Bối cảnh khó khăn trong tình hình thế giới biến động mạnh
Năm 2022 là một năm đặc biệt khi bối cảnh thế giới có thể được tóm gọn trong hai chữ “bất định”. Tình hình chính trị thế giới phức tạp, đỉnh điểm là cuộc xung đột Nga - U-crai-na bùng nổ và leo thang. Kinh tế thế giới giảm tốc đáng kể chỉ sau một năm phục hồi ấn tượng từ đại dịch COVID-19, trong đó nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới, vốn là động lực quan trọng trong kinh tế và thương mại toàn cầu đứng trước nguy cơ khủng hoảng. Lạm phát toàn cầu tăng cao nhất trong 40 năm trở lại đây. Hơn 80 quốc gia phải chống chọi với lạm phát cao kỷ lục hai con số khi giá cả nhiều hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu thiết yếu tăng mạnh. Để đối phó với lạm phát, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã phải chuyển trọng tâm điều hành chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt thông qua quyết liệt tăng các loại lãi suất điều hành nhanh hơn và với cường độ mạnh hơn. Đồng đô-la Mỹ tăng giá mạnh trên thị trường thế giới kéo theo hiện tượng đảo chiều dòng vốn đầu tư khỏi các thị trường mới nổi và đang phát triển, gây áp lực mất giá đối với nhiều đồng tiền quốc gia, buộc ngân hàng trung ương của các nước này phải sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp, bình ổn thị trường. Với một quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam, môi trường quốc tế thay đổi nhanh, biến động mạnh trong năm 2022 đặt ra nhiều thách thức chưa từng có trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng.
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương bước vào năm 2022 với độ trễ nhất định trong phục hồi và phát triển kinh tế so với các quốc gia phát triển phương Tây. Năm 2021, trong khi các quốc gia phát triển cơ bản khống chế được dịch bệnh và tiến hành mở cửa nền kinh tế thì ở nước ta, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế và đời sống người dân. Đến năm 2022, khi dịch bệnh trong nước cơ bản được khống chế, nền kinh tế bước đầu phục hồi thì lại phải đối mặt ngay với tình hình thế giới biến động theo chiều hướng không thuận lợi. Một mặt, triển vọng phục hồi kinh tế trong nước bị tác động khi kinh tế thế giới, bao gồm cả hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) giảm tốc dưới ảnh hưởng của các điều kiện tài chính toàn cầu trở nên thắt chặt hơn; mặt khác, giá nhiều hàng hóa nguyên, nhiên, vật liệu thế giới tăng mạnh, trong đó đặc biệt quan trọng là giá dầu và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến việc phải điều chỉnh tăng giá xăng trong nước. Xăng, dầu là mặt hàng đặc biệt, không có hàng hóa thay thế và là đầu vào của hầu hết hoạt động sản xuất, kinh doanh nên ngoài tác động trực tiếp, giá xăng, dầu trong nước tăng còn tác động gián tiếp thông qua tăng chi phí sản xuất và cuối cùng là giá thành của các dịch vụ, hàng hóa khác, gây áp lực lớn tới lạm phát tổng thể. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất thế giới tăng và USD tăng giá mạnh cũng gây ra nhiều áp lực tới điều hành lãi suất, tỷ giá trong nước, cộng hưởng với tâm lý tiêu cực của thị trường và nhà đầu tư trước những sai phạm trên thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cũng gây ra nhiều khó khăn trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Việc điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh bất định, khó khăn như vậy được ví như tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc cân đối giữa hai mục tiêu kinh tế vĩ mô vô cùng quan trọng là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Nếu lựa chọn giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn để kiểm soát lạm phát thì sẽ dẫn tới phải chấp nhận một mức tăng trưởng thấp hơn. Nền kinh tế vốn đã chịu những cú sốc lớn từ đại dịch COVID-19 nếu tiếp tục hụt hơi trong giai đoạn phục hồi thì sẽ khiến đời sống người dân ngày càng khó khăn và “sức khỏe” tài chính của các doanh nghiệp giảm sút nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, nới lỏng chính sách tiền tệ để giúp nền kinh tế hồi phục nhanh hơn sẽ kéo theo rủi ro lạm phát tăng cao và tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát cao là một loại thuế vô hình, nhưng tác động trực tiếp, làm xói mòn sức mua và suy giảm chất lượng cuộc sống của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế và người lao động, vốn bị tổn thương từ đại dịch COVID-19, còn những bất ổn vĩ mô sẽ để lại nhiều hệ lụy tới tình hình kinh tế - xã hội của quốc gia và giảm sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nếu trong quá khứ, lạm phát phi mã hay lạm phát hai chữ số là “bóng ma” bao trùm lên sự phát triển kinh tế - xã hội thì trong giai đoạn 2012 - 2019, sự ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát được kiểm soát trở thành nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế nhanh và có chất lượng. Việc lựa chọn công cụ, giải pháp điều hành trong một môi trường thế giới đầy biến động với các mục tiêu đan xen, đôi khi có chiều hướng xung đột lẫn nhau là bài toán thách thức đối với các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trên toàn thế giới và càng trở nên khó khăn hơn ở một quốc gia có nền kinh tế mở như Việt Nam.
Sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ
Việc chấp nhận đánh đổi một mục tiêu lấy mục tiêu còn lại thường sẽ để lại những hậu quả khôn lường, nhưng theo đuổi cả hai mục tiêu này một cách tuyệt đối là khó khả thi trong điều kiện kinh tế thị trường, thậm chí có nguy cơ các chính sách triệt tiêu hiệu quả của nhau dẫn tới thất bại cả hai mục tiêu và đẩy đất nước rơi vào tình trạng tăng trưởng thấp trong khi lạm phát cao. Trước những thách thức này, Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và ngoài nước, hướng tới thực hiện hài hòa các mục tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó quán triệt xuyên suốt quan điểm về hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô. Nhưng để đạt được kết quả cân đối các mục tiêu, điều hành chính sách tiền tệ đôi khi phải chấp nhận ưu tiên những mục tiêu nhất định tại từng thời điểm cụ thể, phù hợp với điều kiện thị trường. Đây là sự linh hoạt, khéo léo của những nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh quy mô nền kinh tế nước ta còn nhỏ, nguồn lực hạn chế, dễ chịu tác động tiêu cực từ những cú sốc bên ngoài.
Trong gần 9 tháng đầu năm 2022, mặc dù lãi suất thế giới tăng nhanh, Ngân hàng Nhà nước vẫn nỗ lực giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để hỗ trợ thanh khoản hệ thống, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, điều hành ổn định tỷ giá, giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hợp lý với nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Kết quả là đồng tiền có mức mất giá thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, mặt bằng lãi suất chỉ có xu hướng tăng nhẹ trong khi mặt bằng lãi suất thế giới tăng nhanh, nguồn vốn tín dụng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, người dân, phục vụ sản xuất, kinh doanh, các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Tuy nhiên, kể từ cuối tháng 9, khi thị trường có những diễn biến khó lường theo chiều hướng tiêu cực buộc Ngân hàng Nhà nước phải có động thái can thiệp chính sách mạnh mẽ để bảo đảm ổn định các thị trường tiền tệ, ngoại tệ và an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Thị trường ngoại hối chịu áp lực lớn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết liệt tăng lãi suất điều hành, tỷ giá có xu hướng tăng kịch trần, thanh khoản thị trường giảm sút, tâm lý giữ ngoại tệ gia tăng. Ở trong nước, thông tin về việc cơ quan chức năng tiến hành xử lý sai phạm tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm cho tâm lý người gửi tiền bị ảnh hưởng mạnh, dẫn tới tình trạng rút tiền hàng loạt tại nhiều ngân hàng, khiến thanh khoản hệ thống có những thời điểm căng thẳng. Những khó khăn trên thị trường tiền tệ, ngoại tệ liên tiếp xảy ra, cộng hưởng với áp lực lạm phát trong nước tăng cao đặt ra những khó khăn chưa từng có trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Trong tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước quyết tâm không để xảy ra rủi ro, mất an toàn hoạt động trong hệ thống các tổ chức tín dụng, nhanh chóng tập trung ưu tiên thực hiện các nghiệp vụ mua, bán giấy tờ có giá trên thị trường mở, duy trì ổn định tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tái cấp vốn để giải quyết vấn đề quản trị thanh khoản, đáp ứng đầy đủ quyền lợi của khách hàng, từ đó giải tỏa tâm lý thị trường và hóa giải các rủi ro thanh khoản hệ thống. Trên thị trường ngoại tệ, thực hiện đồng thời các giải pháp cấp bách, như tăng biên độ giao dịch của tỷ giá và cho phép VND biến động linh hoạt hơn, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp và hai lần tăng mức lãi suất điều hành, mỗi lần 1% vào cuối tháng 9 và tháng 10. Đây là các giải pháp quyết liệt, kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam để ưu tiên kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, tạo dư địa thích ứng với các biến động trên thị trường trong nước và ngoài nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống.
Đến tháng 11, khi thị trường tiền tệ, ngoại hối bớt áp lực, thanh khoản cải thiện, Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thêm 1,5 - 2% với nguyên tắc, các ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất cho vay thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn; đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để vừa tập trung cho vay, cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động, bảo đảm khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng sẵn sàng các giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời để các tổ chức tín dụng yên tâm hơn khi cấp tín dụng cho nền kinh tế.
Trải qua một năm 2022 với nhiều biến động, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường tại từng thời điểm để đưa ra các giải pháp điều hành phù hợp, kịp thời, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng của đất nước. Tăng trưởng kinh tế phục hồi ấn tượng ở mức trên 8%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây trong khi lạm phát tổng thể được kiểm soát tốt ở mức 3,2%, các cân đối vĩ mô lớn của nền kinh tế được giữ vững. Những kết quả đáng mừng này không thể đến từ việc điều hành một chính sách đơn lẻ, mà là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản, khoa học, sát thực tiễn của Chính phủ cũng như sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, các chính sách quản lý giá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cũng được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế uy tín Moody’s và S&P đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào môi trường và triển vọng kinh tế trung hạn của đất nước.
Điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh hiện nay
Năm 2022 đi qua với nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng những khó khăn, thách thức từ bối cảnh thế giới cũng như nội tại nền kinh tế vẫn còn hiện hữu. Dự báo năm 2023 tiếp tục là một năm khó khăn trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và điều hành chính sách tiền tệ nói riêng. Trên thế giới, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, nhiều ngân hàng trung ương dự kiến vẫn duy trì lãi suất ở mức cao hết năm 2023 để tiếp tục đưa lạm phát về mức mục tiêu, giá cả hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến động mạnh trước các thay đổi trong chính sách của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế Trung Quốc. Trong nước, một lần nữa bài toán về lựa chọn chính sách lại xuất hiện khi tăng trưởng kinh tế dự kiến bị ảnh hưởng từ cầu thế giới suy yếu trong khi áp lực lạm phát tăng cao ngay từ đầu năm. Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Chính phủ, kiên định, bản lĩnh, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ, phù hợp với diễn biến kinh tế thế giới và trong nước, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như sau:
Một là, trên cơ sở bám sát chủ trương của Quốc hội tại Nghị quyết số 68/2022/QH15, ngày 10-11-2022, về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành thận trọng, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm góp phần kiểm soát lạm phát dưới 4,5%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng; điều tiết tiền tệ hợp lý, điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế; tập trung vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng.
Hai là, theo dõi chặt chẽ tình hình lạm phát trong nước, xây dựng các kịch bản điều hành và phản ứng chính sách phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và ngoài nước. Nếu như áp lực lạm phát tại thời điểm đầu năm 2022 không lớn nên Ngân hàng Nhà nước có nhiều không gian chính sách hơn trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì ngay từ đầu năm 2023, áp lực lạm phát đã tích tụ và tăng cao, rất sát với mục tiêu cả năm 2023. Hơn nữa, chính sách tiền tệ có độ trễ nhất định nên nếu chủ quan và để áp lực lạm phát và lạm phát kỳ vọng vượt khỏi tầm kiểm soát thì sẽ dẫn đến yêu cầu chính sách tiền tệ phải thắt chặt nhanh và mạnh hơn cần thiết, gây ra hiện tượng điều hành “giật cục” và tác động tiêu cực tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nền kinh tế. Thực tế cho thấy, khi đánh giá thấp áp lực lạm phát thì ngay cả ngân hàng trung ương lớn như FED cũng phải đánh đổi bằng việc tăng lãi suất liên tục trong cả năm 2022, dự kiến duy trì mức cao trong suốt năm 2023 để kiểm soát lạm phát và đẩy kinh tế Mỹ vào nguy cơ trì trệ trong tương lai.
Ba là, tăng cường phối hợp các chính sách kinh tế vĩ mô khác để hướng tới thực hiện cân đối các mục tiêu chung. Việc chỉ sử dụng chính sách tiền tệ để đạt được đa mục tiêu là điều bất khả thi nên cần có sự phối hợp, hỗ trợ từ các chính sách kinh tế vĩ mô. Nói đơn cử như kết quả lạm phát năm 2022 không thể chỉ đến từ việc điều tiết tiền tệ phù hợp của Ngân hàng Nhà nước, mà đó là kết quả của sự phối hợp có hiệu quả nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, như chính sách tài khóa thông qua giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, chính sách điều hành giá các mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý, như điện, nước, y tế, giáo dục;… Sự phối hợp rõ ràng, nhịp nhàng sẽ giúp giảm áp lực tới mỗi chính sách cụ thể, phân bổ nguồn lực nhà nước hiệu quả hơn và phát huy được thế mạnh của từng chính sách tới từng lĩnh vực cụ thể./.
Nguồn: Tạp chí cộng sản
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết