TÓM TẮT:
Mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp, cung - cầu lao động đóng một vai trò hết sức quan trọng. Các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thường tập trung vào lĩnh vực đào tạo và chuyển giao nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp. Bài viết đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, trong đó tập trung vào giải pháp mang tính thể chế giữa các bên liên quan, nâng cao hiệu quả hợp tác, đổi mới chương trình đào tạo, trao đổi giảng viên và sinh viên, từ đó góp phần vào đổi mới mô hình hoạt động của cả doanh nghiệp và trường đại hướng, hướng tới phát triển kinh tế bền vững.
Từ khóa: đổi mới sáng tạo, hợp tác, trường đại học, doanh nghiệp, hình thức hợp tác, nguồn nhân lực.
Đổi mới liên tục là một yếu tố quan trọng tạo ra tính bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp. Trước đây, các doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt, thế mạnh dựa trên các phát minh công nghệ. Ngày nay, môi trường kinh doanh thay đổi theo xu hướng chung của thời đại, xuất hiện nhiều hình thức đổi mới. Thực tế cho thấy, các tổ chức không thể chỉ dựa vào năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) của riêng mình mà cần có những cách tiếp cận mới hơn. Vì vậy, đổi mới mở (OI) xuất hiện thúc đẩy luồng tăng tốc đưa dòng kiến thức mới vào nội bộ và mở rộng thị trường [1].
Trong xu hướng đổi mới mở hiện nay, trường đại học là một nhân tố cung cấp nguồn nhân lực. Trường đại học liên kết với các thành phần trong hệ sinh thái thông qua mức độ phù hợp của chương trình giáo dục với xã hội, dần thay đổi vai trò nghiên cứu và học thuật đơn thuần trở thành một trường đại học kinh doanh và với một đặc điểm kinh doanh nhất định. Việc cung cấp thông tin thương mại về kiến thức học thuật, thông qua việc cấp bằng sáng chế và các hình thức phát minh khác. Tương tự như vậy, các công ty đã và đang nâng cao trình độ công nghệ, điều này đưa doanh nghiệp đến gần với mô hình nghiên cứu và học thuật hơn. Từ đây đã tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, mối quan hệ này chưa phát huy được hết những giá trị đối với cả hai phía.
Thực tế cho thấy, sinh viên tốt nghiệp tại nhiều trường đại học chưa đáp ứng được yêu cầu công việc do có sự khác biệt giữa kiến thức tại trường đại học và yêu cầu thực tế công việc của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại hoặc đào tạo thêm để nâng cao năng lực của người lao động mới được tuyển dụng từ các trường đại học. Điều này gây ra sự lãng phí về nguồn lực tài chính và thời gian, trong khi nếu doanh nghiệp hợp tác có hiệu quả với trường đại học thì những nội dung đào tạo đó sẽ được đưa ngay vào chương trình đào tạo Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình gắn kết giữa các trường đại học với các doanh nghiệp là hướng đi phù hợp, mang tính tất yếu khách quan.
a. Về phía các doanh nghiệp
Sự liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp là điều kiện đảm bảo cho sự tồn tại, phát triển và xuất phát từ lợi ích của cả hai phía. Các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp thông tin để các cơ sở đào tạo nắm được nhu cầu của thị trường lao động, trường đại học có vai trò đặc biệt trong cung ứng nguồn lao động chất lượng cao cho doanh nghiệp [2]. Việc hợp tác giúp doanh nghiệp có thể tiếp xúc với nhiều sinh viên, có điều kiện để theo dõi, đánh giá tác phong làm việc cũng như kiến thức và năng lực của sinh viên một cách chính xác.
Qua đó, doanh nghiệp có hướng tuyển dụng, thu hút, lựa chọn nhân sự phù hợp và góp phần quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp. Việc liên kết này còn hỗ trợ tuyển dụng nguồn nhân lực có chất lượng cho doanh nghiệp, do đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận những kết quả nghiên cứu cập nhật nhất, hiện đại nhất và có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Doanh nghiệp có thể được hưởng một số lợi ích lớn từ việc hợp tác với các trường đại học:
- Thứ nhất: Doanh nghiệp có thể tiếp cận với cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại.
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đang tìm kiếm thiết bị mới để hỗ trợ nghiên cứu và phát triển sản phẩm, thử nghiệm sản phẩm hoặc kiểm soát chất lượng nên có thể kết hợp với các trường đại học ở khu vực địa phương đó. Trong khi nhiều trường đại học hiện có trang thiết bị phòng thí nghiệm và xưởng thực hành có trang thiết bị cao cấp mà doanh nghiệp có thể sử dụng với mức phí kiêm tốn hoặc thậm chí miễn phí.
- Thứ hai: Trường đại học là nơi có rất nhiều kiến thức, tài năng và ý tưởng mới.
Doanh nghiệp đang muốn đổi mới có thể là phát triển một sản phẩm hoặc một quy trình mới, có thể cần một góc nhìn mới để mang đến những ý tưởng sáng tạo thì trường đại học có thể coi là nơi giàu tiềm năng để doanh nghiệp có thể hợp tác kết nối, tạo ra kết quả mang tính đột phá thông qua các cuộc thi ý tưởng sáng tạo, các đợt thực tập của sinh viên.
- Thứ ba: Trường đại học cung cấp không gian cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong xu hướng đổi mới nói chung, hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng, ngày càng nhiều trường đại học có không gian văn phòng cho doanh nghiệp khởi nghiệp thuê, đồng thời là nơi sinh hoạt cộng đồng của các doanh nghiệp trẻ được hưởng lợi ích từ hệ sinh thái khởi nghiệp.
- Lợi ích tiếp theo có thể kể đến là: Sự hợp tác chung giữa doanh nghiệp và trường đại học có thể là cơ hội hưởng lợi ích từ các nguồn tài trợ của Chính phủ.
Hiện nay, để tập trung vào năng suất và nỗ lực thu hẹp khoảng cách kiến thức và hỗ trợ đổi mới, Chính phủ đang khuyến kích sự hợp tác giữa doanh nghiệp và các đại học bằng cách làm việc cùng nhau, các doanh nghiệp và trường đạo học có thể đưa ra các giải pháp mới cho các vấn đề. Điều này có nghĩa phát triển công nghệ mới có khả năng thương mại hóa dựa trên những khám phá nghiên cứu mới nhất hoặc tìm kiếm các mô hình kinh doanh hiệu quả hơn, sử dụng những hiểu biết sâu sắc về học thuật.
- Cuối cùng là các trường đại học ngày càng hiểu doanh nghiệp hơn. Hiện nay, hoạt động nghiên cứu tập trung vào việc giải quyết các vấn đề thực tế. Chính vì điều đó mà hoạt động nghiên cứu trong các trường đại học thường cần nhiều ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp. Nhiều trường đại học cung cấp các dịch vụ dành riêng cho doanh nghiệp [3].
b. Đối với các trường đại học
Việc hợp tác với doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong thu hút nguồn tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu, hoạt động đào tạo và công tác sinh viên nhờ mở rộng mối quan hệ với các đối tác uy tín. Đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành. Quan hệ đối tác giáo dục giúp sinh viên có thể thu hẹp khoảng cách những gì được học trong giảng đường và cách áp dụng các kiến thức này trong thực tế.
- Lợi ích thứ nhất: Ứng dụng kiến thức lớp học.
Thông thường, sinh viên tham gia vào mối quan hệ hợp tác doanh nghiệp và trường đại học nhận thấy có thể bắt đầu áp dụng trực tiếp những gì đã học được trên lớp vào vai trò của mình tại nơi làm việc. Khi họ có cơ hội thực hành lý thuyết thực tế, sẽ dễ dàng nắm bắt hơn. Ứng dụng thực tế của kiến thức lý thuyết này giúp cải thiện kết quả học tập và đảm bảo sinh viên có cơ hội sử dụng những gì họ đã học được trong thực tế. Từ đây, hiểu biết của sinh viên về ngành học sẽ toàn diện hơn và có thể đưa ra một số ý tưởng đáng chú ý. Điều này có thể giúp cải thiện, đổi mới môi trường làm việc.
- Lợi ích thứ hai: Nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên.
Sinh viên sẽ được hưởng lợi ích rất nhiều từ việc tiếp xúc với các ứng dụng trong thế giới thực và những thách thức trong ngành. Ngoài ra, nhiều quan hệ đối tác giáo dục mang lại cơ hội thực tập và hợp tác thú vị cho sinh viên. Sinh viên được trải nghiệm học tập qua các đợt thực tập, thực tế tại doanh nghiệp và tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với những tri thức, công nghệ mới hiện đại, kỹ năng sử dụng các phòng thí nghiệm, thực hành tiên tiến và do đó kiến thức của sinh viên cũng được tăng cường qua các hoạt động hợp tác, liên kết với doanh nghiệp.
- Thứ ba, phát triển lực lượng lao động có tay nghề, xây dựng mạng lưới nguồn lực và cơ hội.
Quan hệ đối tác giữa trường đại học và doanh nghiệp đang ngày càng tập trung vào việc nâng cao kỹ năng cho nhân viên hiện tại để thu hẹp khoảng cách kỹ năng trong lực lượng lao động. Các hợp tác này hướng tới xây dựng các chương trình phù hợp nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức nâng cao cần thiết để người học hoàn thành tốt vai trò đang phát triển của mình. Bằng cách đầu tư vào việc phát triển liên tục lực lượng lao động tương lai, các trường đại học đã và đang chủ động giúp doanh nghiệp giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng của người lao động, kích thích tăng trưởng và nâng cao năng suất của ngành [4].
Như vậy, bản chất của mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp là dòng chảy trao đổi giữa các bên trong cùng hoạt động, lĩnh vực hoặc nghiên cứu nhằm hướng đến mục tiêu và lợi ích cho cả hai bên. Ngoài ra, những lợi ích mà quá trình hợp tác từ các trường đại học mang lại cho doanh nghiệp trong việc tiết kiệm chi phí, giảm thiểu rủi ro khi triển khai các kết quả nghiên cứu. Hơn nữa, các trường đại học tham gia hợp tác với doanh nghiệp còn tạo cơ hội để các cơ sở đào tạo nâng cao năng lực của giảng viên, tăng nguồn thu để tái đầu tư cho các hoạt động của nhà trường và tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với các hoạt động thực tế tại doanh nghiệp; từ đó, giúp cải thiện công tác quản trị tại các trường đại học, giúp cải thiện năng lực đổi mới, sáng tạo tại doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mối quan hệ này chưa thực sự phát triển so với tiềm năng vốn có và kỳ vọng của các bên liên quan do các rào cản phát sinh từ bên ngoài mối quan hệ mà bản thân các bên cũng không thể tự khắc phục và giải quyết được. Để thúc đẩy mối quan hệ này, cần phải có bên thứ ba làm cấu nối, tạo môi trường thuận lợi cho các bên cùng phát triển. Mô hình Triple Helix thể hiện sự hợp tác và tác động qua lại giữa đại học, doanh nghiệp và chính phủ. (Hình 1)
Trong mô hình, Chính phủ có vai trò thúc đẩy sự hợp tác thông qua các quy định và khung chính sách tạo điều kiện cho sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Không chỉ nhờ các chính sách của Chính phủ thu hẹp khoảng cách giữa doanh nghiệp và các trường đại học, mà còn có sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức thương mại trong cấu trúc. Các nhân tố chính của mô hình là trường đại học, doanh nghiệp và Chính phủ, trong đó vai trò của các thành viên như sau:
+ Các trường đại học: Đảm bảo sự hợp tác với các doanh nghiệp theo kiến thức và công nghệ của họ bằng cách sử dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức chính phủ, phi chính phủ và các tổ chức thương mại khác.
+ Doanh nghiệp: với sự hỗ trợ của chính phủ và các tổ chức thương mại đảm bảo việc chuyển giao kiến thức cho quá trình sản xuất bằng cách cung cấp cơ sở cho việc sử dụng kiến thức khoa học có được trong các trường đại học.
+ Chính phủ đảm bảo sự tham gia của các bên liên quan bằng cách cung cấp chính sách khuyến khích sự phát triển của các quan hệ đối tác [6].
Hiện nay, loại hình phát triển nhất của hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam là: học tập suốt đời; hợp tác trong nghiên cứu và phát triển; xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo. Hiện nay, các hình thức hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp thường tập trung vào 2 hướng:
- Hướng thứ nhất: xây dựng kỹ năng thực hành cho sinh viên và tuyển dụng.
- Hướng thứ hai: hợp tác nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Sự trao đổi giữa doanh nghiệp và trường đại học thông qua: Các hình thức có sự tác động tích cực từ phía doanh nghiệp vào các hoạt động của nhà trường gồm các hình thức: xác định chuẩn đầu ra, phát triển chương trình đào tạo; tham gia giảng dạy/ diễn thuyết; phát triển môi trường học tập hiện đại, sáng tạo; đánh giá chuẩn đầu ra và chương trình đào tạo; Các hình thức có sự tác động tích cực từ phía nhà trường đến hoạt động của doanh nghiệp: trải nghiệm môi trường làm việc tại doanh nghiệp; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp. (Hình 2)
Hình 2. Mô hình xây dựng đối tác chiến lược cung cấp nguồn nhân lực
cho doanh nghiệp
Nguồn: Tác giả
Để thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:
+ Thứ nhất, Chính phủ cần thiết lập những quy định, chính sách, khung pháp lý không chỉ dừng lại ở việc khuyến khích, mà còn có thể mang tính ràng buộc cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường đặc biệt là về phía doanh nghiệp; Đặt hàng và trả phí cho các trường đại học với những hoạt động kết nối thành công với đơn giá theo quy định của Nhà nước. Đồng thời, tạo cổng thông tin kết nối giữa nhà trường (mạng lưới sinh viên, cựu sinh viên) và mạng lưới doanh nghiệp qua đó các doanh nghiệp đặt hàng, đưa ra yêu cầu về chất lượng, kiến thức, kỹ năng để các trường đào tạo và cung cấp nguồn lực như yêu cầu đã đưa ra, giúp cho doanh nghiệp phát triển và sẵn sàng nguồn nhân lực trong dài hạn. Trong hệ sinh thái này, trường đại học và doanh nghiệp phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong từng hoạt động kết nối. Ngoài ra, Chính phủ cần thiết lập các chế độ miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc thiết bị cho doanh nghiệp nếu có biên bản ghi nhớ hợp tác, giới thiệu công nghệ cho các trường đại học hoặc miễn thuế thu nhập cá nhân cho các nhân sự của doanh nghiệp tham gia giảng dạy/thuyết giảng tại trường đại học; miễn thuế giá trị gia tăng cho các hợp đồng nghiên cứu và phát triển giữa trường đại học và doanh nghiệp.
+ Thứ hai, các trường đại học cần xây dựng chủ trương, chính sách nội bộ nâng cao uy tín của mình với xã hội; nâng cao chất lượng đầu ra các chương trình đào tạo (chất lượng sinh viên tốt nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học); tăng nguồn thu cho nhà trường; tăng thu nhập cho các giảng viên/nhà nghiên cứu; giảng viên/nhà nghiên cứu được động viên, khuyến khích làm việc trong môi trường học thuật gắn liền với thực tiễn; nâng cao chất lượng giảng dạy của nhà trường do các chương trình đào tạo và giảng viên gắn kết với thực tiễn. Những lợi ích đối với trường đại học được công nhận nhiều nhất là sự hợp tác góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; nâng cao thương hiệu và uy tín của nhà trường; tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên. Trường đại học cần tiếp tục cải tiến chương trình đào tạo, đồng thời bằng những cách làm riêng xây dựng và mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp nhằm phối hợp chặt chẽ hơn nữa cũng như chuyển đổi chương trình đào tạo bám sát yêu cầu thực tế, đáp ứng đòi hỏi trực tiếp từ doanh nghiệp. khi thấy có lợi họ sẽ tham gia tích cực hơn vào quá trình đào tạo. Một khía cạnh khác, trường đại học cần thể hiện rõ sự quyết liệt, ưu tiên và ủng hộ các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp.
+ Thứ ba, cần có cơ cấu tổ chức và cách thức tiếp cận mới trong mối quan hệ hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp. Trước hết, cần có các cơ quan bên ngoài trường đại học dành cho hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp như: vườn ươm để phát triển các doanh nghiệp mới; công viên khoa học/khu công nghệ dành cho sự phát triển của các doanh nghiệp ứng dụng khoa học; các trung tâm đổi mới nhằm phát triển sự hợp tác với các doanh nghiệp ứng dụng khoa học; tuyển dụng các chuyên gia trong doanh nghiệp cho các vị trí chuyển giao tri thức.
+ Cuối cùng, cần có cơ chế quản trị thể hiện vai trò tác động lẫn nhau, doanh nhân có trong thành viên của hội đồng trường/quản trị của trường đại học hoặc sự tham gia của các giảng viên/ thành viên của hội đồng trường tham gia vào trong bộ máy quản trị của công ty, phó hiệu trưởng trường đại học phụ trách hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp… Ngoài ra, cần có các dịch vụ hỗ trợ cho việc hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu của trường đại học.
Trường đại học là “đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội” và gắn chất lượng đầu ra của sinh viên với yêu cầu và nhu cầu của xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Về phía doanh nghiệp, sứ mệnh của họ là sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, việc hợp tác với các trường đại học là một phần tác động, đóng góp vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cần được tạo niềm tin vào sự hợp tác qua những lợi ích mà họ đạt được sau quá trình hợp tác. Ngoài ra, bên thứ ba là Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp và trường đại học tiến đến gần nhau hơn cùng với các cơ chế, chính sách khuyến khích và bắt buộc tạo nền tảng cho hoạt động hợp tác này.
Bài báo tập trung nghiên cứu về vai trò của sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp để các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý đưa ra những chính sách giúp thúc đẩy mối quan hệ này trở nên gắn kết hơn. Từ đó, các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] A. P. Lameras, M. Hendrix, D. Lengyel, S. De Freitas, B. More, and P. Lameras, “Research Review on Open Innovation : Literature Review and Best Practices,” no. May 2012, doi 10.13140/RG.2.1.2472.8482.
[2] S. Ankrah and O. AL-Tabbaa, “Universities-industry collaboration: A systematic review,” Scand. J. Manag., vol. 31, no. 3, pp. 387–408, 2015, doi: 10.1016/j.scaman.2015.02.003.
[3] Z. L. L. J. Hvv, R. I. Fr, S. D. Lhv, and W. Fwlr, “A study of the factors affecting the willingness to engage in business - university cooperation”.
[4] Z. Ahmad Zukarnain, W. S. Wan Husain, S. H. Che Hassan, N. N. Nik Kamaruzaman, N. A. Mohd Zin, and W. A. H. Wan Aziz, “Examining Students’ Aptitude using Project-Based Learning through University-Industry Collaboration,” J. Phys. Conf. Ser., vol. 1496, no. 1, 2020, doi: 10.1088/1742-6596/1496/1/012013.
[5] A. Magrinho, J. Neves, and J. R. Silva, “The Triple Helix Model for Innovation,” pp. 60-79, 2017, doi: 10.4018/978-1-5225-1978-2.ch004.
[6] Y. Punie, “The European Commission’s Science and Knowledge Service Joint Research Centre,” no. June, pp. 1-21, 2017.
Solutions for promoting cooperation between universities and businesses towards open innovation
Master. Chu Van Tuan1
Ph.D Pham Van Hai2
Master. Nguyen Thuy Ninh3
1Deputy Director, Center for Employment and Start-up Support, Electric Power University
2Director, Center for Continuing Training, Electric Power University
3Lecturer, Faculty of Energy and Industrial Management, Electric Power University
Abstract:
The relationship between universities and businesses and labor supply and demand play an important role. Cooperation between universities and businesses often focuses on training and transferring human resources to businesses. This paper proposed solutions to promote cooperative relationships between universities and businesses. These solutions focus on institutional solutions to improve cooperation efficiency, innovate training programs, and exchange lecturers and students, thereby contributing to the innovative operation models of both universities and businesses towards sustainable development.
Keywords: innovation, cooperation, universities, businesses, forms of cooperation, human resources.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Bài báo nghiên cứu "Chống trục lợi bảo hiểm từ hoạt động quản trị, điều hành kinh doanh theo pháp luật bảo hiểm nhân thọ" do Mai Đăng Lưu (Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo "Nghiên cứu giải pháp về quản trị chất lượng cho hệ thống cửa hàng Circle K" do Bùi Tùng Lâm (Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Rào cản pháp lý đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam - Thực trạng và giải pháp" do Trần Thị Nhật Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Huế) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Khảo sát các tính chất của vật liệu đá bazan sử dụng làm phụ gia hoạt tính" dp ThS. Lê Minh Sơn (Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiết