Hoàn thiện chuỗi giá trị cam tại tỉnh Hòa Bình


Đề tài Hoàn thiện chuỗi giá trị cam tại tỉnh Hòa Bình do NCS. Trần An Định (Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình) - Đỗ Thị Lương (Công ty TNHH Sân gôn Phượng Hoàng) thực hiện

TÓM TẮT:

Nghiên cứu này xây dựng một mô hình cung ứng cam của tỉnh Hòa Bình nhằm đảm bảo yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm, mang lại ý nghĩa to lớn trong việc chiếm được lòng tin của khách hàng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu. Bài viết tập trung phân tích, đánh giá các tác nhân trong chuỗi cung ứng, khả năng đáp ứng và mối liên kết giữa các bên liên quan, từ đó đưa ra các giải pháp để thực hiện hiệu quả mô hình chuỗi cung ứng cam tại tỉnh Hòa Bình.

Từ khóa: chuỗi giá trị, cam, tỉnh Hòa Bình.

1. Thực trạng phát triển cam tại tỉnh Hòa Bình

Hiện nay, tại tỉnh Hòa Bình có trồng các giống cam như cam Xã Đoài, cam Canh, cam Lòng vàng, cam Valenxia, cam bù, cam Vân Du... Tùy từng thời điểm, theo cung cầu của thị trường mà cơ cấu giống chủ lực có thay đổi. Giai đoạn 2015-2017, giống cam Xã Đoài chiếm 45-50%, do rải vụ và nhu cầu cam chín sớm, đến nay, cam Lòng vàng (CS1) lại là giống chiếm đến 55-60%. Theo thời vụ thu hoạch, có các giống sau: (1) Cam Lòng vàng (CS1); (2) Cam Canh; (3) Cam Valenxia (V2).

1.1. Tình hình sản xuất cam tại tỉnh Hòa Bình

Bảng 1. Tỷ trọng diện tích, sản lượng cam Hòa Bình 2018-2022

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị tỉnh

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Bình quân

1

Diên tích cam hiện có

Ha

4913

4935

4791

4069

4112

4.564

Diện tích cam, quýt cả nước

Nghìn ha

120,8

120,2

119,1

112,6

109,7

116

Tỷ trọng

%

4,07

4,11

4,02

3,61

3,75

3,92

2

Diên tích cam kinh doanh

Ha

2794

3339

3665

3886

3897

3.516

Diện tích cam quýt KD cả nước

Nghìn ha

77,3

88,2

91,3

91,8

90,3

88

Tỷ trọng

%

3,61

3,79

4,01

4,23

4,32

4,01

3

Năng suất cam Hòa Bình

Tấn/ha

25,71

25,80

25,12

25,75

27,19

26

Năng suất cam, quýt TB cả nước

Tấn/ha

14,24

14,12

15,02

19,48

22,25

17

Mức độ vượt năng suất BQ

Lần

1,81

1,83

1,67

1,32

1,22

1,52

4

Sản lượng cam Hòa Bình

Nghìn tấn

71,83

86,15

92,07

100,05

105,94

91

Sản lượng cam, quýt cả nước

Nghìn tấn

1100,8

1245,7

1371,6

1788,2

2009,3

1.503

Tỷ trọng

%

6,53

6,92

6,71

5,60

5,27

6,07

Sản lượng cam 10 tỉnh phía Bắc

Nghìn tấn

362,93

444,35

497,37

530,55

512,14

469

Tỷ trọng

%

19,79

19,39

18,51

18,86

20,69

19,43

                                                                          Nguồn: Niên giám thống kê năm 2022

Diện tích cam trồng giai đoạn 2018-2022 của tỉnh Hòa Bình chiếm trung bình 3,92% diện tích cam, quýt hiện trồng của cả nước, tỷ trọng thấp nhất năm 2021 với 3,61%, cao nhất năm 2019 với 4,11%. Diện tích cam kinh doanh của tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn 2018-2022 chiếm tỷ trọng trung bình là 4,01% diện tích kinh doanh cam, quýt cả nước, tỷ trọng tăng dần trung bình 0,18%/năm, từ 3,61% năm 2018 lên 4,32% năm 2022. Năng suất cam Hòa Bình giai đoạn 2018-2022 tăng chậm hơn so với năng suất cam quýt trung bình cả nước, song vẫn gấp trung bình 1,52 lần, cao nhất năm 2019 với 1,83 lần và độ chênh lệch giảm dần còn 1,22 lần năm 2022. Điều đó cho thấy trình độ thâm canh các vùng trồng cam trong cả nước ngày một tăng cao, cạnh tranh về sản lượng tăng hay giá bán giảm giữa cam Hòa Bình với cả nước ngày càng tăng. Sản lượng cam của Hòa Bình chiếm tỷ trọng trung bình 6,07% sản lượng cam, quýt cả nước và có xu hướng giảm dần, cao nhất 6,92 năm 2019 xuống thấp nhất 5,27% năm 2022.  So với tổng sản lượng cam của 10 tỉnh phía Bắc có trồng cam cho thấy: sản lượng cam Hòa Bình chiếm tỷ trọng trung bình 19,43%, cao nhất năm 2022 với 20,69%, tương đương hơn 2 lần mức bình quân chung của 10 tỉnh, điều này cho thấy khả năng điều tiết thị trường của cam Hòa Bình so với các tỉnh trồng cam phía Bắc.

Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất

(1) Sử dụng phân bón: kết quả điều tra cho thấy các hộ trồng cam đều rất quan tâm đến việc đầu tư phân bón theo quy trình. Bón lót sau khi thu hoạch và qua đông, bón thúc theo đợt lộc, cụ thể là bón lót vào tháng sau thu hoạch; thúc đợt lộc tháng 2, tháng 4, tháng 7, tháng 9. Tuy nhiên, lượng phân bón có thể tăng theo năng suất của vườn. Việc sử dụng lượng phân chuồng rất lớn tại vùng Cam Cao Phong là đặc trưng khác biệt của tỉnh Hòa Bình trong canh tác bền vững cây cam (nhiều diện tích Cam Cao Phong đã trồng lại chu kỳ 3, chu kỳ 4 vẫn cho năng suất, chất lượng cao và đảm bảo độ ngọt, đó chính là sự khác biệt so với những nơi khác).

(2) Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: đối với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của người dân dân, trong những năm qua công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về sử dụng thuốc BVTV tại địa phương đã thực hiện khá tốt. Đa số người dân sản xuất cây ăn quả có múi đều hiểu về nguyên tắc “4 đúng”, tuy nhiên do ý thức chưa cao và quan tâm đến lợi nhuận là chính nên việc vẫn còn chưa chưa hoặc ít quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn môi trường một cách đúng mức, do đó việc sử dụng thuốc BVTV diễn ra khá lạm dụng và bừa bãi. Đây là nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm và làm cho một số loại sâu bệnh hại kháng thuốc, ảnh hưởng đến sự phát triển của vùng. Hiện trạng đó cho thấy cần phải đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kỹ thuật, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, giám sát và hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.

(3) Giống, cơ cấu giống và công nghệ sản xuất giống: hiện nay có nhiều nguồn cung cấp giống cây cam cho địa bàn tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên theo điều tra nhanh của dự án có một số cơ sở chính cung cấp như sau: giống cây được sản xuất ngay tại tỉnh Hòa Bình, trong đó tập trung tại các hộ gia đình thuộc Công ty TNHH MTV Cao Phong, Trung tâm Giống cây trồng Hòa Bình, Trung tâm Giống cây Xuân Mai. Hiện, 3 đơn vị này chiếm khoảng 70% lượng giống cam. Giống cây được sản xuất tại các Trung tâm của Viện Nghiên cứu rau quả, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp và Học viện Nông nghiệp Việt Nam... chiếm khoảng 30% lượng giống cho các vùng trồng mới trên địa bàn tỉnh. Về công nghệ sản xuất giống: các giống cây sản xuất ngay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được sản xuất chủ yếu bằng phương pháp ghép mắt cam lên cây bưởi gốc ghép và nhân giống theo phương pháp ghép mắt nhỏ có gỗ. Đây là phương pháp tốt giúp nhân nhanh giống, ít nhiễm bệnh, đáp ứng nhu cầu thị trường. Các giống cây sản xuất tại các Viện có một số được nhân giống từ cây bố mẹ, được nuôi dưỡng trong nhà lưới có điều kiện cách ly nên đảm bảo sạch bệnh. Tỉnh đã lựa chọn 12 cây cam đầu dòng tại Công ty TNHH MTV Cao Phong để cung cấp vật liệu giống; đã thử nghiệm, đánh giá và phổ biến một số giống cây có múi mới nhằm đa dạng bộ giống, giúp rải vụ thu hoạch (giống chín sớm, chính vụ và vụ muộn); cải tạo các giống cam hiện có đang bị thoái hóa, bao gồm xác định, công nhận và bảo tồn cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng dùng làm nguồn vật liệu nhân giống; tăng cường và nâng cấp hệ thống nhà lưới, nhà màn phục vụ nhân giống; hoàn thành các thủ tục để có được giấy chứng nhận cho sản xuất và cung cấp cây giống chất lượng. Về cơ cấu giống: hiện tại, trên địa bàn tỉnh đã và đang phát triển các giống cam mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, qua đó tăng tính rải vụ thu hoạch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, như: giống cam Xã Đoài chín sớm (CS1) do Trung tâm Cây có múi - Xuân Mai chọn tạo; giống cam V2 cho thu hoạch vào thời điểm Tết Nguyên đán, khi đại đa số cam Vân Du và Xã Đoài trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch xong, đem hiệu quả kinh tế cao

