Giá trị chia sẻ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam


TÓM TẮT:

Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận về giá trị chia sẻ, những đặc điểm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), bài viết đề xuất những giá trị chia sẻ mà các doanh nghiệp này đem lại cho xã hội. Các giá trị chia sẻ mà các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được chỉ ra bao gồm: các giá trị chia sẻ từ việc nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, lợi ích của người lao động, lợi ích của địa phương và lợi ích cho môi trường. Kết quả nghiên cứu có thể được các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV tham khảo để đề xuất những giải pháp chiến lược và giải pháp kế hoạch tích hợp cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, giúp các doanh nghiệp luôn sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực đầy đủ để thực hiện đồng thời các nhiệm vụ kinh tế và nhiệm vụ xã hội một cách chủ động, tích cực.

Từ khóa: giá trị chia sẻ, doanh nghiệp khai thác khoáng sản, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội trong toàn bộ nền kinh tế nói chung và ngành kinh tế công nghiệp Việt Nam nói riêng, tạo ra việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Điển hình như năm 2022, lao động làm việc cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV khu vực Quảng Ninh được hưởng mức thu nhập ổn định, thu nhập bình quân của người lao động thuộc TKV là 14,6 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV còn đóng góp rất lớn cho ngân sách nhà nước, cụ thể năm 2022, TKV đã đóng góp cho ngân sách 21.000 tỷ đồng [2].

Bên cạnh đó, đối với xã hội, các doanh nghiệp thuộc TKV còn rất tích cực chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng qua nhiều hoạt động an sinh xã hội. Công tác hỗ trợ an sinh xã hội tập trung vào xây dựng các công trình phúc lợi, các chương trình xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, gia đình chính sách, người có công, các hội thiện nguyện... được các cấp chính quyền trung ương, địa phương đánh giá cao.

Cụ thể, tại Quảng Ninh, TKV đã khánh thành dự án đầu tư xây dựng Quảng trường 12/11 tại thành phố Cẩm Phả giai đoạn 2, nhân dịp chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập Đảng bộ Khối và Đảng bộ TKV, giá trị dự án gần 100 tỷ đồng; hỗ trợ gần 1 tỷ đồng xóa nhà dột nát cho 16 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tại Tây Nguyên, TKV đã hỗ trợ các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh Đắk Nông trên 10 tỷ đồng để xây dựng trường học, trạm y tế, sửa chữa nhà dột nát tại các xã nghèo… Tại Tây Bắc, TKV hỗ trợ trên 30 tỷ đồng để xây dựng trường Mầm Non, Tiểu học và THCS. Tại Bát Xát, Lào Cai, TKV ủng hộ 3,5 tấn đồng tấm do Tập đoàn sản xuất để hỗ trợ cho tỉnh Lào Cai tu bổ, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa đền Đồng Ân, xã Thái Niên, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai....[3]

2. Quan điểm giá trị chia sẻ

Giá trị chia sẻ là quan điểm của 2 nhà kinh tế học Micheal E.Poter và  Mark Kramer đưa ra lần đầu tiên vào năm 2011. Đây vốn là giai đoạn nền kinh tế - xã hội ở các nước có nhiều khó khăn, bất ổn sau khủng hoảng kinh tế. Các nhà kinh tế học này nhận định doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều áp lực, nhiều doanh nghiệp bắt đầu phải gánh vác các trách nhiệm xã hội vì các áp lực đến từ cộng đồng. Điều này làm doanh nghiệp và cộng đồng đều rơi vào thế bị động. Một phần lớn của vấn đề chính là các công ty vẫn bị vướng trong cách tiếp cận khi chỉ tập trung tối ưu hóa hiệu quả tài chính ngắn hạn mà không quan tâm tới các vấn đề của khách hàng, khả năng tồn tại của các nhà cung cấp chính hoặc tình trạng khó khăn của cộng đồng nơi họ sản xuất và bán hàng.

Ở chiều ngược lại, những nhà quản lý xã hội tại địa phương nơi các doanh nghiệp hoạt động lại luôn cố gắng giải quyết những khó khăn của xã hội bằng cách kêu gọi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Với cách tiếp cận này, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với các vấn đề xã hội chỉ là vấn đề bên ngoài chứ không phải giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội. Chính vì vậy, tác giả đã đưa ra giải pháp cho vấn đề bằng nguyên tắc chia sẻ giá trị, theo đó việc tạo ra giá trị kinh tế đồng thời tạo ra giá trị cho xã hội bằng cách giải quyết các nhu cầu và thách thức. Tức là đi đôi với việc tạo ra giá trị doanh nghiệp phải là quá trình chia sẻ giá trị đối với xã hội, nhằm phát triển bền vững cho cộng đồng xã hội.

Giá trị chia sẻ được hiểu là: các giá trị được tạo ra từ các chính sách và hành động  giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đồng thời với thúc đẩy các điều kiện kinh tế - xã hội trong cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh.[5] Việc tạo ra giá trị chia sẻ tập trung vào việc nhận diện và mở rộng kết nối giữa sự phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội. Giá trị, theo các tác giả, được hiểu là lợi ích trong mối tương quan với chi phí chứ không chỉ là lợi ích đơn thuần.

Giá trị xã hội được doanh nghiệp tạo ra một cách chủ động trong quá trình hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ chủ động trong việc tích hợp việc tạo giá trị kinh tế cho doanh nghiệp của mình đồng thời với việc tạo ra giá trị cho xã hội. Các doanh nghiệp tạo ra giá trị kinh tế đồng thời với quá trình tạo ra giá trị xã hội; giá trị chia sẻ sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tăng khả năng cạnh tranh đồng thời với việc giúp xã hội tiến bộ hơn. Theo quan điểm giá trị chia sẻ, các doanh nghiệp sẽ tiên phong trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, nhờ đó mà các vấn đề xã hội có khả năng được giải quyết tốt hơn và hạn chế các mâu thuẫn xã hội không đáng có, tránh được những mâu thuẫn, xung đột giữa doanh nghiệp và xã hội.

Ví dụ, một doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tư vấn cho nông dân về phương thức trồng trọt, giúp họ có được giống, phân bón, kỹ thuật canh tác, thuốc trừ sâu và được trả giá cao hơn giá nếu sản phẩm tốt hơn. Năng suất và chất lượng cải thiện giúp thu nhập nông dân tăng, ảnh hưởng xấu tới môi trường giảm, nguồn hàng cho doanh nghiệp ổn định và chất lượng sản phẩm cải thiện. Như vậy, “giá trị chia sẻ” được tạo ra. Hay một doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin đưa giá trị chia sẻ vào chiến lược hoạt động của mình bằng cách dùng thế mạnh về công nghệ thông tin và lấy giá trị cốt lõi công nghệ để hỗ trợ xã hội giải quyết các bài toán về xã hội như giao thông, y tế và vừa tạo ra hướng kinh doanh mới cho công ty trong lúc mang lại lợi ích cho xã hội.[1] 

Một ví dụ cụ thể như ở Indonesia, giới ojek (tiếng Bahasa có nghĩa là xe ôm) là nguồn gốc của cái tên Gojek có một cuộc sống rất vất vả. Họ chờ khách ở ngã tư ven đường, thu nhập chỉ tương ứng 3 - 4 triệu đồng Việt Nam/tháng, gần như khó nuôi sống cả gia đình. Từ ý tưởng ban đầu là tạo công ăn việc làm cho tầm 20 bác tài xe ôm, Gojek đã phát triển thành một siêu ứng dụng, mang lại công việc mới cho 2 triệu tài xế, góp phần o doanh thu cho 900 nghìn nhà hàng và hơn 60 nhà cung cấp dịch vụ khác. Thay vì chỉ chở khách, giới ojek có thể kiếm thêm thu nhập từ dịch vụ GoShop - đi chợ hộ, GoSend - giao hàng hay GoFood - giao đồ ăn và gần 20 dịch vụ khác. Các dịch vụ này ngay lập tức đưa thu nhập bình quân của tài xế tăng gấp 2 lần mức thu nhập tối thiểu tại Indonesia. Bên cạnh đó, nhờ mô hình GoFood, các nhà hàng vừa và nhỏ trong hẻm hay quán cóc trên vỉa hè cũng có doanh thu ổn định hơn để duy trì cuộc sống vượt qua Covid-19, tránh được phá sản.[1]

3. Giá trị chia sẻ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV

3.1. Đặc điểm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV      

Doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV là loại hình doanh nghiệp đặc thù ở Việt Nam, chịu tác động nhiều từ bên ngoài và cũng là loại hình doanh nghiệp có nhiều tác động tới các vấn đề xã hội. Vì vậy, việc xem xét các giá trị chia sẻ mà doanh nghiệp khai thác khoáng sản có thể tạo ra là một nhiệm vụ quan trọng đối với các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý và các đối tượng liên quan, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như lợi ích xã hội mà doanh nghiệp tạo ra. Một số đặc điểm cơ bản trong các doanh nghiệp khai thác khoáng sản ảnh hưởng tới các giá trị chia sẻ của doanh nghiệp như sau:

- Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản - TKV là những doanh nghiệp nhà nước, không chỉ phải thực hiện mục tiêu lợi nhuận, mà còn phải thực hiện các mục tiêu khác nhau do Nhà nước đặt ra, như: tối đa hóa lợi nhuận; bảo toàn và phát triển vốn nhà nước; sử dụng hiệu quả nguồn lực được giao, thúc đẩy sự phát triển các mặt của xã hội…

- Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV cung cấp đầu vào ổn định cho ngành Điện, Giấy, Xi măng và nhiều ngành kinh tế quan trọng khác. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản sử dụng một lượng lao động lớn, góp phần tạo ra nhiều việc làm trực tiếp cho người lao động, đóng góp vào việc đào tạo lao động có tay nghề và tạo ra thu nhập ổn định cho người lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này còn tạo ra nhiều doanh nghiệp phục vụ phụ trợ cho ngành như các doanh nghiệp cung cấp vật tư, thiết bị, dịch vụ vận tải…

- Doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, tác động tới điều kiện tự nhiên tại khu vực khai thác cũng như những vùng lân cận.

- Doanh nghiệp khai thác khoáng sản có môi trường làm việc nặng nhọc và phức tạp nên chịu áp lực lớn đối với việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho người lao động và cộng đồng dân cư xung quanh.

3.2. Giá trị chia sẻ của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV

Thông qua hệ thống hóa quan điểm giá trị chia sẻ và phân tích các đặc điểm của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản, tác giả đề xuất những giá trị chia sẻ cho các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV, những giá trị chia sẻ này có thể được tích hợp vào trong các mục tiêu chiến lược và mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp như một cách thức giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Tạo ra giá trị chia sẻ thông qua sử dụng có hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Để làm được điều này, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cần đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển để cải tiến công nghệ khai thác, đảm bảo chất lượng khoáng sản khai thác được và nghiên cứu phát triển các sản phẩm có giá trị cao từ khoáng sản nguyên khai. Việc tạo ra những sản phẩm có giá trị cao sẽ làm tăng doanh thu, lợi nhuận cho doanh nghiệp, đồng thời đóng góp nhiều hơn cho ngân sách nhà nước và địa phương. Quá trình tạo ra những sản phẩm giá trị cao thông qua việc nghiên cứu phát triển cũng sẽ giúp tạo ra những lao động có chất lượng cao cho xã hội.

Tạo ra giá trị chia sẻ từ việc tăng cường lợi ích cho người lao động. Với việc quan tâm chăm sóc và đảm bảo chế độ lương thưởng và các chế độ chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho người lao động, tăng cường đào tạo lao động sẽ giúp người lao động yên tâm cống hiến cho doanh nghiệp, giúp nâng cao sức khỏe của người lao động, tránh rủi ro nghỉ việc của người lao động và nâng cao trình độ của người lao động, từ đó tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tạo ra giá trị chia sẻ từ việc chung tay giải quyết một số vấn đề của địa phương. Việc ưu tiên sử dụng lao động địa phương chính là cách thức doanh nghiệp vừa giúp địa phương giải quyết vấn đề việc làm cho người dân, ngược lại cũng giải quyết được vấn đề nhân lực cho doanh nghiệp. Đưa ưu tiên sử dụng lao động địa phương vào chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp có các giải pháp hữu hiệu để phát triển nguồn nhân lực theo chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và có được sự ủng hộ chia sẻ của người dân địa phương với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ các trường học địa phương đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của mình. Ngược lại, doanh nghiệp có được nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ. Người dân địa phương có việc làm và thu nhập ổn định cũng tránh được các tệ nạn xã hội do thất nghiệp gây ra, đây cũng là cách mà doanh nghiệp tạo ra giá trị chia sẻ cho địa phương.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV thường sử dụng nguyên liệu, vật tư đầu vào với số lượng lớn trong quá trình hoạt động. Chính vì vậy, việc ưu tiên các nhà cung cấp địa phương sẽ giúp tăng trưởng kinh tế địa phương và ngược lại, doanh nghiệp cũng tiết kiệm được công vận chuyển vật tư cũng như có thể để hàng tồn kho ở mức thấp và giảm chi phí kho bãi. Với việc sử dụng lao động địa phương, nhà cung cấp yếu tố đầu vào địa phương không chỉ giúp tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và địa phương, mà còn giúp tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng cho xã hội. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng cần sử dụng các cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, việc doanh nghiệp chung tay hỗ trợ các địa phương trong việc xây dựng các công trình công cộng vừa đem lại lợi ích cho địa phương, vừa giúp các hoạt động của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi hơn.

- Tạo ra giá trị chia sẻ từ các hành động bảo vệ và phục hồi môi trường. Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng lớn tới môi trường, tác động tới điều kiện tự nhiên tại khu vực khai thác, cũng như những vùng lân cận. Chính vì vậy, việc nghiên cứu các phương án để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới môi trường tự nhiên, xã hội của cộng đồng dân cư sống gần khu vực khai thác. Điều này sẽ hạn chế những mâu thuẫn không đáng có giữa doanh nghiệp và cộng đồng. Hành động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp còn được thể hiện ở chỗ các doanh nghiệp luôn chú trọng thay đổi công nghệ khai thác xanh, hoặc việc tìm kiếm giải pháp tiết kiệm năng lượng, nguồn nước, tái sử dụng những vật dụng đã qua sử dụng,…

4. Kết luận

Trong quá trình phát triển, bên cạnh việc chú trọng đến lợi nhuận thì một phương diện khác ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn tại phát triển của doanh nghiệp chính là giá trị chia sẻ. Giá trị chia sẻ này được các nhà nghiên cứu chỉ ra chính là các giá trị được tạo ra đảm bảo sự duy trì và nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng. Trong quá trình hoạt động, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản thuộc TKV đã và đang đưa đến những giá trị chia sẻ như tìm cách khai thác sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên phục vụ xã hội; nâng cao lợi ích vật chất, tinh thần cho người lao động; chung tay chia sẻ và giải quyết những vấn đề tồn tại ở địa phương; Bảo vệ và phục hồi môi trường… Đó là những giá trị chia sẻ cần được tích hợp trong các chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nâng cao khả năng cạnh tranh vừa đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội trong giai đoạn hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ánh Dương (2020). CSV - Tạo giá trị chia sẻ: chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững. Truy cập tại: https://cafef.vn/csv-tao-gia-tri-chia-se-chia-khoa-de-doanh-nghiep-phat-trien-ben-vung-20201119172453501.chn
  2. Lê Nam (2023). Năm 2022, TKV lãi hơn 8.100 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 21.000 tỷ đồng. Truy cập tại: https://plo.vn/nam-2022-tkv-lai-hon-8100-ti-nop-ngan-sach-hon-21000-ti-dong-post714930.html
  3. Truyền thông TKV (2023). TKV cùng những công trình phúc lợi vì cộng đồng. Truy cập tại: https://vinacomin.vn/tin-tuc/tkv-cung-nhung-cong-trinh-phuc-loi-vi-cong-dong-202302061112081208.htm
  4. Kramer, Mark R., and Michael Porter (2011). Creating shared value. 17. Boston, MA, USA: FSG.
  5. Michael E. Porter and Mark R. Kramer (2011). Creating shared value. Available at: http://hbr.org/2011/01/the-big-idea-creating-shared-value/ar/pr

THE SHARED VALUES OF MINING COMPANIES UNDER VIETNAM NATIONAL COAL - MINERAL INDUSTRIES HOLDING CORPORATION LIMITED

Pham Thu Trang

Hanoi University of Mining and Geology

ABSTRACT:

By analyzing some theoretical issues about shared values ​​and characteristics of mining companies under Vietnam National Coal - Mineral Industries Holding Corporation Limited (Vinacomin), this paper proposes shared values that Vinacomin’s member companies can bring to society. Shared values that mining companies can bring to society including:  the research and development of new products, the benefits for employees, the benefits for localities and the environment. This paper’s results can be used by Vinacomin’s member companies to develop strategic solutions and planning solutions that integrate both economic and social efficiency, helping them ready to carry out economic tasks and social tasks at the same time in an active and positive manner.

Keywords: shared value, mining enterprise, Vietnam National Coal - Mineral Industries Holding Corporation Limited.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3