(CHG) Nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định (IUU), Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1077/QĐ- TTg phê duyệt Đề án "Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025".
Hỗ trợ doanh nghiệp phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp. (Ảnh minh họa)
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, 28 địa phương có biển của Việt Nam đã nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp và đạt được những kết quả khả quan. Số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS và có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá đạt 90,87%, tăng 0,61% so với 2 năm trước.
Từ đầu tháng 10/2021 đến nay chưa phát hiện vụ việc tàu cá Việt Nam nào bị nước ngoài bắt giữ. Toàn bộ 28 địa phương ven biển đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan thực hiện việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, lao động trên tàu cá, kiểm soát sản lượng thủy sản qua cảng, truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đúng theo quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nếu còn một tàu nào vi phạm vùng biển nước ngoài, việc gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu là rất khó.
Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu hải sản cùng chính quyền địa phương các tỉnh có biển, cộng đồng ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản phải kiên quyết không để xảy ra trường hợp nào vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài.
Để có thể giúp ngư dân thuận lợi hơn trong thực hiện ghi chép nhật ký khai thác, hành trình cũng như thực hiện chống khai thác bất hợp pháp, cộng đồng doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản mong muốn sớm có thiết bị ghi chép bằng điện tử để ngư dân có điều kiện tốt nhất khi ra khơi đánh bắt.
Để vận hành tốt hoạt động thực hiện chống khai thác bất hợp pháp trong doanh nghiệp, hiện nay VASEP cũng đã có những chương trình tuyên truyền hướng dẫn trực tiếp doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hải sản, các tiêu chí phải thực hiện nghiêm khắc trong thu mua nguyên liệu hải sản.
Đồng thời, VASEP cũng phối hợp với các Sở Nông nghiệp, Chi cục Thủy sản, ban quản lý cảng cá tại những địa phương có biển để đẩy mạnh những thuận lợi, giải quyết những khó khăn trong việc kiểm tra tàu cá cập bến, xuất bến, ghi chép, đo lường sản lượng, loài hải sản cập bến cũng như xác nhận nguyên liệu được khai thác hợp pháp. Tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn nguyên liệu tiêu thụ với giá cao, chất lượng cao, doanh nghiệp có đủ chứng từ công nhận xuất xứ, phục vụ cho chế biến, xuất khẩu.
Thực tế, nguồn nguyên liệu khai thác hải sản hiện nay chủ yếu cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu. Vì vậy, đơn vị tiêu thụ đóng vai trò rất quan trọng trong việc chống khai thác bất hợp pháp.
Khi doanh nghiệp khai thác nguyên liệu hải sản không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, thiếu nhật ký hành trình và nhật ký khai thác có nghĩa là sản lượng đánh bắt đó khó có thể tiêu thụ, khiến cho chủ tàu và truyền trưởng sẽ hòa vốn hoặc lỗ khi chỉ tiêu thụ tại thị trường nội địa với giá thấp.
Với tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay, mỗi chuyến ra khơi tốn rất nhiều chi phí xăng, dầu, nhân công, ăn uống... đó là chưa kể đến những chi phí sử dụng máy nhắn tin và cả thiết bị giám sát hành trình.
Nếu như không thực thi đúng Luật Thủy sản 2017 và những yêu cầu chi tiết về hành trình, toàn bộ sản lượng khai thác được sẽ không có “hộ chiếu” truy xuất nguồn gốc để lưu hàng vào nhà máy của doanh nghiệp chế biến hải sản. Điều đó dẫn đến các chủ tàu, các doanh nghiệp khai thác thủy sản sẽ không xuất được hàng, thậm chí phá sản.
Cần ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không đúng quy định. (Ảnh minh họa)
Ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ IUU
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 1077/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025”.
Đề án nhằm triển khai đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả các quy định pháp luật thủy sản, theo đó sẽ tập trung triển khai các quy định về phòng, chống IUU, ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, hướng tới mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).
Đề án cũng nhằm mục tiêu quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, nhằm nâng cao đời sống sinh kế của người dân vùng ven biển, góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Đề án đặt mục tiêu hoàn thành 100% tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, trước khi rời cảng đi khai thác trên biển phải được kiểm tra bảo đảm đầy đủ các giấy tờ và trang thiết bị theo quy định; phải được theo dõi, giám sát qua Hệ thống giám sát hành trình tàu cá khi tham gia hoạt động trên biển, được thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại cảng.
Đề án yêu cầu 100% sản lượng thủy sản từ khai thác trong nước, khi bốc dỡ qua cảng cá phải được kiểm tra, giám sát theo quy định. 100% sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác của nước ngoài cập cảng biển Việt Nam được kiểm tra, giám sát theo quy định của Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng của FAC-2009 (Hiệp định PSMA).
Đề án cũng lưu ý các lực lượng thực thi pháp luật trên biển (kiểm ngư, cảnh sát biển, hải quân, biên phòng, thanh tra thủy sản…) tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các vùng biển. Đặc biệt là các khu vực vùng biển chồng lấn, tranh chấp, chưa phân định để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài. Kiên quyết đấu tranh khi lực lượng chức năng nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý trái phép tàu cá, ngư dân của Việt Nam.
Nội dung đề án thí điểm và nhân rộng mô hình mẫu về kiểm soát nghề cá bền vững tại cảng cá ở 3 miền, gồm: Miền Bắc (Hải Phòng), miền Trung (Khánh Hòa), miền Nam (Cà Mau).
Trong thời gian tới, để ngăn chặn, giảm thiểu IUU cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo phát triển nghề cá phù hợp với các hiệp định, cam kết quốc tế mà Việt nam đã gia nhập hoặc tham gia như: Hiệp định PSMA, UNFSA, C188, Đạo Luật bảo vệ động vật có vú của Hoa Kỳ… Triển khai một số chính sách về phát triển thủy sản bền vững theo hướng giảm cường lực khai thác, tăng không gian và thời gian cấm, hạn chế khai thác nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Cần ưu tiên bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nghề cá tại các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão theo quy hoạch. Triển khai đồng bộ các chương trình, đề án thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và thực hiện quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.
Đặc biệt, tập trung điều tra, xử lý nghiêm minh dứt điểm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối, cố tình đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý, hoặc do lực lượng chức năng trong nước phát hiện.
Khai thác thủy sản bất hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Người nào thực hiện các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm của các tội như: - Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản theo Điều 242 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. - Tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm theo Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với mức hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. |
Bài báo "Tác động của đạo đức trí tuệ nhân tạo, thái độ và nhận thức đến hành vi sử dụng ChatGPT" do MBA. Nguyễn Lý Trường An - MBA. Trương Thị Cẩm Vân - MBA. Võ Phương Chi - TS. Lượng Văn Quốc (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tài chính – Marketing) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trái dừa sang thị trường Châu Âu" do TS. Nhan Cẩm Trí (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong tái lập tín hiệu điện tâm đồ" do Nguyễn Thị Thu Hồng (Khoa Ứng dụng phần mềm, Trường Cao đẳng FPT Thành phố Hồ Chí Minh) và Trương Quốc Trí* (Tác giả liên hệ: tri.truong@vlu.edu.vn, Khoa Kỹ thuật Cơ - Điện và Máy tính, Trường Đại học Văn Lang) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Phân tích một số kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập tại tỉnh Bình Dương do ThS. Phan Thị Cẩm Giang (NCS Học viện Hành chính Quốc gia- Giảng viên Khoa Quản lý Kinh tế Xã hội - Phân viện Học viện Hành chính tại TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam và vai trò của thu hút FDI" do ThS. Đào Thị Việt Hằng (Đại học Bách Khoa Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết