(CHG) Những diễn biến gần đây trên thị trường chứng khoán cho thấy những dấu hiệu tích cực đã quay trở lại. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những tín hiệu ban đầu. Để khơi thông dòng tiền trên thị trường, trở thành động lực giúp DN phục hồi sản xuất thì cần những giải pháp đồng bộ.
Thanh khoản đang được cải thiện
Từ năm 2020 đến nay, thị trường chứng khoán trải qua những biến động lớn với những dấu mốc thăng trầm. Sau thời gian lao dốc, thị trường đã có dịp thăng hoa bùng nổ bất chấp đại dịch Covid-19 bùng phát với nhiều hệ lụy và sau đó lại điều chỉnh mạnh, rơi vào trầm lắng từ nửa đầu năm 2022 đến nay khiến cho dòng vốn chảy vào sản xuất kinh doanh bị đình trệ, DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Bộ Tài chính sẽ giảm nhiều loại phí, lệ phí cho nhiều ngành nghề lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chứng khoán Ảnh: S.T
Gần đây, sau hàng loạt chính sách hỗ trợ DN, người dân từ Chính phủ và các bộ, ngành được ban hành, thị trường chứng khoán đã có những dấu hiệu tích cực trở lại. Trên thực tế, dòng tiền vẫn chưa vào mạnh các mã vốn hóa lớn, đầu ngành và cũng chưa cho thấy được sức bền, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán đang có nhiều cơ hội để đón dòng tiền trở lại. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/6/2023, VN-Index tăng điểm lên 1.118,46 điểm, HNX-Index cũng tăng lên 231,77 điểm và UPCoM-Index tăng lên 85,45 điểm. Thị trường cũng ghi nhận sự cải thiện về thanh khoản với mức thanh khoản tăng dần, trong đó, phiên giao dịch ngày 8/6/2023 qua ghi nhận thanh khoản trên cả 3 sàn đạt hơn 27 nghìn tỷ đồng, vượt ngưỡng tỷ đô.
Đánh giá về diễn biến trên thị trường, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho biết, trong khoảng 2 tuần gần đây, thanh khoản thị trường chứng khoán đã có sự cải thiện đáng kể. Cùng với đó, chỉ số VN-Index đã vượt qua các ngưỡng kháng cự mạnh từ đầu năm tới nay. Điều đó cho thấy sự trở lại của dòng tiền đầu cơ trong ngắn hạn sau khi hàng loạt các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hướng tới việc giảm mạnh lãi suất điều hành, kéo theo việc giảm lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay; NHNN tiếp tục mua USD tăng dự trữ ngoại hối và đưa ra hệ thống một lượng tiền VND hỗ trợ thanh khoản chung; Bộ Tài chính sẽ giảm nhiều loại phí, lệ phí cho nhiều ngành nghề lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chứng khoán…
Chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc cũng nhận định, lãi suất tiền gửi giảm nhanh khiến kênh tiết kiệm không còn là ưu tiên, trong khi đa số các ngành nghề trong nền kinh tế hiện nay đều đang gặp khó khăn, thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh do nhu cầu trong nước và quốc tế suy giảm. Trong bối cảnh đó, kênh đầu tư chứng khoán nổi lên là một kênh hút vốn với thanh khoản được cho là tốt hơn nhiều so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng, ngoại tệ…
Doanh nghiệp, cơ quan quản lý cùng gỡ vướng
Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), trong bối cảnh phải đối phó với khủng hoảng sau đại dịch, Chính phủ đang có động thái tốt hỗ trợ nền kinh tế, giải tỏa nỗi lo về thị trường trái phiếu, thực thi giãn nợ, giảm lãi suất, giảm thuế GTGT, quyết liệt trong giải ngân đầu tư công… Tất cả các yếu tố đó đang hướng tới mục tiêu giải cứu DN, hỗ trợ DN bớt khó khăn, kích thích tăng trưởng GDP. Cùng với đó, thị trường chứng khoán đang khởi sắc khi thanh khoản tăng lên, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại. Trong kịch bản đầu tư thì đây là những tín hiệu tích cực và nhà đầu tư có thể cân nhắc tham gia thị trường
Khẳng định thị trường sẽ có cơ hội tốt cho DN muốn huy động vốn, vì thế, để cải thiện dòng vốn, ông Vũ Đức Tiến khuyến nghị các DN niêm yết khi lên sàn cần phải xác định hoạt động kinh doanh thực sự. DN cần tuân thủ các quy định của Nhà nước về DN niêm yết, đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển DN vì mình, vì cộng đồng, vì nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp DN phát triển bền vững, minh bạch. Ông Vũ Đức Tiến cũng khẳng định, duy trì hàng hóa chất lượng sẽ hút được dòng tiền.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho rằng, phải khơi thông những ách tắc để DN có thể huy động vốn nhanh chóng, không để lỡ các cơ hội. Theo đó, DN cần phải chú ý tới quy định pháp lý mới liên quan đến DN, chào bán và quản trị công ty được quy định tại Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán mới được ban hành thay thế trong 2021. Theo bà Bình, thời gian vừa qua, do chưa nắm bắt hết quy định mới nên các hồ sơ chào bán của DN còn có những điểm sai sót dẫn đến kéo dài thời gian xử lý, chẳng hạn việc thông qua Nghị quyết ĐHCĐ, HĐQT chưa đáp ứng, vấn đề liên quan quy trình thủ tục trong nội bộ DN chưa thể hiện sự nắm bắt quy định pháp luật chặt chẽ.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán cũng cho biết, nhiều DN nộp hồ sơ đăng ký chào bán, huy động vốn chưa có phương án dài hạn về kinh doanh, sử dụng vốn mà chỉ là đăng ký chào bán, tận dụng sức nóng thị trường tại từng thời điểm. Vì vậy, phương án sử dụng vốn khi đệ trình chưa chi tiết, chưa đáp ứng yêu cầu minh bạch, đâu đó vẫn tiềm ẩn rủi ro cho chính cổ đông DN. Điều này là yếu tố làm kéo dài thời gian thẩm định, thậm chí bị lỡ cơ hội của DN.
Để thuận lợi trong việc thúc đẩy dòng vốn vào thị trường chứng khoán, qua đó giúp DN đón đầu cơ hội phục hồi kinh tế sau đại dịch, bà Tạ Thanh Bình cho rằng DN phát hành và cơ quan quản lý cần cùng gỡ vướng, khai thông ách tắc. Về phía cơ quan quản lý, bà Tạ Thanh Bình cho biết hiện Ủy ban Chứng khoán đang tích cực sửa đổi Nghị định 155/2020/NĐ-CP theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để DN có thể tiếp cận và thực hiện hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi nhất.
Nguồn: Hải quan Online
0
Bình Định: Tập trung triển khai Kế hoạch 888 của Tổng cục Quản lý thị trường
(CHG) - Với mục tiêu hướng đến không có “vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, trong 9 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (Kế hoạch 888) trên địa bàn quản lý, góp phần giữ vững ổn định thị trường tại địa phương.
Xem chi tiết
Công ty Fushiwa Việt Nam bị xử phạt vì xâm phạm giải pháp hữu ích của Công ty Hồng Hà
(CHG) Ngày 30 tháng 09 năm 2024, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành kết luận thanh tra đối với hành vi vi phạm của Công ty Fushiwa Việt Nam. Bản kết luận này một lần nữa khẳng định công ty này đã có hành vi xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích mang tên “thiết bị điện phân nước và hệ thống xử lý nước uống trực tiếp” của Công ty Hồng Hà. Đây là một sự kiện đáng chú ý, không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà còn vì những tác động sâu rộng mà nó mang lại cho môi trường đổi mới và sáng tạo trong nền kinh tế Việt Nam.
Xem chi tiết