Tóm tắt:
Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm ra khó khăn và sự sẵn sàng đối với việc học của sinh viên tại các trường đại học Việt Nam trong đại dịch Covid-19. Có 1.528 sinh viên đồng ý tham gia trả lời bảng hỏi trực tuyến, trong đó có 1.467 câu trả lời hợp lệ (tỷ lệ hồi đáp 96%). Kết quả cho thấy, những khó khăn của sinh viên đang gặp phải, đó là thiếu kỹ năng và thiếu hướng dẫn. Tuy nhiên, các trường đại học tại Việt Nam đã sẵn sàng học trực tuyến, thể hiện qua việc các cơ sở đào tạo đã có sự chuẩn bị tốt và sinh viên có thái độ học tập tích cực. Qua nghiên cứu, nhóm tác giả còn đưa ra một số gợi ý chính sách để giảm rào cản, tăng thái độ tích cực và sự chuẩn bị của sinh viên, bao gồm: các chương trình đào tạo để nâng cao kỹ năng sử dụng công nghệ, phân công cán bộ hướng dẫn học tập và đa dạng hóa các hình thức giảng dạy.
Từ khóa: học trực tuyến, e-learning, học online, học từ xa, giáo dục đại học.
Đại dịch covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế, đời sống xã hội và ngành Giáo dục cũng không ngoại lệ. Giáo dục Việt Nam đã có những thay đổi cần thiết nhằm thích ứng với tình trạng dịch bệnh. Nếu trước đây, đại đa số các lớp học được triển khai dưới hình thức học trực tiếp thì trong thời gian cách ly xã hội toàn quốc, các lớp học được chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến. Tuy nhiên, hình thức học này gặp phải tương đối nhiều thách thức, khi việc truy cập Internet còn nhiều hạn chế, trang thiết bị và các công cụ hỗ trợ cho việc học còn thiếu, chưa kể đến những khó khăn khác như tâm lý lo lắng của sinh viên, giáo viên trong đại dịch.
Để hỗ trợ các cơ sở giáo dục và giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các workshop nhằm đào tạo cho giáo viên và các cơ sở không chỉ về nội dung mà còn về quy trình vận hành đào tạo trực tuyến. Sinh viên cũng được hướng dẫn để thích nghi với cách thức học mới và sử dụng các công cụ cần thiết. Các chính sách từ chính phủ, địa phương và nhà trường về việc hỗ trợ học phí, trang thiết bị cho sinh viên cũng được triển khai nhằm đảm bảo chất lượng học.
Một vài nghiên cứu đã được thực hiện ở Việt Nam nhằm đánh giá tác động của Covid-19 đến sinh viên khi áp dụng hình thức học online. Nghiên cứu này muốn đánh giá những khó khăn cụ thể, cũng như sự chuẩn bị của sinh viên, từ đó, đề xuất những biện pháp phù hợp cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách địa phương, cũng như các trường đại học Việt Nam.
Trường Đại học Mở ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là hai cơ sở giáo dục đầu tiên trong nước đưa vào áp dụng hình thức học từ xa, nhằm tạo điều kiện cho những sinh viên không sinh sống gần cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2016, 2017). Công nghệ viễn thông và Internet ở Việt Nam tương đối phát triển, với sự xóa bỏ các rào cản địa lý, nhưng ngược lại, các hình thức học tận dụng công nghệ và Internet ở Việt Nam lại rất hạn chế. Theo đánh giá năm 2020, chỉ có 2% sinh viên Việt Nam học trong nước tham gia các khóa học từ xa, điều này đã được lý giải trong nghiên cứu năm 2020 của Phạm Hùng Hiệp và Hồ Thị Hạnh Tiên (2020) như sau: 1. Thiếu động lực áp dụng công nghệ giáo dục tại trường đại học, 2. Thiếu chính sách hỗ trợ trường đại học tích hợp các thiết bị cho công nghệ giáo dục vào các lớp học thông thường (Pham & Ho, 2020).
Trong thời gian Việt Nam phải áp dụng giãn cách xã hội trên toàn quốc do đại dịch diễn biến khó lường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép các trường đại học triển khai học trực tuyến, nhằm đảm bảo tiến độ dạy và học (Bộ GD&ĐT, 2021). Tuy nhiên, có một điều có thể nhận thấy được rằng không phải sinh viên nào cũng thích ứng được với hình thức học này.
Học từ xa, được định nghĩa là hình thức dạy học khi sinh viên và giảng viên không trực tiếp gặp mặt. Hình thức này được hỗ trợ bởi công nghệ và các bài giảng như file nghe, máy tính, và mạng Internet (Kiryakova, 2009). E-learning là hình thức học sử dụng thiết bị điện tử như máy tính, ti-vi, file nghe và hình ảnh. Tuy nhiên, nếu 80% thời lượng khóa học được tiến hành trực tuyến thì hình thức học này được gọi là học online hay học trực tuyến (Means et al., 2009). Sự khác biệt giữa e-learning và học online chủ yếu ở chỗ có tương tác trực tiếp qua mạng giữa sinh viên với giáo viên và giữa sinh viên với nhau hay không. Nhưng thực tế, ba tên gọi (học từ xa, e-learning, học online) hiện nay đều có thể dùng để gọi thay thế lẫn nhau.
Không thể phủ nhận để thích ứng với dịch bệnh, hình thức học online được triển khai kịp thời đã đem lại hiệu quả để việc học được đảm bảo về thời lượng và chất lượng. Tuy nhiên, kể cả đã có thể bù đắp được những rào cản cơ học đến từ bên ngoài như đường truyền được cải thiện, công cụ học tập đáp ứng được nhu cầu, câu hỏi đặt ra là liệu kỹ năng của sinh viên đã đủ chưa và đã có những hướng dẫn thích hợp cho sinh viên học online hay không, khi đây còn là hình thức học mới mẻ (Bùi Quang Dũng và cộng sự., 2020; Ngô Thị Lan Anh & Hoàng Minh Đức, 2020).
Với thái độ tích cực và sự chuẩn bị đầy đủ, chắc chắn sinh viên sẽ bớt bỡ ngỡ cũng như không thấy việc học online là một vấn đề cản trở lớn. Các nhân tố này cũng sẽ tác động tích cực đến chất lượng dạy và học, cũng như kết quả cuối cùng của sinh viên. Khi trải qua giai đoạn khó khăn ban đầu và quen dần với đào tạo trực tuyến, sinh viên được kỳ vọng sẽ thích nghi với các điều kiện học mới. Phương thức học truyền thống có thể được tích hợp với phương thức học hiện đại, nhằm tạo ra sự linh hoạt của khóa học, cũng như có nhiều lựa chọn hơn cho người học.
Biểu mẫu Google đã được sử dụng để thiết kế bảng câu hỏi điện tử và bao gồm hai phần:
Phần thứ nhất bao gồm các câu hỏi về nhân khẩu học xã hội của sinh viên như tuổi, giới tính, tình trạng hôn nhân, nơi ở, trường đại học, phương thức học tập, năm học, chuyên ngành học, điểm trung bình của học kỳ trước và việc làm thêm.
Phần thứ hai bao gồm những câu hỏi về ý kiến của sinh viên những khó khăn và trong đại dịch Covid-19. Đối với các nhận định tiêu cực, những người tham gia đánh giá trên thang điểm 5, từ rất đồng ý = 1, đến rất không đồng ý = 5; trong khi đó, các câu khẳng định được đánh giá trên thang điểm 5, từ rất không đồng ý = 1, đến rất đồng ý = 5.
Phương pháp chọn mẫu được áp dụng là phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên đơn giản. Danh sách các trường đại học ở Việt Nam được lập ra, sau đó dùng phần mềm máy tính lựa chọn các trường trong danh sách. Từ danh sách các trường, lựa chọn ngẫu nhiên các khoa, ngành, Sau đó, bảng câu hỏi được gửi đến giáo viên của các khoa - ngành để gửi đến sinh viên thông qua phương tiện truyền thông xã hội, chẳng hạn như Facebook Messenger, Zalo, hoặc diễn đàn lớp thông qua điều phối viên của các phòng ban.
Phần mềm STATA 15 được sử dụng để phân tích dữ liệu thu thập được. Phân tích nhân tố khám phá (EFA), phép kiểm định Kaiser - Meyer - Olkin - KMO và Bartlett được sử dụng, các giá trị eigenvalue đều > 1 và tải nhân tố lớn hơn 0,4. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thống kê mô tả.
Trong số 1.467 người tham gia, hơn một nửa trong số họ đến từ vùng đô thị. Tuổi trung bình của những người được hỏi là 20,15 (SD = 1,04). Hơn một nửa số người được hỏi sống trong nhà riêng/căn hộ, còn lại sống trong nhà thuê hoặc sống trong ký túc xá. Tỷ lệ sinh viên theo học ngành Kinh doanh, Kinh tế và Luật là 71,4%. Tỷ lệ sinh viên năm thứ nhất và thứ hai chiếm phần lớn trong nghiên cứu (70,3%). Phần lớn sinh viên (71,8%) sử dụng cả giáo trình và tài liệu học online trong quá trình học trực tuyến.
Bảng 1 cho thấy hệ số Cronbach's alpha có độ tin cậy tốt và ở mức 0,92 đối với “Thái độ tích cực của người học” và 0,86 đối với “Sự chuẩn bị tốt của cán bộ và sinh viên tại cơ sở giáo dục”. KMO tổng thể cho dữ liệu là 0,95. Như vậy, các tiêu chuẩn khi sử dụng phân tích khám phá nhân tố đều phù hợp với dữ liệu.
Bảng 1. Hệ số tải nhân tố thái độ và sự chuẩn bị của sinh viên đối với việc học online
|
Thái độ tích cực của sinh viên |
Sự chuẩn bị tốt của cán bộ và sinh viên tại CSGD* |
Học trực tuyến sẽ thành phương thức học phổ biến trong tương lai |
0,69 |
|
Tham gia các khóa học trực tuyến sẽ giúp ghi nhớ/thành thạo bài học tốt hơn. |
0,76 |
|
Các khóa học trực tuyến giúp ấn định thời gian đọc và làm bài tập tốt hơn so với phương pháp học trực tiếp |
0,74 |
|
Nền tảng và kinh nghiệm sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi tham gia vào các nghiên cứu trực tuyến |
0,68 |
|
Trường đại học cung cấp chất lượng học trực tuyến tốt |
|
0,70 |
Giảng viên sẽ vượt qua được những thách thức của việc dạy học trực tuyến |
|
0,71 |
Độ tin cậy |
|
|
KMO |
|
0,95 |
Cronbach's Alpha |
0,92 |
0,86 |
Giá trị của các nhóm nhân tố |
|
|
Mean |
3,33 |
3,72 |
SD |
0,78 |
0,62 |
*CSGD: cơ sở giáo dục
Bảng 2 cho thấy hệ số Cronbach's alpha được chấp nhận và ở mức 0,83 đối với “Thiếu hướng dẫn” và 0,85 đối với “Thiếu kỹ năng”. KMO tổng thể cho dữ liệu là 0,85.
Bảng 2. Hệ số tải nhân tố của những khó khăn sinh viên gặp phải khi học online
|
Thiếu hướng dẫn |
Thiếu kỹ năng |
Thiếu động lực |
0,69 |
|
Thiếu hướng dẫn |
0,76 |
|
Khó tìm tài liệu học trực tuyến |
0,64 |
|
Người hướng dẫn thiếu kinh nghiệm sử dụng các nền tảng học trực tuyến |
0,54 |
|
Không thể kết nối với các chuyên gia trong lĩnh vực |
0,56 |
|
Các công cụ học trực tuyến quá khó sử dụng |
|
0,56 |
Kinh nghiệm công nghệ hạn chế |
|
0,81 |
Thiếu kinh nghiệm sử dụng các thiết bị trực tuyến |
|
0,84 |
Độ tin cậy |
|
|
KMO |
0,85 |
|
Cronbach's Alpha |
0,83 |
0,85 |
Điểm của các nhóm nhân tố |
|
|
Mean |
3,20 |
2,95 |
SD |
0,79 |
0,92 |
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu tìm hiểu những khó khăn, đồng thời tìm hiểu sự chuẩn bị cho việc học online của sinh viên các trường đại học tại Việt Nam, chúng tôi rút ra một số các kết luận như sau:
Những khó khăn mà sinh viên gặp phải trong quá trình học online đến từ việc “thiếu kỹ năng”. Điều này có thể lý giải do phần lớn sinh viên trong nghiên cứu học các khối ngành Kinh tế, Kinh doanh và Luật và là sinh viên năm thứ nhất và thứ hai. Sinh viên các khối ngành Kinh tế có thể sẽ không thành thạo sử dụng các thiết bị điện tử và phần mềm như sinh viên khối ngành Công nghệ. Hơn thế, đối với sinh viên năm nhất, kinh nghiệm sử dụng thiết bị điện tử còn hạn chế, do việc dạy và học ở các trường phổ thông ở Việt Nam trước dịch Covid-19 là trực tiếp. Sinh viên cảm thấy “thiếu sự hướng dẫn” do tài liệu trực tuyến khó tiếp cận và tìm kiếm, đồng thời việc gặp gỡ chuyên gia hay những người có kinh nghiệm đều bị hạn chế do dịch bệnh. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Huế (Bùi Quang Dũng và cộng sự, 2020).
Bên cạnh những khó khăn sinh viên gặp phải, người học đã có sự sẵn sàng nhất định cho việc học trực tuyến. Sinh viên luôn có “thái độ tích cực với việc học trực tuyến”. Sinh viên nhận định rằng tham gia khóa học trực tuyến sẽ giúp ghi nhớ bài học tốt hơn, chủ động thời gian và có kế hoạch trong việc học, làm bài tập. Đồng thời, người tham gia trả lời đánh giá được việc học trực tuyến sẽ mang lại những thuận lợi khi họ cần tham gia vào nghiên cứu trực tuyến và nhận định học trực tuyến sẽ trở thành phương pháp học phổ biến trong tương lai.
Người tham gia khảo sát cũng đánh giá sự chuẩn bị tốt của cán bộ và sinh viên tại cơ sở giáo dục. Bên cạnh việc trường đại học cung cấp chất lượng học trực tuyến tốt, người học nhận được phản hồi nhanh từ giảng viên và cho rằng giảng viên sẽ vượt qua được những thách thức của việc dạy trực tuyến. Điều này đặc biệt quan trọng trong học trực tuyến. Khi học tập truyền thống, sự tương tác giữa người dạy và người học được cho là tương đối dễ dàng, khi sinh viên có thể hỏi giáo viên ngay trên lớp học hoặc tại trường. Khi học trực tuyến, sự tương tác được thực hiện chủ yếu qua không gian mạng bằng cách sử dụng các công cụ và trang thiết bị điện tử. Sự tương tác này có thể gây ra một số hạn chế liên quan đến chất lượng mạng Internet không đồng đều. Kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Lê Nam Hải và Trần Yến Nhi (2021). Việc trang bị đường truyền Internet tốt cũng như cố gắng làm theo kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ học đúng hạn cho thấy sinh viên có sự sẵn sàng cho việc học online cho thời điểm này, cũng như sẵn sàng áp dụng hình thức học này cho tương lai.
Thứ nhất, để khắc phục việc thiếu kỹ năng trong quá trình học trực tuyến, trước khi khóa học bắt đầu, các trường đại học cần có những chương trình hoặc hoạt động tư vấn hỗ trợ tăng cường kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, kỹ năng an toàn thông tin và sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ hoạt động học tập. Các hoạt động này có thể được tổ chức theo đợt đăng ký cho phù hợp với trình độ của từng sinh viên, nhưng cũng phù hợp với kế hoạch học tập của sinh viên.
Thứ hai, để tăng tính tương tác giữa giảng viên và sinh viên, cần phân công những cán bộ hướng dẫn học tập có riêng giờ giải đáp thắc mắc để sinh viên có thể liên lạc. Đồng thời, giảng viên cần đa dạng hóa các hình thức giảng dạy, tạo tâm lý thoải mái để sinh viên có thể trình bày và chia sẻ quan điểm bản thân.
Thứ ba, để nâng cao và duy trì sự tích cực của người học, nhà trường và các cấp lãnh đạo cần có những chính sách hỗ trợ sinh viên đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Nhà trường có thể kết hợp với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ đóng vai trò là những nhà cung cấp thông tin để trường đại học nắm bắt được nhu cầu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng như tặng máy tính hoặc hỗ trợ chi phí Internet để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập trực tuyến (Phạm Thị Hằng, 2021).
Cuối cùng, Nhà nước cần ban hành khung pháp lý đồng bộ, cũng như các văn bản quy phạm pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam. Việc phát triển giáo dục trực tuyến này không những thu hút thêm được sinh viên ở trong nước, mà thậm chí cả sinh viên ở nước ngoài có nhu cầu theo học các chương trình chất lượng đang được triển khai ở đại học Việt Nam.
Mặc dù nghiên cứu được tiến hành điều tra với số lượng mẫu lớn, trên toàn bộ sinh viên ở Việt Nam nhưng chỉ tập trung vào thống kê mô tả. Vì vậy, hướng nghiên cứu kế tiếp nên có sự mở rộng về mô hình nghiên cứu, qua đó đánh giá độ tin cậy của thang đo. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu có thể so sánh về khó khăn và sự chuẩn bị cho việc học trực tuyến theo những đặc tính khác nhau như giới tính, vị trí địa lý hoặc giữa các ngành học.
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tác động rất lớn đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Việc chuyển đổi hoàn toàn sang học trực tuyến được xem là biện pháp kịp thời ứng phó với khó khăn và mở ra một hình thức học mới ở Việt Nam, bắt kịp hơn với thế giới. Nghiên cứu này đã góp phần làm rõ những khó khăn mà sinh viên các trường đại học tại Việt Nam gặp phải, như: thiếu kỹ năng và thiếu sự hướng dẫn. Đồng thời cũng chỉ ra được sinh viên Việt Nam có thái độ tích cực với việc học trực tuyến, đồng thời nhà trường và cán bộ cũng có sự chuẩn bị tốt. Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp giảm thiểu khó khăn, như: tổ chức các chương trình nâng cao kỹ năng sử dụng thiết bị công nghệ thông tin, phân công cán bộ hướng dẫn học tập và đa dạng hóa các hình thức giảng dạy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
ONLINE LEARNING AT VIETNAMESE UNIVERSITIES DURING THE COVID-19 PANDEMIC: THE READINESS AND DIFFICULTIES FACING STUDENTS
Doan Hai Anh1
Nguyen Thi Thuy Hang1
1Hanoi University of Science and Technology
Abstract:
This study explores the difficulties and the readiness of undergraduate students at universities in Vietnam for online learning during the COVID-19 pandemic. In this study, 1,528 students were surveyed through an online questionnaire, and a total of 1,467 valid replies (response rate of 96%) was used for analyzing process. The study’s findings show that lack of skills and lack of instructions are difficulties that students face in online learning. However, they are ready to learn online with positive attitudes, and educational institutions are well prepared for online teaching activities. Based on the study’s findings, some implications are proposed to reduce barriers and increase positive attitudes and preparation of students, including training programs to improve technological skills, assigning academic instructors, and diversifying teaching forms.
Keywords: online learning, e-learning, distance learning, higher education.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13 tháng 5 năm 2023]
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết