Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ nhân tài trong nền công vụ Việt Nam


Đề tài Giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ nhân tài trong nền công vụ Việt Nam do Đinh Thái Quang thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết được tổng hợp từ các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước về vai trò, đặc điểm, môi trường làm việc của đội ngũ nhân tài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Dựa trên các phương pháp nghiên cứu tài liệu, tổng hợp, phân tích từ các văn kiện của Đảng, văn bản của Nhà nước và các công trình nghiên cứu, bài viết liên quan đến vai trò, môi trường hoạt động của nhân tài. Kết quả cho thấy, hiện nay, nước ta còn nhiều quan niệm khác nhau về nhân tài. Nhân tài có vai trò, đặc điểm, môi trường làm việc có điểm giống và khác biệt so với đội ngũ cán bộ, công chức. Môi trường làm việc của nhân tài trong cơ quan nhà nước còn nhiều bất cập, đã hạn chế vai trò của đội ngũ nhân tài. Từ nhận định về vai trò, đặc điểm, môi trường làm việc của nhân tài, bài viết cũng đã đưa ra một số giải pháp giúp các cơ quan nhà nước có thể tham khảo và ban hành các chính sách phát huy vai trò của nhân tài trong nền công vụ Việt Nam.

Từ khóa: đội ngũ nhân tài, môi trường, làm việc, phát huy, cơ quan nhà nước, công vụ.

1. Quan niệm về nhân tài

Nhân tài là một khái niệm có nhiều ý kiến khác nhau từ thời phong kiến đến ngày nay. Có quan niệm cho rằng nhân tài là người có khả năng xuất chúng, bẩm sinh, thiên phú, hơn những người khác. Quan niệm khác khẳng định nhân tài là người có tài năng vượt trội so với người khác và có khả năng thực hiện tốt một công việc trong một lĩnh vực cụ thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm nhân tài là có đạo đức, nhân cách, thể hiện qua năng lực làm việc, luôn gương mẫu trong rèn luyện, trau dồi đạo đức và làm việc xuất chúng “cán bộ tốt làm việc gì cũng xong” [1].  Hiện nay, nhân tài được đánh giá là người có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức; đội ngũ nhân tài nước ta luôn có tinh thần yêu nước, có lòng tự hào, tự tôn dân tộc sâu sắc và tạo ra những sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị đối với xã hội.

Ðội ngũ nhân tài đã đóng góp tích cực trong tham mưu, hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật; sáng tạo nhiều công trình có chất lượng, có giá trị về tư tưởng, văn hóa và nghệ thuật; trực tiếp góp phần nâng cao dân trí, đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 và phát triển nền kinh tế số, nguồn nhân lực chất lượng cao, nòng cốt là đội ngũ nhân tài luôn đóng vai trò tiên phong trong ứng dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần đưa lại năng suất, chất lượng lao động cao, quyết định khả năng cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế quốc gia.

Từ những phân tích trên, tác giả cho rằng nhân tài là người có trình độ, năng lực, nhân cách và có khả năng tạo ra sự thay đổi đột phá cho cơ quan, tổ chức và xã hội. Nhân tài được nhận diện trong cơ quan hành chính nhà nước gồm những người như sau: 1) Người có trình độ chuyên môn có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức, kỹ năng chuyên môn sâu rộng, đáp ứng được yêu cầu của công việc của cơ quan, đơn vị, địa phương; 2) Người có tư duy sáng tạo, có khả năng phát hiện và giải quyết các vấn đề mới phát sinh, có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ mới vào thực tiễn công việc; 3) Người có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm cao, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân.

2. Vai trò của nhân tài

Nhân tài có vai trò quan trọng đối với nền công vụ, góp phần tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Thứ nhất, nhân tài là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong việc thực thi pháp luật, quản lý nhà nước và phục vụ nhân dân. Nhân tài là những người có kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, sáng tạo, có khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp, nhạy bén với tình hình thực tiễn. Do đó, nhân tài có thể đóng góp quan trọng trong việc thực thi pháp luật một cách chính xác, hiệu quả, quản lý nhà nước một cách khoa học, minh bạch, phục vụ nhân dân một cách tận tình, chu đáo.

Thứ hai, nhân tài là động lực thúc đẩy sự phát triển của nền công vụ. Nhân tài là những người có tư duy đổi mới, sáng tạo, có khả năng đề xuất các ý tưởng mới, giải pháp mới để giải quyết các vấn đề phát triển của đất nước. Do đó, nhân tài có thể đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của nền công vụ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ ba, nhân tài là gương sáng, hình mẫu cho các công chức khác noi theo. Nhân tài là những người có phẩm chất đạo đức tốt, có lối sống lành mạnh, có ý thức trách nhiệm cao với công việc. Do đó, nhân tài có thể đóng góp quan trọng trong việc xây dựng đội ngũ công chức có phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

3. Đặc điểm của nhân tài trong hoạt động công vụ

Nhân tài làm việc trong nền công vụ cũng giống như đội ngũ cán bộ, công chức viên chức nói chung. Tuy nhiên, nhân tài có những đặc điểm riêng biệt như sau:

Một là, nhân tài thường có kiến thức sâu rộng trong một lĩnh vực cụ thể. Nhân tài có kỹ năng chuyên môn vững vàng, từ đó đem lại giá trị lớn cho cơ quan, tổ chức. Mức độ am hiểu về chuyên môn, nghiệp vụ giúp họ không chỉ hiểu rõ về nguyên lý cơ bản mà còn có khả năng áp dụng linh hoạt vào thực tiễn công việc. Kỹ năng này tạo nên sự đột phá, từ việc giải quyết vấn đề phức tạp đến việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ chất lượng. Bằng cách sử dụng kiến thức sâu rộng này, nhân tài không chỉ thúc đẩy hiệu suất cá nhân mà còn tạo ra giá trị lớn cho tổ chức, đem lại sự tiến bộ và cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường.

Hai là, nhân tài thường xuất sắc trong việc tìm ra giải pháp sáng tạo cho những thách thức phức tạp. Sự tư duy linh hoạt và không ngừng đổi mới giúp họ đưa ra những ý tưởng mới, thay đổi quy trình làm việc để tối ưu hiệu suất. Họ không ngừng khám phá, thử nghiệm những cách tiếp cận mới và chấp nhận rủi ro để đưa ra các phương án tiên tiến. Sự sáng tạo của họ không chỉ giải quyết vấn đề hiện tại mà còn dẫn đến sự tiến bộ, tạo nên môi trường làm việc động lực và đổi mới liên tục.

Ba là, nhân tài linh hoạt, sẵn lòng thích nghi với thay đổi và luôn muốn học hỏi, cải thiện bản thân để đáp ứng yêu cầu mới của công việc. Không ngừng học hỏi, sẵn lòng thấu hiểu và thích ứng với các yêu cầu mới của công việc. Tính linh hoạt cho phép họ mở rộng kiến thức, chấp nhận thách thức và tìm kiếm cơ hội để phát triển. Bằng cách liên tục cải thiện bản thân, họ trở thành nguồn lực quý giá, có khả năng đưa ra giải pháp sáng tạo và thích ứng linh hoạt trong môi trường làm việc đầy biến động.

Bốn là, nhân tài là người có sự đam mê với công việc và luôn mong muốn cống hiến, tạo ra giá trị cho cơ quan, tổ chức. Sự đam mê này thúc đẩy họ vượt qua giới hạn, tạo ra hiệu suất làm việc ấn tượng. Bằng sự tận tâm và cam kết, họ truyền cảm hứng cho đồng nghiệp, thúc đẩy mọi người xác định mục tiêu và nỗ lực hơn. Sự hăng say và lòng nhiệt huyết của họ không chỉ tạo ra kết quả cá nhân mà còn làm nên sức mạnh tập thể, tạo động lực mạnh mẽ cho toàn bộ tổ chức.

4. Môi trường làm việc của nhân tài

Môi trường hoạt động của đội ngũ nhân tài cũng đã từng bước được hoàn thiện và được tạo điều kiện ngày một thuận lợi. Quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân được công nhận và bảo hộ trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo; ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các đối tượng liên quan làm công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Việc thực hiện dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị cũng được chú trọng theo tinh thần “tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận”1, góp phần tạo được bầu không khí dân chủ, cởi mở cũng như đề cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động nghiên cứu. Nhiều diễn đàn đã được tổ chức để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của nhân tài khi tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện các chủ trương, chính sách của Nhà nước.  

5. Một số hạn chế về môi trường hoạt động, phát huy vai trò của đội ngũ nhân tài

Có thể thấy đội ngũ nhân tài có mặt ở tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội như chính trị, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn học - nghệ thuật... Thời gian qua đội ngũ này đã phát triển nhanh về số lượng, nâng cao về chất lượng và đã hình thành được một đội ngũ nhân tài mới, đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc tạo môi trường hoạt động nhằm phát huy vai trò của đội ngũ nhân tài vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, cụ thể là:

- Nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của đội ngũ nhân tài có lúc, có nơi vẫn chưa thực sự đầy đủ, chưa gắn nhiệm vụ xây dựng đội ngũ nhân tài với kế hoạch xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ của từng Bộ, ngành, địa phương. Ở một số cơ quan, đơn vị, việc đánh giá, sử dụng nhân tài còn chưa phù hợp với năng lực và trình độ; chưa thực sự quan tâm đến việc phát huy trí tuệ của đội ngũ nhân tài trong tham mưu, tư vấn và nghiên cứu phục vụ phát triển. Việc thực hiện cơ chế đối thoại, trao đổi giữa cơ quan nhà nước với đội ngũ nhân tài, các chuyên gia, các nhà quản lý trong xây dựng chiến lược, định hướng phát triển, pháp luật, chính sách đã được thực hiện nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả đạt được chưa cao.

- Công tác xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật còn chậm trong việc thể chế hóa mục tiêu xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ nhân tài, quan điểm trọng dụng nhân tài là nhân tài của đất nước. Các chính sách hiện hành như thu hút, đãi ngộ chưa đủ sức hấp dẫn đối với nhân tài, vì vậy tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực công sang khu vực tư, từ trong nước ra nước ngoài vẫn chưa được khắc phục hiệu quả. Một số nội dung chính sách đãi ngộ vẫn mang tính bình quân, dàn trải; chưa đồng bộ, còn chồng chéo giữa các lĩnh vực dẫn tới khó thực hiện trên thực tế.

 - Mặc dù khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo được xác định là  “quốc sách hàng đầu” nhưng trên thực tế đầu tư cho các lĩnh vực này chưa thực sự tương xứng, chưa đủ mức và chưa nhằm thực hiện tốt các giải pháp phát huy vai trò của đội ngũ nhân tài. Cơ chế khuyến khích, tạo động lực về tinh thần, tôn vinh dành cho đội ngũ nhân tài vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong khu vực công. Tiền lương, tiền công nói chung còn thấp, không hấp dẫn, không thu hút được những tri thức giỏi, có kinh nghiệm. Nhân lực trẻ trong các viện nghiên cứu, trường đại học không chỉ rời khu vực công sang khu vực tư làm việc; chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển đội ngũ nhân tài hoạt động trong các doanh nghiệp.

- Việc tạo dựng môi trường làm việc ở một số nơi vẫn chưa thật sự dân chủ, ảnh hưởng đến việc phát huy quyền tự do sáng tạo của nhân tài. Ở một số cơ quan, công tác quản lý cán bộ, đặc biệt là khâu đánh giá, sử dụng nhân tài còn nhiều điểm chưa phù hợp, đôi khi còn cứng nhắc. Thực tiễn cho thấy, nhiều cơ quan, tổ chức mặc dù đã thu hút được một số người giỏi về làm việc với các chế độ đãi ngộ khá hấp dẫn nhưng sau thời gian ngắn không ít người trong số họ lại xin thôi việc2. Chế độ đãi ngộ có tác dụng to lớn trong việc thu hút người có tài năng, nhưng để giữ chân họ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách sử dụng, quản lý nhân tài, môi trường làm việc, điều kiện làm việc để kích thích sự sáng tạo, khát khao cống hiến, tạo dựng sự gắn bó với cơ quan, tổ chức…

Chính những bất cập trên về thể chế, chính sách, môi trường hoạt động nên ở nước ta đội ngũ nhân tài tinh hoa và hiền tài còn ít, thiếu các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý giỏi, có uy tín trong khu vực và quốc tế. Đội ngũ nhân tài tập trung nhiều ở các thành phố lớn, các khu vực có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi, đội ngũ nhân tài có trình độ chuyên môn sâu và cao ở các địa phương còn khá mỏng. Một bộ phận nhân tài còn chưa thực sự tâm huyết, số công trình được công bố ở các tạp chí có uy tín trên thế giới, số sáng chế được đăng ký quốc tế còn ít, nhiều nghiên cứu còn thiếu khả năng dự báo và định hướng, chưa giải đáp được nhiều vấn đề do thực tiễn đổi mới đặt ra. Trình độ của nhân tài ở nhiều cơ quan nghiên cứu, trường đại học vẫn còn tụt hậu so với yêu cầu phát triển đất nước và so với một số nước tiên tiến trong khu vực, nhất là về năng lực sáng tạo, khả năng thực hành và ứng dụng, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin.

6. Giải pháp hoàn thiện môi trường hoạt động, phát huy vai trò của đội ngũ nhân tài trong tình hình mới

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và đổi mới, hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay thì vị trí, vai trò cũng như yêu cầu đối với đội ngũ nhân tài cũng có những thay đổi, bên cạnh cơ hội, thách thức đặt ra cho đội ngũ nhân tài hiện nay ngày càng nhiều. Đó là sự đòi hỏi ngày càng cao về trình độ và hiệu quả làm việc, mức độ cạnh tranh trong công việc ngày càng khốc liệt. Một mặt, đội ngũ nhân tài cần không ngừng nỗ lực, cố gắng tận dụng những cơ hội để phát triển bản thân và vươn lên, mặt khác rất cần có những giải pháp từ phía nhà nước để cải thiện môi trường hoạt động, nâng cao và phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của đội ngũ nhân tài, cụ thể là:  

Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ nhân tài, ban hành văn bản, chính sách tiếp tục tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sáng tạo và đóng góp, cống hiến của đội ngũ nhân tài cho sự phát triển chung của đất nước. Cần thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ, làm việc với nhân tài để lắng nghe ý kiến, trao đổi về những vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng, nhằm phát huy vai trò của đội ngũ nhân tài trong tư vấn, phản biện, giám định đối với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để khuyến khích và bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của nhân tài khi tham gia các hoạt động tư vấn, đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để đội ngũ nhân tài phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng, được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình. Đặc biệt, tăng cường thực thi việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm bảo đảm lợi ích của nhân tài khi chuyển giao phát minh, sáng chế và các chế độ khuyến khích, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ nhân tài có nhiều cống hiến cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ ba, cần chú trọng công tác thu hút, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh nhân tài; quan tâm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trẻ, nhân tài là những người đã có cống hiến trong hoạt động thực tiễn, nhân tài người dân tộc thiểu số và nhân tài nữ. Xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia giỏi, có nhiều đóng góp cho đất nước. Tăng cường ưu đãi về tiền lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt,... đối với đội ngũ nhân tài làm việc ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, nhân tài là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật... Đổi mới, nâng cao chất lượng xét chọn và nâng mức thưởng đối với các danh hiệu cao quý và các giải thưởng nhà nước dành cho nhân tài. Có chính sách đãi ngộ, khen thưởng đối với tác giả các công trình được công bố quốc tế, các sáng chế được bảo hộ trong và ngoài nước. Hệ thống giải thưởng khoa học và công nghệ, các danh hiệu tôn vinh cần được xem xét cải tiến nhằm tránh sự trùng lặp, chồng chéo giữa các cơ quan, tổ chức.

Thứ tư, tạo lập môi trường làm việc dân chủ, hiệu quả và khuyến khích nhân tài tự do sáng tạo; đảm bảo công bằng trong học thuật, nghiên cứu, sáng tạo, trong triển khai ứng dụng khoa học. Trong thực tế, quản lý theo hiệu quả và chất lượng công việc là cách thức quản lý mới và cần được áp dụng tùy theo đối tượng nhằm phát huy tính năng động và sáng tạo của đội ngũ nhân tài. Thực hiện cơ chế đặt hàng, đấu thầu thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm khoa học và công nghệ cuối cùng theo kết quả đầu ra; giảm bớt thủ tục hành chính trong hoạt động khoa học và công nghệ để tạo môi trường thông thoáng, khuyến khích phát huy năng lực sáng tạo cũng như nâng cao phẩm chất đạo đức của đội ngũ nhân tài.

Thứ năm, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, trước hết là đầu tư phát triển các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao kết quả nghiên cứu. Tăng mức đầu tư cho khoa học và công nghệ để tương xứng hơn với tốc độ phát triển kinh tế của đất nước; xem xét thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, thuế, nhằm khuyến khích, tạo điều kiện phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học tư nhân, để từ đó góp phần phát triển đội ngũ nhân tài trong các tổ chức này. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp nhằm thu hút những chuyên gia, nhân tài người Việt Nam ở nước ngoài có trình độ chuyên môn cao trong quản lý, điều hành, nắm bắt được công nghệ, kỹ thuật cao về làm việc cho đất nước. Mở rộng hợp tác, trao đổi chuyên gia, khuyến khích và biểu dương, khen thưởng các tổ chức và cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài có thành tích trong đóng góp xây dựng phát triển đất nước./.

Tài liệu trích dẫn:

1Quy định 285-QĐ/TW của Bộ Chính trị “về dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị trong các cơ quan Đảng, Nhà nước”.

2https://vnexpress.net/40-nhan-tai-o-da-nang-thoi-viec-3752208.html

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Trọng Chuẩn (2022). Phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản.
  2. Bộ Khoa học và Công nghệ (2022). Thực trạng và đóng góp của đội ngũ nhân tài khoa học và công nghệ. Kỷ yếu Hội thảo khoa học.
  3. Triệu Văn Cường, Nguyễn Minh Phương (2018). Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ở Việt Nam trong hội nhập quốc tế. Nxb Hồng Đức, Hà Nội.
  4. Ngô Thành Can chủ biên, (2018). Đạo đức công chức trong thực thi công vụ. Nxb Tư pháp, Hà Nội.
  5. Trần Văn Ngợi (2016). Cơ sở khoa học xây dựng cơ chế, chính sách, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài trong nền công vụ. Đề tài khoa học cấp Bộ, Bộ Nội vụ, Hà Nội.

Solutions for promoting the role of talens in Vietnam’s public service sector

Dinh Thai Quang

Abstract:

This paper presented a summary of the views, guidelines, and policies of the Communist Party of Vietnam (CPV) and Vietnamese laws on the role, characteristics, and working environment of talent in Vietnam’s development process. In this paper, documents of the CPV’s and the Government of Vietnam, previous works, and articles about the role and working environment of talent were analyzed. The paper found that there are many different concepts about talent. Talents have roles, characteristics, and working environments that are similar and different from those of officials and civil servants. The working environment for talents in state agencies still has many shortcomings that limit the role of talents. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help state agencies make suitable policies to promote the role of talents in Vietnam’s public service sector.

Keywords: talent, environment, work, promotion, state agencies, public service.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3