TÓM TẮT:
Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định các yếu ảnh hưởng đến chệch lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán của các doanh nghiệp đang niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Dựa vào số liệu thu thập từ 150 doanh nghiệp đang niêm yết tại HNX qua 5 năm (2017-2021) và bằng phương pháp hồi quy Logit, kết quả nghiên cứu cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán bao gồm quy mô tài sản của doanh nghiệp, đòn bẩy tài chính, công ty kiểm toán và lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu.
Từ khóa: chênh lệch lợi nhuận, kiểm toán, báo cáo tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.
Báo cáo tài chính (BCTC) là căn cứ quan trọng giúp nhà quản lý đưa ra các quyết định về quản lý, điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh, đồng thời cung cấp thông tin cần thiết nhằm kết nối doanh nghiệp với nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và các bên liên quan khác. Đặc biệt, khoản mục lợi nhuận sau thuế là quan trọng nhất, phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo tài liệu từ các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán thế giới và Việt Nam, hàng loạt doanh nghiệp công bố BCTC với số liệu lợi nhuận sau thuế trước và sau kiểm toán có sự chênh lệch trọng yếu, điều đó có ảnh hưởng đáng kể đến việc ra quyết định của người sử dụng BCTC chưa kiểm toán, đặc biệt là các nhà đầu tư chứng khoán. Một số trường hợp điển hình về lợi nhuận chênh lệch trọng yếu giữa trước và sau kiểm toán ở các nước phát triển như trường hợp của Tập đoàn Năng lượng Enron năm 2001, Tập đoàn Viễn thông Worldcom năm 2002, Tập đoàn bán lẻ lớn thứ hai nước Mỹ Kmart năm 2018, Ngân hàng hàng đầu thế giới Deutsche Bank năm 2019,... Ở Việt Nam, trường hợp chênh lệch lợi trước và sau kiểm toán xảy ra ở một số công ty như CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội năm 2022, CTCP Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải năm 2022, Tổng công ty Cơ khí Xây dựng năm 2022,…
Kiểm toán BCTC là bắt buộc đối với các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như trên thế giới. Tuy nhiên, từ lúc doanh nghiệp công bố BCTC quý 4 và cả năm chưa kiểm toán đến khi có BCTC kiểm toán sẽ mất từ 2-3 tháng. Trong thời gian này, nhà đầu tư vẫn dựa trên BCTC chưa kiểm toán để thực hiện các quyết định giao dịch chứng khoán. Do vậy, sự chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán là những rủi ro cho các nhà đầu tư ngắn hạn. Vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán của các doanh nghiệp niêm yết trên HNX là rất cần thiết, nhằm nhận diện các yếu tố có mối tương quan với chêch lệch lợi nhuận giữa trước sau và kiểm toán bằng phương pháp hồi quy với dữ liệu lịch sử để khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng khi sử dụng BCTC chưa kiểm toán.
Đặng Ngọc Hùng (2016) đã thu thập số liệu từ 320 công ty đang niêm yết tại HOSE và HNX ở năm 2015 để nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán của các công ty niêm yết. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 3 nhân tố có ảnh hưởng đến chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán, đó là: BCTC hợp nhất, đòn bẩy tài chính (ĐBTC) và quy mô công ty.
Nghiên cứu của Nguyễn Hoàng Anh và Vũ Hoàng Phúc (2021) đã thu thập số liệu từ 621 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán UPCOM để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến hành vi trốn thuế ở các doanh nghiệp niêm yết. Bằng mô hình hồi quy tuyến tính, tác giả đã phát hiện 5 nhân tố có ảnh hưởng đến hành vi trốn thuế là khả năng sinh lời, ĐBTC, tuổi thọ doanh nghiệp, công ty kiểm toán và quy mô doanh nghiệp. Trong đó, nhân tố ĐBTC ảnh hưởng cùng chiều trong khi các nhân tố khả năng sinh lời, tuổi thọ và quy mô doanh nghiệp có ảnh hưởng ngược chiều với hành vi trốn thuế.
Bên cạnh đó, Francis (2004) cho thấy, chất lượng kiểm toán sẽ cao hơn khi Hội đồng và Ủy ban Kiểm toán độc lập hơn. Các nghiên cứu của Beasley (1996) và Dechow và cộng sự (1996) đều cho thấy rằng sự độc lập của HĐQT có mối tương quan ngược chiều đến khả năng gian lận tài chính. Trong khi đó, theo Xie và cộng sự (2003), một HĐQT có số lượng lớn hơn cũng có chuyên môn lớn hơn một HĐQT nhỏ và nó có xu hướng hiệu quả hơn trong giám sát chi phí trích trước, tức là giám sát được một yếu tố gây ra sai lệch trên BCTC.
Bên cạnh đó, có khá nhiều nghiên cứu phát hiện, cấp độ xếp hạng của công ty kiểm toán có ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán (O'Keefe và cộng sự, 1994; Becker & Huselid, 1998; Francis & Krishnan, 1999; Francis & Yu, 2009; Choi và cộng sự, 2010). Các nghiên cứu này đều phát hiện, các công ty kiểm toán lớn với thương hiệu quốc tế (Big 4) có chất lượng làm việc cao hơn các công ty khác.
Đòn bẩy tài chính (ĐBTC) vừa là một công cụ nâng cao hệ số lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE). Tuy nhiên, các doanh nghiệp có tỷ lệ nợ cao trong cơ cấu vốn sẽ chịu sự giám sát nhiều của bên liên quan hơn các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn chủ sở hữu (Dahawy, 2009; Libby và Kinney, 1999; Vũ Hữu Đức, 2010). Bên cạnh đó, theo Persons (1995), ĐBTC là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng gian lận trên BCTC của doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp gian lận có ĐBTC cao hơn so với các doanh nghiệp còn lại.
Nghiên cứu của Atiase (1985), Bamber (1987), Wright & Wright (1997), Llorente và cộng sự (2002) đều cho thấy, quy mô doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến gian lận báo cáo tài chính. Bên cạnh đó, Wallace và cộng sự (1995) phát hiện, các công ty có vấn đề về khả năng sinh lời có gian lận BCTC nhiều hơn so với các công ty khác.
Persons (1995) đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến gian lận trên BCTC. Số liệu được sử dụng là 203 công ty có gian lận và 203 công ty không có gian lận từ năm 1970-1990. Nghiên cứu cho thấy, ĐBTC, vòng quay vốn, tài sản và quy mô công ty là những yếu tố có ảnh hưởng đến sự gian lận BCTC. Martin (1994) đã nghiên cứu các điều chỉnh của kiểm toán cuối năm có làm giảm các sai lệch về thu nhập và tài sản hay không, nếu có thì giảm bao nhiêu. Nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu liên quan đến điều chỉnh của kiểm toán, cụ thể là hơn 1.500 cuộc kiểm toán được quan sát suốt 15 năm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu kiểm toán không được áp dụng thì BCTC của các công ty sẽ có xu hướng thể hiện thu nhập và tài sản bị thổi phồng một cách đáng kể.
Các nghiên cứu trên cho thấy, hiện tượng chênh lệch số liệu giữa BCTC trước và kiểm toán đã xảy ra khá phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau như gian lận, sai sót trong công tác kế toán,… Đồng thời, các nghiên cứu cũng tìm thấy có mối quan hệ giữa các yếu tố nội tại của doanh nghiệp với xác suất xảy ra chênh lệch số liệu giữa BCTC trước và sau kiểm toán.
Tác giả đã thu thập số liệu từ BCTC của 150 doanh nghiệp đang niêm yết trên HNX trong 5 năm (2017-2021) tại trang điện tử Vietstock (https://vietstock.vn) nên tổng số quan sát là 750 quan sát. Từ số liệu của Vietstock, nhóm nghiên cứu chọn ra các công ty thỏa mãn điều kiện của nghiên cứu (có số liệu kiểm toán báo cáo tài chính liên tục 5 năm của giai đoạn nghiên cứu, là các công ty phi tài chính và phải đầy đủ các chỉ tiêu cần cho việc nghiên cứu).
Để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán, mô hình hồi quy Logit được áp dụng và có dạng như sau:
CLLNit = β0 - β₁SLTVHĐQTit + β₂KNit - β3KTit + β4ĐBTCit - β5QUYMOit - β6ROEit + εi (1)
Trong đó: Biến phụ thuộc là Chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán. Biến này có giá trị bằng 1 nếu có chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán trọng yếu, bằng o nếu chênh lệch không trọng yếu. Dựa trên cách tiếp cận của Đặng Ngọc Hùng (2016), tính trọng yếu của chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán được xác định như sau:
Nghiên cứu dựa trên mức trọng yếu để phân loại quan sát theo Messier và cộng sự (2005). Dựa trên chuẩn mực kiểm toán, nghiên cứu này chọn mức trọng là chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán từ 5% trở lên.
β0: Hệ số chặn của mô hình; βi: Hệ số của các biến độc lập trong mô hình; ε: Sai số của mô hình. Các biến độc lập được mô tả tại Bảng 1.
Bảng 1. Các biến trong mô hình Logit
Tên biến |
Ký hiệu |
Cách đo lường |
Nguồn |
Chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán |
CLLN |
0: Chênh lệch không trọng yếu (dưới 5%) 1: Chênh lệch trọng yếu (từ 5% trở lên) |
|
Số lượng thành viên HĐQT |
SLTVHĐQT |
Số lượng thành viên HĐQT |
Francis (2004) |
Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc |
KTGĐ |
0: Chủ tịch HĐQT không kiêm tổng giám đốc 1: Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc |
Beasley (1996), Dechow và cộng sự (1996), Dalton và cộng sự (1999) |
Quy mô công ty |
QUYMO |
Tổng tài sản của doanh nghiệp (triệu đồng) |
Atiase (1985), Bamber (1987), Wright & Wright (1997), Llorente và cộng sự (2002) |
ĐBTC của công ty |
ĐBTC |
Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản (%) |
Persons (1995), Dahawy (2009), Đức (2010) |
Hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty |
ROE |
Lợi nhuận sau thuế/Tổng vốn chủ sở hữu (%) |
Wallace và cộng sự (1995) |
Công ty kiểm toán BIG 4 |
KT |
0: Kiểm toán không thuộc BIG 4 1: Kiểm toán thuộc BIG 4 |
Simunic và Stein (1987), Becker và Huselid (1998), Francis và Krishnan (1999), Francis và Yu (2009), Choi và cộng sự (2010) |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả, 2023
Kết quả nghiên cứu ở Bảng 2 cho thấy, các biến có ảnh hưởng đến chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán, bao gồm: quy mô tài sản của doanh nghiệp, ĐBTC, công ty kiểm toán và lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE).
Bảng 2. Các yếu ảnh hưởng đến chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán
|
Hệ số hồi quy |
Tác động biên |
P_Value |
Hằng số |
- 6,810902*** |
- 0,0020239 |
0,002 |
SLTVHDQT |
-0,0232398ns |
-0,0020239 |
0,779 |
KN |
-0,4218612ns |
-0,0367381 |
0,178 |
KT |
-0,9881467* |
-0,0860535 |
0,074 |
QUYMO |
0,2925689** |
0,0254786 |
0,012 |
ĐBTC |
-0,0107852* |
-0,0009392 |
0,065 |
ROE |
-5,84542*** |
-0,5090528 |
0,001 |
Số quan sát |
750 |
||
LR chi2 |
24,46 |
||
Prob > chi2 |
0,0009 |
||
Pseudo R2 |
0,0973 |
||
Log Likelihood |
-228,2255 |
Nguồn: Kết quả phân tích stata, 2023
Ghi chú: ***; ***; *: có ý nghĩa thống kê mở mức 1%, 5% và 10%; ns: không có ý nghĩa thống kê
Biến Công ty kiểm toán (KT) có ý nghĩa thống kê ở mức 10% và có hệ số âm hàm ý rằng, các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kiểm toán của các công ty kiểm toán thuộc nhóm Big 4 thì có xác suất chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán thấp hơn các doanh nghiệp khác. Kết quả này tương thích với phát hiện của Simunic và Stein (1987), Becker và Huselid (1998), Francis và Krishnan (1999), Francis và Yu (2009), Choi và cộng sự (2010). Kết quả phù hợp với cơ chế hoạt động của các công ty kiểm toán trong nhóm Big 4, theo đó, các công ty chú trọng vận hành cơ chế giảm chi phí ủy nhiệm và phát huy nhiều hơn vai trò giám sát bằng cách hạn chế hành vi nhằm thay đổi BCTC theo hướng có lợi cho nhà quản trị.
Biến Quy mô công ty có ý nghĩa thống kê ở mức 5% và có hệ số dương hàm ý rằng, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì có xác suất xảy ra chệnh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán càng lớn. Kết quả này tương thích với nghiên cứu Persons (1995), Dahawy (2009), Đức (2010). Kết quả này sẽ không thuyết phục nếu các doanh nghiệp lớn sử dụng kiểm toán Big 4. Tuy nhiên, kết quả này thuyết phục đối với doanh nghiệp lớn không sử dụng kiểm toán Big 4; điều này được lý giải là, những doanh nghiệp lớn nhưng chưa sẵn sàng sử dụng dịch vụ kiểm toán Big 4 có thể do hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ chưa mạnh nên có xác suất xảy ra chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán lớn hơn doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, đồng thời doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn hơn, khó kiểm soát hơn.
Biến ĐBTCcó ý nghĩa thống kê ở mức 5% và có hệ số âm hàm ý rằng, các doanh nghiệp sử dụng ĐBTC càng cao thì có xác suất xảy ra chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán càng thấp. Kết quả này có thể lý giải là những doanh nghiệp có đón bẩy tài chính cao chịu sự giám sát chặt chẽ của chủ nợ, đồng thời bản thân doanh nghiệp cũng hạn chế tốt đa những sai sót nhằm giảm thiếu bất tín nhiệm của chủ nợ, nhà đầu tư, đối tác,...
Biến ROE có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và có hệ số âm, hàm ý rằng, các doanh nghiệp có ROE càng cao sẽ có xác suất xảy ra chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán càng thấp. Kết quả này tương thích với phát hiện của Wallace và cộng sự (1995). Kết quả này rất thuyết phục, bởi khi doanh nghiệp có tình hình hoạt động kinh doanh tốt hay khả năng sinh lời cao không có lý do gì để làm đẹp hay thổi phồng lợi nhuận, vì vậy khả năng chênh lệch lợi nhuận sẽ ít xảy ra hơn.
Ngoài ra, biến quy mô Hội đồng quản trị không có ý nghĩa thống kê, kết quả này cho thấy, các sai sót dẫn đến chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán do các bộ phận chuyên môn trong doanh nghiệp như bộ phận kế toán, hệ thống kiểm soát... Bên cạnh đó, Biến Sự kiêm nhiệm cũng không có ý nghĩa thống kê cho thấy, chủ tịch HĐQT có kiêm CEO hay không đều không ảnh hưởng đến sự chênh lệch lợi nhuận giữa trước và sau kiểm toán mà chủ yếu do các bộ phận chuyên môn trong doanh nghiệp.
Thông qua phương pháp hồi quy logistic với các kiểm định liên quan, nghiên cứu đã đưa ra được mô hình dự báo chênh lệch lợi nhuận trước và sau kiểm toán của các công ty niêm yết trên sàn HNX. Kết quả của mô hình cho thấy, có 4 biến độc lập có ý nghĩa thống kê là công ty kiểm toán, quy mô doanh nghiệp, ĐBTC và hiệu quả hoạt động kinh doanh với các mức tác động biên khác nhau, trong đó biến hiệu quả hoạt động kinh doanh có tác động lớn nhất đến khả năng có chênh lệch BCTC trước và sau kiểm toán.
Dựa vào kết quả nghiên cứu, các bên liên quan như nhà đầu tư, bên cho vay,… cần đặc biệt xem xét đến hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như độ lớn của ĐBTC, vì nó là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tính trung thực và hợp lý của BCTC. Bên cạnh việc xem xét tình hình tài chính của doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng cần quan tâm đến công ty kiểm toán đã kiểm toán cho doanh nghiệp đó do các công ty được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán thuộc Big 4 sẽ có tính minh bạch và uy tín hơn rất nhiều so với các công ty kiểm toán khác.
Từ các phát hiện trên, nghiên cứu này đề xuất nhà đầu tư, đối tác,… khi sử dụng BCTC chưa kiểm toán phải lưu ý về sự chênh lệch lợi nhuận giữa trước sau kiểm toán có thể xảy ra, các doanh nghiệp lớn không sử dụng dịch vụ kiểm toán big 4 có khả năng xảy ra chênh lệch nhiều hơn các doanh nghiệp nhỏ, để từ đó có quyết định đầu tư, tài trợ vốn phù hợp hơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tiếng Việt
Tiếng Anh
Factors affecting the pre- and post-audit profit differences of listed companies on the Hanoi Stock Exchange
Nguyen Thu Nha Trang1
Nguyen Van Hieu1
Ngo My Tran1
Luong Thi Cam Tu1
Nguyen Hong Thoa1
Ho Huu Phuong Chi1
Tran Que Anh1
Nguyen Huu Dang1
1School of Economics, Can Tho University
Abstract:
This study determines the factors affecting the pre- and post-audit profit differences of listed companies on the Hanoi Stock Exchange (HNX). By analyzing data collected from 150 listed companies on HNX over the past 5 years (2017–2021) and using the logit regression method, the study finds that factors affecting the profit difference between before and after audit are: the size of the enterprise's assets, financial leverage, audited company, and return on equity.
Keywords: profit difference, audit, financial statement, Hanoi Stock Exchange.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16 tháng 7 năm 2023]
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết