Các yếu tố hệ sinh thái khởi nghiệp của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến ý định khởi sự kinh doanh của sinh viên
Bài viết "Các yếu tố hệ sinh thái khởi nghiệp của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ảnh hưởng đến ý định khởi sự kinh doanh của sinh viên" do Dương Thị Ngọc Liên - Nguyễn Hồng Ngân (Khoa Quản lý Công nghiệp - Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Nghiên cứu nhằm đánh giá các yếu tố hệ sinh thái khởi nghiệp của Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHBK) ảnh hưởng đến ý định khởi sự kinh doanh (KSKD) của sinh viên (SV). Nghiên cứu định lượng được thực hiện với 170 mẫu khảo sát. Kết quả có 2 yếu tố tác động lên ý định KSKD của SV: Khả năng tiếp cận tài chính và Các yếu tố xã hội. Phân tích ANOVA cũng cho thấy không có sự khác biệt về giới tính, khóa học và khoa đào tạo đến ý định KSKD của SV ĐHBK.
Từ khóa: khởi sự kinh doanh, sinh viên, hệ sinh thái khởi nghiệp, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
1. Đặt vấn đề
KSKD là một hành trình tìm kiếm cơ hội, huy động nguồn lực và chấp nhận rủi ro nhằm thực hiện hóa giấc mơ tạo dựng sự nghiệp cho riêng mình của các doanh nhân. Điều này góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, giảm bớt tỷ lệ thất nghiệp cho quốc gia (Azhar, Javaid, Rehman and Hyder, 2010). Ngày nay, KSKD đã và đang trở thành phương thức lập nghiệp mang xu hướng thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nền kinh tế. Từ những nỗ lực mang tầm quốc gia, việc KSKD ở Việt Nam ngày càng phát triển và thu hút được sự tham gia của nhiều đối tượng, trong đó có đông đảo SV (Krueger, Reilly and Carsrud, 2000; Krueger, 2000).
Ở góc độ quốc gia, ngày 18/5/2016, Thủ tướng đã ký ban hành Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”. Ngày 30/3/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ký ban hành Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, SV khởi nghiệp đến năm 2025”. Tinh thần “quốc gia khởi nghiệp” đã được triển khai rộng khắp trong SV cả nước với nhiều chương trình đào tạo, cuộc thi khởi nghiệp, sự hỗ trợ về tài chính,…
Tại ĐHBK, bên cạnh sứ mệnh đào tạo đội ngũ tri thức có năng lực lãnh đạo, sáng tạo tri thức thông qua nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, thực hiện trách nhiệm xã hội và phục vụ cộng đồng, việc truyền cảm hứng KSKD và hình thành năng lực KSKD cho các thế hệ SV cũng được Nhà trường chú trọng. Cụ thể, môn học Khởi nghiệp đã được đưa vào giảng dạy cho SV toàn Trường. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp tại ĐHBK luôn nhận được sự quan tâm và hỗ trợ rất lớn về mọi mặt từ phía Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường nhằm tạo cơ hội để tập thể giảng viên và SV thỏa sức theo đuổi đam mê với nghiên cứu khoa học và hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh. Hiện nay, Trường có Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp công nghệ và 5 câu lạc bộ về đổi mới sáng tạo, đã giúp SV mang về các giải thưởng từ các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và triển khai kinh doanh ở thực tế.
Qua đó nhận thấy, Nhà trường đã có sự đầu tư hệ sinh thái khởi nghiệp để hỗ trợ SV KSKD. Tuy nhiên, thực tế các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp của ĐHBK đã tác động đến ý định KSKD của cộng đồng SV ĐHBK như thế nào? Đâu là điều mà Nhà trường cần có sự cải tiến, đầu tư, để nâng cao ý định KSKD của sinh viên? Tác giả vẫn chưa tìm thấy nghiên cứu nào trả lời cho những câu hỏi này. Do đó, nghiên cứu này được hình thành để giúp Nhà trường giải quyết các vấn đề trên.
2. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên nền tảng lý thuyết hệ sinh thái khởi nghiệp, khái niệm KSKD, ý định KSKD, thuyết hành động hợp lý (TRA) (Ajzen and Fishbein, 1975), thuyết hành vi hoạch định (TPB) (Ajzen and Fishbein, 1991).
Bên cạnh đó, để đề xuất được mô hình nghiên cứu, tác giả đã thừa kế các nghiên cứu của Imran Ali, Murad Ali và Saeed Badgish (2019), Moustafa Elnadi và Mohamed Hani Gheith (2021), Bùi Đức Duy và cộng sự (2021). Sau đó, tác giả đã phỏng vấn 3 chuyên gia để hiệu chỉnh mô hình nghiên cứu và thang đo. Kết quả, mô hình nghiên cứu chính thức như Hình 1 và thang đo nghiên cứu như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu
Khả năng tiếp cận tài chính: đề cập đến mức độ mà các cá nhân dễ dàng hoặc khó khăn khi tiếp cận hệ thống tài chính để KSKD. Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc những người trẻ tuổi ít có khả năng tiếp cận các nguồn tài chính, vì thế đã hạn chế việc thực hiện KSKD (Elnadi and Gheith, 2021; (Isenberg, 2011). Gentry và Hubbard (2004) nhận định những cá nhân có khả năng tiếp cận tài chính có nhiều khả năng trở thành doanh nhân hơn (Elnadi and Gheith, 2021). Trong nghiên cứu của Mittal và Vyas (2011) đề cập sự do dự trước rủi ro là rào cản của các nhà sáng lập doanh nghiệp khi tiếp cận đầu tư hoặc tài trợ từ các nguồn lực bên ngoài. Bên cạnh đó, nỗi sợ thất bại (hụt vốn, nợ khó đòi, v.v) có thể là một ranh giới quan trọng để SV quyết định bắt tay vào KSKD.
Các chính sách và quy định của ĐHBK: đó là các chính sách Nhà trường hỗ trợ cho SV KSKD, như việc giúp SV tìm hiểu luật kinh doanh, thành lập doanh nghiệp,... Chính điều này sẽ giúp SV dễ dàng hơn trong việc KSKD, phá vỡ rào cản e ngại do thiếu hiểu biết (Stevenson, 2007).
Các chương trình và sự hỗ trợ của ĐHBK: bao gồm nhưng không giới hạn ở các hoạt động như cung cấp các chương trình đào tạo khởi nghiệp, cố vấn KSKD. Đồng thời, cung cấp các chương trình hỗ trợ tiếp cận tài chính và không gian học tập, giao lưu tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ, các câu lạc bộ khởi nghiệp tại Trường (Keuschnigg và Nielsen, 2004; Bridge, 2009). Các hoạt động này giúp các nhà khởi nghiệp giảm phí và loại bỏ những tổn thất không cần thiết (Shane, 2002), tận dụng nguồn nhân lực (Delmar, 2006), được trang bị những kỹ năng cần thiết để KSKD (Elnadi, 2020; Syed, 2019).
Khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng: mức độ mà SV dễ dàng hoặc khó khăn khi tiếp cận, sử dụng các tài nguyên như văn phòng, thiết bị, internet, viễn thông tại Trường để hỗ trợ trong quá trình KSKD. Việc hạn chế khả năng tiếp cận với cơ sở hạ tầng có thể là một thách thức lớn với việc KSKD ở một số quốc gia chưa phát triển.
Các yếu tố văn hóa: sự tác động tích cực hoặc tiêu cực của các chuẩn mực văn hóa bao gồm sự nỗ lực bản thân, tính tự chủ, sáng kiến cá nhân và trách nhiệm trong quản lý cuộc sống. Văn hóa hỗ trợ để khuyến khích các doanh nhân tiềm năng lựa chọn KSKD như một nghề nghiệp (Hayton, 2002; Pruett và cộng sự, 2009; Stam, 2017). Chand và Ghorbani (2011) cho rằng sự khác nhau về văn hóa quốc gia dẫn đến việc thành lập và quản lý doanh nghiệp theo những cách khác nhau.
Các yếu tố xã hội: mang đến sự thuận lợi hoặc khó khăn về các hình mẫu KSKD trong xã hội bao gồm hình mẫu của cha mẹ, vai trò của văn hóa và hỗ trợ của gia đình để làm nguồn động lực cho hành vi KSKD của họ. Cha mẹ sở hữu doanh nghiệp sẽ tác động tích cực cho con cái sẽ trở thành doanh nhân trong tương lai (Fairlie và Robb, 2007; Deaprida, 2021). Theo Alsos và cộng sự (2011) và Chaudnary (2017), doanh nghiệp gia đình có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển tinh thần KSKD của các thành viên trong gia đình.
Giáo dục và Đào tạo: các khóa học khởi nghiệp tạo nguồn cảm hứng cũng như cung cấp các kỹ năng và kiến thức cần thiết cho những SV muốn KSKD mà không biết phải bắt đầu từ đâu (Honig, 2004; Isaacs, 2007; Turker và Selcuk, 2009). Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ý định KSKD của SV sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi có sự tác động của hoạt động đào tạo khởi nghiệp tại trường đại học (Wang và Wong, 2004; Kuratko, 2005). Do đó, có thể nói, giáo dục và đào tạo củng cố niềm tin của SV trong việc lựa chọn tự do kinh doanh như một lựa chọn nghề nghiệp (Delmar và Davidsson, 2000; Peterman và Kennedy, 2003; DeTienne và Chandler, 2004).
Bảng 1. Thang đo chính thức
3. Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng. Lấy mẫu thuận tiện, phi xác suất. Khảo sát được 170 mẫu đạt yêu cầu. Phân tích dữ liệu bằng phần mềm SPSS 20.0. Việc phân tích được tiến hành qua các bước kiểm tra độ tin cậy của thang đo, phân tích nhân tố khám phá EFA và phân tích hồi quy đa biến. Dựa trên kết quả phân tích này và ý kiến chuyên gia, tác giả đã kiến nghị các giải pháp để ĐHBK có thể tham khảo nhằm gia tăng ý định KSKD của SV thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp của Trường.
4. Kết quả nghiên cứu
Sau khi kiểm định độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha yếu tố Khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng bị loại, do có hệ số Cronbach’s Alpha là 0,432 < 0,6. Bên cạnh đó, biến quan sát VANHOA19 và biến quan sát YDINH28 bị loại bỏ nhằm tăng độ tin cậy của thang đo. Các thang đo còn lại đều đạt yêu cầu.
Kết quả phân tích nhân tố biến độc lập đạt yêu cầu kiểm định Bartlet’s test ở mức ý nghĩa 5% (Sig. = 0,000) với hệ số KMO đạt 0,787; tổng phương sai trích đạt 59,812% và các hệ số tải nhân tố đều trên 0,5, không có biến quan sát nào tải cao đồng thời ở nhiều nhóm nhân tố.
Biến phụ thuộc cũng đạt yêu cầu trong phân tích EFA cho kết quả các biến quan sát tải lên cùng một nhân tố với hệ số KMO đạt 0,697; hệ số kiểm định Bartlet’s test là 274,987 và Sig. = 0,000; phương sai trích đạt 64,314%.
Các yếu tố sau phân tích EFA đã được kiểm định tương quan cặp với nhân tố phụ thuộc và cho kết quả chỉ có 3 biến độc lập có tương quan dương với biến phụ thuộc ở mức ý nghĩa 5% là Khả năng tiếp cận tài chính, Các chương trình và hỗ trợ của trường Bách Khoa và các yếu tố xã hội. Vì thế, 3 yếu tố này được sử dụng trong phân tích hồi quy đa biến.
Kết quả phân tích hồi quy có 2 yếu tố đạt ý nghĩa về mặt thống kê 5% và có tác động dương đến ý định KSKD SV ĐHBK đó là Các yếu tố xã hội (β = 0,331) và Khả năng tiếp cận tài chính (β = 0,180). Không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các nhân tố (VIF < 2). Giá trị F đạt 10,836 và Sig. = 0,000. Hệ số R2 đạt 0,164.
Phân tích ANOVA cho thấy không có sự khác biệt về ý nghĩa thống kê trong các nhóm đối tượng: giới tính, khóa đào tạo và khoa đào tạo.
5. Thảo luận kết quả
Kết quả nghiên cứu này có 2 yếu tố tác động dương lên ý định KSKD của SV ĐHBK là: Các yếu tố xã hội và Khả năng tiếp cận tài chính. Ngoài ra, kết quả phân tích ANOVA không thể hiện sự khác biệt trong các nhóm về giới tính, khóa đào tạo và khoa đào tạo về ý định KSKD của SV ĐHBK.
Trong khi kết quả nghiên cứu của Moustafa Elnadi và Mohamed Hani Gheith (2021), ý định KSKD bị tác động của 3 yếu tố: Các chương trình và sự hỗ trợ của chính phủ; Giáo dục và đào tạo KSKD; và Các yếu tố văn hóa.
Sự khác biệt này do tác giả chỉ nghiên cứu các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp của ĐHBK, đối tượng khảo sát là SV của Trường. Có sự khác nhau về đối tượng nghiên cứu và khảo sát.
6. Kết luận và hàm ý quản trị
Trên cơ sở lý thuyết nền, sự kế thừa các nghiên cứu đi trước và phỏng vấn chuyên gia, mô hình nghiên cứu chính thức bao gồm 7 biến độc lập và 1 biến phụ thuộc. Kết quả của nghiên cứu này là hoàn chỉnh các thang đo, kiểm định mô hình và xác định được các yếu tố của hệ sinh thái khởi nghiệp cũng như mức độ ảnh hưởng của chúng đến ý định KSKD của SV ĐHBK. Kết quả nghiên cứu có 2 yếu tố tác động tích cực đến ý định KSKD của SV, đó là Khả năng tiếp cận tài chính và Các yếu tố xã hội.
Dựa trên kết quả này và sự phỏng vấn chuyên gia, tác giả có 2 giải pháp sau cho ĐHBK và đồng thời các trường đại học khác tại Việt Nam có thể tham khảo:
Đối với “Các yếu tố xã hội”: đây là yếu tố tác động mạnh nhất đến Ý định KSKD của SV ĐHBK với β=0,331. Nhà trường thông qua Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ và các CLB khởi nghiệp, các giờ giảng dạy khởi nghiệp để đẩy mạnh công tác truyền thông, tổ chức các sự kiện giao lưu, kết nối với các doanh nhân, các nhà khởi nghiệp thành công. Thông qua đó, giúp SV nâng cao nhận thức, học hỏi kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ, gia tăng cơ hội hợp tác cũng như trao giồi sự tự tin, bản lĩnh, các tố chất của 1 doanh nhân. Điều này cũng giúp SV có cơ hội tự đánh giá và nhìn nhận về sở trường, đam mê của mình, từ đó có định hướng khởi nghiệp phù hợp và thành công cao hơn.
Đối với “Khả năng tiếp cận tài chính”: Nhà trường nên đẩy mạnh sự kết nối với các tổ chức tài chính, các nhà đầu tư, các chương trình của Nhà nước hỗ trợ cho SV, thanh niên khởi nghiệp. Từ đó, giúp sinh viên nếu muốn KSKD tiếp cận với các nguồn tài chính dễ dàng hơn, được sự hỗ trợ tốt hơn để đầu tư cho dự án kinh doanh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Lan N.T.P. (2019). Chính sách hỗ trợ cho phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp: Thực trạng và giải pháp. Hội thảo Khoa học Quốc gia khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam: Cơ hội phát triển bền vững, 276-285.
Niêm L. Đ. và cộng sự (2021). Cơ sở lý thuyết các mô hình nghiên cứu trên thế giới về hệ sinh thái khởi nghiệp. Tạp chí Khoa học, Trường Đại học Tây Nguyên, 51(15), 110.
Duy B. Đ. và cộng sự (2021). Hệ sinh thái khởi nghiệp trong việc phát triển ý định khởi nghiệp của sinh viên Đại học Quốc tế Miền Đông. Hội thảo Khoa học Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo, 68-89.
Bộ Giáo dục vào Đào tạo (ngày 30/3/2018). Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai Đề án "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025".
Thủ tướng Chính phủ (ngày 18/5/2016). Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Thư T. T. M. (2019). Thực trạng và bài học kinh nghiệm từ các nước Đông Nam Á. Luận văn Đại học, Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.
Mittal M. and Vyas R. K. (2011). A study of psychological reasons for gender differences in preferences for risk and investment decision making, IUP Journal of Behavioral Finance, 8(3).
Evans D.S. and Jovanovic B. (1989). An estimated model of entrepreneurial choice under liquidity constraints. Journal of Political Economy, 97(4), 808-827.
Ajzen I. and Fishbein M. (1975). Belief Attitude Intention and Behavior: An Introduction to Theory and Research. New York: Addison-Wesley Publishing Company.
Krueger N.F., Reilly M.D. and Carsrud Al.(2000). Competing models of entrepreneurial intentions. Journal of Business Venturing, 15, 411-432.
Chaudhary R. (2017). Demographic factors, personality and entrepreneurial inclination: A study among Indian university students. Education and Training, 59(2), 171-187.
Delmar F. and Shane S. (2006). Does experience matter? The effect of founding team experience on the survival and sales of newly founded ventures. Strategic Organization, 4(3), 215-247.
Azhar A., Javaid A., Rehman M., Hyder A. (2010). Entrepreneurial Intentions among Business students in Pakistan. Journal of Business Systems, Governane and Ethics, 5(2), 13-21.
Choo S., Wong M. (2006). Entrepreneurial intention: Triggers and barriers to new venture creations in Singapore. Singapore Management Review, 28(2), 47-64.
Elnadi M., and Gheith M.H. (2021). Entrepreneurial ecosystem, entrepreneurial self-efficacy, and entrepreneurial intention in higher educaion: Evidence from Saudi Arabia. The International Journal of Management Education, 9(1), 1-16.
Gentry W.M. and Hubbard R. G.(2004). Entrepreneurship and household saving. Advances in Economic Analysis & Policy, 4(1), 1-55.
Kristiansen S., Indarti N. (2004). Entrepreneurial intention among Indonesian and Norwegian students. Journal of Enterprising Culture, 12(1), 55-78.
Krueger N. F., Brazeal D. (1994). Entrepreneurial Potential and Potential Entrepreneurs. Entrepreneurship Theory and Practice, 18(3), 91-104.
Lowell W.B. (2003). Entrepreneurship research in emergence: past trends and future directions. Journal of Management, 29(3), 286-288.
Thompson E. R. (2009). Individual entrepreneurial intent: Construct clarification and development of an internationally reliable metric. Entrepreneurship Theory and Practice, 33(3), 669-694.
Stam E.(2017). Measuring entrepreneurship ecosystem. U.S.E Discussion Paper Series nr: 17-11, Utrecht School of Economics Utrecht University, Utrecht.
Hayton JCJ., George GG. and Zahra SAS. (2002). National culture and entrepreneurship: A review of behavioral research. Entrepreneurship Theory and Practice, 26(4), 33-52.
Chand M., Ghorbani M. (2011). National culture, networks and ethnic entrepreneurship: A comparison of the Indian and Chinese immigrants in the US. International Business Review, 20(6), 593-606.
Shane S. and Cable D. (2002). Network ties, reputation, and the financing of new ventures. Management Science, 48(3), 364-381.
De Tienne DR. and Chandler GN.(2004). Opportunity identification and its role in the entrepreneurial classroom: A pedagogical approach and empirical test. Academy of Management Learning & Education, 3(3), 242-257.
Bruns K., Bosma N., Sanders M. and Schramm M. (2017). Searching for the existence of entrepreneurial ecosystems: a regional cross-section growth regression approach, Small Business Economics, 49(1), 31-54.
Tkachev A., Kolvereid L. (1999). Self-employment intentions among Russian students. Entrepreneurship & Regional Development, 11(3), 269-280.
Gu Q., Karoly L.A. and Zissimopoulos J.(2010). Small business assistance programs in the United States: An analysis of what they are, how well they perform, and how we can learn more about them. International Review of Entrepreneurship, 8(3), 199-230.
Ali I., Ali M. and Badghish S. (2019). Symmetric and asymmetric modeling of entrepreneurial ecosystem in developing entrepreneurial intentions among female university students in Saudi Arabia. International Journal of Gender and Entrepreneurship, 11(4), 435-458.
Ajzen I. and Fishbein M. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50, 179-211.
Alsos,GA., Carter,S. and Ljunggren, E.(2011), The Handbook of Research on Entrepreneurship in Agriculture and Rural Development, Edward Elgar Publishing.
Begley T.M., Tan W.L. (2007). The socio-cultural environment for entrepreneurship: a comparison between East asian and Anglo-Saxon countries. Journal of international business studies, 32(3), 537 - 553.
Bridge S., O’Neill K., Martin F. (2009). Understanding enterprise, entrepreneurship and small business, (3rd ed.). Houndmills, Basingstoke: Palgrave Macmillan.
Deaprida NOA (2021). The effect of entrepreneurial education in family and family business on entrepreneurial intention through entrepreneurial motivation on marble craftsmen in Tulungagung. South East Asia Journal of Contemporary Business, Economics and Law, 24(5), 143-149.
Isenberg D. (2011). The Entrepreneuship Ecosystem Strategy as a New Paradigm for Economy Policy: Principles for Cultivating Entrepreneuship. Institute of International and European Affairs, Dublin, Ireland, 1-13.
Krueger N.F. (2000). The cognitive infrastructure of opportunity recognition. Entrepreneurship Theory and Practice, 18, 5-23.
Kuratko D. F. (2005). The emergence of entrepreneurship education: Development, trends and challenges. Entrepreneurship Theory and Practice, 29(5), 577-597.
Aldrich H.E. (1990). Using ecological perspective to study organizational founding rates. Entrepreneurship Theory and Practice, 14(3), 7-24.
Turker D. and Selcuk S.S. (2009). Which factors affect entrepreneurial intention of university students?. Journal of European Industrial Training, 33(2), 142-159.
Impacts of the startup ecosystem of Ho Chi Minh City University of Technology,
Vietnam National University - Ho Chi Minh City on the entrepreneurial intentions
of the university students
Duong Thi Ngoc Lien 1,2
Nguyen Hong Ngan 1,2
1 School of Industrial Management, Ho Chi Minh City University of Technology
2 Vietnam National University - Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study evaluates how the startup ecosystem of Ho Chi Minh City University of Technology, Vietnam National University - Ho Chi Minh City affects the entrepreneurial intentions of the university students. The study’s quantitative research was conducted with data collected from 170 students. The study’s results show that there are two factors affecting the entrepreneurial intentions of the university students, including financial accessibility and social factors. The ANOVA analysis also shows that the factors of gender, academic major, and faculty do not impact the entrepreneurial intentions of university students.
Keywords: entrepreneur, student, startup ecosystem, Ho Chi Minh City University of Technology - Vietnam National University - Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.