Tóm tắt:
Bài viết phân tích các quyền và nghĩa vụ của hai chủ thể: người, tổ chức cung ứng dịch vụ tư nhân (cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề y tế tư nhân) và người thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân (người bệnh) theo pháp luật Việt Nam hiện hành. Pháp luật hiện hành đã có những ghi nhận tương đối đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của cơ sở, cá nhân hành nghề y tế tư nhân và người thụ hưởng dịch vụ - người bệnh. Sự ghi nhận này đảm bảo cho quan hệ pháp luật về y tế tư nhân được vận hành ổn định trên thực tế. Từ những phân tích, đánh giá, bài viết đề xuất các giải pháp hoàn thiện chế định pháp luật này trong tương lai.
Từ khóa: y tế tư nhân, quyền và nghĩa vụ, cung ứng dịch vụ y tế tư nhân, dịch vụ, pháp luật.
1. Sơ lược về y tế tư nhân; quyền và nghĩa vụ trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân
Y tế là lĩnh vực cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe khác được cung ứng bởi các cá nhân, tổ chức có chuyên môn và đáp ứng các tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của pháp luật và dưới sự quản lý của nhà nước.
Y tế tư nhân là lĩnh vực cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh và các hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe khác được cung ứng bởi các cá nhân, tổ chức có chuyên môn và đáp ứng các tiêu chuẩn hành nghề theo quy định của pháp luật và dưới sự quản lý của nhà nước. Dưới góc độ pháp lý, cung ứng - thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân là một quan hệ pháp luật.
Trong quan hệ pháp luật y tế, tư nhân xuất hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể trong quan hệ pháp luật y tế tư nhân không hoàn toàn độc lập với nhau. Theo đó, nghĩa vụ của chủ thể này chính là cơ sở để đảm bảo quyền của chủ thể còn lại. Chính vì thế, phân tích nội dung của quan hệ pháp luật y tế tư nhân cần phải thể hiện dưới dạng nhóm nghĩa vụ của chủ thể này với quyền của chủ thể còn lại và nghĩa vụ của chủ thể còn lại với quyền của chủ thể này. Cụ thể:
- Nghĩa vụ của chủ thể cung ứng dịch vụ và quyền của người thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân. Chủ thể cung ứng dịch vụ có nghĩa vụ phải cung ứng các dịch vụ y tế theo yêu cầu và theo đúng cam kết tương xứng với giá cả cho chủ thể thụ hưởng. Nghĩa vụ này xuất phát từ khi xuất hiện sự kiện pháp lý tương ứng làm phát sinh quan hệ pháp luật y tế tư nhân và kết thúc khi quan hệ pháp luật về y tế tư nhân đó hoàn thành. Việc thực hiện nghĩa vụ của chủ thể cung ứng là cơ sở để đảm bảo quyền của chủ thể thụ hưởng. Theo đó, chủ thể thụ hưởng có quyền yêu cầu; quyền được hỏi ý kiến; quyền được quyết định lựa chọn phác đồ và được hưởng các dịch vụ y tế bao gồm từ thăm khám, chữa bệnh, tư vấn sau điều trị như đúng cam kết và tương xứng với chi phí đã thanh toán hoặc dự kiến sẽ thanh toán. Đây là nội dung quan trọng và mang tính cốt lõi của quan hệ pháp luật y tế tư nhân, vì từ nội dung này, khách thể của quan hệ pháp luật y tế tư nhân sẽ được đảm bảo được thực hiện.
- Nghĩa vụ của người thụ hưởng dịch vụ và quyền của chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Nghĩa vụ của người thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân là bổn phận phải thực hiện các yêu cầu nhằm phục vụ cho hoạt động thăm khám, điều trị và thực hiện các tư vấn sau điều trị. Ví dụ nghĩa vụ phải cung cấp đúng mẫu bệnh phẩm để phục vụ trong các xét nghiệm; nghĩa vụ tuân thủ theo phác đồ điều trị trong quá trình điều trị nội trú và tuân thủ các lời khuyên sau điều trị ngoại trú. Bên cạnh đó, nghĩa vụ quan trọng nữa của chủ thể thụ hưởng là đặt cọc và thanh toán toàn bộ chi phí phải trả theo đúng thỏa thuận. Nghĩa vụ này sẽ đảm bảo cho chủ thể cung ứng dịch vụ được chủ động thực hiện các quyền của mình trong thăm khám, điều trị và hỗ trợ sau điều trị. Các quyền cụ thể có thể kể tới gồm: quyền được yêu cầu cung cấp mẫu bệnh phẩm và phối hợp trong thăm khám; quyền được đưa ra các phác đồ điều trị và đánh giá chuyển biến tình trạng bệnh của người bệnh; quyền được từ chối các yêu cầu bất hợp lý của người bệnh...
Như vậy, tựu chung lại, nội dung của quan hệ pháp luật y tế tư nhân là tổng thể các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Các quyền và nghĩa vụ này cho thấy được mối quan hệ qua lại giữa các chủ thể cung ứng và thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân trong mối quan hệ pháp luật y tế tư nhân. Nội dung quan hệ pháp luật về y tế tư nhân trên thực tế không có sự đồng nhất hoàn toàn giữa các quốc gia. Theo đó, tùy thuộc vào phạm vi hoạt động, hình thức tổ chức và bản chất lợi nhuận hoặc phi lợi nhuận, nội dung này sẽ được quy định phù hợp riêng.
2. Quyền và nghĩa vụ trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân theo pháp luật Việt Nam hiện nay
Pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định chuyên biệt về quyền và nghĩa vụ trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân nói riêng mà chỉ điều chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ y tế nói chung. Theo đó, vấn đề này được điều chỉnh như sau:
Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của chủ thể cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh là cơ sở khám chữa bệnh và người hành nghề:
(i) Quyền và nghĩa vụ của cơ sở khám chữa bệnh tư nhân cũng như công lập được quy định tại mục 4, chương IV Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009. Bên cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh cũng có các quyền cơ bản như quyền được thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật; được thu phí khi tiến hành khám chữa bệnh, quyền yêu cầu người bệnh phải cung cấp các thông tin. Ngoài ra, cơ sở khám chữa bệnh còn có quyền từ chối khám chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động nhưng phải giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác để giải quyết. Đây cũng là điểm khác biệt so với các hợp đồng dịch vụ thông thường khác bởi theo quy định tại khoản 1 điều 428 Bộ luật Dân sự năm 2015, “một bên chỉ có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”, trường hợp không có căn cứ tại khoản 1 điều 428 thì bên đơn phương chấm dứt được xác định là vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự. Tất nhiên, quyền từ chối này của cơ sở khám chữa bệnh lại phát sinh nghĩa vụ khác của cơ sở khám chữa bệnh là phải giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh khác và phải sơ cứu, cấp cứu theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh đến khi họ được chuyển đi.
(ii) Quyền và nghĩa vụ của người hành nghề khám chữa bệnh: hợp đồng dịch vụ khám chữa bệnh được giao kết giữa cơ sở khám chữa bệnh và người bệnh, tuy nhiên người hành nghề khám chữa bệnh là người trực tiếp thực hiện các hành vi khám chữa bệnh nhân danh cơ sở khám chữa bệnh, vì vậy người hành nghề cũng có các quyền và thực hiện nghĩa vụ theo luật định. Quy định về quyền của người hành nghề gồm các quyền được hành nghề; quyền được từ chối khám chữa bệnh; quyền được nâng cao năng lực chuyên môn; quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh; quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến với người bệnh; quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề. Quy định về nghĩa vụ của người hành nghề bao gồm 4 nhóm nghĩa vụ: nghĩa vụ đối với người bệnh; nghĩa vụ đối với nghề nghiệp; nghĩa vụ đối với đồng nghiệp; nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp.
Thứ hai, quyền và nghĩa vụ của chủ thể sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh.
Về bản chất, hợp đồng dịch vụ khám chữa bệnh được thiết lập dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện của bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, điều đặc biệt ở đây là tính “bất cân xứng thông tin”. Người cung ứng dịch vụ y tế tư nhân có nhiều thông tin về bệnh tật, điều trị, các thông tin chuyên môn khác mà người thụ hưởng không hiểu hoặc không thể hiểu. Người bệnh không có sự lựa chọn nào khác ngoài khám chữa bệnh vì nó gắn với sức khỏe, tính mạng của họ. Với những yếu tố như vậy đòi hỏi pháp luật về khám chữa bệnh phải quy định khá chặt chẽ nhằm thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh, đảm bảo tính bình đẳng, thỏa thuận của hợp đồng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định những quyền cơ bản mà người bệnh được hưởng, bao gồm:
(i) Quyền được khám chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế (điều 7): cụm từ “có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế” tại điều 7 là một khái niệm định tính, không rõ ràng. Quyền về chất lượng dịch vụ y tế đòi hỏi các tổ chức chăm sóc sức khỏe phải đưa ra tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng như các tiêu chuẩn khám chữa bệnh chuẩn mực đó một cách khách quan và được định kỳ xem xét, đánh giá.
(ii) Quyền được tôn trọng bí mật riêng tư (điều 8). Bí mật riêng tư thuộc về quyền nhân thân của mỗi con người, đối với người bệnh khi khám chữa bệnh thì nguyên tắc này cần được đảm bảo. Đó là quyền được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án và chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.
(iii) Quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám chữa bệnh (điều 9) không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám chữa bệnh, được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội.
(iv) Quyền được lựa chọn trong khám chữa bệnh (điều 10) gồm quyền được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị; chấp nhận hoặc từ chối tham gia nghiên cứu y sinh học về khám chữa bệnh; được lựa chọn người đại diện để thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của mình trong khám chữa bệnh.
(v) Quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh (điều 11). Hồ sơ bệnh án là tài liệu y học, cũng là tài liệu pháp lý và được bảo quản theo chế độ mật về bí mật nhà nước. Quy định hiện nay cho phép người bệnh được cung cấp tóm tắt hồ sơ bệnh án khi có yêu cầu bằng văn bản. Tuy nhiên, việc không được tiếp cận trực tiếp với hồ sơ bệnh án của mình trên thực tế đã nảy sinh các tranh chấp khi người bệnh gặp tai biến trong quá trình điều trị, chứng cứ để chứng minh lỗi của người hành nghề/cơ sở điều trị là hồ sơ bệnh án lại chỉ là bản tóm tắt.
(vi) Quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám chữa bệnh, trường hợp này người bệnh phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối điều trị (điều 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009). Đây có thể được hiểu là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khám chữa bệnh của người bệnh, gồm cả việc người bệnh được ra khỏi cơ sở khám chữa bệnh để chuyển sang điều trị tại cơ sở khác theo yêu cầu của họ. Tương ứng với các quyền là nghĩa vụ mà người bệnh phải tuân thủ khi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế tư nhân. Nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề, không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề. Đây là nghĩa vụ tương ứng với quyền được đảm bảo an toàn khi hành nghề của người hành nghề; nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám chữa bệnh bao gồm việc chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề, các quy định của cơ sở khám chữa bệnh, các quy định của pháp luật về khám chữa bệnh; nghĩa vụ trả chi phí khám chữa bệnh hoặc nếu tham gia bảo hiểm y tế sẽ chi trả theo quy định về bảo hiểm y tế.
Bên cạnh những ghi nhận đó, pháp luật hiện nay về quyền và nghĩa vụ trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân còn một số điểm hạn chế như:
Thứ nhất, pháp luật hiện hành không có quy định riêng biệt về cung ứng dịch vụ y tế tư nhân. Thay vào đó là sự đồng nhất quan hệ này với y tế công lập. Chính vì thế, trong quá trình hoạt động, thiếu các cơ sở pháp lý chuyên biệt đối với y tế tư nhân, đặc biệt là những quy định pháp lý liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của các chủ thể.
Thứ hai, dù đã ghi nhận về quyền từ chối cung ứng dịch vụ y tế, song tại Điều 73, Luật Khám bệnh, chữa bệnh lại sử dụng cụm từ: “vi phạm nghĩa vụ của người hành nghề đối với bệnh nhân” để xác định trách nhiệm pháp lý cho bên cung ứng. Cụm từ này không hoàn toàn đúng với y tế tư nhân. Cụ thể, hoạt động cung ứng và thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân là một hợp đồng cung ứng dịch vụ. Các hành vi không tuân thủ hợp đồng này của bên cung ứng phải được xác định là các hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hành nghề chứ không phải là vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc điều trị người bệnh. Vì y tế tư nhân hoạt động chủ yếu vì lợi nhuận, trách nhiệm cộng đồng về mặt đạo đức là có, song về mặt pháp lý thì không có sự ràng buộc chính thức. Cơ sở y tế công lập không thể từ chối khám, chữa bệnh cho người dân ngay cả khi họ không chi trả được giá dịch vụ, song y tế tư nhân thì có thể. Trong trường hợp này nếu sử dụng cụm từ trên, việc từ chối đó của các chủ thể cung ứng dịch vụ y tế tư nhân cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này hoàn toàn không hợp lý và cũng không hợp pháp.
Thứ ba, quyền tiếp cận thông tin và nghĩa vụ cung cấp thông tin chưa được quy định cụ thể trong pháp luật hiện hành. Như đã phân tích, việc cung ứng dịch vụ y tế nói chung và y tế tư nhân nói riêng có đặc điểm là tính “bất cân xứng thông tin”. Người bệnh không hiểu rõ về tình trạng và mức độ của bệnh tật cũng như các phương pháp, liệu trình điều trị. Trong khi đó, các cá nhân và cơ sở cung ứng dịch vụ y tế tư nhân cơ bản có mục tiêu hành nghề vì lợi nhuận nên rất dễ dẫn tới tình trạng tư vấn tình trạng bệnh không đúng sự thật, đưa ra các chỉ định dịch vụ không cần thiết để tăng mức chi trả của người bệnh, qua đó tăng doanh thu cho mình. Chính vì vậy, quyền tiếp cận thông tin của người bệnh và nghĩa vụ cung cấp thông tin không được quy định cụ thể sẽ không đảm bảo tránh được xu hướng kể trên. Pháp luật hiện hành có ghi nhận về vấn đề này song chỉ ở mức chung chung, mang tính chất quan điểm chứ chưa giải quyết được các nội hàm cụ thể như: phương thức tiếp cận và công khai thông tin; nội dung cung cấp thông tin; các chế tài cho việc cản trở quyền tiếp cận hoặc cung cấp thông tin sai sự thật.
3. Một số giải pháp hoàn thiện chế định quyền và nghĩa vụ trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân
Trên cơ sở phân tích thực tiễn quy định pháp luật hiện hành về quyền và nghĩa vụ trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số ý kiến sau:
Thứ nhất, cần sớm có quy định riêng biệt về quan hệ pháp luật trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân thay vì đồng nhất cùng với y tế công lập như hiện nay nhằm làm rõ những khía cạnh đặc trưng của y tế tư nhân.
Thứ hai, sửa đổi Điều 73 Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo hướng thay cụm từ “vi phạm trách nhiệm trong chăm sóc điều trị người bệnh” thành “vi phạm nghĩa vụ của người hành nghề đối với người bệnh”. Bởi vì, khi người hành nghề cung cấp các thông tin không đầy đủ về các nguy cơ thực hiện phẫu thuật dẫn đến tai biến, họ đã vi phạm nghĩa vụ tư vấn, cung cấp thông tin của người hành nghề, nếu xảy ra tai biến cần được xem là sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Thứ ba, cần ghi nhận cơ chế cụ thể thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin và quyền được tiếp cận thông tin. Bất cân xứng thông tin là một trong những thực tế của cung ứng dịch vụ y tế. Sự bất cân xứng này như đã phân tích sẽ đem đến nhiều bất lợi cho người bệnh, đặc biệt trong cung ứng và thụ hưởng y tế tư nhân. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2013 đã ghi nhận về nghĩa vụ cung cấp thông tin của người hành nghề, cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Đồng thời, cũng quy định quyền được tiếp cận thông tin của người bệnh. Các quy định này phải cụ thể các cơ chế công khai, minh bạch thông tin của người hành nghề và cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Bao gồm từ cơ chế công khai chủ động đến các cơ chế công khai bị động. Bên cạnh đó, pháp luật cũng cần quy định những cơ chế để đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của người bệnh như các chế tài được áp đặt thế nào tương ứng với các hành vi cản trở quyền tiếp cận thông tin; cung cấp thông tin không đúng sự thật về tình trạng bệnh; cung cấp các tư vấn không cần thiết để thực hiện các dịch vụ y tế cho người bệnh...
4. Kết luận
Cung ứng dịch vụ y tế tư nhân là một hoạt động cung ứng dịch vụ đặc biệt, trực tiếp liên quan đến chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân nói chung và vấn đề sức khỏe, tính mạng của từng con người nói riêng. Chính vì thế, mọi vấn đề liên quan đến cung ứng dịch vụ y tế tư nhân đều được pháp luật quy định một cách toàn diện và chi tiết.
Việc cung ứng - thụ hưởng dịch vụ y tế tư nhân là một quan hệ pháp luật, chính vì thế quyền và nghĩa vụ của các chủ thể chính là cấu thành nội dung trong quan hệ pháp luật đó. Pháp luật hiện hành đã có những ghi nhận tương đối đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của cơ sở, cá nhân hành nghề y tế tư nhân và người thụ hưởng dịch vụ - người bệnh. Sự ghi nhận này đảm bảo cho quan hệ pháp luật về y tế tư nhân được vận hành ổn định trên thực tế.
Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong quan hệ pháp luật về cung ứng dịch vụ y tế tư nhân chưa được ghi nhận hoặc chưa hợp lý như: chưa có quy định riêng biệt về quyền và nghĩa vụ trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân; thiếu sự thống nhất giữa quyền từ chối chữa bệnh với trách nhiệm pháp lý; quyền tiếp cận thông tin chưa được đảm bảo thực thi. Chính những vấn đề này đã đặt ra yêu cầu về hoàn thiện pháp luật đối với quyền và nghĩa vụ trong cung ứng dịch vụ y tế tư nhân.
Tài liệu tham khảo:
- Trương Bảo Thanh (2015). Chính sách cạnh tranh trong cung ứng dịch vụ y tế ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế chính trị. Đại học Quốc gia.
- Đinh Thị Thanh Thủy (2016). Nâng cao hiệu quả hoạt động đối tác công tư trong cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh ở Việt Nam. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, số chuyên đề 01, tr.45-49.
- Đinh Thị Thanh Thủy (2016). Quản lý Nhà nước về cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề, giấy phép hoạt động đối với cơ sở y tế tư nhân. Tạp chí Luật học, số 11, tr.74-82.
The rights and obligations of private healthcare providers according to current Vietnamese regulations
Ph.D student Dang Quang Manh
Faculty of Law, Graduate Academy of Social Sciences
ABSTRACT:
This paper analyzes the rights and obligations of two subjects, namely: private healthcare providers, such as: medical units and private medical practitioners, and beneficiaries of private medical services (also known as patients), according to current Vietnamese regulations. The current regulations recognize relatively fully the rights and obligations of private healthcare units, private medical practitioners, and patients. It ensures that private medical units and private medical practitioners have to obey regulations. This paper proposes some solutions to further improve these regulations in the future.
Keywords: private healthcare, rights and obligations, provision of private health services, services, law.