Tóm tắt:
So với Luật Thanh tra năm 2010 thì Luật Thanh tra năm 2022 có một số điểm mới nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn một số những hạn chế về pháp lý trong hoạt động thanh tra và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Bài viết trình bày về một số điểm mới và hạn chế về mặt pháp lý đối với hai hoạt động trên, từ đó đề xuất một số kiến nghị hoàn thiện nhằm tăng tính hiệu quả của hoạt động.
Từ khóa: thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, thanh tra cấp huyện.
Thuật ngữ “thanh tra” bắt đầu xuất hiện trong Sắc lệnh số 64/SL ngày 23/11/1945 và tiếp tục được quy định trong Pháp lệnh số 33-LCT/HDDNN8 ngày 29/3/1990 khẳng định thanh tra là một chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước. Sau Pháp lệnh, Luật Thanh tra năm 2004 ra đời, thuật ngữ “thanh tra nhà nước” và “thanh tra nhân dân” bắt đầu xuất hiện. Thế nhưng, thanh tra nhân dân tuy có từ “thanh tra” nhưng về bản chất lại không thực hiện hoạt động này mà “là hoạt động giám sát”[1] và không mang tính quyền lực nhà nước. Nên để định nghĩa hoạt động thanh tra thì khái niệm “thanh tra nhà nước” cần được quan tâm. Đến Luật Thanh tra năm 2010 vẫn phân tách rõ hai thuật ngữ trên nhưng định nghĩa thanh tra có sự kế thừa và phát triển Luật Thanh tra năm 2004, đưa ra cách hiểu là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Trong đó, thanh tra hành chính là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trực thuộc trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Khi Luật Thanh tra năm 2022 có hiệu lực, hai thuật ngữ “thanh tra nhà nước” và “thanh tra nhân dân” không còn được quy định, thay vào đó, các nhà làm luật đã loại bỏ hai thuật ngữ và gộp thành “thanh tra”. Thanh tra là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan thực hiện chức năng thanh tra đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Định nghĩa về thanh tra cũng có sự kế thừa và phát triển so với Luật Thanh tra năm 2010, được nêu là thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân và những đối tượng thanh tra như phòng, ban chuyên môn, ủy ban nhân dân cấp xã… thuộc sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước như ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy, hoạt động thanh tra hành chính là xem xét, đánh giá, xử lý việc thi hành, tuân thủ các chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của đối tượng thuộc quyền quản lý của cơ quan quản lý nhà nước và “mang tính kiểm soát nội bộ”[2]. Từ phân tích trên, có thể khẳng định hoạt động thanh tra cấp huyện là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện, được thực hiện bởi cơ quan thanh tra cấp huyện, theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
Trong hoạt động thanh tra, trước hết là lập và triển khai kế hoạch thanh tra của cơ quan, khác với Luật Thanh tra năm 2010 nhấn mạnh thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và tổ chức thực hiện kế hoạch đó, Luật Thanh tra năm 2022 lại quy định khác. Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ có nghĩa vụ xem xét và quyết định kế hoạch này nhằm tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của thanh tra cấp tỉnh. Điều này có thể chứng minh các nhà làm luật đang thể hiện đúng đặc điểm nổi bật của thanh tra cấp huyện, đó là cơ quan này chịu sự chỉ đạo về công tác thanh tra của thanh tra cấp tỉnh. Mọi hoạt động liên quan đến chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn đều do thanh tra cấp tỉnh hướng dẫn chỉ đạo thực hiện. Hơn nữa, việc tổ chức thực hiện cũng không do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện tiến hành mà thực hiện theo kế hoạch thanh tra của tỉnh. Để thanh tra cấp tỉnh quản lý, chỉ đạo theo kế hoạch chung giúp kiểm soát các kế hoạch của thanh tra cấp huyện được đảm bảo tính chuyên môn cao.
Như vậy, thanh tra cấp huyện sẽ không được chủ động trong phê duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra mà thay vào đó là phụ thuộc và nằm trong kế hoạch của thanh tra tỉnh. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ khác vẫn được đảm bảo như thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện và của Ủy ban nhân dân cấp xã; thanh tra vụ việc khác khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra huyện và quyết định xử lý về thanh tra của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.
Tuy nhiên, nếu dồn hết sự quản lý về mặt nghiệp vụ thanh tra về thanh tra cấp tỉnh thì việc hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra cấp huyện chỉ mang tính thực hiện, chứ chưa có sự chủ động nhất định trong hoạt động này, nhất là khi dự thảo kế hoạch thanh tra sẽ phải chịu sự xem xét, đánh giá từ hai phía, là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và thanh tra cấp tỉnh. Hơn nữa, theo quy định của Luật Thanh tra năm 2022, cơ quan này có nhiệm vụ thanh tra những vụ việc khác khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao. Trong trường hợp những vụ việc khác đó trùng với kế hoạch kiểm toán của kiểm toán nhà nước, nhất là đối với các dự án đầu tư xây dựng và doanh nghiệp nhà nước thì sẽ giải quyết như thế nào, có xảy ra sự trùng lặp với kế hoạch thanh tra của tỉnh hay không thì cần đề ra biện pháp nhất định để giải quyết.
Bên cạnh đó, việc đôn đốc, kiểm tra thực hiện kế hoạch vẫn chưa đi sâu vào vụ việc cụ thể mà chỉ dừng lại ở việc nghe báo cáo thực hiện các kế hoạch thanh tra. Việc đánh giá ưu, nhược điểm của các Đoàn thanh tra trong quá trình hoạt động cũng chưa được đảm bảo, nghiêm chỉnh. Về vấn đề thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, việc thẩm định không quá được coi trọng, do thanh tra cấp huyện không có phòng ban chuyên môn với số lượng biên chế ít, nên việc thẩm định này chỉ được thực hiện khi thực sự cần thiết.[3] Điều này cho thấy, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra tuy là một trình tự thủ tục được quy định tại Luật nhưng lại không được chú trọng trong công tác thanh tra tại cấp huyện, việc đưa ra thẩm quyền thẩm định, giá trị pháp lý của kết luận thanh tra tại cấp huyện sẽ có sự chêch lệch nhất định so với các kết luận thanh tra của cấp trên.
Về ban hành và thực hiện kết luận thanh tra, vẫn còn một số kết luận thanh tra ban hành không được thực hiện hiệu quả. Một số kết luận còn thiếu việc đánh giá mức độ sai phạm, trách nhiệm cụ thể của đơn vị để khắc phục hậu quả và kiểm điểm các cá nhân, tập thể. Ngoài ra, vấn đề đôn đốc, theo dõi việc thực hiện kết luận thanh tra cũng được Thanh tra thực hiện nhưng với một số vụ việc, các đơn vị, tổ chức thực hiện không quá tích cực, các kết luận, kiến nghị được thực hiện qua loa hoặc không thực hiện theo đề xuất, kiến nghị.
Theo Luật Tiếp công dân năm 2013, hoạt động tiếp công dân là việc cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đón tiếp để lắng nghe, tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân; giải thích, hướng dẫn cho công dân về việc thực hiện khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của pháp luật[4]. Chiểu theo quy định này, về cơ bản, hoạt động tiếp công dân của thanh tra cấp huyện cũng giống với quy định của luật, nhưng có điểm khác, đây là một trong những chức năng của thanh tra, do cơ quan thanh tra tiến hành. Như vậy, hoạt động tiếp công dân của cơ quan thanh tra cấp huyện là một chức năng của thanh tra cấp huyện, gắn với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện theo quy định của pháp luật và sự phân công, chỉ đạo của cấp trên. Hoạt động này có mối quan hệ chặt chẽ với công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước các cấp, trong đó có cơ quan thanh tra cấp huyện. Đây cũng được coi là một hoạt động thường xuyên và cần được quan tâm sát sao của thanh tra cấp huyện, bởi sự gắn bó, thường tiếp xúc nhiều với nhân dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại và tố cáo của họ. Theo đó, sau quá trình tiếp công dân, thanh tra cấp huyện sẽ tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, tham mưu cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, tức Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nhằm có phương án giải quyết kịp thời.
Căn cứ theo Luật Thanh tra năm 2010, cơ quan thanh tra nói chung và thanh tra cấp huyện nói riêng đều không quy định tiếp công dân là một chức năng của ngành Thanh tra. Nhưng trên thực tế, xuyên suốt quá trình hoạt động, thanh tra cấp huyện vẫn thực hiện nhiệm vụ này nhưng không phải là nhiệm vụ do luật định mà do cấp trên yêu cầu và giao[5]. Điển hình như tại thanh tra thành phố Hoà Bình, được sự chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố nên công tác tiếp công dân thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, từ năm 2019 - 2023, thành phố đã tiếp 1602 lượt người (thường xuyên 1137 lượt người; định kỳ 465 lượt người. Nội dung tiếp chủ yếu về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh của công dân chủ yếu về lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, quản lý đô thị; quản lý chính sách; công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, chính sách, chế độ đối với người có công...
Trong thực tế, trong các năm trước đó, việc tiếp công dân vẫn được thực hiện thường xuyên và duy trì bởi thanh tra cấp huyện trên thực tế. Chính vì để đáp ứng được thực tiễn khách quan này, Luật Thanh tra năm 2022 đã bổ sung hoạt động tiếp công dân trở thành một trong những chức năng chính của thanh tra nói chung và thanh tra cấp huyện nói riêng. Hay việc thể chế hóa nhiệm vụ này của Thanh tra huyện trong Luật năm 2022 đã khẳng định vai trò quan trọng của Thanh tra huyện trong lĩnh vực tiếp công dân tại địa phương[6]. Như vậy, những công việc liên quan đến tiếp công dân sẽ trở thành nhiệm vụ chính thức, nhiệm vụ chính thức của đội ngũ công chức sẽ nhiều hơn, việc tiếp cũng như tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo thông qua tiếp công dân cũng sẽ được đảm bảo đo tính chuyên môn nghiệp vụ cao và sự am hiểu về nhiều lĩnh vực của đội ngũ thanh tra viên và công chức khác ngành thanh tra.
Tuy nhiên, khi quy định tiếp công dân là một chức năng của ngành Thanh tra thì nảy sinh vấn đề khác, Đó là có sự chồng chéo giữa nhiệm vụ tiếp công dân của ban tiếp công dân cấp huyện, hoạt động theo luật Tiếp công dân với nhiệm vụ của cơ quan thanh tra cấp huyện hay không? Và tuy có quy định về chức năng này, nhưng Luật Thanh tra không quy định rõ về thủ tục, hình thức hay nói cách khác là việc tổ chức thực hiện sẽ như thế nào?
Trước hết, với vấn đề thứ nhất, ban tiếp công dân cấp huyện hay thanh tra cấp huyện đều thực hiện công việc tiếp, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo và phản ánh, kiến nghị, chuyển giao đơn cho cơ quan liên quan để giải quyết. Nhưng việc quy định của Luật Thanh tra 2022 cũng không làm ảnh hưởng hay phát sinh, chấm dứt một chức năng, nhiệm vụ nào của ban tiếp công dân bởi hai cơ quan này được điều chỉnh bởi hai luật khác nhau và Luật Thanh tra chỉ là sự khẳng định về mặt pháp lý chức năng tiếp công dân của cơ quan này, còn thực tế thì đã được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, xét về bản chất, hoạt động tiếp công dân của hai cơ quan này là giống nhau và công việc này vẫn cần có sự chỉ đạo, phân công của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Ở vấn đề thứ hai, hiện nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện nhiệm vụ này của thanh tra cấp huyện. Điều này gây khó khăn nhất định cho đội ngũ công chức, cán bộ khi việc cụ thể hóa quy định chưa rõ ràng.
Bên cạnh hoạt động tiếp công dân, hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là một phần không thể tách rời trong hoạt động của thanh tra cấp huyện. Khiếu nại là việc công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ đề nghị chủ thể có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền hoặc quyết định kỷ luật cán bộ, công chức theo thủ tục do Luật Khiếu nại quy định khi có căn cứ cho rằng quyết định hoặc hành vi đó là trái pháp luật[7].
Tố cáo là việc cá nhân báo cho chủ thể có thẩm quyền về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân[8]. Khiếu nại và tố cáo đều là quyền cơ bản của công dân, đã được ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013 nhằm thể hiện sự tham gia của nhân dân đối với việc quản lý nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Chính vì vậy, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo luôn là công tác cần được các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, các tổ chức thanh tra trong hệ thống cơ quan thanh tra coi trọng. Đó là nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, được nhấn mạnh trong Điều 30 Hiến pháp năm 2013: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo” và cụ thể hóa trong Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các văn bản pháp luật khác. Thực hiện tốt việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp đảm bảo được quyền lợi của các bên, đặc biệt là quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, ổn định trật tự an toàn xã hội và góp phần nâng cao niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.
Đối với thanh tra cấp huyện, một trong những chức năng của thanh tra cấp huyện bên cạnh giúp ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về công tác thanh tra mà còn giúp thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đây được coi là một nhiệm vụ và được giải quyết trong phạm vi quyền hạn của mình theo quy định pháp luật. Hay nói cách khác, thanh tra cấp huyện tham mưu, giúp Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác quản lý nhà nước về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thanh tra cấp huyện phải tiếp dân, xử lý đơn, tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo trên địa bàn nhằm tham mưu cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, báo cáo với hội đồng nhân dân cùng cấp và với cấp trên, đồng thời, đôn đốc Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiến hành xác minh vụ việc khiếu nại, tố cáo được giao. Bên cạnh đó, hướng dẫn các cơ quan thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; thanh tra, kiểm tra trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thủ trưởng và cấp dưới của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, kiến nghị Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện triệu tập thủ trưởng cơ quan, đơn vị phối hợp đề ra biện pháp xử lý đối với các vụ việc có tính chất phức tạp; trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo thì kiến nghị thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp hoặc người có thẩm quyền áp dụng biện pháp để chấm dứt hành vi, xem xét và giải quyết; tổng hợp tình hình về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và báo cáo tình hình, kết quả, đánh giá việc thực hiện công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của thanh tra Chính phủ; tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.
Đối với những đơn thư khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện giải quyết sẽ tuân theo quy định của Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2018 đối với các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có cơ quan thanh tra cấp huyện. Tuy nhiên, trong hoạt động thanh tra, Luật Thanh tra năm 2010 không quy định về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động này. Đây chính là một điểm thiếu xót nhất định, bởi quá trình hoạt động thanh tra liên quan tới nhiều chủ thể, nhiều lợi ích khác nhau nên sẽ nảy sinh những khúc mắc, ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, các nhà làm luật đã khắc phục được điều này thông qua luật Thanh tra năm 2022 có quy định về khiếu nại, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại trong hoạt động thanh tra. Về mặt khiếu nại, trong hoạt động thanh tra, quy định pháp luật khá rõ ràng về thẩm quyền: Thủ trưởng cơ quan thanh tra giải quyết khiếu nại đối với các quyết định, hành vi của mình, của Trưởng đoàn thanh tra, thành viên khác của Đoàn thanh tra; Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước giải quyết khiếu nại đối với quyết định xử lý về thanh tra của mình và của các cơ quan, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình. Tuy nhiên, đối với giải quyết tố cáo lại được quy định theo pháp luật về tố cáo, tức mọi đơn tố cáo sẽ do Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết, Chánh thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra không có thẩm quyền giải quyết. Chánh thanh tra cấp huyện chỉ có trách nhiệm xác minh nội dung, báo cáo kết quả, tham mưu các biện pháp xử lý tố cáo cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp. Tuy nhiên, theo Điều 30 của Luật Thanh tra năm 2022 có quy định về chức năng “giải quyết khiếu nại, tố cáo” tức thanh tra cấp huyện có nhiệm vụ giải quyết cả đơn thư tố cáo. Như vậy, có sự chênh nhất định trong pháp luật quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo của thanh tra. Điều này đặt ra câu hỏi có nên công nhận thẩm quyền giải quyết của Chánh thanh tra hay cần sửa đổi lại quy định pháp luật về vấn đề này? Ngoài ra, trong quá trình thanh tra, trong trường hợp Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện gặp tình huống bất khả kháng không thể giải quyết kịp thời thì việc xử lý, giải quyết sẽ như thế nào thì vẫn chưa có quy định làm rõ. Ngoài ra, trong hoạt động này, đối với những đơn khiếu nại lần đầu có yếu tố phức tạp, liên quan tới rất nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì quy định pháp luật chưa phân rõ thẩm quyền giải quyết đối với vụ việc trên nên có thể gây khó khăn cho quá trình giải quyết.
Thứ nhất, có quy định cụ thể về phạm vi thực hiện hoạt động của cơ quan thanh tra cấp huyện và kiểm toán nhà nước. Mỗi lĩnh vực đều có cách thức hoạt động và nhiệm vụ khác nhau, chính vì vậy, cần phân tách cụ thể phạm vi thực hiện nhằm đảm bảo mỗi lĩnh vực công tác đều được thực hiện một cách toàn diện. Trong trường hợp có sự trùng lặp về 2 hoạt động thanh tra và kiểm toán thì cần báo cáo với thanh tra cấp tỉnh và có phương án thống nhất trong hai hoạt động này.
Thứ hai, nhà làm luật cần thống nhất về thẩm quyền thẩm định và thực hiện việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra. Thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là một trình tự được quy định rõ ràng trong luật, tuy nhiên lại khá bị xem nhẹ trong công tác thanh tra của thanh tra cấp huyện. Nhằm đảm bảo được tính đúng đắn và nâng cao chất lượng của kết luận thanh tra thì việc thẩm định là cần thiết và nên có quy định phù hợp về vấn đề này. Bên cạnh đó, cần đề ra cơ chế thực hiện công tác đôn đốc, kiểm tra thực hiện kiến nghị của thanh tra cấp huyện, luôn nhắc nhở, kiểm tra các tổ chức, đơn vị thực hiện có đúng với kết luận thanh tra hay không, mức độ thực hiện như thế nào, có mang tính hình thức hay chấp hành nghiêm chỉnh…
Thứ ba, hoàn thiện pháp luật về hoạt động tiếp công dân của thanh tra cấp huyện. Trước hết, nhà làm luật nên xem xét và bổ sung những quy định về việc thống nhất hoạt động tiếp công dân về một đơn vị quản lý nhằm thực hiện có hiệu quả công việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn thư của các tổ chức, cá nhân trên nhiều lĩnh vực khác nhau và thực hiện thống nhất việc chuyển giao đơn thư về các phòng ban chuyên môn để giải quyết. Bên cạnh đó, nhà làm luật nên cân nhắc và đưa ra một văn bản hướng dẫn cụ thể hóa những vấn đề liên quan đến hoạt động tiếp công dân của cơ quan thanh tra nói chung và thanh tra cấp huyện nói riêng, tạo điều kiện thực hiện tốt chức năng này.
Cuối cùng, quy định rõ thẩm quyền giải quyết đối với đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đối với đơn thư tố cáo trong hoạt động thanh tra, nhà làm luật nên xem xét và ban hành, sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết phù hợp, theo đó, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân hoặc Chánh thanh tra giải quyết đơn thư tố cáo. Đối với trường hợp đơn thư khiếu nại lần đầu, tố cáo có tình tiết phức tạp, liên quan nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì nhà làm luật nên bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết về Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, các phòng ban khác có trách nhiệm tham mưu cho Thủ trưởng nhằm đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Cao Vũ Minh (2019). Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của thanh tra huyện. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24 (400), tháng 12/2019.
[2] Trịnh Công Sơn (2017). Tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Trường Đại học Luật Hà Nội, Hà Nội, tr.22.
[3] Điều 42 Thông tư số 06/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 quy định về tổ chức, hoạt động của Đoàn thanh tra và trình tự, thủ tục tiến hành cuộc thanh tra.
[4] Khoản 1 Điều 2 Luật Tiếp công dân năm 2013.
[5,6] Phạm Thị Huệ (2023). Hoàn thiện pháp luật về tổ chức hoạt động thanh tra và tiếp công dân của cấp huyện. Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 9 (481), tháng 5/2023.
[7] Điều 2 Luật Khiếu nại năm 2011.
[8] Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018.
Tài liệu tham khảo:
Discussing the inspection activities, receiving citizens, and resolving complaints
and denunciations of district-level inspection
Nguyen Thao Linh
Hanoi Law University, Vietnam National University – Hanoi
Abstract:
Comparing to the Law on Inspection 2010, the Law on Inspection 2022 has certain new points. However, there are still some legal limitations in inspection activities, receiving citizens, and resolving complaints and denunciations. This paper pointed out some new points and legal limitations for these activities. Based on the paper’s findings, some recommendations were made to improve the effectiveness of these activities.
Keywords: inspection, citizen reception, complaints, denunciations, district-level inspection.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết