Hành vi tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số dưới góc nhìn của sinh viên


Đề tài Hành vi tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số dưới góc nhìn của sinh viên do TS. Nguyễn Ngọc Trang 1- CN Trần Trung Tín1 - CN Hoàng Sơn Hiếu1 - TS. Lê Ngọc Nương2 (1Viện Khoa học Xã hội Liên ngành - Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - 2Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên) thực hiện.

TÓM TẮT:

Hệ sinh thái giáo dục số có thể được sử dụng để hỗ trợ giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững bằng cách cung cấp các tài nguyên giáo dục, công cụ và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Hành vi tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số dưới góc nhìn của sinh viên có thể là: (1) Lựa chọn các tài nguyên số có trách nhiệm; (2) Sử dụng công nghệ với mục tiêu bền vững; (3) Tư duy và hành động bền vững trong môi trường học tập số; (4) Nhận thức và hành động tích cực. Qua đó, bài viết đề xuất dạng phương trình hồi quy đa biến dựa trên các giả thuyết nghiên cứu.

Từ khóa: hệ sinh thái giáo dục số, phát triển bền vững, hành vi tiêu dùng bền vững, tiêu dùng xanh, tiêu dùng thông minh, sinh viên.

1. Đặt vấn đề

Khái niệm về Tiêu dùng bền vững theo Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (United Nations Environment Programme - UNEP) được xem là hành vi mua những hàng hóa và dịch vụ không gây tổn hại đến môi trường, xã hội và kinh tế. Việc gia tăng tiêu dùng năng lượng, nước, các nguồn nhiên liệu, tăng lượng rác, phát thải và tăng sử dụng đất với tốc độ nhanh đã và đang tác động xấu đến môi trường. Khuyến khích hành vi tiêu dùng bền vững không chỉ là cách bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên mà còn giảm thiểu lượng rác thải, tiêu thụ năng lượng và khí thải. Điều này góp phần hạn chế ô nhiễm, biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Theo UNEP, việc áp dụng tiêu chuẩn tiêu dùng bền vững có thể tiết kiệm tới 60% nước và 25% năng lượng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.

Do đó, vấn đề tăng cường nhận thức mối liên quan giữa những hành động tiêu dùng, mua sắm, sử dụng tài nguyên cũng như phát thải hằng ngày nhằm giảm thiểu, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu ngày càng cần thiết, đặc biệt là với giới trẻ trong hệ sinh thái học tập số. Bài báo này nhằm nghiên cứu tổng quan về tình hình tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số, đề xuất các giả thuyết nghiên cứu và mô hình nghiên cứu, nhằm từ đó có giải pháp khuyến khích hành vi tiêu dùng bền vững trong cộng đồng sinh viên tại Việt Nam.

2. Tổng quan nghiên cứu

Tổng quan nghiên cứu ở nước ngoài về hành vi tiêu dùng bền vững

Liên Hợp quốc có khái niệm về tiêu dùng bền vững trong toàn cầu thông qua các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals - SDGs), trong đó tiêu dùng bền vững được xem xét từ nhiều khía cạnh khác nhau, như sau:

(1) Tiêu dùng có trách nhiệm với môi trường: Đây là khía cạnh quan trọng của tiêu dùng bền vững, tập trung vào việc sử dụng sản phẩm và dịch vụ có ít tác động tiêu cực đến môi trường. Điều này bao gồm việc chọn lựa sản phẩm tái chế, có nguyên liệu tái sinh, ít tạo ra khí thải, và ít tốn nhiều tài nguyên tự nhiên.

(2) Tiêu dùng công bằng và xã hội: Tiêu dùng bền vững không chỉ là về môi trường, mà còn về việc đảm bảo rằng sản phẩm được sản xuất trong môi trường lao động công bằng, không tác động tiêu cực đến quyền lợi và sự công bằng của người lao động. Nó cũng liên quan đến việc hỗ trợ các sản phẩm có nguồn gốc từ các cộng đồng địa phương, hỗ trợ các nguyên tắc công bằng và xã hội.

(3) Tiêu dùng thông minh và hiệu quả: Bao gồm việc chọn lựa các sản phẩm có tuổi thọ cao, sử dụng nguyên liệu ít tốn kém, hay thậm chí việc chia sẻ tài nguyên để giảm thiểu lãng phí.

