Giải pháp phát triển tài chính số ở Việt Nam hiện nay


Bài báo nghiên cứu khoa học "Giải pháp phát triển tài chính số ở Việt Nam hiện nay" do tác giả Lâm Hải (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai) thực hiện.

Tóm tắt:

Trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0, tài chính số (TCS) đã và đang phát triển bùng nổ với nhiều loại hình dịch vụ đa dạng. Thực tế cho thấy, sự phát triển của TCS góp phần cải thiện, tăng sự ổn định cho hệ thống tài chính của các quốc gia, giúp Chính phủ các nước kiểm soát tốt lạm phát. Tuy nhiên, sự phát triển của dịch vụ TCS còn nhiều hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích những thuận lợi và khó khăn của phát triển TCS ở Việt Nam, tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm phát triển dịch vụ tài chính này ở nước ta thời gian tới.

Từ khóa: chuyển đổi số, tài chính, tài chính số, hệ thống tài chính.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, mặc dù có quy mô tương đối nhỏ so với các dịch vụ tài chính truyền thống, các dịch vụ TCS đang có tốc độ tăng trưởng nhanh tại nhiều quốc gia và khu vực, thậm chí ở cả những nơi tài chính toàn diện truyền thống đang chững lại hoặc giảm sút, như tại châu Phi và châu Á. Cũng giống như các quốc gia trên thế giới, TCS phát triển tại Việt Nam do các làn sóng công nghệ về thanh toán kỹ thuật số, tài sản mã hóa, trí tuệ nhân tạo. TCS phát triển giúp người dân và doanh nghiệp có thể tăng cường việc tiếp cận các dịch vụ tài chính; đem lại nhiều lợi ích như giao dịch nhanh hơn, hiệu quả hơn, chi phí thấp hơn, yêu cầu ít hơn hoặc không cần tài sản thế chấp cho cấp tín dụng,… Các dịch vụ TCS do đó cũng dễ dàng vươn tới các đối tượng hộ gia đình thu nhập thấp, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, sự phát triển của TCS ở Việt Nam còn đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là về hành lang pháp lý, công tác quản lý, giám sát, rủi ro tội phạm về tài chính, rửa tiền, cạnh tranh không lành mạnh…. Do đó, nhận diện những thuận lợi, khó khăn, thách thức để có giải pháp thúc đẩy phát triển TCS ở Việt Nam thời gian tới là việc làm cần thiết.

2. Xu hướng phát triển tài chính số

Có nhiều cách tiếp cận về TCS. Ở góc độ kỹ thuật, tài chính số (Digital Finance) là thuật ngữ mô tả quá trình số hóa trong khu vực tài chính nói chung. Quá trình này tạo nền tảng cho sự ra đời của các sản phẩm tài chính điện tử như thẻ tín dụng (credit), thẻ chip, trao đổi dữ liệu điện tử (electronic trading system), dịch vụ ngân hàng tại nhà (home banking), các dịch vụ giao dịch tại nhà khác (home trading services), máy rút tiền tự động (automated teller machines)… Hơn thế, TCS còn giúp người sử dụng tiếp cận dịch vụ ngân hàng ở những vùng chưa có sự hiện diện thương mại của các định chế tài chính với sự hỗ trợ của điện thoại và các ứng dụng thông minh khác. Ở một số nước, người ta còn sử dụng dịch vụ thanh toán trước kèm theo dịch vụ Internet [4]. Ở góc độ dịch vụ, tài chính số là các dịch vụ tài chính dựa trên công nghệ kỹ thuật số để người dùng có thể tiếp cận và sử dụng. Mục đích của các dịch vụ này nhằm giảm chi phí, tăng tốc độ, tính minh bạch và bảo mật cho các dịch vụ tài chính. Các sản phẩm dịch vụ này có thể phục vụ cho tầng lớp người nghèo trên quy mô lớn [5]. Theo OECD, dịch vụ tài chính số là các hoạt động tài chính sử dụng công nghệ kỹ thuật số, bao gồm tiền điện tử, dịch vụ tài chính di động, dịch vụ tài chính trực tuyến, i-teller và ngân hàng số, cho dù thông qua các tổ chức ngân hàng hay phi ngân hàng [5]. TCS có thể bao gồm các giao dịch tiền tệ khác nhau như: gửi, rút, gửi và nhận tiền, cũng như các sản phẩm và dịch vụ tài chính khác bao gồm thanh toán, tín dụng, tiết kiệm, lương hưu và bảo hiểm. Đồng thời, cũng có thể bao gồm các dịch vụ phi giao dịch, chẳng hạn như xem thông tin tài chính cá nhân thông qua các thiết bị kỹ thuật số. Các dịch vụ TCS rất đa dạng, trong đó, ngân hàng di động và ngân hàng trực tuyến là những kênh kỹ thuật số phổ biến và được sử dụng rộng rãi nhất đối với thanh toán và chuyển khoản trong nước (ví di động đứng ở vị trí thứ ba). Trong hoạt động TCS, nguồn cung là các công ty trong lĩnh vực tài chính như: Các công ty Fintech, nền tảng cho vay ngang hàng, các công ty cho vay trực tuyến và các nền tảng Fintech khác khai thác các mạng lưới khách hàng cụ thể và các ngân hàng, công ty bảo hiểm có ứng dụng kỹ thuật số. Về phía cầu, dịch vụ TCS được sử dụng bởi người tiêu dùng thông qua các thiết bị thông minh và di động.

