(CHG) Sau hai ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, phiên thảo luận về kinh tế xã hội của Quốc hội khép lại, các Bộ trưởng ngành đã giải trình thẳng thắn, không né tránh, có định hướng giải quyết vấn đề rõ ràng.
Thảo luận ở hội trường Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Sau 2 ngày 27, 28/10 làm việc sôi nổi, khẩn trương, nghiêm túc, phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước đã được các đại biểu Quốc hội đã cho ý kiến toàn diện và thể hiện tâm huyết đối với các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, 10 Bộ trưởng ngành cũng phát biểu giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu và cử tri cả nước quan tâm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên: Kịp thời lấp đầy các lỗ hổng, lược bỏ sự chồng chéo về quản lý, điều hành xăng dầu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Xăng dầu là vật tư chiến lược, có ý nghĩa sống còn của mọi nền kinh tế, vấn đề khủng hoảng năng lượng đã, đang và sẽ ngày càng trở nên trầm trọng trong phạm vi toàn cầu. Ở nước ta, theo quy định hiện hành, vấn đề quản lý cung ứng, kinh doanh xăng dầu được giao cho 7 bộ, ngành, cơ quan chức năng và chính quyền 63 tỉnh, thành phố thực hiện. Để làm tốt công tác này, cần có sự hợp tác chặt chẽ, nhuần nhuyễn, hiệu quả, nhất là trong bối cảnh có nhiều biến động.
Bên cạnh đó, cần khẩn trương triển khai việc rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và dự trữ xăng dầu nhằm kịp thời lấp đầy các lỗ hổng lược bỏ sự chồng chéo về quản lý, điều hành của các chủ thể trong quy định hiện hành theo chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Dự toán ngân sách năm 2023 đặt ra mức tăng thấp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Về dự toán ngân sách năm 2023 sẽ là năm tiềm ẩn nhiều khó khăn như giá nguyên vật liệu trong nước tăng, dầu xăng khó khăn, lãi suất tiền gửi và tiền vay trong nước đều tăng cao, room tín dụng thắt chặt và thị trường vốn khó khăn. Đặc biệt là lạm phát và lãi suất thế giới tăng cao tác động mạnh đến điều hành kinh tế - xã hội nước ta, tác động đến sản xuất kinh doanh.
Để đảm bảo thận trọng, chủ động và chắc chắn trong điều hành ngân sách thì dự toán ngân sách đặt ra mức tăng thấp. Nhiều đại biểu cho rằng mức bội chi thấp, Bộ Tài chính làm rõ trong bối cảnh hiện nay mức bội chi đề ra là hợp lý. Nếu nâng bội chi lên cao có nghĩa là phải đi vay mà đi vay trong giai đoạn này thì hiệu quả sẽ không cao.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: Trong ngắn hạn có thể phải lựa chọn đánh đổi giữa các mục tiêu
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng
Về vấn đề chính sách tiền tệ, trong ngắn hạn có thể cần phải lựa chọn đánh đổi giữa các mục tiêu. Ví dụ, để ổn định thị trường ngoại hối phải chấp nhận tỉ giá tăng lên. Đối với doanh nghiệp, khi lãi suất tăng có thể ảnh hưởng một chút đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Nhưng với sự ổn định của thị trường tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, sẽ có điều kiện để tăng tốc, phát triển hơn.
Hay với tín dụng, nếu nới room tín dụng sẽ áp lực đối với thị trường tỉ giá và ngoại hối. Thực tế, nếu vừa qua Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng room tín dụng, thì trước những diễn biến tháng 10 sẽ gây khó khăn đến thanh khoản, ảnh hưởng đến khả năng chi trả của các tổ chức tín dụng.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà: Còn 18.000ha đất lãng phí do dự án chậm tiến độ, dự án treo
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Trước đây có 28.155ha đất bị lãng phí đất đai do dự án chậm tiến độ, dự án treo, và trong thời gian qua đã giải quyết được 10.000ha, hiện nay còn khoảng 18.000ha.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, các nhà đầu tư kém năng lực và pháp luật đất đai, pháp luật liên quan có sự chồng chéo. Ngoài ra còn có dự án vi phạm pháp luật do cơ quan quản lý, người quản lý, do có kết luận của thanh tra, bản án có hiệu lực của tòa, ý kiến của ủy ban kiểm tra.
Với những dự án có tồn tại, khó khăn do lịch sử để lại, Chính phủ đã lập đề án, trước mắt tập trung xử lý ở 4 thành phố lớn với hơn 2.000 dự án vướng mắc để đề xuất cấp thẩm quyền. Thời gian tới với những vấn đề lớn, sẽ xin Bộ Chính trị giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu, trong đó, từ nay đến năm 2024 nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, hoặc nghị định của Chính phủ và các vấn đề liên quan tại địa phương, theo thẩm quyền đưa ra cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 tỉnh, thành phố và sau đó tính toán triển khai đối với các địa phương khác trong cả nước.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh: Giải ngân đầu tư công chương trình mục tiêu quốc gia chậm
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Hiện thực trạng tiến độ giải ngân vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, rất chậm
Nguyên nhân là do Chương trình mục tiêu là chương trình mới, nhiều đối tượng, nhiều dự án nhỏ lẻ, manh mún; quy trình, thủ tục theo các quy định của pháp luật cũng phức tạp; trong quá trình thực hiện đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương. Từ lúc xây dựng kế hoạch, xây dựng kế hoạch phân bổ vốn đến khi trình Chính phủ, sau đó trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có cơ sở phân bổ vốn, phải mất thời gian rất dài.
Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản ở các bộ, ngành, địa phương mặc dù đã có chỉ đạo phối hợp, tuy nhiên cũng có những nội dung chưa được kịp thời; công tác chỉ đạo ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt; phối hợp để phát hiện và rà soát, sửa đổi, bổ sung nhưng bất cập thì cũng có lúc chưa kịp.
Thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tham mưu cho Chính phủ thực hiện một số giải pháp cụ thể như: tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn và thực hiện hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn theo yêu cầu; kịp thời cập nhật những khó khăn để đề xuất xử lý; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chỉ đạo của các ban, bộ, ngành Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung: Thiếu cục bộ nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung
Công tác đảm bảo an sinh xã hội và các chính sách xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức như lưới an sinh bao phủ còn thấp, nhất là những vấn đề khó khăn như: nhà ở công nhân, các thiết chế văn hóa xã hội dành cho người lao động còn hạn chế, lao động có chứng chỉ bằng cấp còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, thị trường vẫn thiếu lao động.
Bên cạnh đó, vẫn còn thiếu cục bộ nguồn nhân lực chất lượng cao, năng suất lao động thấp, lao động phi chính thức còn chiếm tỉ lệ cao, kết quả giảm nghèo năm 2022 tuy đạt được chỉ tiêu nhưng ở mức thấp nhất trong những năm qua.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư sớm ban Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục nghề nghiệp và xây dựng thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững phát triển.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan: Bệnh viện thành con nợ vì bị chậm thanh toán bảo hiểm
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Nhiều năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng được các yêu cầu. Với những vướng mắc như vậy, nhiều cơ sở y tế lại trở thành con nợ, bởi các chi phí khám, chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán. Vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân gây nên khó khăn của các cơ sở y tế, cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng mua sắm đấu thầu khó khăn, bởi vì chúng ta còn nợ của các nhà thầu, chưa thanh toán được
Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146/2018/NĐ-CP. Hiện nay, Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trong quá trình triển khai thực hiện nội dung này, trước khi nghị định được ban hành, Bộ Y tế đã trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021. Nghị quyết này đã được trình lên Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà: Số công chức, viên chức nghỉ việc đồng loạt là một vấn đề đáng quan ngại
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Theo số liệu tổng hợp của UBND 63 tỉnh thành và tất cả các bộ, ngành trung ương trong thời gian từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022 tổng số công chức, viên chức thôi việc là 39.550 người bằng 1,94% tổng biên chế công chức, viên chức.
Trong đó, số công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc đa số trong độ tuổi trẻ từ 40 tuổi trở xuống và có trình độ đại học chiếm trên 50%; tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân phát triển, dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển, nhất là dịch vụ y tế và giáo dục.
Số công chức, viên chức thôi việc, nghỉ việc đồng loạt trong thời điểm hơn 2 năm qua là điều chúng ta cần nhìn nhận nghiêm túc và cũng là một vấn đề đáng quan ngại.
Về giải pháp chủ yếu cho vấn đề này, cần xác định tập trung cải cách đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn: Thiếu giáo viên do thời gian dài không được tuyển
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Về vấn đề thiếu giáo viên, ngành giáo dục phối hợp với ngành nội vụ đã tính toán và xác định số lượng giáo viên thiếu cần phải bù đắp, bổ sung từ nay tới năm 2026 lên đến 107.000 giáo viên. Con số này có thể còn biến động trước tình hình giáo viên nghỉ việc. Con số này tính toán cần bù đắp để vừa đảm bảo duy trì hoạt động dạy và học bình thường, hơn thế là để tính toán thực hiện các mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng.
Ngoài ra, tình trạng thiếu giáo viên còn do nhiều nguyên nhân như một thời gian dài không tuyển được; nhiều nơi dồn vài ba năm mới tuyển. Mặt khác, còn vấn đề là thiếu nguồn tuyển hoặc có nguồn đã được đào tạo nhưng không dự tuyển vì chọn các nghề khác…
Vừa qua Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chính phủ đã duyệt và giao cho ngành giáo dục 65.000 chỉ tiêu và sẽ tuyển dần trong từ nay đến năm 2026. Riêng năm 2022 được duyệt 27.850 chỉ tiêu, các Sở Nội vụ của các tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị đã bắt đầu công việc tuyển dụng giáo viên.
Ngoài chỉ tiêu mới, các tỉnh, thành tuy thiếu chỉ tiêu nhưng vẫn đang tồn đọng trên 10.000 chỉ tiêu từ các năm cũ vẫn chưa tuyển được, đề nghị các địa phương vừa tuyển số mới, vừa tiếp tục tuyển số cũ để đáp ứng được nhu cầu.
Nguồn: https://congthuong.vn/10-phat-bieu-an-tuong-cua-cac-bo-truong-truong-nganh-tai-phien-thao-luan-kinh-te-xa-hoi-225150.html
0