TÓM TẮT:
Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu đề xuất giải pháp nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế. Phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, so sánh các số tương đối và tuyệt đối được sử dụng để đánh giá thực trạng quá trình phát triển và hội nhập của thành phố Cần Thơ. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện ra 5 yếu tố, gồm: văn hóa và ngôn ngữ, chính sách và quy định quốc tế, kỹ năng quản lý đổi mới và sáng tạo, công nghệ thông tin và kỹ năng số hóa, thách thức đối diện từ sự cạnh tranh đã tác động đến năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Từ khóa: năng lực làm việc, cán bộ quản lý, hội nhập quốc tế, thành phố Cần Thơ.
Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, sự liên kết ngày càng chặt chẽ của thế giới đã đặt ra những cơ hội và thách thức lớn đối với các tỉnh, thành ở Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nguồn cán bộ quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế. Nghị quyết số 26/NQ-TW, ngày 19/5/2018 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đã đánh dấu một bước đột phá trong tư duy lý luận của Đảng ta về xây dựng cán bộ cấp chiến lược và đã coi trọng nâng cao năng lực hội nhập quốc tế, trong đó nhấn mạnh kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế đối với đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ cán bộ cấp chiến lược nói riêng.
Năng lực là tổ hợp những đặc điểm, thuộc tính tâm lý của tổ chức hoặc cá nhân phù hợp với yêu cầu một dạng hoạt động nhất định nhằm bảo đảm cho hoạt động đạt hiệu quả tối ưu. Ứng với từng môi trường và hoạt động cụ thể, đòi hỏi cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có những phẩm chất, năng lực và kỹ năng chuyên biệt phù hợp. Trong quan hệ quốc tế, “môi trường quốc tế” thường được hiểu là không gian và tương tác giữa các chủ thể quốc tế. Từ đó, theo nghĩa rộng, “môi trường quốc tế” là không gian có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức nước ngoài với nhiều cấp độ, từ song phương đến đa phương, từ chính thức đến phi chính thức, trên các ngành nghề và ngữ cảnh khác nhau, là tổng thể các điều kiện kinh tế, chính trị, đối ngoại, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng… đại diện cho quan hệ lợi ích trên các lĩnh vực then chốt, đan xen, tương tác, ràng buộc lẫn nhau giữa nước ta với các nước, tổ chức quốc tế4.
Với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Cần Thơ không chỉ là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế của khu vực mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế. Sự phát triển bền vững và đổi mới đã làm nên nền tảng cho sự thịnh vượng của thành phố, tạo ra cơ hội mới cho cộng đồng và doanh nghiệp địa phương, đặc biệt trong việc thúc đẩy hợp tác và phát triển quốc tế. Tuy nhiên, môi trường quốc tế cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với thành phố Cần Thơ, đặc biệt là năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc định hình và thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ quốc tế, thay đổi nhanh chóng của công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi sự linh hoạt và sẵn sàng thích ứng,… Đồng thời, môi trường quốc tế cũng mang lại những cơ hội không thể bỏ qua, từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu đến việc hợp tác và học hỏi từ các đối tác quốc tế. Với bối cảnh trên, nghiên cứu “Giải pháp nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế” là cấp thiết.
Thành phố Cần Thơ là trung tâm của miền Tây Nam Bộ, là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng hạng thứ sáu cả nước, xếp thứ hai trong năm thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 86 triệu đồng, tăng 17,2% so với năm 2021. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch tăng mạnh. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, các biện pháp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh được triển khai tích cực, phát huy hiệu quả. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn vượt 5,54% kế hoạch, tăng 38,47% so với năm 2021. Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng và phát triển toàn diện; diện tích, sản lượng thu hoạch lúa, cây ăn trái, thủy hải sản, gia súc, gia cầm... đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu. Trong đó, thực hiện đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ thành phố đề ra, tăng trưởng kinh tế 12,64% vượt chỉ tiêu để ra là 7,5% 3.
Tăng trưởng kinh tế của thành phố duy trì tốc độ tăng mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2011 - 2023 tăng bình quân 5,64%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Đến nay, thành phố đã xuất khẩu hàng hóa trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ ngoại tệ năm 2004 đạt 317,7 triệu USD tăng lên 1.375,6 triệu USD năm 2015 và đạt 2.211 triệu USD năm 2023; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2004- 2023 tăng bình quân 11,5%; Kim ngạch nhập khẩu đạt 265,4 triệu USD vào năm 2004 và năm 2023 đạt 537 triệu USD. Trong giai đoạn 2004 - 2023, thành phố cấp mới đăng ký doanh nghiệp cho 22.445 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 153.012 tỷ đồng 6.
Đánh dấu chặng đường 20 năm thành lập thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương (01/01/2004 - 01/01/2024), với quyết tâm chính trị cao nhất, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân thành phố Cần Thơ đã đoàn kết, thống nhất, vừa tập trung khôi phục và phát triển kinh tế, vừa tổ chức thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, trong đó việc hợp tác liên kết vùng và đối ngoại, hội nhập quốc tế của thành phố ngày càng đi vào chiều sâu và thực chất. Cụ thể, thành phố đã tham gia vào 3 tổ chức quốc tế lớn, gồm: 100 thành phố có khả năng chống chịu (100 Resilient Cities) vào tháng 9/2016, Hiệp hội quốc tế các Thị trưởng nói tiếng Pháp (AIMF) vào tháng 12/2018 và Thỏa thuận toàn cầu của các Thị trưởng về Khí hậu và Năng lượng (Global Covenant of Mayors for Climate and Energy - GCoM) vào tháng 02/2019. Bên cạnh đó, thành phố cũng tích cực triển khai các Bản ghi nhớ, thỏa thuận quốc tế đã ký với các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Italy, Iran, Hà Lan, Singapore, Malaysia… Trong 20 năm qua, thành phố đã ký kết 124 bản ghi nhớ hợp tác với đối tác nước ngoài; thu hút hơn 40 đối tác là các tổ chức phi chính phủ nước ngoài thực hiện khoảng 50 dự án phi chính phủ trên các lĩnh vực: y tế, giáo dục, nước sạch nông thôn, ứng phó biến đổi khí hậu
Bên cạnh những thành tựu đạt được nêu trên, thành phố Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, như: Môi trường đầu tư, kinh doanh, hợp tác liên kết vùng chưa thật sự hiệu quả; việc triển khai thực hiện về một số chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư chưa đạt kết quả như kỳ vọng, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài chưa khởi sắc6.
Nhằm tiếp tục phát huy những thành tựu đạt được và thúc đẩy công tác phối hợp liên kết vùng, đối ngoại và hội nhập quốc tế, Đảng bộ, chính quyền thành phố Cần Thơ đề ra nhiều phương hướng quan trọng trên các lĩnh vực, trong đó có công tác phối hợp liên kết vùng và đối ngoại, hội nhập quốc tế được xem xét là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ đặt ra khâu đột phá quan trọng, tập trung vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia có khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 có 25 - 35% cán bộ quản lý cấp thành phố và 70 - 80% cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn thành phố đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế.
Từ thực trạng trên cho thấy, quá trình phát triển và hội nhập quốc tế tại thành phố Cần Thơ đã đạt được nhiều thành tựu nhất định. Tuy nhiên, Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Đảng nhận định rằng “Nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc của cán bộ trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế” 1
Hội thảo khoa học về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế tại Cần Thơ đã nhất trí với các nhóm tiêu chí đối với cán bộ đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế, gồm: (1) Lập trường tư tưởng chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức trong sáng; (2) Năng lực chuyên môn đạt chuẩn quốc tế; (3) Hiểu biết sâu sắc pháp luật, thông lệ quốc tế; (4) Am hiểu về văn hóa của các nước đối tác; (5) Tác phong làm việc chuyên nghiệp; (6) Thông thạo ngoại ngữ, công nghệ thông tin; (7) Khả năng tổng hợp, phân tích, thuyết trình, phản biện, làm việc nhóm... Đó là những yếu tố cơ bản, cần thiết đối với đội ngũ cán bộ làm việc trong môi trường quốc tế hiện nay 5.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực trạng phát triển và hội nhập quốc tế của thành phố Cần Thơ, các chuyên gia vẫn cho rằng còn các yếu tố tác động đến năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế, cụ thể:
Văn hóa và ngôn ngữ: Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 19/5/2018 đã khẳng định phải “chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc” 1. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay với nhiều thách thức và biến động khó lường đòi hỏi đội ngũ cán bộ cần có sự “cọ xát” văn hóa và sự chia sẻ các giá trị văn hóa. Thành phố Cần Thơ là một điểm giao thoa văn hóa, với nhiều cộng đồng dân cư đa dạng, sự đa dạng văn hóa và giá trị trong môi trường hội nhập quốc tế có thể tạo ra thách thức trong việc hiểu và thích ứng với các quy tắc, thói quen,… Chính vì thế, cán bộ quản lý cần phải hiểu, thích ứng với các giá trị văn hóa và ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển, bởi nó đảm bảo sự đa dạng về văn hóa và giúp các nền văn hóa có thể giao thoa, trao đổi với nhau, đòi hỏi cán bộ quản lý phải làm việc trên nền văn hóa và ngôn ngữ khác nhau. Sự khác biệt ngôn ngữ có thể tạo ra rào cản trong giao tiếp và hiểu biết, từ việc thực hiện các thỏa thuận đến quản lý nhân viên, dự án đa văn hóa và giữa các đội ngũ làm việc đa quốc gia. Để tương tác hiệu quả với các đối tác quốc tế, cán bộ quản lý cần có kỹ năng giao tiếp đa văn hóa và nắm vững các quy tắc giao tiếp quốc tế.
Chính sách và quy định quốc tế: Sự thay đổi trong chính sách và quy định kinh doanh quốc tế là yếu tố tác động rất lớn đến đội ngũ cán bộ quản lý ở Cần Thơ, đặc biệt khi tham gia vào các dự án có hợp tác quốc tế. Ngoài các quy định và tiêu chuẩn quốc tế, các chính sách và luật pháp địa phương cũng có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh và quản lý. Cán bộ quản lý cần phải hiểu và tuân thủ các quy định này để tránh xung đột và rủi ro pháp lý. Do đó, người cán bộ cần am hiểu những kiến thức cơ bản về luật pháp quốc tế, đặc biệt là luật thương mại, đầu tư, thuế và quy trình giải quyết tranh chấp, từ đó có thể nắm rõ thể chế, thiết chế của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Việc hiểu và áp dụng các quy định này là rất quan trọng để duy trì sự hòa nhập và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Kỹ năng quản lý đổi mới và sáng tạo: Trong quá trình đổi mới sáng tạo và quản lý những đổi mới, cán bộ quản lý đóng vai trò chủ chốt quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới sáng tạo. Cán bộ quản lý sẽ là người quyết định về việc có đổi mới hay không dựa trên những nhận định của bản thân về tình hình hoạt động mà bản thân đang đảm nhận, Họ cần chủ động nắm bắt, đánh giá đúng thông tin, sát hợp với tình hình thực tiễn, từ đây dự báo đúng đắn tình hình, cục diện quốc tế, có tầm nhìn dài hạn, tư duy chiến lược và năng lực dự báo khoa học, nhạy bén, trong nhận diện thách thức và nắm bắt thời cơ. Đặc biệt, trong môi trường hội nhập quốc tế, đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng đổi mới. Cán bộ quản lý cần có khả năng định hình và thúc đẩy sự đổi mới trong tổ chức, vì thế, kỹ năng quản lý đổi mới và sáng tạo là yếu tố tác động đến năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ trong môi trường hội nhập quốc tế.
Công nghệ thông tin và kỹ năng số hóa: Sự tiến bộ trong công nghệ thông tin và số hóa có thể mở ra cơ hội lớn cho cải thiện năng suất và quản lý hiệu quả. Cán bộ quản lý cần phải nắm vững công nghệ và biết cách áp dụng nó vào công việc hàng ngày. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự đổi mới có thể yêu cầu các cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ cập nhật kiến thức và kỹ năng mới để tiếp tục duy trì năng lực làm việc. Việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để kết nối và làm việc hiệu quả với đồng nghiệp và đối tác quốc tế, giúp tạo ra môi trường làm việc linh hoạt và hiệu quả. Sự tiến bộ của công nghệ thông tin và thương mại điện tử, đòi hỏi cán bộ quản lý phải nắm vững kỹ năng sử dụng công nghệ, số hóa và hiểu biết về quy trình, tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo sự cạnh tranh trong môi trường quốc tế cũng là yếu tố tác động đến năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ.
Thách thức đối diện từ sự cạnh tranh: Trong môi trường hội nhập quốc tế, sự cạnh tranh gia tăng có thể trở nên khốc liệt hơn, đặc biệt là đối với các ngành công nghiệp, biến động của môi trường kinh doanh và thị trường có thể ảnh hưởng đến việc quản lý rủi ro, dự báo và định hình chiến lược kinh doanh của đội ngũ cán bộ quản lý. Sự phù hợp và kết hợp giữa mục tiêu cụ thể và tầm nhìn dài hạn, cùng với việc xây dựng và duy trì mối quan hệ với các đối tác quốc tế sẽ giúp Cần Thơ tiếp cận được nguồn lực, kinh nghiệm và thông tin quan trọng từ cộng đồng quốc tế. Hợp tác song phương và đa phương là chìa khóa để tăng cường năng lực quản lý trong môi trường hội nhập. Sự đối thoại và tham gia của cán bộ quản lý với cộng đồng địa phương và các bên liên quan là cần thiết để đảm bảo rằng các quyết định được đưa ra phản ánh đúng nhu cầu và sự quan tâm của cộng đồng. Đồng thời tạo ra sự ủng hộ cho quá trình hội nhập quốc tế. Thách thức đối diện từ sự cạnh tranh này, cần có đội ngũ cán bộ quản lý phải phong phú, đa dạng của kiến thức và kinh nghiệm, có khả năng đối phó với áp lực cạnh tranh và tìm ra cách lựa chọn chiến lược phù hợp.
Từ kết quả nghiên cứu cho thấy, thành phố Cần Thơ còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế. Do đó, cần có giải pháp nâng cao năng lực và sẵn sàng cho thách thức trong môi trường hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ quản lý tại thành phố Cần Thơ.
Tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, bao gồm cả việc sử dụng ngôn ngữ phù hợp, giao tiếp hiệu quả với các đối tác và nhân viên từ các nền văn hóa khác nhau và xây dựng mối quan hệ làm việc tích cực. Huấn luyện về kỹ năng đàm phán và giải quyết xung đột trong một môi trường đa văn hóa, điều này giúp cán bộ quản lý hiểu rõ hơn về cách đối phó với những tình huống mâu thuẫn văn hóa và giải quyết chúng một cách hiệu quả. Tăng cường mối quan hệ và liên kết với cộng đồng đa văn hóa, các cán bộ quản lý có thể tham gia vào các hoạt động xã hội, tình nguyện và sự kiện văn hóa để hiểu rõ hơn về các giá trị và thực tiễn văn hóa của cộng đồng. Hình thành và phát triển nhóm làm việc đa văn hóa, đa ngôn ngữ trong tổ chức sẽ giúp tạo ra một môi trường làm việc đa dạng, đầy sức sáng tạo và hiệu suất làm việc. Từ đây hình thành kỹ năng lãnh đạo toàn cầu, đa dạng và tôn trọng văn hóa trong tổ chức, thích ứng nền văn hóa, ngôn ngữ và phong cách làm việc khác nhau.
Xây dựng một môi trường làm việc tích cực, khích lệ sự hợp tác và hỗ trợ giữa các thành viên trong đội ngũ quản lý. Công việc nhóm và tinh thần đồng đội được ưu tiên coi trọng và khuyến khích, từ đó tạo ra hiệu suất làm việc cao hơn. Khuyến khích việc học hỏi và hợp tác với đồng nghiệp địa phương để hiểu sâu hơn về chính sách và các quy định quốc tế đối với thị trường và thực tiễn kinh doanh địa phương, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ các dự án, thử nghiệm và thành công của các tổ chức hoạt động quốc tế. Việc này giúp tăng cường kiến thức thực tiễn và hiểu biết về cách thức hoạt động trong môi trường quốc tế. Đồng thời, xây dựng các cơ chế đánh giá và phản hồi định kỳ để đo lường và nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý về các chính sách và quy định trong môi trường quốc tế.
Sự sáng tạo và đổi mới trong tư duy và hành động giúp cán bộ quản lý tìm ra các giải pháp mới và hiệu quả để đối phó với các thách thức và cơ hội. Do đó, cán bộ quản lý cần tham gia vào các hoạt động học hỏi liên tục như đào tạo, hội thảo, đọc sách về đổi mới và sáng tạo, từ đây sẽ khơi dậy tư duy, tạo ra không gian cho việc nảy sinh các ý tưởng mới và đột phá để tiếp tục đặt câu hỏi, thách thức và tìm kiếm cách tiếp cận mới, để mở rộng mạng lưới quan hệ và tạo ra cơ hội hợp tác phát triển mới. Xây dựng một đội ngũ đa dạng về kỹ năng, kinh nghiệm, quan điểm có thể thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong tổ chức. Sự đa dạng trong đội ngũ có thể tạo ra nhiều quan điểm khác nhau, từ đó tạo ra các giải pháp sáng tạo cho các vấn đề phức tạp trong môi trường làm việc linh hoạt, đồng thời ủng hộ việc thử nghiệm ý tưởng mới, từ đó tạo ra những tiến bộ và sự đổi mới trong hoạt động kinh doanh quốc tế.
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đang thúc đẩy sự đổi mới và tăng cường hiệu suất làm việc, do vậy cần thường xuyên tổ chức đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý về khả năng áp dụng công nghệ, thông qua các khóa đào tạo và huấn luyện định kỳ về các công nghệ mới, phương pháp quản lý dựa trên dữ liệu và kỹ năng số hóa, sử dụng các công cụ phần mềm quản lý dự án, các nền tảng phân tích dữ liệu, và các kỹ năng mềm như quản lý thời gian và giao tiếp. Xây dựng một cộng đồng nội bộ về công nghệ thông tin và số hóa, nơi cán bộ quản lý có thể chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, và thảo luận về các vấn đề liên quan. Các buổi họp, diễn đàn trực tuyến, hoặc các kênh trò chuyện nhóm là cách tốt nhất để tạo ra một cộng đồng chia sẻ, từ đây sẽ xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia và tổ chức ngoài công ty để có thể cung cấp các buổi đào tạo, hội thảo, hoặc tư vấn về công nghệ thông tin và kỹ năng số hóa.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh quốc tế có nhiều biến động lớn, mỗi cán bộ quản lý cần thực hiện các hoạt động đánh giá hiệu suất để đo lường và theo dõi hiệu suất của tổ chức với các chiến lược cạnh tranh đầy thách thức. Vì thế, mỗi cán bộ quản lý nên tham gia vào các khóa đào tạo, chương trình phát triển liên tục để giúp tiếp tục cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, cũng như phát triển những chiến lược mới để đối phó với sự cạnh tranh; trang bị kỹ năng phân tích thị trường, dự báo xu hướng, đánh giá rủi ro để có thể phát triển chiến lược linh hoạt và hiệu quả. Đồng thời, phát triển mối quan hệ với các đối tác chiến lược và tận dụng nguồn lực bên ngoài để hỗ trợ trong việc cạnh tranh. Các cán bộ quản lý cần có khả năng xây dựng và duy trì mối quan hệ đối tác đáng tin cậy, cũng như kỹ năng đàm phán và quản lý mối quan hệ. Điều này giúp tạo ra một môi trường làm việc năng động và đội ngũ cán bộ quản lý đầy đủ động lực để đối phó với sự cạnh tranh.
Thực trạng phát triển và hội nhập quốc tế của thành phố Cần Thơ trong thời gian qua đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đặt ra đối với đội ngũ cán bộ quản lý. Nghiên cứu đã chỉ ra được các yếu tố tác động đến năng lực làm việc của cán bộ quản lý trong môi trường hội nhập quốc tế, từ đó đề xuất được 5 giải pháp tương ứng với 5 yếu tố tác động, bao gồm: Văn hóa và ngôn ngữ, Chính sách và quy định quốc tế, Kỹ năng quản lý đổi mới và sáng tạo, Công nghệ thông tin và kỹ năng số hóa và Thách thức đối diện từ sự cạnh tranh, nhằm nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý, để xây dựng đội ngũ quản lý các cấp, chuyên gia đầu ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Solutions to enhance the working performance of managerial staffs in Can Tho city in the context of the city’s international integration
1Master. Tran Thao Vy
2Master. Nguyen Thi Ngoc Anh
1Lecturer, Faculty of Agriculture, Can Tho Technical Economic College
2Deputy Head of Scientific Management - International Cooperation,
Can Tho University of Engineering and Technology
ABSTRACT
This study aimed to propose solutions to enhance the working performance of managerial staff in Can Tho City in the context of the city’s international integration. Analytical, synthesis, statistical, and comparing relative and absolute figures methods were used to assess the current situation of Can Tho’s development and integration process. The study identified five factors, including culture and language, international policies and regulations, innovation and creativity management skills, information technology and digital skills, and challenges from competition, all of which affect the working performance of managerial staff in Can Tho city.
Keywords: working capacity, managerial staff, international integration, Can Tho city.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết