(CHG) Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng biển đang tập trung đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, chuyển đổi số nhằm tạo dịch vụ tốt nhất cho hoạt động giao nhận hàng hóa, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Hệ thống cẩu hiện đại do Nhật Bản sản xuất được cảng quốc tế Long An đầu tư sẽ cập cảng vào đầu tháng 10/2022. Ảnh: N.H
Đầu tư trang thiết bị hiện đại
Theo lãnh đạo Công ty CP cảng Long An, lô hàng gồm 24 thiết bị cẩu hiện đại hàng đầu thế giới do Mitsui E&S (Nhật Bản) sản xuất đã được hoàn thiện 100%, đang được đưa lên tàu chuyên dụng nhập khẩu về Việt Nam. Dự kiến các thiết bị cẩu này sẽ được vận chuyển về đến Cảng Quốc tế Long An vào tháng 10/2022.
Trong bối cảnh chung của toàn cầu đang tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, tự động hóa logistics, giao hàng dặm cuối,... những định hướng phát triển, đầu tư trang thiết bị hiện đại của cảng Quốc tế Long An được nhận định là đúng xu hướng phát triển, bao gồm đề án tàu buýt container với mục tiêu mang lại những giá trị thiết thực cho doanh nghiệp trong quá trình tối ưu hóa chi phí logistics, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp XNK.
Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Long An cho biết, việc đầu tư thiết bị hiện đại, cảng quốc tế Long An sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ xếp dỡ container kể từ quý 2/2023 với hai bến cảng container, sáu cẩu trục và chín bãi container (bao gồm cả khu vực cho container lạnh) có thể khai thác hơn 500.000 TEU hàng năm, từ đó tạo nên chỗ đứng vững chắc trên thị trường chuỗi cung ứng và logistics không chỉ ở Việt Nam mà còn ở khu vực và quốc tế.
Đánh giá về hiệu quả chuyển đổi số của cảng Quốc tế Long An nói riêng và Đồng Tâm Group (đơn vị đầu tư cảng Quốc tế Long An) nói chung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Minh Lâm, cho biết, cuối năm 2021, UBND tỉnh Long An đã trao tặng Đồng Tâm Group Bằng khen “Đơn vị tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số”. Đây là kết quả của quá trình nỗ lực đầu tư, mở rộng phát triển các lĩnh vực hoạt động dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ, tại DN với nhiều giải pháp trọng tâm thúc đẩy sự phát triển toàn diện, sâu rộng... nhằm mang lại sự gia tăng năng suất lao động, gặt hái những giá trị vượt trội từ sự ổn định về chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa dịch vụ trong các ngành, lĩnh vực tham gia đầu tư, góp phần giảm chi phí.
Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là cảng biển lớn và được đầu tư hiện đại nhất Việt Nam, với quy mô 160 ha bãi, 2.040 m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến đứng trong Top 20 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới. Với hệ thống thiết bị được đầu tư hiện đại, cảng Cát Lái luôn giữ vị trí số 1 Việt Nam về khai thác cảng, hiện chiếm 55% thị phần container xuất nhập khẩu thông qua hệ thống cảng toàn quốc. Hàng năm, Tân Cảng Sài Gòn đóng góp 37% tổng số thu thuế xuất nhập khẩu, 8% tổng thu ngân sách quốc gia và khoảng 20% thu ngân sách của TPHCM.
Cùng với Cát Lái, cảng Đình Vũ (Hải Phòng) cũng được đánh giá là cảng container chuyên dụng, hiện đại của khu vực, với tổng diện tích 24 ha, chiều dài cầu cảng 425 m, chiều sâu bến bãi hơn 500 m. Năng lực tiếp nhận của cảng đạt 600.000 TEU/năm, 12.000 - 15.000 TEU/tuần, khai thác tàu 50.000 DWT giảm tải. Đến thời điểm hiện tại, cảng Đình Vũ đã đưa vào sử dụng 8 cần trục giàn RTG thế hệ mới nhất phục vụ xếp dỡ container bãi hậu phương với sức nâng 40 tấn. Cùng với hệ thống cần trục giàn STS, xe vận chuyển container chuyên dụng và các trang thiết bị xếp dỡ hiện đại khác được tích hợp hệ thống phần mềm khai thác quản lý container theo thời gian thực, thuận lợi cho doanh nghiệp.
Ứng dụng công nghệ số
Hiện nay, dịch vụ cảng là đầu mối quan trọng và đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của toàn bộ quá trình vận chuyển. Mục tiêu chính của dịch vụ cảng là tập trung vào việc xây dựng các khu dịch vụ cảng nhằm tối ưu hóa quy trình logistics bằng cách cải thiện khả năng tương thích và nâng cao công nghệ của cảng. Chính vì thế, cùng với việc đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, các cảng biển đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại, các phần mềm ứng dụng tiện ích nhằm tạo thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí nhất cho các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Mới đây, để giúp khách hàng thuận lợi nhất trong việc sử dụng các tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin trong giao nhận hàng hóa qua cảng, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) đã đưa vào ứng dụng SNP ePort trên thiết bị di động. Ra đời năm 2016, ePort là tiện ích cổng thông tin điện tử mà Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn xây dựng nhằm hỗ trợ các khách hàng tra cứu thông tin, khai báo thủ tục nâng, hạ container và thanh toán phí nâng, hạ container trực tuyến. Với mục tiêu không ngừng hoàn thiện chất lượng dịch vụ và tối ưu hoá trải nghiệm của doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ, ứng dụng ePort đã được SNP không ngừng nâng cấp phát triển qua các giai đoạn từ nền tảng Web đến các thiết bị di động.
Đặc biệt, chức năng check in online là ưu điểm vượt trội của chương trình giúp các tài xế rút ngắn tối đa thời gian dừng chờ trước cổng cảng. Các lô hàng đã được doanh nghiệp khai báo trên SNP ePort Mobile và thực hiện các tính năng, như: Xác thực EDO, thanh toán, khai báo tờ khai, check-in online, khai báo đơn vị vận tải, đăng ký tàu xuất, đăng ký cắt bấm seal... chương trình này được doanh nghiệp đánh giá cao vì nhiều tiện ích.
Một trong những đột phá trong việc triển khai dự án cảng điện tử của SNP chính là việc áp dụng Lệnh giao hàng điện tử tại cảng (EDO). EDO thay thế lệnh giao hàng thông thường bằng cách truyền nhận dữ liệu điện tử. Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing SNP nhận định, Lệnh giao hàng điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần rút ngắn thời gian làm thủ tục, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, chi phí chung cho xã hội, giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực xung quanh cảng, là tiền đề xây dựng cảng Cát Lái thành cảng số, hiện đại.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, cảng Quốc Tế Cái Mép (CMIT) cũng đã và đang ứng dụng thành công các phần mềm có tính năng vượt trội như hóa đơn điện tử (e-invoice), giám sát hải quan tự động (e-cargo). Bên cạnh đó, CMIT là cảng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng công nghệ TradeLens nhằm cập nhật dữ liệu hàng hóa, trực tiếp hỗ trợ nâng cao hiệu quả kế hoạch chuỗi cung ứng của các khách hàng...
Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-cang-bien-chuyen-doi-so-giam-chi-phi-logistics-167040-167040.html
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết