Áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” trong việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu trong môn học tiếng Anh ở bậc đại học tại Việt Nam


TÓM TẮT:

Qua việc tìm hiểu nguyên tắc hoạt động của phương pháp này cũng như phân tích đặc điểm người học, bài viết bàn về những lợi ích cũng như thách thức của việc áp dụng phương pháp lớp học đảo ngược trong việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu trong môn học tiếng Anh tổng quát ở bậc Đại học tại Việt Nam. Theo đó, phương pháp học đảo ngược có thể mang lại những lợi ích bằng việc tối ưu hóa hiệu quả học tập trên lớp và hỗ trợ việc học của từng cá nhân. Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này có thể gặp phải một số thách thức  phải thay đổi tư duy đã tồn tại từ lâu về vai trò của giáo viên và học sinh trong lớp học … Bài viết cũng đưa ra một vài gợi ý hỗ trợ việc bước đầu áp dụng phương pháp này trong dạy tiếng Anh tại Việt Nam.

Từ khóa: lớp học đảo ngược, dạy học tiếng Anh, kỹ năng đọc hiểu.

1. Đặt vấn đề

Thực hiện đổi mới toàn diện giáo dục, trong đó đổi mới phương pháp dạy học là vấn đề được các cấp lãnh đạo và giáo viên hưởng ứng tích cực, đáp ứng đón đầu và tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông 2018 (Chương trình này Bộ Giáo dục và Đào tạo bắt đầu triển khai năm 2018, đến cuối năm 2022 tiến hành đánh giá quá trình triển khai thực hiện Chương trình). Trong chiến lược đổi mới toàn diện ngành Giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học có ý nghĩa quyết định. Các phương pháp dạy học tích cực được áp dụng ngày càng nhiều và đều có mục tiêu là phát huy năng lực nhận thức, độc lập, sáng tạo, phát hiện và giải quyết vấn đề của người học. Dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược - Flipped Classroom - là một trong những phương pháp dạy học tích cực, hiện đại và đáp ứng được các yêu cầu nêu trên. Thay vì giảng bài như truyền thống, giáo viên sẽ là người hướng dẫn; người học thay vì tiếp thu kiến thức một cách thụ động từ giáo viên sẽ phải tự tiếp cận kiến thức, tự mình trải nghiệm, khám phá, tìm tòi các thông tin liên quan về bài học. Mô hình này giúp học sinh, sinh viên phát huy và rèn luyện năng lực tự học, tính chủ động của bản thân mà không còn thụ động trong quá trình khám phá tri thức, từ đó nâng cao kết quả dạy học.

Không chỉ vậy, bản thân người viết nhận thấy, theo định hướng xây dựng nội dung chương trình sách giáo khoa tiếng Anh của chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh sẽ được tìm hiểu đa dạng kiến thức phù hợp với sở thích khám phá theo lứa tuổi của các em. Do đó, việc hướng dẫn học sinh chuẩn bị kiến thức về chủ đề đang học một cách hiệu quả, giao về cho các em một số nội dung ở mọi hình thức (short video, journals, magazines hoặc web sites), hướng các em đến việc tự khám phá kiến thức về bài học của mình sắp học dựa trên các kiến thức thực tiễn giáo viên cung cấp. Các hình thức khai thác tài liệu học từ các phương tiện truyền thông có thể được xem là cách học mới năng động, hiệu quả cho người học ngoại ngữ. Từ đó, giúp các em trở nên hứng thú hơn với cách học ngoại ngữ theo hướng gợi mở, tự tìm hiểu thay cho kiểu học ráp từ vựng như cách học cũ.

2. Bối cảnh của việc dạy và học tiếng Anh tại Việt Nam

Học sinh ở các nước châu Á nói chung, ở Việt Nam nói riêng được coi là tiếp thu kiến thức một cách thụ động và có xu hướng học vẹt. Ngoài ra, vai trò mà các em phải đảm nhận trong quá trình học tập là rất ít so với vai trò của giảng viên (Đặng, 2010; Joanne & Lateef, 2014). Tuy nhiên, thói quen học tập này, cũng như vai trò giữa giáo viên và học sinh không nên coi là điều tất yếu,. Do đó, mặc dù một số nét đặc trưng của văn hóa phương Đông và các phương pháp truyền thống, ở một mức độ nào đó vẫn còn tồn tại, nhưng không thể cản trở học viên Việt Nam tích cực trong quá trình học tập. Một nghiên cứu với sự tham gia của hơn 2.300 sinh viên đến từ các nước Đông Á (trong đó có Việt Nam) chỉ ra rằng sinh viên châu Á không thích học tập thụ động (Littlewood, 2000). Kết quả cũng chứng minh rằng nếu học sinh châu Á thể hiện vai trò thụ động trong lớp học thì nguyên nhân chủ yếu là do môi trường giáo dục mà họ đã và đang được đưa vào (Littlewood, 2000). Một học sinh sẽ thụ động, hay tự tin thể hiện thái độ quan điểm của mình, là tùy thuộc vào môi trường lớp học của mình (Dang, 2010). Như vậy, phương pháp sư phạm phù hợp của giáo viên có vai trò to lớn trong việc giúp học sinh phát huy tối đa vai trò của mình trong giờ học.

Về giảng dạy và học tiếng Anh ở Việt Nam đã có sự chuyển đổi từ phương pháp ngữ pháp - dịch truyền thống sang phương pháp giao tiếp. Bên cạnh đó, giáo viên còn hướng đến thiết kế các hoạt động mà trong đó học sinh có cơ hội tương tác với nhau. Ngoài ra, vai trò của học sinh đã chuyển từ việc chiếm giữ vai trò thụ động thực hiện những gì giáo viên yêu cầu sang chủ động trong quá trình học tập. Mục đích của tất cả các bài giảng là đáp ứng nhu cầu của người học và nâng cao vai trò tích cực của học sinh để giúp họ đạt được thành công.

3. Áp dụng mô hình “lớp học đảo ngược” trong việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu trong môn học tiếng Anh tổng quát

3.1. Một số khái niệm

3.1.1. Lớp học đảo ngược

Lớp học đảo ngược là mô tả một “sự đảo ngược của giáo dục truyền thống”, học sinh được tiếp xúc với nguồn thông tin mới bên ngoài lớp học thông qua việc đọc hoặc nghiên cứu bài giảng, xem video ở nhà, thời gian học trên lớp được sử dụng để thực hiện các hoạt động lĩnh hội kiến thức mang tính thách thức như: giải quyết vấn đề, thảo luận hoặc tranh luận... Học sinh sẽ chủ động trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lý thuyết hơn, các em có thể tiếp cận bài giảng bất kỳ thời gian nào, có thể dừng bài giảng lại, ghi chú và xem lại nếu cần (điều này là không thể nếu nghe giáo viên giảng dạy trên lớp). Các công nghệ E-Learning, Google form, Quizzi… giúp học sinh hiểu kỹ hơn các vấn đề lý thuyết, từ đó sẵn sàng tham gia vào các buổi học nhóm, bài tập nâng cao tại giờ học ở lớp.

3.1.2. Đọc hiểu và các lợi ích của việc thích đọc hiểu

Đọc - hiểu tiếng Anh là khả năng đọc kết hợp với sự hình thành năng lực giải thích, phân tích, khái quát, biện luận đúng - sai về logic, nghĩa là kết hợp với năng lực, tư duy và biểu đạt thông tin và ý nghĩa những gì bạn đang được đọc. 

Đọc - hiểu tiếng Anh có 2 yếu tố chính: hiểu văn bản và hiểu từ vựng. Khả năng hiểu từ vựng là khả năng hiểu ngôn ngữ đang được sử dụng trong bài đọc, trong khi khả năng hiểu văn bản chính là sử dụng từ vựng và ngôn ngữ này để phát triển nhận thức cũng như thông điệp bài đọc truyền tải.

Kỹ năng đọc - hiểu là một kỹ năng quan trọng và đồng thời mang lại rất nhiều lợi ích cho người học. Khả năng đọc - hiểu thành thạo không những mang lại những lợi ích đáng kể cho cuộc sống cá nhân và công việc của bạn, mà còn tăng sự hứng thú của bạn trong việc đọc.

Ngoài ra, kỹ năng đọc - hiểu còn mang lại những lợi ích đáng kể như:

- Khả năng hiểu, phân tích hay trả lời những văn bản, tin nhắn hay thư điện tử tại trường học hay nơi làm việc.

- Phát triển kỹ năng viết một cách rõ ràng và hiệu quả hơn

- Khả năng đọc và hiểu được những thông tin hay sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu thông qua báo chí hay tin tức nước ngoài.

- Tạo cảm giác thích thú và có động lực hơn trong việc đọc.

3.2. Đặc điểm của mô hình lớp học đảo ngược

Mô hình lớp học đảo ngược là một phương thức dạy học theo mô hình kết hợp. Mô hình này đã khai thác triệt để những ưu điểm của công nghệ thông tin và góp phần giải quyết được những hạn chế của mô hình dạy học truyền thống bằng cách “đảo ngược” quá trình dạy học so với mô hình dạy học truyền thống. Sự “đảo ngược” ở đây được hiểu là sự thay đổi với các dụng ý và chiến lược sư phạm thể hiện ở cách triển khai các nội dung, mục tiêu dạy học và các hoạt động dạy học khác với cách truyền thống trước đây của người dạy và người học.

Bảng 1 sẽ thể hiện rõ hơn các hoạt động trong lớp học đảo ngược.

Bảng 1. Hoạt động trong lớp học đảo ngược

tiếng Anh

lớp học đảo ngược

lớp học đảo ngược

Trong mô hình lớp học đảo ngược, các hoạt động “Học ở lớp, làm bài tập ở nhà” (theo mô hình lớp học truyền thống) được chuyển thành các hoạt động tự học ở nhà qua video bài giảng, học trực tuyến, nghiên cứu bài học qua Internet và khi đến lớp người học sẽ làm bài tập, trao đổi, chia sẻ các nội dung của bài học, giải quyết các vấn đề, tình huống do giáo viên đặt ra. Người học sẽ phải làm việc với bài giảng trước thông qua đọc tài liệu, tóm tắt tài liệu, nghe giảng thông qua các phương tiện hỗ trợ như các clip, bản trình chiếu cũng như tìm kiếm, khai thác các tài liệu để phục vụ cho việc nghiên cứu bài học. Khi so sánh giữa hai mô hình, có thể nhận thấy sự khác biệt cơ bản trong việc tổ chức các hoạt động trong và ngoài lớp học, giữa mô hình lớp học đảo ngược và lớp học truyền thống. Các công nghệ hỗ trợ học trực tuyến ở nhà đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp học sinh hiểu kĩ hơn về lý thuyết, từ đó sẵn sàng tham gia vào các buổi học nhóm, bài tập nâng cao tại giờ học trên lớp. Như vậy, việc học tập của học sinh sẽ hiệu quả hơn, người học chủ động hơn, tự tin hơn trong việc tích lũy kiến thức. Điều này khác với lớp học truyền thống, học sinh đến trường nghe giảng bài thụ động, sau đó các em về nhà làm bài tập và quá trình làm bài tập sẽ khó khăn nếu học sinh không hiểu bài.

Hình 1: Minh họa thang bậc nhận thức của Bloom theo các mô hình dạy học

lớp học đảo ngược

Thang đo Bloom được xem là một công cụ nền tảng để phân loại các mục tiêu và kỹ năng khác nhau mà các nhà giáo dục đặt ra cho học sinh của họ (mục tiêu học tập). Thang đo này được đề xuất vào năm 1956 bởi Benjamin Bloom, một nhà tâm lý học giáo dục tại Đại học Chicago (Mĩ). Như vậy, theo thang đo Bloom thì việc truyền thụ kiến thức mới thuộc về người thầy và nhiệm vụ này chỉ ở bậc thấp (tức là “nhớ” và “hiểu”). Còn nhiệm vụ học sinh làm bài tập vận dụng thuộc bậc cao của thang tư duy (bao gồm “áp dụng”, “phân tích”, “đánh giá” và “sáng tạo”).

3.3. Một số công cụ hỗ trợ dạy học theo mô hình lớp học đảo ngược

Để tổ chức được lớp học đảo ngược hiệu quả, giáo viên cần sự trợ giúp của một số công cụ hỗ trợ. Có rất nhiều công cụ hỗ trợ với những tính năng ưu việt khác nhau như:

- Các công cụ trình chiếu: Bài giảng E-Learning, PowerPoint, 280 slide, Zoho Show, Canvas…

- Các công cụ học tập: Google Classroom, Edmodo, Kahoot, Padlet, Quizzi…

3.4. Nguyên tắc tổ chức hoạt động học tập theo mô hình lớp học đảo ngược

- Đảm bảo nguyên tắc lấy người học làm trung tâm. Thời gian ở lớp được dành để khám phá các chủ đề sâu hơn và tạo ra những cơ hội học tập thú vị. Trong khi đó, những bài giảng, những video giáo dục trực tuyến được thiết kế để truyền tải nội dung bên ngoài lớp học. Ở lớp học đảo ngược, việc truyền tải nội dung có thể ở nhiều hình thức, do giáo viên thiết kế.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là điều kiện quan trọng để có thể thực hiện lớp học đảo ngược. Các công cụ, ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hỗ trợ người học:

+ Nắm bắt nội dung chính thuận lợi, phù hợp với năng lực và với tốc độ học tập.

+ Trình bày các học liệu phù hợp với phong cách học, phương thức học khác nhau.

+ Tạo ra cơ hội thảo luận, trao đổi và tương tác trong và ngoài lớp học (Ví dụ: các công cụ trao đổi trực tuyến, chia sẻ xã hội, trả lời khảo sát, bỏ phiếu, các công cụ thảo luận, công cụ tạo nội dung).

+ Cung cấp thông tin kịp thời cho phép tạo các cảnh báo, cập nhật và nhắc nhở người học.

+ Cung cấp thông tin phản hồi tức thì, ẩn danh cho người dạy và người học nhằm mục đích đánh giá cải tiến, điều chỉnh vì sự tiến bộ của người học.

+ Thu thập dữ liệu về sự tiến bộ và thành tích học tập của người học, dự báo các khó khăn, thách thức đối với người học.

+ Đưa ra các thang điểm thưởng cộng trong phần đánh giá năng lực đặc thù của mỗi học sinh, thang điểm tham gia vào bài giảng (class participation thường chiếm từ 10-20% điểm số trong quá trình học của học sinh). Từ đó, tạo động lực cho người học về các nhiệm vụ giao về nhà, phát huy năng lực tự chủ trong người học, phù hợp với xu thế học mới: lấy người học là trung tâm.

4. Lợi ích việc áp dụng “lớp học đảo ngược” trong việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu trong môn học tiếng Anh tổng quát

4.1. Lợi ích đối với sinh viên

Phát triển kỹ năng tự học và tính kỷ luật cho sinh viên. Sinh viên chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu, nghiên cứu bài học, khám phá, lĩnh hội kiến thức để có thể tiến tới các cấp độ cao trong tư duy.

- Cung cấp nội dung dạy học có định hướng giúp tối ưu hóa thời gian học tập cho sinh viên. Môi trường học tập linh hoạt. Sinh viên có thể tự lựa chọn địa điểm, thời gian, cách thức, tốc độ học tập phù hợp với bản thân. Ngay cả khi nghỉ học và bỏ lỡ một số bài học, sinh viên vẫn có cơ hội xem lại các thông tin cần thiết và bắt kịp tiến độ học tập của các bạn cùng lớp. Tạo điều kiện cho những sinh viên có khả năng tiếp nhận bài học chậm hơn vẫn có thể hoàn thành tốt nội dung bài học.

- Sinh viên không phải học một mình mà có sự kết nối, tương tác, hỗ trực trực tiếp từ giáo viên và bạn bè. Có cơ hội để phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình trước đám đông, đặt câu hỏi phản biện.

- Bài học trở nên thú vị, thu hút sinh viên hơn. Đồng thời, mô hình này tạo ra môi trường học tập sát với sinh viên, phù hợp với mọi trình độ, giúp việc học hiệu quả và có ý nghĩa hơn.

- Sinh viên có thêm thời gian và dễ dàng áp dụng kiến thức vào trong thực tiễn dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

4.2. Hiệu quả sử dụng với giáo viên

Tiết kiệm thời gian giảng dạy kiến thức nền tảng: Các video đã có sẵn có thể áp dụng ở nhiều lớp giúp giảm thời gian phải nói lại ở trên lớp như cách dạy truyền thống.

- Tối ưu thời gian làm việc cho giáo viên: Giáo viên có thêm thời gian nghiên cứu kiến thức mới, hướng dẫn, điều hành lớp học và giúp sinh viên thực hành, học tập chuyên sâu hơn. Giáo viên cũng có thêm thời gian để tương tác, đánh giá điểm mạnh, yếu của mỗi sinh viên để dạy học hiệu quả. Giáo viên có nhiều thời gian trên lớp hơn để tiếp cận các học sinh yếu kém, giúp các em nắm được kiến thức cơ bản .

Phát triển kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo: Giáo viên tìm tòi sáng tạo ra những nội dung và cách trình bày kiến thức sinh động, thú vị để thu hút sinh viên vào bài học.

5. Kết luận

Mô hình lớp học đảo ngược với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin sẽ mở ra những cơ hội học tập linh hoạt, tích cực, hiệu quả cho người học. Ứng dụng mô hình này vào dạy học nói chung và ở dạy đọc hiểu nói riêng sẽ giúp học sinh có những trải nghiệm phong phú với những hình thức học tập khác nhau. Từ đó, tăng hứng thú và phát triển được năng lực đọc hiểu cho học sinh. Đồng thời, mô hình lớp học đảo ngược cũng đòi hỏi người dạy làm mới chính mình, trang bị những kĩ năng, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo linh hoạt các ứng dụng hỗ trợ để tận dụng tối đa các hình thức, các phương tiện, kĩ thuật vào dạy học. Mặc dù, với mô hình này, người giáo viên sẽ phải đầu tư thêm thời gian trong thiết kế học liệu, kịch bản bài học, nhưng nếu được triển khai rộng rãi, đây sẽ là một mô hình dạy học hoàn toàn phù hợp trong thời đại công nghệ số hiện nay. Mô hình lớp học đảo ngược với phương pháp học tập này sẽ giúp sinh viên xóa dần thói quen thụ động, tạo tính chủ động cho các em trong việc tự tìm hiểu những tri thức mới, tạo thói quen tương tác với bạn bè, thầy cô, rèn thêm tư duy phản biện. Như thế, sinh viên sẽ hình thành thái độ học tập tích cực và những kỹ năng cần thiết của một công dân trong thời đại số.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Dang, T.T. (2010), Learner autonomy in EFL studies in Vietnam: A discussion from sociocultural perspective. English Language Teaching, 3(2), 3-9.
  2. Bergmann, J., & Sams, A. (2012), Flip your classroom: Reach every student in every class every day. Washington, DC: International Society for Technology in Education.
  3. Bishop, J. L., & Verleger, M. A. (2013). The Flipped Classroom: A survey of the research. Paper presented at the 120th ASEE Annual Conference and Exposition Atlanta.
  4. Hamdan, N., McKnight, P., McKnight, K., & Arfstrom, K. (2013). A review of flipped learning. Retrieved from <http://www.fippedlearning.org/review>.
  5. Honeycutt, B., & Garrett, J. (2014), Expanding the definition of a flipped learning environment In M. Bart (Ed.), Blended and flipped: Exploring new models for effective teaching and learning (pp.12-13). Retrieved from <http://www.facultyfocus.com/free-reports/blended-flipped-exploring-new-models-effectiveteaching-learning/>
  6. Hung, H.T. (2014), Flipping the classroom for English language learners to foster active learning. Computer Assisted Language Learning, 28(1), 81-96.
  7. Joanne, C. S. M., & F., L. (2014), The flipped classroom: Viewpoints in Asian universities. Education in Medicine Journal, 6(4), 20-26.

APPLYING THE FLIPPED CLASSROOM METHOD

IN TRAINING THE READING COMPREHENSION SKILLS

FOR GENERAL ENGLISH IN VIETNAMESE UNIVERSITIES

 Master. VO THI MINH NGAN

Industrial University of Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

By analyzing the flipped classroom model’s working principles and the characteristics of learners, this paper discusses the benefits and challenges of applying the flipped classroom method in training the reading comprehension skills for general English in Vietnamese universities. The paper finds that the flipped classroom method can provide benefits to learners by optimizing classroom learning and supporting individual learning. However, the application of this method can face some challenges in changing long-standing thinking about the roles of teachers and students in classrooms. This paper also offers some suggestions to facilitate the initial application of the flipped classroom method to teaching English in Vietnam.

Keywords: flipped classroom, teaching English, reading comprehension skills.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3