Tại Việt Nam, tài chính số ra đời do 3 làn sóng công nghệ chính góp phần hình thành nên hệ sinh thái, là: thanh toán kỹ thuật số; tài sản mã hóa; trí tuệ nhân tạo. Trong đó, các công nghệ thanh toán số tác động mạnh mẽ nhất và đang phát triển nhanh, còn tài sản mã hóa và trí tuệ nhân tạo mới bước đầu tạo ra những thay đổi nhỏ trong hệ thống tài chính. Thanh toán số là mảng dịch vụ phát triển nhanh nhất, với loại hình ví điện tử chiếm 90% thị phần trung gian thanh toán cả về số lượng và giá trị giao dịch. Tính đến hết tháng 4/2021, Việt Nam có 43 công ty không phải là các tổ chức phi ngân hàng được cấp phép tham gia vào hoạt động thanh toán, cung cấp cho khách hàng và các nhà bán lẻ các dịch vụ thanh toán trực tuyến hoặc các giải pháp thanh toán kỹ thuật số như: MoMo, Grappay by Moca, Airpay, VinID pay, Zalo pay, VNpay QR... [7]

3. Thuận lợi và khó khăn của Việt Nam trong phát triển tài chính số

Về nhận thức và quyết tâm chính trị. Kịp thời nắm bắt xu hướng chuyển đổi số của thế giới, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 52/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xác định rõ mục tiêu phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Từ chủ trương đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2025, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược của nước ta trong giai đoạn 2021-2030 “để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh” [3, tr.221] của nền kinh tế. Từ các văn kiện, nghị quyết của Đảng, nghị quyết và chỉ thị của Chính phủ, có thể thấy, Đảng, Nhà nước thể hiện rất quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số trên mọi lĩnh vực nhằm mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động của người dân, doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy cải cách hành chính trong công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước, đặc biệt ưu tiên phát triển trên 3 phương diện lớn của đất nước gồm: Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Đây là điều kiện tiên quyết cho việc phát triển tài chính số ở Việt Nam.

Về hành lang pháp lý, chính sách cho phát triển tài chính số. Trong thời gian vừa qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nói chung, phát triển TCS nói riêng. Điển hình như việc ban hành, sửa đổi, bổ sung Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Sở hữu trí tuệ… Việc thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia; Trung tâm Đổi mới sáng tạo về internet vạn vật… là nỗ lực lớn nhằm hỗ trợ nền tảng chuyển đổi số. Để thúc đẩy phát triển TCS, nhiều văn bản pháp quy được ban hành, như: Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 về việc thông qua đề nghị xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (fintech), Quyết định số 316/2021/QĐ-TTg ngày 9/3/2021 về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money); Quyết định số 1813/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025… Đây là những chính sách kịp thời, phù hợp nhằm hỗ trợ TCS phát triển.

Về điều kiện kinh tế - xã hội cho tài chính số. Việt Nam đã trải qua gần 4 thập kỷ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập, trong đó khoa học, công nghệ và đổi mới đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Chuyển đổi số được thực hiện ở nhiều lĩnh vực ngành nghề, từ công nghệ chế biến chế tạo tới nông nghiệp, thương mại, thanh toán, vận tải, tài chính và giáo dục [2]. Việt Nam là một trong những nền kinh tế có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ 38% một năm [1]. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đang được số hóa nhanh chóng, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và fintech. Thương mại điện tử là xu hướng kinh doanh và tiêu dùng tất yếu gắn liền với sự phát triển của công nghệ và phát triển dịch vụ của các doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo Cơ quan Thương mại Điện tử và Công nghệ Thông tin Việt Nam (VECITA), thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đang tăng trưởng 35% mỗi năm - nhanh hơn 2,5 lần so với Nhật Bản. Các ngành công nghiệp bao gồm công nghệ tài chính (fintech), viễn thông, sản xuất linh kiện điện tử và máy tính, và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) là cơ sở cho sự bùng nổ của tài chính số ở Việt Nam. Thương mại điện tử là một trong những ngành phát triển nhanh nhất của nền kinh tế số Việt Nam.

Sự chấp nhận văn hóa mới về ngân hàng số và fintech ở Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là đối với những người trẻ và am hiểu về công nghệ. Một bộ phận lớn dân số Việt Nam thường xuyên mở tài khoản ngân hàng và giao dịch với ngân hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại, điều đó dẫn tới việc ngân hàng và bảo hiểm là lĩnh vực đi đầu trong chuyển đổi số. Trước đây có rất nhiều quy trình làm việc được ngành Bảo hiểm và Ngân hàng thực hiện thủ công thì nay có thể được tối ưu và tự động hóa bằng việc tận dụng công nghệ, bao gồm: Tiếp cận khách hàng mới, mở tài khoản ngân hàng và hợp đồng bảo hiểm thông qua thị trường di động; Tự động hóa nhiều tác vụ như kiểm tra Biết khách hàng của bạn (KYC), Chống rửa tiền (AML) và xác minh ID bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến như Tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA) và Trí tuệ nhân tạo; Nhận thông tin chi tiết ẩn thông qua phân tích dữ liệu nâng cao; Cải thiện việc kiểm tra gian lận bằng máy học (machine learning).

Hệ thống kết cấu hạ tầng cho phát triển kinh tế số nói chung, tài chính số nói riêng ở Việt Nam được tập trung đầu tư xây dựng, ngày càng đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2020, hạ tầng viễn thông quốc gia đã phủ rộng khắp toàn quốc, kể cả ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với hơn 800.000 km cáp quang và các trạm thu phát sóng. Tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vào khoảng 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số cả nước (xếp thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia và vùng lãnh thổ tại châu Á). [8] Một số cơ sở dữ liệu quy mô quốc gia đã hình thành và phát huy hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ trực tuyến như cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về đăng ký doanh nghiệp, cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia bảo hiểm, cơ sở dữ liệu ngành Thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội,… Hệ thống hạ tầng điện, năng lượng phát triển nhanh, đa dạng với các cấp điện áp 500kV,220kV, 110kV, các cấp điện trung áp từ 35kV tới 6kV, đã đảm bảo việc cung cấp điện, cải thiện chất lượng điện áp, giảm tổn thất, chống quá tải, đảm bảo ổn định vận hành của hệ thống. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dịch vụ TCS một cách toàn diện, thuận lợi.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, việc phát triển tài chính số ở Việt Nam đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là:

Nhận thức chung của xã hội về TCS chưa đầy đủ. Kiến thức tài chính nói chung, TCS của người dân nói chung còn thấp, chưa nhận thức được đầy đủ quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng tài chính. Chưa có cơ quan bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Ý thức của người tiêu dùng sản phẩm Fintech còn hạn chế, đôi khi tạo ra những “lỗ hổng bảo mật”. Người dân còn chưa có ý thức trong việc bảo mật những thông tin cá nhân như họ và tên, số chứng minh nhân dân, hộ chiếu, địa chỉ, ngày tháng năm sinh, số tài khoản… Điều này làm gia tăng mạnh nguy cơ ảnh hưởng đến tài khoản của chính người tiêu dùng cũng như các tổ chức tài chính.

Cơ sở hạ tầng TCS còn thiếu và chưa được liên thông toàn diện, đặc biệt là cơ sở hạ tầng thông tin (thông tin tín dụng, hệ thống định danh)… Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước… chưa hoàn thiện dẫn tới việc quản lý dữ liệu người dùng dân khó khăn; hệ thống định danh cá nhân chưa hoàn thiện khi mà đây là điều kiện gần như kiên quyết để phổ cập nền TCS đến người dân. Các dịch vụ TCS có chất lượng khó có thể tiếp cận đến các người dân chưa được định danh; kênh phát triển thanh toán số chưa rộng khắp, người dân tham gia thương mại điện tử chưa nhiều.

Hành lang pháp lý cho sự phát triển TCS chưa đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn. Chủ trương chung của Nhà nước là tạo điều kiện cho TCS phát triển, song từ góc độ quản lý, có nhiều ý kiến còn lo ngại nếu mở quá có thể dẫn đến rủi ro tội phạm về tài chính, rửa tiền, cạnh tranh không lành mạnh…. Khung khổ pháp lý đối với dịch vụ TCS, nhất là lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, đã và đang dần được hoàn thiện, còn nhiều lỗ hổng, nhất là đối với các loại hình dịch vụ TCS mới ra đời, như đối với tài sản mã hóa, đến nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức để quản lý...

Hoạt động đảm bảo an ninh, an toàn cho hoạt động TCS ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế phải khắc phục. Sự liên kết, hợp tác giữa các chủ thể chính trong hệ sinh thái TCS (Chính phủ, ngân hàng, bảo hiểm, môi giới chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm…, các công ty công nghệ tài chính fintech và khách hàng) trong cả khâu phát triển lẫn an toàn thông tin, bảo mật còn thiếu chặt chẽ. Bên cạnh đó, thói quen, hành vi dùng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến; các kỹ năng số của người dân còn hạn chế; thiếu nguồn nhân lực số tạo ra các sản phẩm số cho nền TCS… đã tạo nên những khó khăn, thách thức trong phát triển TCS ở nước ta.

4. Một số giải pháp cần thực hiện

Một là, nâng cao nhận thức về TCS. Nhà nước, các cơ quan quản lý, các tổ chức tài chính cần có sự phối hợp xây dựng một chương trình, chiến lược tổng thể, dài hạn về giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về TCS. Đa dạng hóa hình thức và các kênh giáo dục tuyên truyền, phổ biến, đặc biệt là thông phương tiện kỹ thuật số, mạng xã hội. Việc tuyên truyền, giáo dục, phổ biến hướng đến các mục tiêu chính: 1) Định hướng người dân sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng mới và 2) Nâng cao hiểu biết tài chính (financial literacy) của người dân, tránh các mô hình tín dụng đen, mô hình lừa đảo.

Hai là, chủ động áp dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển TCS. Nghiên cứu ứng dụng một số công nghệ cốt lõi có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), dữ liệu lớn (Bigdata) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), tạo điều kiện ứng dụng các công nghệ số tiên tiến trong triển khai tài chính điện tử hướng tới TCS. Xây dựng các nền tảng quản trị thông minh nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số. Xây dựng tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng TCS hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu mở, hệ sinh thái TCS, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện.

Ba là, tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dựng hệ sinh thái TCS phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản thiết lập nền tảng TCS hiện đại, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở. Đến năm 2030, hình thành hệ sinh thái TCS phong phú, hiện đại trên mọi lĩnh vực, đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin. Cùng với đó, các cơ quan quản lý cần thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên văn bản giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số; thay đổi phương thức phục vụ người dân, doanh nghiệp dựa trên các công nghệ số; thay đổi quy trình, phương thức làm việc trên môi trường số, bước đầu hình thành một phần hệ sinh thái TCS của ngành Tài chính.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm phát triển TCS. Theo đó, cần thiết lập các quy tắc và quy định cho hệ sinh thái TCS; tập trung xây dựng hành lang pháp lý về hoạt động cung cấp dịch vụ/sản phẩm TCS; quy định các tiêu chuẩn của danh mục sản phẩm và dịch vụ để các công ty Fintech hoạt động minh bạch, bao gồm các hoạt động tín dụng; tiết kiệm; các dịch vụ thanh toán, chuyển tiền trực tuyến; đầu tư, bảo hiểm, tư vấn tài chính; phân tích dữ liệu… Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược phát triển, chính sách phát triển, tầm nhìn phát triển TCS gắn với phát triển hệ thống tài chính - ngân hàng và với định hướng phát triển tài chính toàn diện.

Năm là, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hạ tấng công nghệ phục vụ cho phát triển TCS. Xác định và luật hóa những nội dung về phát triển hạ tầng số để mở rộng phạm vi quản lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây. Bảo đảm hành lang, cơ sở pháp lý vững chắc và thống nhất cho triển khai và thực hiện. Đẩy mạnh đầu tư, xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng cố định tốc độ cao (Gb/s) thông qua việc thúc đẩy, khuyến khích hợp tác công tư để huy động nguồn lực từ doanh nghiệp khu vực tư nhân phục vụ cho phát triển hạ tầng trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nghiên cứu, ban hành các chính sách, tiêu chuẩn yêu cầu tích hợp, sử dụng điện toán đám mây, hạ tầng IoT trong việc phát triển các lĩnh vực của kinh tế số trong các lĩnh vực.

5. Kết luận

Trong những năm qua, TCS đã có bước phát triển nhất định tại Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước, các sản phẩm, dịch vụ TCS lần lượt được đưa vào sử dụng, đem lại nhiều lợi ích cho thị trường tài chính và người tiêu dùng. Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ tài chính, việc phát triển TCS ở Việt Nam sẽ đối diện với nhiều thách thức mới. Để thúc đẩy TCS phát triển theo đúng định hướng, đạt hiệu quả mong muốn, cần tiếp tục có sự nghiên cứu, đánh giá và có những giải pháp quản lý đồng bộ, hiệu quả.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Duy Bình, Trần Thị Phương (2020). Kinh tế số và chuyển đổi số tại Việt Nam. Tài liệu chuẩn bị cho chuỗi Hội nghị bàn tròn về EVFTA, EVIPA và Hồi phục kinh tế sau Covid-19 tại Việt Nam, Hà Nội, tháng 11/2020.
  2. Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S (2019). Vietnam’s future digital economy - Towards 2030 and 2045. CSIRO, Brisbane.
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
  4. Rizzo M (2014). Digital Finance: Empowering the poor via new technologies. Avaiable at: http://www.worldbank.org/en/news/ feature/2014/04/10/digital-finance-empowering-poor-new-technologies.
  5. OECD (2019). Task Force on Financial Consumer Protection: Effective Approaches for Financial Consumer Protection in the Digital Age. Avaiable at: https://www.oecd.org/finance/financial-education/Effective-Approaches-FCP-Principles_Digital_Environment.pdf.
  6. WB (2020). Digital Financial services. Avaiable at: https://pubdocs.worldbank.org/en/230281588169110691/Digital- Financial-Services.pdf.
  7. Lyly (2021). Xu hướng dịch vụ tài chính số tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức. Truy cập tại: https://doanhnghiephoinhap.vn/xu-huong-dich-vu-tai-chinh-so-tai-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc.html
  8. Phi Long (2022). Internet Day 2022: Người dùng Internet Việt Nam đạt hơn 70% dân số sau 25 năm. Truy cập tại: https://vtv.vn/cong-nghe/internet-day-2022-nguoi-dung-internet-viet-nam-dat-hon-70-dan-so-sau-25-nam-2022120411142802.htm

 

Solutions for the development of digital finance in Vietnam

Lam Hai

Dong Nai University of Technology

Abstract:

In the context of strong digital transformation, under the impact of the Fourth Industrial Revolution (Industry 4.0), digital finance has grown rapidly with many products. In fact, the development of digital finance contributes to improving and increasing the stability of financial systems, helping governments control inflation well. However, the development of digital finance still has many limitations and inadequacies and poses potential risks. This study analyzes the advantages and disadvantages of digital finance in Vietnam. Based on the study’s findings, some recommendations are made to develop digital finance in Vietnam in the coming time.

Keywords: digital transformation, finance, digital finance, financial system.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023]

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3