(CHG) Bộ Tài chính đang đề nghị Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2016/TT-BQP, Nghị định 112/2014/NĐ-CP về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền, qua đó tháo gỡ vướng mắc của cử tri nêu.
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Ảnh: Thái Bình
Trước đó, Bộ Tài chính nhận được kiến nghị của cử tri về việc cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi Nghị định số 08/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền và Thông tư số 09/2016/TT-BQP ngày 3/2/2016 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP cho phù hợp với Luật Hải quan. Qua đó tránh chồng chéo, bất cập cho việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát và thực hiện thủ tục đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh của cơ quan Hải quan gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2018/NĐ-CP và Nghị định số 08/2015/NĐ-CP. Quá trình xây dựng Nghị định, Bộ Tài chính đã tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Ban hành văn bản... Tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan liên quan, doanh nghiệp và nhân dân. Các ý kiến tham gia đã được Bộ Tài chính tổng hợp, nghiên cứu kỹ để tiếp thu, giải trình đầy đủ.
Hiện nay, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2015/NĐ-CP đang trình Chính phủ ban hành, trong đó, các nội dung sửa đổi liên quan đến thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại dự thảo Nghị định đã được sửa đổi, bổ sung đảm bảo yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với các quy định tại Luật Hải quan năm 2014 là giao cơ quan Hải quan chủ trì thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh trong địa bàn hoạt động hải quan.
Điểm mấu chốt của vấn đề là, tại điểm b, khoản 1, Điều 6 Nghị định 112/2014/NĐ-CP quy định Bộ đội Biên phòng cửa khẩu có trách nhiệm: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại cửa khẩu thực hiện thủ tục biên phòng và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh của người, phương tiện; hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia; phòng chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; thực hiện công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại biên phòng.
Nghị định số 112/2014/NĐ-CP hiện đang được Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định: Bộ đội Biên phòng thực hiện kiểm soát hoạt động xuất cảnh, nhập cảnh đối với người; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập đối với phương tiện vận tải. Việc kiểm soát phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hiện nay do cơ quan Hải quan và Bộ đội Biên phòng cùng thực hiện là không phù hợp với chủ trương của Đảng, các Điều ước quốc tế, quy định của Luật Biên phòng Việt Nam và Luật Hải quan.
Cụ thể tại Nghị quyết 18-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó nêu rõ: “thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện; từng bước xoá bỏ cơ chế phối hợp liên ngành, gắn với việc xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu”.
Tại Công ước Quốc tế về đơn giản hoá và hài hoà thủ tục hải quan 1999 (Việt Nam là thành viên của Công ước) quy định: mọi hàng hóa, kể cả phương tiện vận tải, nhập vào hay rời khỏi lãnh thổ hải quan, bất kể là có phải chịu thuế hải quan và thuế khác hay không, đều là đối tượng kiểm tra hải quan...
Để tránh chồng chéo về chức năng nhiệm vụ, tránh gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Quốc phòng sửa đổi quy định tại Nghị định số 112/2014/NĐ-CP để đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, phù hợp với Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phù hợp với Luật Hải quan, Luật Biên phòng Việt Nam. Đồng thời, đề nghị bãi bỏ một số nội dung quy định tại Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện thủ tục biên phòng điện tử tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý và Nghị định số 34/2014/NĐ-CP ngày 29/4/2014 của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới đất liền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Đối với kiến nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2016/TT-BQP ngày 3/2/2016 của Bộ Quốc phòng quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 112/2014/NĐ-CP, Bộ Tài chính cho biết nội dung Điều 9 Thông tư số 09 hướng dẫn về trách nhiệm chủ trì, phối hợp kiểm tra, kiểm soát, giám sát biên phòng tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 5 Điều 13 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP. Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung Thông tư 09/2016/TT-BQP để thống nhất với kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 112/2014/NĐ-CP./.
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/bo-tai-chinh-de-nghi-sua-quy-dinh-ve-quan-ly-cua-khau-bien-gioi-dat-lien-173978-173978.html
0