(CHG) Ngày 5/6, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức Chương trình tập huấn giảng viên về thương mại điện tử và kinh tế số năm 2023 tại Trường Đại học Ngoại thương, Hà Nội.
Gần 200 giảng viên đến từ các trường đại học khu vực miền Bắc lần đầu tiên được tham gia tập huấn, nâng cao kiến thức về thương mại điện tử và kinh tế số.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trường Đại học Ngoại thương, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cùng các chuyên gia, doanh nghiệp cung cấp giải pháp về thương mại điện tử và gần 200 giảng viên đến từ các trường đại học đào tạo về thương mại điện tử khu vực miền Bắc.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc khóa tập huấn.
Phát biểu khai mạc, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, trải qua hơn bốn thập kỷ hình thành và phát triển, thương mại điện tử - một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số đã ngày càng khẳng định được vai trò, tầm quan trọng đối với doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế số nói chung.
Hiện nay, thị trường thương mại điện tử thế giới ngày càng phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Báo cáo thương mại điện tử toàn cầu của eMarketer, năm 2022 doanh thu thương mại điện tử toàn cầu ước đạt khoảng 5,54 nghìn tỷ USD, chiếm 21% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu. Dự báo đến năm 2025, doanh thu thương mại điện tử toàn cầu có thể đạt đến 7,38 nghìn tỷ USD và chiếm 24,5% tổng doanh thu bán lẻ toàn cầu.
Ở Việt Nam, hoạt động thương mại điện tử tiếp tục phát triển và trở thành kênh phân phối quan trọng. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Việt Nam cũng được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (với tốc độ tăng trưởng 20%/năm).
Nhận thức được vai trò quan trọng của thương mại điện tử đối với sự phát triển, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm, chỉ đạo nhằm phát triển thương mại điện tử ổn định và bền vững. Trong đó, đối với nhiệm vụ đào tạo thương mại điện tử, theo Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 (kèm theo Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ) đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đào tạo thương mại điện tử, đồng thời đề ra nhiệm vụ: “Đào tạo kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử cho giáo viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử”.
Cùng với đó, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra nhiệm vụ: “Tăng cường hàm lượng thực hành trong đào tạo các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, đưa các nền tảng số, công nghệ số, đặc biệt là các nền tảng số của Việt Nam, công nghệ mở vào giới thiệu trong các chương trình đào tạo để sinh viên có điều kiện thực hành và tiếp cận thực tế”.
Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, hiện nay, số lượng các trường đại học và cao đẳng tại Việt Nam là trên 500, trong đó có 36 trường đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử, trên 50 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Con số này còn khá hạn chế để có thể đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Kết quả khảo sát công bố tại Báo cáo Sách trắng thương mại điện tử năm 2022 cũng cho thấy, có 64% doanh nghiệp được khảo sát dành sự ưu tiên hơn trong tuyển dụng đối với các nhân sự được đào tạo về công nghệ thông tin và thương mại điện tử.
Tuy nhiên, theo một khảo sát của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, chỉ có 30% nhân lực tại công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử hiện nay mới được đào tạo chính quy về thương mại điện tử; 70% còn lại được tuyển dụng từ các lĩnh vực thương mại, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin và một số ngành nghề liên quan. Như vậy, hiện nay nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp đối với nguồn nhân lực về thương mại điện tử là rất lớn.
Chương trình có sự tham gia của gần 200 giảng viên đến từ các trường đại học đào tạo về thương mại điện tử khu vực miền Bắc.
Xuất phát từ những yêu cầu trên, bà Oanh cho biết, Chương trình tập huấn giảng viên thương mại điện tử năm 2023 được xây dựng nhằm mục tiêu giúp các giảng viên cập nhật các chính sách, xu hướng mới của kinh doanh số và công nghệ liên quan tới đào tạo thương mại điện tử, hỗ trợ các trường bổ sung, sửa đổi chương trình đào tạo, bài giảng, học liệu, thực tập và kiến tập cho sinh viên. Qua đó, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên, đóng góp cho hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật về kinh tế số, thương mại điện tử và đào tạo thương mại điện tử.
“Thông qua khóa tập huấn này, Ban Tổ chức hy vọng là cầu nối, thắt chặt quan hệ giữa các trường đại học, thúc đẩy sự hợp tác trong xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng học liệu, trao đổi giảng viên. Đồng thời, cũng tạo lập mối liên kết giữa các trường đại học với các cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật, các tổ chức và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử”, bà Oanh nói.
PGS.TS. Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, Đại học Ngoại thương là một trong những trường đầu tiên đào tạo về thương mại điện tử trong cả nước. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, bộ môn này luôn được duy trì và phát triển trong chương trình đào tạo của Trường. PGS.TS. Đào Ngọc Tiến hy vọng, lần đầu tiên được tổ chức, Chương trình tập huấn giảng viên về thương mại điện tử và kinh tế số sẽ tạo ra bước tiến mới trong đào tạo lĩnh vực này tại các cơ sở giáo dục đại học nước ta.
Bên cạnh đó, khóa tập huấn cũng là cơ hội để các giảng viên của Trường Đại học Ngoại thương nâng cao kỹ năng về lĩnh vực này, đồng thời, có cơ hội học hỏi, giao lưu và kết nối với các trường đào tạo về thương mại điện tử và các doanh nghiệp cung cấp giải pháp về thương mại điện tử.
Chương trình đào tạo khóa tập huấn gồm 3 phiên: Giới thiệu các nền tảng số, công nghệ số vào chương trình đào tạo thương mại điện tử và kinh tế số; Chính sách và pháp luật hiện tại cũng như dự kiến ban hành về kinh tế số và thương mại điện tử tác động thế nào tới chương trình đào tạo; Hợp tác giữa các trường đại học, cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp. Hình thức tập huấn theo hướng tương tác và mở, khuyến khích trao đổi, tranh luận giữa các đại biểu với khách mời và báo cáo viên.
Cùng với Chương trình tổ chức tại Hà Nội ngày 5/6, Chương trình sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng và TP. HCM vào các ngày 7 và 9/6/2023./.
0