Doanh nghiệp cần phối hợp với địa phương chặt chẽ hơn nữa trong việc xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo theo hướng xanh, sạch, bền vững. Sản xuất theo xu hướng bền vững và hướng tới lợi ích xã hội - môi trường. Triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam.

- Các cơ quan chức năng cần tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương kịp thời cập nhật và chuyển tải các thông tin về tình hình cung - cầu lúa, gạo, các quy định, chính sách mới của các thị trường ngoài nước tới các hội viên của Hiệp hội. Kịp thời báo cáo các bộ, ngành liên quan những vấn đề phát sinh và đề xuất biện pháp xử lý, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và hiệu quả trong điều hành xuất khẩu gạo.

- Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc chỉ đạo, hướng dẫn hội viên Hiệp hội mua thóc, gạo hàng hóa, duy trì mức dự trữ lưu thông bắt buộc, bình ổn thị trường theo các quy định của pháp luật; chú trọng tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng thâm nhập vào các thị trường mục tiêu và khai thác các cam kết ưu đãi trong các FTA; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo ứng phó có hiệu quả với các rào cản kỹ thuật của các thị trường mới và các biện pháp phòng vệ thương mại; phối hợp đấu tranh trên mọi cấp độ, mọi diễn đàn đối với các biện pháp bảo hộ thương mại quá mức, không phù hợp với cam kết quốc tế của các thị trường nhập khẩu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho doanh nghiệp hội viên.

- Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết thóc, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, và chính sách hỗ trợ lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa gạo.

6. Kết luận

Không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Gạo Việt Nam ngày càng khẳng định được vị trí, giữ được giá xuất khẩu và có khả năng cạnh tranh cao ở loại gạo cấp trung bình với thị trường toàn cầu. Sản lượng, kim ngạch và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có xu hướng gia tăng theo thời gian. Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo đạt hiệu quả tối ưu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần không ngừng nâng cao chất lượng gạo, đảm bảo các yêu cầu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc để tận dụng tối đa ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Tổng cục Thống kê (2023). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/03/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-i-nam-2023/
  2. Tổng cục Hải quan (2023). Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 4 và 4 tháng năm 2023. Truy cập tại https://www.customs.gov.vn/index.jsp?pageId=2&aid=184231&cid=25
  3. Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (2023). Báo cáo kinh tế thế giới và Việt Nam quý I/2023 và triển vọng tháng 4/2023. Truy cập tại https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/03/tong-quan-du-bao-tinh-hinh-kinh-te-the-gioi-quy-i-va-ca-nam-2023/;
  4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2023). Báo cáo kim ngạch xuất khẩu năm 4 tháng đầu năm 2023. Truy cập tại https://nongnghiephuucovn.vn/bo-nn-ptnt-kim-ngach-xuat-khau-nong-lam-thuy-san-thang-4-2023-uoc-dat-4-54-ty-usd
  5. Hoàng Hiệp (2022). USDA: Tiêu thụ gạo toàn cầu đạt kỷ lục trong khi sản lượng dự báo giảm. Truy cập tại https://vietnambiz.vn/usda-tieu-thu-gao-toan-cau-dat-ky-luc-trong-khi-san-luong-du-bao-giam-20228238545407.htm

  6. Hiệp hội Lương thực Việt Nam (2023). Giá lúa gạo nội địa ngày 16/3/2023 - 23/3/2023. Truy cập tại https://vietfood.org.vn/gia-lua-ga%cc%a3o-no%cc%a3i-di%cc%a3a-ngay-16-03-2023-23-03-2023/

ACHIEVEMENTS AND SOLUTIONS TO INCREASE VIETNAM’S RICE EXPORTS

Trinh Xuan Truong

University of Transport Technology

Abstract:

As rice prices are increasing around the world and rice is also a strategic export product for Vietnam’s socio-economic development, it is necessary for Vietnam to have appropriate solutions to increase rice exports while still ensuring national food security. This paper analyzes the achievements and proposes solutions to increase Vietnam’s rice exports with four main contents, including: (i) Achievements of Vietnam in rice export; (ii) Analysis of the Vietnamese rice consumption market in the world; (iii) The price of exported rice and the comparative advantage of Vietnam’s rice price compared to other countries in the world; and (iv) Solutions to increase Vietnam’s rice exports to ensure national food security.

Keywords: export turnover, market, export, rice price, food security.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Khắc phục "khoảng trống" pháp lý trong xử lý tội sản xuất, buôn bán hàng giả

(CHG) TS. Nguyễn Thanh Mai, Trưởng bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hình sự, Học viện Tư pháp, đã có những phân tích sâu sắc về hành vi khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng như những “vùng trống” pháp lý còn tồn tại trong Bộ luật Hình sự hiện hành.

Xem chi tiết
Tạp chí Điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam

(CHG) Ngày 21/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để tri ân, ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, đồng thời khẳng định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của Tạp chí trong công cuộc phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu trong thời kỳ mới.

Xem chi tiết
100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, từ ngọn đèn nhỏ đến ngọn lửa thời đại

(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.

Xem chi tiết
Báo chí cách mạng, ngòi bút kiên cường trên mặt trận chống hàng giả, gian lận thương mại

(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Xem chi tiết
“Tiền phạt như một phần chi phí kinh doanh”, báo động về tư duy làm ăn phi pháp

(CHG) Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP HCM chiều 5/6/2025, câu phát biểu ngắn gọn nhưng đầy trăn trở của ông Nguyễn Quang Huy, Chi cục phó Quản lý thị trường TP HCM đã gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận: “Nhiều tiểu thương coi tiền phạt như một phần chi phí kinh doanh”.

Xem chi tiết
2
2
2
3