(4) Công nghệ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh: đại đa số các hộ trồng đã là sử dụng phun thuốc bằng các loại máy nén khí để diệt sâu bệnh, ngoài ra còn sử dụng bẫy bả Metyleuzernol + Nalet để phòng trừ ruồi đục quả. Công nghệ tưới cũng được một số hộ gia đình có quy mô sản xuất lớn đầu tư máy móc, trang thiết bị tương đối đầy đủ để cơ giới hóa bằng hệ thống đường ống PVC chôn gầm dưới đất kết hợp với máy bơm áp lực công suất cao. Ngoài ra, hiện nay một số nơi đã áp dụng công nghệ tưới tiên tiến bằng nhỏ giọt, phun mưa để tiết kiệm nước hiện nhưng công nghệ này mới có 5-10% diện tích áp dụng do đầu tư lớn.

(5) Xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng: xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất cây có múi an toàn phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng; xây dựng kỹ thuật thu hoạch và sau thu hoạch nhằm giảm thiểu mất mát sau thu hoạch; hỗ trợ thiết kế và lắp đặt thiết bị tưới nước tiết kiệm (tưới tới gốc); hỗ trợ cải thiện cơ sở bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển tới thị trường tiêu thụ nhằm hạn chế thiệt hại đã được quan tâm, tuy nhiên mới ở mức thử nghiệm và triển hai trên diện hẹp tại một số Hợp tác xã.

Hệ thống cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất cam:

(1) Hệ thống thủy lợi: nguồn nước tưới cho các vùng sản xuất: sử dụng nguồn nước mặt như sông, suối, hồ chứa hiện chiếm 85% diện tích sản xuất; sử dụng nguồn nước ngầm như giếng khoan, giếng đào chiếm 15% diện tích sản xuất. Hình thức tưới và tiêu cho các vùng sản xuất: chủ yếu tưới bằng hình thức máy bơm, vòi phun; tiêu theo địa hình tự nhiên là chính

(2) Hệ thống giao thông trục chính nội vùng: phần lớn đường giao thông trục chính có chiều rộng >3m và được rải đá cấp phối chiếm 55%, khoảng 25% đường được bê tông hóa, còn lại là đường đất.

(3) Hệ thống điện và các công trình phụ trợ khác: khoảng 70% diện tích sản xuất đã có điện phục vụ sản xuất ngoài đồng, đặc biệt khu vực đất giao khoán cho các hộ thuộc các Công ty TNHH MTV Cao Phong, Thanh Hà, Sông Bôi, đã có hệ thống điện riêng phục vụ sản xuất. Các khu vực khác do người dân tự đầu tư hệ thống điện sản xuất từ trạm điện sinh hoạt.

Sơ chế, bảo quản, chế biến:

Phương thức sơ chế bảo quản chủ yếu là thủ công, do các lao động được thuê thu hoạch dùng tay loại bỏ quả hỏng, phân loại theo kích cỡ, mầu sắc và đóng thùng xốp hoặc thùng catton dán băng dính, cân và ghi trọng lượng trên thùng xốp, với thùng catton có kích thước theo trọng lượng 3kg, 5kg, 10kg, 20kg. Đến nay, đã có một số HTX được hỗ trợ đã đầu tư dây chuyền rửa, xục Ozon và thổi khô cam, song quy mô còn nhỏ, chủ yếu phục vụ cho xuất hàng quá tặng cao cấp, bán cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng hoa quả sạch. Đã có một số thử nghiệm bảo quản kéo dài thời gian lưu giữ cam chín. Một số hình thức như bảo quản cát ẩm, bao màng băng dung dịch polyetylen, bảo quản lạnh, bảo quản bằng tia cực tím. Tuy nhiên, giá thành cao, đòi hỏi đầu tư lớn, thời gian bảo quản được không dài và tỷ lệ hỏng cao do đó đến nay chưa có đơn vị nào chuyên kinh doanh bảo quản cam. Hiện cũng chưa có nhà máy chế biến lớn, mới có các thử nghiệm phát triển sản phẩm như làm mứt vỏ cam, cam xấy dẻo, xà phòng cam, xiro cam, rượu cam, nước hoa cam, tinh dầu cam... đã được chứng nhận sản phẩm OCOP, song sản lượng chưa nhiều. Công ty TH TrueMill đã mua cam, phát triển sản phẩm sữa tươi cam song sản lượng còn ít, mới mang tính chất tận dụng.

1.2. Tình hình tiêu thụ cam

Đặc tính của quả cam được trồng tập trung, thu hoạch xong phải tiêu thụ ngay, không để được lâu. Sản lượng cam của một vườn lớn trung bình đạt 3 tấn/1.000m2. Hộ trồng cam có quy mô nhỏ cũng có vài tấn, hộ có quy mô vừa có vài chục tấn, không trồng quy mô lớn có đến hơn 100 tấn. Không có người thu gom của nhiều hộ cho 1 lần cắt cam. Thông thường, 1 lần cắt chỉ tập trung tại 1 hộ, cùng lắm vài hộ là đủ cam tiêu thụ trong ngày.

Cam được tiêu thụ tại vườn, chủ yếu thông qua hình thức bán cả vườn trên cơ sở phân loại cam để định giá bán, người đặt mua thường đặt trước một lượng tiền nhất định. Đến vụ thu hoạch, người mua cam đến cắt cân sản lượng mua và thanh toán cho người trồng cam. Giá bán cam tùy thuộc thời điểm thu hoạch, giá đầu vụ và cuối vụ thường cao hơn chính vụ do lượng cam thu hoạch ít hơn và người mua sẵn sàng trả giá cao hơn để mua được sản phẩm. Giá bán thường được người trồng cam thống nhất với nhau thông qua trao đổi, tham khảo thị trường, trên cơ sở đó thống nhất với người mua để chốt giá khi cắt cam. Giá bán tại vườn thường là giống nhau, lượng nhiều hay ít, có đóng gói hay không chênh lệch nhau không đáng kể.

Cục Sở hữu trí tuệ đã bảo hộ chứng nhận địa lý “Cam Cao Phong”, được cấp nhãn hiệu tập thể cam Lạc Thủy, Cam Lạc Sơn... Đồng thời thông qua các hoạt động như “Lễ hội Cam” được tổ chức hàng năm, Chứng nhận sản phẩm OCOP, tham gia các hội chợ triển lãm ngoài tỉnh nên Cam Hòa Bình được người tiêu dùng biết đến, có sức cạnh tranh cao trên thị trường cam hiện nay. Thị trường tiêu thụ cam Hòa Bình khá đa dạng, bao gồm thị trường nội tỉnh, thị trường ngoại tỉnh, trong đó chủ yếu là Hà Nội và một số tỉnh lân cận như Hà Nam, Thanh Hóa... lượng cam bán chủ yếu thông qua các chợ đầu mối cho người bán lẻ ngoại tỉnh. Sản phẩm cam được phân theo loại I, II, III theo kích cỡ và mầu sắc. Với mức đầu tư trung bình, cam loại I chiếm khoảng 50%, loại II chiếm 30%, loại III chiếm 20%. Giá bán loại II thấp hơn loại I trung bình 30%, loại III thấp hơn loại I trung bình 60%. Giá cam trung bình sẽ bằng 79% giá cam loại I. Trong bài viết này tác giả chỉ phân tích theo sản phẩm cam trung bình theo giá và tỷ trọng cam từng loại.

* Chi phí, lợi nhuận, hiệu quả của các tác nhân trong toàn chuỗi.

Chi phí, lơi nhuận của các tác nhân được phân bổ như Bảng 2.

Bảng 2. Phân tích chi phí, lợi nhuận chuỗi giá trị cam giữa các tác nhân

Chỉ tiêu

Người sản xuất

Người mua bán buôn

Người bán lẻ

Tông chuỗi

Đơn vị 1.000đ/kg

Giá trị
(Tỷ đồng)

Đơn vị 1.000đ/kg

Giá trị
(Tỷ đồng)

Đơn vị 1.000đ/kg

Giá trị
(Tỷ đồng)

Đơn vị 1.000đ/kg

Giá trị
(Tỷ đồng)

Tỷ trọng (%)

Sản lượng tiêu thụ (tấn)

102420

 

46550

 

74585

 

102420

   

Lượng cam hao hụt (tấn)

5121

66,99

466

7,07

3729

73,42

9316

147

 

Sản lượng bán ra (tấn)

97299

 

46085

 

70855

 

93104

-

 

Doanh thu (GO)

12,43

1.272,79

15,04

700,27

18,70

1.394,93

16,46

1.685,97

100,0%

Tổng chi phí (TC)

6,95

712,15

14,48

674,10

15,40

1.148,76

8,33

853,00

50,6%

Chi phí trung gian (IC)

4,75

486,83

13,08

608,93

14,39

1.073,08

4,75

486,83

28,9%

Chi phí tăng thêm (VC)

2,20

225,32

1,40

65,17

1,01

75,68

3,58

366,17

21,7%

Giá trị gia tăng (VA)

5,47

560,64

0,56

26,17

3,30

246,17

8,13

832,97

49,4%

GO/TC

1,79

 

1,04

 

1,21

 

1,98

   

GO/IC

2,61

 

1,15

 

1,30

 

3,46

   

VA/TC

0,79

 

0,04

 

0,21

 

0,98

   

VA/IC

1,15

 

0,04

 

0,23

 

1,71

   

Chi phí tăng thêm của người trồng cam cao nhất với 2.200 đồng/kg, tiếp đến là người bán buôn với 1.400 đồng/kg, thấp nhất là người bán lẻ với 1.010 đồng/kg. Tổng chi phí tăng thêm là 336,17 tỷ đồng thì người trồng cam phải bỏ chi phí lớn nhất với 225,32 tỷ đồng chiếm 61,5%, tiếp đến là người bán lẻ với 75,68 tỷ đồng chiếm 20,7%, người mua bán buôn với 65,17 tỷ đồng chiếm 17,8%. Lợi nhuận đạt cao nhất là người trồng cam với 5.470 đồng/kg, tiếp đến là người bán lẻ với 3.300 đồng/kg, thấp nhất người mua bán buôn với 560 đồng/kg. Tổng lợi nhuận toàn chuỗi là 832,97 tỷ đồng, phân bổ cao nhất là người trồng cam với 560,64 tỷ đồng chiếm 67,3%, tiếp đến là người bán lẻ với 246,17 tỷ đồng chiếm 29,6%, thấp nhất là người mua bán buôn với 26,17 tỷ đồng chiếm 3,1%. Doanh thu/tổng chi phí là 1,98 lần, Lợi nhuận/tổng chi phí là 0,98 lần có nghĩa đầu tư 1 đồng vào sản xuất, kinh doanh cam Hòa Bình sẽ đem lại 1,98 đồng doanh thu, 0,98 đồng lợi nhuận. Doanh thu/chi phí trung gian 3,64 và lợi nhuận/chi phí trung gian 1,71 thể hiện một đồng chi phí trung gian qua sản xuất và tiêu thụ cam tạo ra 3,64 đồng doanh thu, 1,71 đồng lợi nhuận.

So sánh giữa các tác nhân cho thấy, đầu tư vào trồng cam có hiệu quả cao hơn với 1 đồng đầu tư cho 1,79 đồng doanh thu, 0,79 đồng lợi nhuận cao hơn so với bán lẻ cho 1,21 đồng doanh thu, 0,21 đồng lợi nhuận và cao hơn so bán buôn với 1,04 đồng doanh thu và 0,04 đồng lợi nhuận.

Một đồng chi phí trung gian sẽ tạo ra 2,61 đồng doanh thu, 1,15 đồng lợi nhuận cho người trồng; 1,3 đồng doam thu và 0,23 đồng lợi nhuận cho người bán lẻ; tạo ra 1,15 đồng doanh thu và 0,04 đồng lợi nhuận cho người mua bán buôn.

2. Giải pháp hoàn thiện chuỗi giá trị cam Hòa Bình

2.1. Nâng cao năng suất, chất lượng, uy tín và giá trị cam

Tập huấn kỹ thuật sản xuất cam theo quy trình VietGap, sát với thực tiễn, giải quyết thực trạng của người trồng cam. Trong đó tập trung vào nâng cao sức khỏe của cây cam, phục hồi hệ sinh thái đất sau quá trình canh tác lạm dụng chất vô cơ bằng việc sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học, quản lý dịch hại tổng hợp bằng các biện pháp sinh học.

Chọn lọc các giống cam có truy xuất nguồn gốc, có tiềm năng năng suất cao, chống chịu với sâu bệnh, phù hợp với đất trồng tại gia định và địa phương.

Trồng cam với mật độ phù hợp, không trồng quá dầy thiếu ánh sáng làm yếu cây, trồng quá thưa gây lãng phí diện tích; thực hiện tỉa cành, tạo tán đúng kỹ thuật, giữ lượng quả vừa phải đảm bảo độ đồng đều và mầu sắc của sản phẩm, qua đó tăng tỷ lệ cam loại I.

Tổ chức lại sản xuất, người sản xuất liên kết qua hợp đồng với pháp nhân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa các hộ trồng cam với nhau hình thành pháp nhân kinh tế thực hiện hợp đồng liên kết với các pháp nhân khác.

Chủ động tham gia, chuẩn hóa sản phẩm cam theo tiêu chí và thang điểm của chương trình OCOP, tích cực tham gia nghị xúc tiến kết nối cung cầu thông qua các hoạt động lễ hội, tuần lễ, hội chợ, hội nghị xúc tiến.

 Chủ động đầu tư dây chuyền công nghệ sơ chế, bảo quản ban đầu; dây chuyền phân loại quy mô nhỏ và vừa nhằm mục đích phân loại sản phẩm đồng đều, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch. Huy động, tận dụng các nguồn lực xã hội (khu sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, kho xưởng các HTX...) để thành nơi tập kết sản phẩm sơ chế, phân loại, đóng gói ban đầu, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

Cải thiện, nâng cấp hạ tầng phục vụ vùng trồng như đường nội đồng; nguồn cung cấp điện; nguồn cung cấp nước, ứng dụng cơ giới hóa trong trồng, chăm sóc và thu hoạch cam.

2.2. Đẩy mạnh ứng dung công nghệ, nhất là công nghệ số trong sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

Thu hút, đưa cán bộ trẻ đã qua đào tạo về làm việc tại địa phương, nhất là các tổ chức kinh tế tập thể, chú trọng nhóm cán bộ kỹ thuật và quản trị kinh doanh.

Đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng APP quản trị sản xuất, quản trị thành viên,... Ứng dụng công nghệ 4.0 trong tiếp thị, quảng bá và bán hàng.

Chủ động ứng dụng công nghệ IT trong kiểm soát vùng trồng, kiểm soát nguồn nước tưới, dự báo sâu bệnh; ứng dụng công nghệ phun sử dụng máy bay không người lái...

Nâng cao năng lực kênh phân phối trực tiếp, ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ và bán hàng online. Vận dụng linh hoạt các hình thức tiêu thụ qua không gian mạng, thị trường thương mại điện tử để tiêu thụ và bán sản phẩm.

2.3. Cải thiện liên kết ngang giữa các cá thể trong từng tác nhân

Thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2023 nhằm tổ chức liên kết người sản xuất cam tại huyện, các tổ chức liên xã, liên huyện, vừa tạo mối quan hệ chặt chẽ trong việc tìm đầu ra cho trái cam không chỉ trong tiêu dùng trực tiếp mà cả trong công nghiệp chế biến như hương liệu, công nghiệp nước ép hoa quả, cam sấy,…; vừa cùng nhau trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, giúp quá trình chuyển giao khoa học kỹ thuật nhanh hơn, rộng hơn.

Thúc đẩy, liên kết giữa nông dân với nông dân trong chi hội nông dân, tổ hội nông dân nghề nghiệp như: nông dân trồng cam có thể và cần phải liên kết với nhau để hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và nâng mình lên dựa vào sức mạnh của tập thể trong quan hệ với các đối tác, các tác nhân khác trong và ngoài chuỗi giá trị. Trong điều kiện thực tế của các hộ nông dân tại Hòa Bình cần nâng cấp các tổ hội nông dân nghề nghiệp hoạt động theo mô hình hợp tác xã.

Khởi xướng hình thành Hội Người mua bán cam Hòa Bình, qua đó tạo diễn đàn cho những người bán lẻ, người mua bán buôn chia sẻ thông tin, phản ánh đến người tiêu dùng và người quản lý.

Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm. Các tổ chức của trồng cam sau thành lập nên thường xuyên tổ chức các buổi tham quan học hỏi mô hình sản xuất tại các địa phương khác, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội liên kết, mở rộng thị trường đầu ra cho trái cam.

4. Kết luận

Trên thế giới, cách tiếp cận về chuỗi giá trị được sử dụng phổ biến. Việc tổ chức tốt chuỗi giá trị là một nhân tố cạnh tranh và chuỗi giá trị được coi như là một công cụ để quản lý chất lượng. Tại Việt Nam, cách tiếp cận này được sử dụng chưa phổ biến, nhất là trong lĩnh vực Nông nghiệp. Do đó, về mặt lý luận, đề tài nghiên cứu này đã tiến hành tập hợp và hệ thống những vấn đề liên quan như chuỗi giá trị, sơ đồ chuỗi giá trị tổng quát, sản phẩm cam Hòa Bình, mối liên kết ngang, dọc giữa các tác nhân trong chuỗi và các yếu tố ảnh hưởng đến chuỗi giá trị cam tại tỉnh Hòa Bình - một trong những mặt hàng mang lại nhiều giá trị của Việt Nam. Trong bối cảnh tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, các vấn đề về tổ chức sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng thông qua chuỗi giá trị, tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu… là những nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm của ngành Nông nghiệp nói chung và sản xuất cam nói riêng. Nghiên cứu chuỗi giá trị cam tại tỉnh Hòa Bình góp phần nâng cao và hoàn thiện chuỗi giá trị cam, gia tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Johnson, C.C. Dibrell, E. Hansen (2009). Market orientation, innovativeness, and performance of food companies, Journal of Agribusiness, 27 (1/2) (2009), 85-106.
  2. David B. Lobell, Marshall B. Burke, Claudia Tebaldi, Michael D. Mastrandrea, Walter P. Falcon, Rosamond L. Naylor (2008). Prioritizing Climate Change Adaptation Needs for Food Security in 2030, Science, Vol. 319, Issue 5863, 607-610, USA.
  3. Kalunda, E (2014). Financial Inclusion Impact on Small-Scale Tea Farmers in Nyeri County, Kenya, World Journal of Social Sciences Vol. 4. No. 1. March 2014 Issue. 130-139.
  4. Kwizera Alice (2016). Luận văn thạc sỹ: “Impact of Agricultural Value Chain Financingo Smallholder Farmers’ Livelihoods”, University of Rwanda, College of Business and Economics, Rwanda.
    1. Aziz, N.M. Yassin (2010). How will market orientation and external environment influence the performance among SMEs in the agro-food sector in Malaysia? International Business Research, 3 (3) (2010), 154-164.
  5. Koide, A.W. Robertson, A.V.M. Ines, J.-H. Qian, D.G. DeWitt, A. Lucero (2013) Prediction of rice production in the Philippines using seasonal climate forecasts J. Appl. Meteorol. Climatol., 52 (2013). 552-569.
  6. Raphael Kaplinsky and Mike Morris. (2001). A Handbook for Value Chain Research. United Kingdom. Institute of Development Studies. University of Sussex.
  7. Trần Gia Long (2013), “Đổi mới liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản giữa các tác nhân theo cơ chế thị trường để nâng cao giá trị gia tăng theo chuỗi giá trị nông sản”, Tạp chí Kinh tế phát triển, trang 13-28.

Improving the supply chain of Hoa Binh province’s oranges

Tran Anh Dinh1

Ph.D Do Thi Luong2

1Postgraduate student, Cooperative Alliance of Hoa Binh Province

2Phuong Hoang Golf Course Company Limited

Abstract:

This study develops a supply chain for Hoa Binh province’s oranges to ensure quality and food safety requirements. This supply chain is expected to help Hoa Binh province’s oranges gain customer trust and increase competitiveness in both domestic and foreign markets. This study analyzes the supply chain’s actors and evaluates the supply chain’s responsiveness and linkages between stakeholders. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the supply chain for Hoa Binh province’s oranges.

Keywords: value chain, oranges, Hoa Binh province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22 tháng 10 năm 2023

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3