(4) Tiêu dùng an toàn và lành mạnh: Việc chọn lựa các sản phẩm và dịch vụ an toàn cho sức khỏe, không gây hại cho người sử dụng, cũng là một khía cạnh quan trọng của tiêu dùng bền vững. Điều này có thể bao gồm việc ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ, không chứa hóa chất độc hại, hoặc sản phẩm có nhãn hiệu được xác nhận là an toàn cho sức khỏe.

Hành vi tiêu dùng bền vững (HVTDBV) đã thu hút sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhưng việc định nghĩa này đã thay đổi theo từng ngữ cảnh (Francis et al., 2022). HVTDBV thường được hiểu và sử dụng đồng nghĩa với các thuật ngữ cụ thể như hành vi tiêu dùng thân thiện với môi trường, hành vi tiêu dùng xanh (Biswas, 2017) và hành vi tiêu dùng đạo đức (Ganglmair-Wooliscroft et al., 2019). Lí do cho sự thay đổi này là sự phức tạp và mâu thuẫn của tiêu dùng bền vững (Piligrimiene, 2020), cũng như sự phát triển và biến đổi của khái niệm này theo thời gian (Roy, 2020). Tiêu dùng bền vững đóng vai trò quan trọng và cấu thành cho hành vi tiêu dùng bền vững.

Tổng quan các tài liệu cho thấy, HVTDBV có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố quyết định tiền hành vi như giới tính, tính cách cá nhân, giá trị (Lee và đồng nghiệp, 2015; Ab. Wahab, 2017), đặc điểm tâm lý, hoàn cảnh, trạng thái tâm lý (Pimdee, 2020), sự kết nối với thiên nhiên (Dong et al., 2020) và nhận thức kiểm soát hành vi (Vantamay, 2018). Figueroa-García và đồng nghiệp (2018) cho rằng các nghiên cứu trước đây thường tập trung vào các yếu tố nội tại quyết định HVTDBV, trong khi tác động của các yếu tố bên ngoài đối với HVTDBV ít được chú ý. Theo nghiên cứu của Phang, Ing G. và đồng nghiệp (2021), trong bối cảnh đại dịch, HVTDBV của người tiêu dùng đã được điều chỉnh.

Lý thuyết Hành vi Định ý (Theory of Planned Behavior - TPB): Được đề xuất bởi nhà tâm lý học Icek Ajzen vào năm 1991, xác định có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến hành vi của một người: (1) Thái độ: Đây là sự đánh giá tích cực hoặc tiêu cực của một người đối với hành vi cụ thể; (2) Tiêu chuẩn xã hội: Đây là áp lực xã hội mà một người cảm nhận được để thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi cụ thể; (3) Kiểm soát hành vi nhận thức: Đây là cảm nhận của một người về khả năng kiểm soát hành vi của họ.

Nghiên cứu về phát triển hành vi tiêu dùng bền vững nhằm tối ưu hóa hành vi tiêu dùng, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống và sức khỏe của cộng đồng. Việc lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ bền vững đang được ưu tiên, với sự chú trọng vào các sản phẩm ít gây hại cho sức khỏe và an toàn, như những sản phẩm hữu cơ không chứa các chất độc hại hoặc có nhãn hiệu môi trường. Điều này giúp hạn chế các tác động tiêu cực như bệnh tật, dị ứng hoặc ngộ độc từ việc sử dụng các sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc thúc đẩy hành vi tiêu dùng bền vững có thể giảm tỷ lệ tử vong và mắc bệnh do ô nhiễm môi trường lần lượt là 23% và 26%.

Khuyến khích hành vi tiêu dùng bền vững không chỉ đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng và kinh tế bền vững mà còn ủng hộ các tổ chức và doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội và môi trường. Khi lựa chọn các sản phẩm và dịch vụ từ các nguồn này, chúng ta đồng thời tạo ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập và cải thiện điều kiện sống, đặc biệt là cho những nhóm nhân khẩu khó khăn. Theo UNEP, việc thúc đẩy tiêu dùng bền vững có thể tạo ra khoảng 15 triệu công việc mới và tăng GDP toàn cầu lên đến 2%.

Trong các nghiên cứu trước đó, các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên hệ giữa ý định và hành vi tiêu dùng xanh, tuy nhiên kết quả của các nghiên cứu này lại mang tính đa dạng: trong một số trường hợp, ý định mua hàng tạo ra sự sẵn lòng mua sắm, trong khi ở các nghiên cứu khác, kết quả lại chỉ ra rằng một số người có ý định nhưng không thể thực hiện hành động tương ứng.

Tiêu dùng bền vững tại Việt Nam

Trong lĩnh vực pháp luật và chính sách ở Việt Nam, đã có nhiều văn bản quan trọng được ký kết và ban hành nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, cũng như bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Các tài liệu như Tuyên ngôn quốc tế và Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững (1999), cùng với các luật như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và Tuyên ngôn quốc tế về sản xuất sạch hơn (1999) là những cơ sở pháp lý quan trọng. Trong đó, Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng các chính sách về tiêu dùng xanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được rõ ràng và chi tiết quy định trong Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là chiến lược quốc gia đầu tiên và toàn diện về phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Nhờ sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã duy trì ở mức trung bình khoảng 5,95%/năm trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020.

Khoản 10 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, có nêu “Tiêu dùng bền vững là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế - xã hội”, người tiêu dùng có nghĩa vụ tiêu dùng bền vững đồng thời tuân thủ điều kiện, hướng dẫn vận chuyển, bảo quản, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường.

Cũng theo Điều 7 của luật trên, Nhà nước thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững qua những hoạt động: (1) Khuyến khích, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, lưu thông, phân phối, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, công nghệ thân thiện môi trường hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm nâng cao lợi ích của người tiêu dùng; (2) Hỗ trợ tổ chức, cá nhân ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ tiên tiến, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc để sản xuất, cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ an toàn, bảo đảm chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; (3) Tham gia chủ động và có trách nhiệm vào các hoạt động thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng bền vững của khu vực và thế giới. Tuy nhiên, nền tảng lý thuyết và các nghiên cứu liên quan đến hành vi tiêu dùng bền vững còn quá ít và kết quả cũng cho thấy nghiên cứu truyền thống này không cung cấp được một cái nhìn hoàn thiện, đặc biệt là dành cho sinh viên trong hệ sinh thái học tập số.

3. Kết quả nghiên cứu

Mối liên hệ giữa hệ sinh thái giáo dục số và giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững thông qua hành vi tiêu dùng bền vững của sinh viên

Trong nghiên cứu về Hệ sinh thái học tập số (Digital Learning Ecosystem), các nhà nghiên cứu đã so sánh nó với một hệ sinh thái tự nhiên, trong đó các thành phần sinh học và phi sinh học tương tác với nhau và với môi trường xã hội, kinh tế và văn hóa (Ficheman & de Deus Lopes, 2008, 2009; Kummanee et al., 2020; Laanpere et al., 2014; Quaicoe et al., 2016). Trong hệ sinh thái này, giáo viên, học sinh, tổ chức giáo dục và các bên liên quan có khả năng chia sẻ tài nguyên học tập và công cụ để thúc đẩy quá trình học tập (Sarnok et al., 2019). Những hoạt động học tập này được thiết kế để hỗ trợ người học trong việc tích lũy kiến ​​thức, kỹ năng và kinh nghiệm (Sarnok et al., 2019). Cơ sở hạ tầng phi sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì ổn định của hệ sinh thái này, bằng cách cung cấp và lưu trữ tài nguyên và dịch vụ của nó (Dong et al., 2009). Leong và Miao (2008) đã đề xuất rằng cơ sở hạ tầng, bao gồm công nghệ, dịch vụ, mô hình và giao diện, là cần thiết để cung cấp hướng dẫn, sử dụng tài nguyên và hệ thống truy cập. Các phương tiện và công nghệ số được sử dụng để truyền tải thông tin và nội dung qua nhiều phương tiện như trò chơi điện tử, âm thanh, hoạt ảnh, hình ảnh và các định dạng phương tiện khác (Sarnok et al., 2019). Các cổng thông tin hỗ trợ cho việc truy cập, sử dụng, cộng tác và giao tiếp với những người khác (Eswari, 2011), trong khi các thiết bị kết nối internet hỗ trợ việc truy cập nội dung số (Ficheman & de Deus Lopes, 2009; Giattino & Stafford, 2019; Reyna, 2011). Theo Beggan (2020), việc hợp tác trong quá trình học tập có thể hỗ trợ người học xây dựng kiến thức mới và khám phá những ý tưởng mới. Vì vậy, môi trường kỹ thuật số được thiết kế để khuyến khích sự hợp tác và giao tiếp trong quá trình học và giảng dạy. Các công cụ và tài nguyên học tập được sử dụng để chia sẻ dịch vụ và thúc đẩy sự phát triển bền vững trong học tập (Sarnok et al., 2019). Có thể nói, sinh viên được tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tương tác, chia sẻ thông tin, hợp tác và kiến tạo kiến thức trong môi trường học tập số hóa (Trang N.N và cộng sự, 2023).

Giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững nhằm đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế và xã hội mà không làm tổn hại đến tài nguyên và môi trường, đảm bảo sự bền vững cho các thế hệ tương lai. Giáo dục này có mục tiêu hướng tới việc phát triển kỹ năng, kiến thức và thái độ giúp sinh viên thích ứng với thực tế về môi trường và xã hội hiện nay, đồng thời khuyến khích đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề phát triển bền vững.

Hệ sinh thái giáo dục số và giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Hệ sinh thái giáo dục số là một mô hình giáo dục hiện đại, sử dụng công nghệ số và các công nghệ liên quan để cung cấp các dịch vụ giáo dục cho sinh viên, giảng viên và các bên liên quan để khai thác phạm vi rộng các tài nguyên giáo dục trực tuyến và các công cụ tương tác trực tiếp trong học tập và nghiên cứu. Vì vậy, hệ sinh thái giáo dục số có thể được sử dụng để hỗ trợ giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững bằng cách cung cấp các tài nguyên giáo dục, công cụ và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Các công nghệ số có thể được sử dụng để tăng cường sự hiểu biết về các vấn đề môi trường và xã hội, đồng thời khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động và dự án vì mục tiêu phát triển bền vững.

Tiêu dùng bền vững không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của cộng đồng và xã hội. Mục tiêu số 12 của Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc đó là Tiêu thụ và sản xuất có trách nhiệm (Responsible consumption and production) với nội dung là đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững. Ý định tiêu dùng bền vững của sinh viên trong hệ sinh thái học tập số là dự định hay ý chí của sinh viên trong việc lựa chọn, sử dụng và tiêu thụ các sản phẩm, dịch vụ hoặc tài nguyên trong môi trường học tập số một cách có trách nhiệm với môi trường, xã hội và kinh tế. Các công nghệ số có thể được sử dụng để tăng cường sự hiểu biết về các vấn đề môi trường và xã hội, đồng thời khuyến khích sinh viên tham gia vào các hoạt động và dự án vì mục tiêu phát triển bền vững (Ilaria Guandalini et al.,2022).

Phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu được thu thập qua một phiếu khảo sát được thiết kế với 30 câu hỏi theo thang điểm Likert, gồm 5 mức độ từ hoàn toàn không đồng ý (mức 1) đến hoàn toàn đồng ý (mức 5). Việc thu thập dữ liệu diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024. Đối tượng tham gia khảo sát là sinh viên, trong độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi, đang theo học trong hệ sinh thái học tập số. Mục tiêu của nghiên cứu là xác định các yếu tố có ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số của sinh viên. Để đảm bảo tính tin cậy của dữ liệu, chúng tôi đã sử dụng chỉ số Cronbach’s alpha để đo lường và kiểm định độ tin cậy của các biến. Đồng thời, chúng tôi đã sử dụng phân tích nhân tố khám phá (EFA) và phương pháp hồi quy tuyến tính để phân tích dữ liệu thu được.

Giả thuyết nghiên cứu

Trong hệ sinh thái học tập số, ý định tiêu dùng bền vững của sinh viên có thể là:

(1) Lựa chọn các tài nguyên số có trách nhiệm: Sự quan tâm đến việc sử dụng các công nghệ, tài nguyên số như máy tính, thiết bị điện tử một cách tiết kiệm, hiệu quả và có trách nhiệm với môi trường;

(2) Sử dụng công nghệ với mục tiêu bền vững: Sự chủ động trong việc sử dụng các ứng dụng, nền tảng, hoặc phần mềm có tính bền vững, hỗ trợ cho việc học tập và nghiên cứu mà không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường số;

(3) Tư duy và hành động bền vững trong môi trường học tập số: Hành vi tiêu dùng của sinh viên trong việc lựa chọn và sử dụng nội dung số, tài liệu số có tính tái sử dụng, tái chế, không phát sinh rác thải điện tử không cần thiết;

(4)Nhận thức và hành động tích cực: Sự nhận thức và hành động tích cực của sinh viên về việc sử dụng công nghệ số với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động xấu đến tài nguyên và hỗ trợ cho việc phát triển bền vững.

Vì vậy, Hệ sinh thái học tập số có thể được sử dụng để hỗ trợ giáo dục vì mục tiêu phát triển bền vững bằng cách cung cấp các tài nguyên giáo dục, công cụ và kỹ năng cần thiết để thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, các công trình khoa học nghiên cứu về hành vi tiêu dùng bền vững của sinh viên trong hệ sinh thái học tập số thì vẫn chưa được nghiên cứu.

Căn cứ vào tổng quan tài liệu nghiên cứu và những luận cứ xây dựng, tác giả xây dựng 6 giả thuyết nghiên cứu sau:

H1: Thái độ đối với tiêu dùng bền vững có ảnh hưởng thuận chiều đến tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số

H2: Kiểm soát hành vi nhận thức có ảnh hưởng thuận chiều đến tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số

H3: Tầm nhìn về môi trường có ảnh hưởng thuận chiều đến tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số

H4: Kiến thức về tiêu dùng bền vững có ảnh hưởng thuận chiều đến tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số

H5: Hệ sinh thái học tập số có ảnh hưởng thuận chiều đến tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số

H6: Truyền thông số có ảnh hưởng thuận chiều đến tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số.

tiêu dùng bền vững

 

Trong đó: Biến phụ thuộc (Y) là tiêu dùng bền vững của sinh viên trong hệ sinh thái học tập số; Biến độc lập (X) bao gồm: X1: Thái độ đối với tiêu dùng bền vững; X2: Kiểm soát hành vi nhận thức; X3: Tầm nhìn về môi trường; X4: Kiến thức về tiêu dùng bền vững; X5: Hệ sinh thái học tập số; X6: Truyền thông số.

4. Kết luận và khuyến nghị

Trong bối cảnh hiện nay, nghiên cứu về hành vi tiêu dùng bền vững trong hệ sinh thái học tập số từ góc nhìn của sinh viên là một lĩnh vực đáng quan tâm. Các nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu đã làm sáng tỏ một số khía cạnh quan trọng về hành vi tiêu dùng bền vững của sinh viên trong hệ sinh thái học tập số. Từ những yếu tố như lựa chọn tài nguyên số có trách nhiệm, sử dụng công nghệ với mục tiêu bền vững, tư duy và hành động bền vững trong môi trường học tập số, đến nhận thức và hành động tích cực, sinh viên đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một môi trường học tập số bền vững và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, cần có sự chú trọng và đầu tư vào việc nghiên cứu và thực hiện các chiến lược, chính sách giáo dục nhằm khuyến khích và phát triển hành vi tiêu dùng bền vững trong cộng đồng sinh viên. Cũng cần thúc đẩy việc hợp tác giữa các bên liên quan để tạo ra một môi trường học tập số thú vị và bền vững hơn. Những nỗ lực này không chỉ góp phần vào việc giáo dục và nâng cao nhận thức của sinh viên về vấn đề bền vững mà còn định hình và thúc đẩy hành vi tiêu dùng bền vững trong cộng đồng học thuật và xã hội. Đây là một phần quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững và hài hòa cho các thế hệ tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Ajzen I. (1991). The theory of planned behavior. Organizational Behavior and Human Decision Processes, 50 (2), 179- https://doi.org/10.1016/0749-5978 (91) 90020-T.
  2. Ilaria Guandalini (2022). Sustainability through digital transformation: A systematic literature review for research guidance, Journal of Business Research 148(2): 456-471.
  3. DOI:1016/j.jbusres.2022.05.003
  4. Pimdee, Paitoon.(2020). Antecedents of Thai student teacher sustainable consumption behavior. Heliyon 6: https://doi.org/10.1016/j.heliyon.2020.e04676
  5. Trang, N.N.Tuan, N.A.Phuong, N.L. Integrating Artificial Intelligence with Social Network Supporting New Student Onboarding: Factors Create Digital Learning Ecosystem. Proceedings ICSIT, International Conference on Society and Information Technologies, 2023, 2023-March, pp. 123-128.
  6. Nguyễn Gia Thọ (2023). Chuyển đổi xanh trên thế giới và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. <https://tapchimoitruong.vn/nghien-cuu-23>
  1. https://www.unep.org/annualreport/2016/index.php
  2. https://vietnam.un.org/vi/sdgs

Sustainable consumption behavior within the digital learning ecosystems from the perspective of students

Ph.D Nguyen Ngoc Trang1

Tran Trung Tin1

Hoang Son Hieu1

Ph.D Le Ngoc Nuong2

1Interdisciplinary Institute for Social Sciences, Nguyen Tat Thanh University

2Thai Nguyen University of Economics & Business Administration, Thai Nguyen University

Abstract:

The digital educational ecosystem can be utilized to support education for sustainable development by providing educational resources, tools, and skills that are necessary to promote sustainable development. Sustainable consumption behavior within the digital learning ecosystem from the perspective of students may include: (1) Choosing responsibly digital resources; (2) Utilizing technology with sustainability goals; (3) Sustainable thinking and actions within the digital learning environment; and (4) Awareness and positive actions. This study proposed a multivariable regression equation based on the research hypotheses.

Keywords: the digital educational ecosystem, sustainable development, sustainable consumption behavior, green consumption, smart consumption, student.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nghiên cứu phát triển hệ thống kiểm soát ra vào cho khu đô thị thông minh

Bài báo "Nghiên cứu phát triển hệ thống kiểm soát ra vào cho khu đô thị thông minh" do Vũ Thị Mùi - Nguyễn Phương Đông - Ngô Thu Thuỷ (Viện Đào tạo chất lượng cao, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) và ThS. Phạm Ngọc Duy (Khoa Công nghệ thông tin, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam) thực hiện.

Xem chi tiết
Đánh giá hàm lượng cordycepin và adenosin của Cordyceps militaris nuôi trồng trên môi trường hữu cơ

Bài báo nghiên cứu: "Đánh giá hàm lượng cordycepin và adenosin của Cordyceps militaris nuôi trồng trên môi trường hữu cơ" do ThS. HUỲNH KIM YẾN - ThS. LÊ BÍCH TUYỀN - ThS. VŨ THỊ YẾN - LÊ THỊ ÂN THƯ (Trường Đại học Kiên Giang) - TS. NGUYỄN TRỌNG TUÂN (Trường Đại học Cần Thơ) và ThS. CHƯỞNG THỊ CẨM VÂN (Trường Cao đẳng Cần Thơ) thực hiện.

Xem chi tiết
Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp

Bái báo nghiên cứu "Phát triển thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp" do TS. Vũ Thị Nhài (Học viện Chính sách và Phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện.

Xem chi tiết
Hậu Giang: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) xếp thứ 2 vùng ĐBSCL, xếp ở nhóm cao cả nước.

(CHG) Ngày 22.6.2024 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 556/ QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang chỉ đạo ngay việc xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch, nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Xem chi tiết
TP.Ngã Bảy, Hậu Giang: Khai mạc Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư

(CHG) Nhằm chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã, 10 năm đô thị loại III, 5 năm công nhận thành phố, 110 năm hình thành vùng đất Ngã Bảy, UBND thành phố Ngã Bảy long trọng tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư thành phố Ngã Bảy với chủ đề “Những dòng sông nhớ” và chương trình nghệ thuật “Tình anh bán chiếu”.

Xem chi tiết
2
2
2
3