(CHG) Lãnh đạo Sở Y tế nhiều địa phương cho rằng, với Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành, các cơ sở y tế đã dễ dàng thực hiện hơn, giải quyết được 80 - 90% vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở y tế trên địa bàn.
Tại hội nghị trực tuyến Hướng dẫn các Sở Y tế, bệnh viện, cơ sở y tế và doanh nghiệp… triển khai Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ, tổ chức ngày 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, hai văn bản của Chính phủ vừa ban hành liên quan đến các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế trong thời gian hiện nay hết sức quan trọng, căn cơ. Tuy nhiên, những khó khăn không thể giải quyết triệt để ngay mà từng bước. Vì vậy, Bộ Y tế muốn lắng nghe những vướng mắc còn lại trong thực tiễn để tiếp tục ghi nhận và phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ.
Bộ Y tế tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai Nghị quyết 30/2023/NQ-CP và Nghị định 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ - Ảnh: VGP/TM
Đại diện Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa cho biết, 2 văn bản này của Chính phủ đã giải quyết trước mắt tình hình mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh. Các cơ sở y tế đã dễ dàng thực hiện hơn, đặc biệt là vấn đề về báo giá.
Một vấn đề khác, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đề xuất, nên tổ chức đàm phán giá với các sinh phẩm, hóa chất theo máy vì gần như những sản phẩm này độc quyền. Nguyên nhân là vì vấn đề này giống như đấu thầu thuốc biệt dược gốc, các cơ sở rất lo sợ vì chỉ có một loại, đã tham gia đấu thầu tại cơ sở là gần như trúng thầu", đại diện ngành y tế Thanh Hóa nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP. HCM cũng cho rằng, hai văn bản của Chính phủ đã giải quyết được 80-90% vấn đề mua sắm trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở y tế. Bên cạnh đó, sau 2 năm chống dịch COVID-19, TP. HCM được tài trợ rất nhiều trang thiết bị và đã phân bổ về các đơn vị. Tuy nhiên, khi sử dụng cho bệnh nhân thì gặp khó khăn trong thanh toán dịch vụ và Nghị quyết 30/2023/NQ-CP cũng đã giải quyết vấn đề này.
Lãnh đạo Sở Y tế TP. HCM cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành danh mục trang thiết bị phải kê khai giá vì hiện nay, thiết bị nhỏ nhất cũng đang phải kê khai giá.
Tại Hội nghị, đại diện ngành y tế Quảng Ninh đề nghị Bộ Y tế và các bộ, ngành hỗ trợ hướng dẫn cụ thể tình huống nào là cấp bách trong đơn vị y tế. Việc không có thuốc, vật tư y tế cấp cứu bệnh nhân đã được coi là cấp bách chưa vì liên quan đến chỉ định thầu, chỉ định thầu rút gọn. Nếu không dù các văn bản thông suốt thì việc mua sắm cũng sẽ mất thời gian 3- 6 tháng, thậm chí lâu hơn nếu doanh nghiệp không hỗ trợ.
Đại diện các tổ chức quốc tế liên quan đến kinh doanh trang thiết bị y tế và dược phẩm tại Việt Nam cũng cho rằng, 2 văn bản của Chính phủ đã tháo gỡ nhiều "nút thắt" cho công tác đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế cho các cơ sở y tế và cho chính các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh về lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nhiều đơn vị tại Hội nghị cũng bày tỏ băn khoăn, những quy định trong Nghị quyết 30/NQ-CP mang tính cấp bách, nếu sau này thanh tra, kiểm toán thì có được chấp nhận hay không. Vì vậy, các đơn vị đề nghị cần triển khai Nghị quyết này của Chính phủ tới các bộ, ngành khác cùng thực hiện.
Nghị định 07/2023/NĐ-CP: 4 điểm mới nổi bật
Thứ nhất, giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế. Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2021 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024; số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chẩn đoán in vitro đã được cấp từ ngày 01/01/2014 đến ngày 31/12/2019 được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.
Các tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng của trang thiết bị y tế.
Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, kiểm tra và thu hồi giấy phép nhập khẩu, số lưu hành trang thiết bị y tế đối với các trường hợp vi phạm quy định về quản lý trang thiết bị y tế.
Thứ hai, đẩy mạnh việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế và tháo gỡ khó khăn trong thu hồi số lưu hành và xử lý trang thiết bị y tế bị thu hồi số lưu hành.
Trong thời gian từ nay đến 31/12/2024, Bộ Y tế tập trung triển khai thực hiện việc cấp số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế có giá trị không thời hạn để thay thế hoàn toàn cho các giấy phép nhập khẩu.
Nghị định số 07/2023/NĐ-CP cũng quy định về trách nhiệm hậu kiểm của Bộ Y tế; bổ sung Điều 39a về việc xử lý thiết bị y tế sau khi thu hồi số lưu hành. Các trang thiết bị y tế đã bán cho các cơ sở y tế hoặc người sử dụng được tiếp tục sử dụng đến khi bị thanh lý theo quy định pháp luật hoặc đến khi hết hạn sử dụng của sản phẩm, trừ các trang thiết bị y tế không thể khắc phục được yếu tố lỗi gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng theo quy định.
Trường hợp trang thiết bị y tế có số lưu hành bị thu hồi nhưng chưa bán đến người sử dụng hoặc cơ sở y tế, chủ sở hữu số lưu hành có trách nhiệm dừng lưu hành trang thiết bị y tế và thực hiện các biện pháp thu hồi các trang thiết bị y tế.
Thứ ba, sửa đổi quy định về xuất nhập khẩu và tạm nhập, tái xuất trang thiết bị y tế. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung Điều 46, Điều 48 Nghị định số 98/2021/NĐ-CP: Việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương; Bộ Y tế không cấp giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã qua sử dụng.
Thứ tư, khắc phục những vướng mắc tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP trong việc áp dụng quy định kê khai giá trong đấu thầu, Nghị định số 07/2023/NĐ-CP bãi bỏ quy định "Không được mua bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán" do trong quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp và các cơ sở y tế.
Nghị định số 07/2023/NĐ-CP quy định, chỉ thực hiện kê khai giá đối với trang thiết bị y tế khi có biến động bất thường về giá ảnh hưởng đến nguồn cung cấp trang thiết bị y tế, khả năng chi trả của người mua, khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành, cập nhật, sửa đổi, bổ sung danh mục và nội dung thông tin trang thiết bị y tế phải kê khai giá. Nội dung, hình thức, trình tự thủ tục kê khai giá trang thiết bị y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về giá hoặc trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.
Với Nghị quyết 30/NQ-CP, việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế không còn bắt buộc phải tham khảo 3 báo giá. Khi xây dựng giá gói thầu, trường hợp cùng một chủng loại trang thiết bị y tế nhưng có nhiều hãng sản xuất khác nhau, chủ đầu tư xem xét, quyết định việc giao Hội đồng khoa học của đơn vị thực hiện xây dựng tính năng, cấu hình kỹ thuật theo yêu cầu chuyên môn của đơn vị. Trên cơ sở tính năng, cấu hình kỹ thuật do Hội đồng khoa học xây dựng, đơn vị tổ chức lấy báo giá theo quy định.
Nghị quyết cũng cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất theo kết quả lựa chọn nhà thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đấu thầu.
Cụ thể, với các hợp đồng được ký trước ngày 5/11/2022, thực hiện theo thời hạn của hợp đồng. Với hợp đồng được ký từ ngày 5/11/2022, thực hiện đến khi có văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này, bao gồm cả các hợp đồng được ký theo hình thức mua sắm trực tiếp.
Nguồn: https://baochinhphu.vn/giai-quyet-duoc-80-90-van-de-mua-sam-trang-thiet-bi-vat-tu-y-te-102230310161810687.htm
0