Hành động theo tinh thần mới để thế hệ đi sau có vị thế mới xây dựng đất nước


(CHG) Với 6 đặc điểm lớn của kinh tế thế giới và Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, đòi hỏi trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025, nền kinh tế nước ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu cho phù hợp với tình hình mới. 
Chính sách phát triển của Việt Nam gắn liền với các xu hướng mới, tạo dựng hình ảnh một quốc gia phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số... Ảnh: TTXVN
Có thể nói, từ năm 2020 đến nay thế giới liên tục đối mặt với nhiều khó khăn, như: Từ đại dịch Covid-19 chuyển thành đứt gãy chuỗi cung-cầu của nền kinh tế dẫn tới khủng hoảng kinh tế, xã hội. Cuối năm 2021 triển vọng kinh tế thế giới vẫn được các tổ chức quốc tế dự báo theo xu hướng tích cực.
Mức độ lây lan và nguy hiểm do dịch bệnh vẫn còn nhưng nhờ có vắc xin nên đã được giảm nhẹ, các biện pháp phòng chống dịch đã được giảm nhẹ và dần dỡ bỏ. Sự phục hồi tiêu dùng sau 2 năm dịch bệnh và mở cửa lại nền kinh tế kỳ vọng đưa kinh tế thế giới nói chung và kinh tế nước ta nói riêng sang năm 2022 tiếp đà phục hồi của năm 2021.
Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2022 trở lại đây, cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine nổ ra đã là yếu tố làm thay đổi căn bản nền tảng phát triển kinh tế thế giới. Kể từ tháng 3 trở đi, nhiều quyết định về kinh tế-xã hội của các nước được quyết định không phải từ yêu cầu nội tại, mà lại từ tư duy chính trị chủ quan của những người cầm quyền làm cho môi trường kinh tế-xã hội thế giới rơi vào khủng hoảng lạm phát, mơ hồ và sự phục hồi hoạt động kinh tế-xã hội không dự báo được. Có thể rút ra được một vài nhận định cơ bản sau:
Cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh, đầu tư và tiêu dùng trên phạm vi toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình phục hồi sau Covid-19.
Giá dầu mỏ và khí đốt, 2 loại nhiên liệu chủ chốt để sản xuất tăng cao trên toàn cầu, trong khi nguồn cung thay thế gặp khó khăn do chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng tăng cao, hạ tầng hiện tại thiếu hụt có thể nói lịch sử năng lượng thế giới đang lặp lại cuộc khủng hoảng khí đốt của năm 2022 gần giống như cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973-1974, sẽ có tác động rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội thế giới, và có thể cũng là một xung lực mới cho các cuộc cách mạng công nghiệp như trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Tuy nhiên tính đột phá của lần này không mạnh như lần trước do Hoa Kỳ ít bị ảnh hưởng hơn so với các nước thuộc khối EU, nên không có đủ nguồn lực và thị trường để phát triển các đột phá về khoa học công nghệ.
Căng thẳng địa chính trị gia tăng làm thay đổi các giá trị kinh tế cơ bản đã hình thành sau chiến tranh lạnh và xu hướng toàn cầu hóa đã hình thành trong hơn 30 năm qua.
Mặt bằng giá cả tăng cao làm gián đoạn chuỗi cung ứng, cộng với xung đột quân sự đã làm các ngân hàng trung ương của các nước (đặc biệt là các nước thuộc khối OECD) có các biện pháp can thiệp mạnh mẽ hơn vào chính sách tiền tệ. Hậu quả là tại các nước đang phát triển chi phí huy động vốn tăng cao, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng vốn vào khu vực các đồng tiền mạnh.
Việc Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid” đến tháng 11/2022 và hạ nhiệt thị trường bất động sản, đã ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu. Sau đại dịch Covid-19 và khủng hoảng năng lượng lần này, vai trò của nền kinh tế Trung Quốc được khẳng định. Nếu như cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, tính giá trị GDP theo sức mua Trung Quốc chỉ chiếm 12,1% GDP toàn cầu, thì ở cuộc khủng hoảng này đã đạt 18,3%, vượt Hoa Kỳ (15,5%) và trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu tính về tiêu thụ năng lượng trên thế giới, Trung Quốc tiêu thụ tới 26,1% toàn cầu, gần tương đương với Hoa Kỳ (15,8%) và châu Âu (13,4%) cộng lại. Do đó, Trung Quốc có vai trò rất lớn trong việc ổn định thị trường năng lượng thế giới góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Có thể nhận thấy, xu thế đa cực tăng trưởng của kinh tế thế giới đã dần hình thành. Một bên là các nước G7 và EU với nền kinh tế phát triển, thu nhập bình quân theo đầu người cao với thị trường khoảng 1,1 tỷ người, chiếm 40,6% GDP toàn cầu và một bên là các nền kinh tế mới nổi, hạt nhân là 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi (nhóm BRICS) với thị trường tới 3,2 tỷ dân, chiếm khoảng 31,3% GDP toàn cầu theo ngang giá sức mua.
Toàn cầu hóa nền kinh tế thế giới sẽ thay đổi mạnh mẽ theo hướng “tính độc lập tự chủ” tương đối, sẽ tạo áp lực cho quá trình tái cấu trúc nền kinh tế của mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước thuộc G7 và EU theo hướng giảm phụ thuộc nhập khẩu và hình thành lại chuỗi cung ứng sản xuất.
Với 6 đặc điểm lớn như đã nêu, đòi hỏi trong 3 năm còn lại của nhiệm kỳ 5 năm 2021-2025 nền kinh tế nước ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu cho phù hợp với tình hình mới, kể cả một số định hướng lớn trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng cần có điều chỉnh kịp thời. Có thể nêu lên một số định hướng lớn như sau:
Kiên trì quan điểm kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể dần trở thành chủ đạo, giúp ổn định kinh tế vĩ mô để cùng với kinh tế tư nhân và FDI tạo động lực cho nền kinh tế duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, ổn định.
Khẩn trương nghiên cứu để dần hoàn thiện theo điều kiện trong nước và quốc tế mô hình “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam”. Tiếp thu có chọn lọc các thành công của mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, và nền kinh tế thị trường phúc lợi, để áp dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế nước ta.
Kiện toàn lại mô hình Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng đây là công cụ quan trọng của Chính phủ, thực hiện điều hành thị trường và bảo toàn phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ủy ban có toàn quyền điều động vốn được giao để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước theo đúng Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ, tập trung lựa chọn ngành nghề và xây dựng quy mô đủ lớn, để làm đối tác với doanh nghiệp FDI; nắm lớn, buông nhỏ để thoái vốn tại doanh nghiệp nhỏ, dồn vốn xây dựng doanh nghiệp lớn theo các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp của kinh tế thị trường, không sử dụng vốn từ ngân sách để tăng cường tính linh hoạt trong điều hành của Chính phủ, tận dụng thời cơ thị trường.
Xây dựng chính sách ưu tiên đặc biệt và giao quyền cho một số địa phương theo mô hình vùng (không theo địa giới hành chính cấp tỉnh). Trước mắt thí điểm thành lập bộ máy tổ chức Đảng phù hợp để thống nhất điều hành theo nghị quyết của Trung ương về các vùng kinh tế vừa được thông qua, trong lúc nghiên cứu các quy định về mô hình vùng theo Hiến pháp 2013.
Chỉ có hành động quyết liệt chúng ta mới có thể hoàn thành được mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đặt ra với 2 mốc thời gian: Đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao và có một tầng lớp trung lưu phát triển. Mốc thứ hai là đến năm 2045 cơ bản xây dựng được mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Có như thế chúng ta mới đảm bảo các thế hệ đi sau vẫn luôn ngẩng cao đầu hát vang bài “Tiến bước dưới quân kỳ” theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.
                                                                          Nguyễn Đức Kiên (Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ)

Nguồn: https://haiquanonline.com.vn/hanh-dong-theo-tinh-than-moi-de-the-he-di-sau-co-vi-the-moi-xay-dung-dat-nuoc-170790-170790.html

Còn lại: 1000 ký tự
Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia

Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
2
2
2
3