Hoạt động đầu tư quốc tế của công ty đa quốc gia - Những vấn đề lý luận và thực tiễn


TÓM TẮT:

Đầu tư quốc tế (ĐTQT) là một hoạt động phổ biến trong thương mại ngày nay, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã mang lại những lợi ích to lớn cho nước tiếp nhận đầu tư. Các Công ty đa quốc gia (MNC) là chủ thể chủ yếu thực hiện hoạt động FDI. Đến nay vẫn còn những nghi ngờ về vai trò của MNC đối với các quốc gia tiếp nhận FDI, bởi tính chất hai mặt mà các MNC mang lại. Tuy nhiên, vai trò của MNC đã được chứng minh trong thực tiễn. Do đó, các quốc gia cần phải có những chính sách và quy định pháp luật phù hợp để quản lý các MNC, từ đó thu hút và phát huy tối đa lợi ích các MNC mang lại cho quốc gia tiếp nhận dòng vốn FDI.

Từ khóa: đầu tư quốc tế, đầu tư trực tiếp, FDI, công ty đa quốc gia.

1. Các khái niệm cơ bản

1.1. Đầu tư quốc tế

ĐTQT là một thành phần quan trọng của hoạt động kinh tế, tạo nên nhân tố cơ bản cho tăng trưởng của các doanh nghiệp và các quốc gia. Theo nghĩa rộng, đầu tư thường được hiểu là một khoản tiền hoặc các nguồn lực khác được sử dụng với kỳ vọng thu được một lợi ích trong tương lai. Tuy nhiên, đầu tư có thể được xem xét hẹp hơn theo nhiều cách, phụ thuộc vào bối cảnh và mục đích.

Các khái niệm trong luật hoặc các điều ước có thể rất khác nhau, rộng hay hẹp, phụ thuộc vào hình thức và mục đích của công cụ pháp lý này. Chúng không nhằm xác định khái niệm đầu tư, mà xác định phạm vi tài sản được điều chỉnh bởi một công cụ pháp lý [1]. Theo Luật Đầu tư năm 2020 của Việt Nam, khái niệm đầu tư được định nghĩa ở phạm vi hẹp, cụ thể: “Đầu tư kinh doanh là việc nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư để thực hiện hoạt động kinh doanh”.

Đứng ở góc độ của một quốc gia, hoạt động ĐTQT bao gồm hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tại nước sở tại và hoạt động đầu tư của nhà đầu tư trong nước ra nước ngoài.

ĐTQT có thể chia thành 4 hình thức cơ bản [2]: FDI; Đầu tư gián tiếp nước ngoài; Tín dụng thương mại; Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và hỗ trợ chính thức (OA). Trong các hình thức ĐTQT, FDI là hình thức đầu tư quan trọng nhất, nó là nguồn cung cấp vốn lớn cho sự phát triển của các quốc gia. Bên cạnh đó, các hoạt động đầu tư của các MNC chủ yếu được thực hiện dưới hình thức FDI. Do đó, khi nghiên cứu pháp luật về hoạt động ĐTQT của các MNC thì FDI luôn được đề cập.

Tại Việt Nam, Luật Đầu tư năm 2020 không có khái niệm cụ thể về FDI, nhưng tại Điều 2 Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 1996 có quy định: “FDI là việc nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam vốn bằng tiền hoặc bằng bất kỳ tài sản nào để tiến hành hoạt động đầu tư theo quy định của luật này”.

Việc một nhà đầu tư nước ngoài kiểm soát một công ty là trung tâm của khái niệm FDI, giúp phân biệt FDI với các dạng ĐTQT khác. Khái niệm “kiểm soát” đã phát triển cùng với sự tăng cường hiểu biết về hoạt động của các MNC, những chủ thể chịu trách nhiệm về phần lớn hoạt động FDI. Các công ty tiến hành FDI nhằm mở rộng sản xuất của mình ra khỏi biên giới quốc gia, trở thành các MNC trong quá trình này. Để sản xuất, các MNC cần quyền kiểm soát để quyết định sản xuất cái gì, với công nghệ nào và sản xuất ở đâu. Trong một thời gian dài, người ta đã cho rằng tỷ lệ sở hữu đa số là nguồn duy nhất để một công ty có được quyền kiểm soát đối với một công ty khác. Cùng với thời gian, giả định này đã trở nên yếu đi. Thứ nhất, thực tế đã chứng minh, trong nhiều trường hợp, việc sở hữu thiểu số vẫn đủ để thực thi quyền kiểm soát. Thứ hai, có những dạng hợp đồng nhất định (ví dụ như hợp đồng franchising - nhượng quyền kinh doanh hoặc hợp đồng quản lý) cũng có thể là một nguồn đem lại sự kiểm soát đủ mạnh để công ty nắm quyền có thể đưa ra các quyết định sản xuất, khiến cho loại hình FDI không góp vốn gia tăng. Sản xuất quốc tế của các MNC như McDonalds hay chuỗi khách sạn xuyên quốc gia chủ yếu dựa trên quyền kiểm soát dưới dạng không góp vốn.

1.2. Công ty đa quốc gia

Trong các tài liệu về công ty đa quốc gia, có nhiều thuật ngữ được sử dụng như: công ty quốc tế (International Enterprise/Firm), công ty đa quốc gia (Multinational Corporations/Enterprises - MNCs/MNEs), công ty xuyên quốc gia (Transnational Corporations - TNCs), gần đây lại xuất hiện thuật ngữ công ty toàn cầu (Global Firm)...

Ở khía cạnh pháp lý, các khái niệm này được xem xét dưới cùng một bản chất, việc tiếp cận, sử dụng các thuật ngữ khác nhau về công ty đa quốc gia chỉ hàm ý là tên gọi trong từng giai đoạn. [3]

Các khái niệm về MNC đều có điểm chung, đó là các MNC là các tập đoàn kinh tế tiến hành hoạt động sản xuất ở hai nước trở lên. Thông thường, các công ty này đặt trụ sở chính ở quốc gia gốc và mở rộng ra nước ngoài bằng cách xây dựng hoặc mua lại các công ty con ở các nước khác (quốc gia tiếp nhận). Loại mở rộng này được gọi là FDI, bởi vì nó liên quan đến việc tiến hành trực tiếp hoạt động sản xuất ở nước ngoài, ví dụ như Công ty Ford thiết lập nhà máy sản xuất xe hơi ở Mexico, hay Ngân hàng Citibank đặt văn phòng chi nhánh ở London để cung cấp dịch vụ tài chính.

Các MNC có thể khác nhau về mức độ hoạt động đa quốc gia. Một MNC lớn có thể hoạt động ở 100 nước, với hàng trăm ngàn nhân viên làm việc ở bên ngoài lãnh thổ. Định nghĩa ở khía cạnh kinh tế nhấn mạnh khả năng kiểm soát dòng chảy của vốn qua biên giới quốc gia của các MNC. Tuy nhiên, dựa vào các khái niệm nêu trên, có thể thấy dòng vốn không phải là đặc trưng của một MNC. Vốn có thể chảy từ nước này sang nước khác trong kỳ vọng lãi cao hơn. Tuy nhiên, dòng chảy của vốn có thể được đầu tư theo hình thức trái phiếu, hoặc vốn đầu tư chưa đủ để cấp quyền kiểm soát cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong trường hợp này, hình thức đầu tư được xem xét như một sự đầu tư về danh mục đầu tư. Khía cạnh trung tâm của "đầu tư trực tiếp" là sự khẳng định quyền sở hữu của một bên ở một quốc gia về hoạt động của một công ty nước ngoài hoặc công ty con trong một MNC.

2. MNC và hoạt động đầu tư quốc tế

2.1. Khía cạnh kinh tế - chính trị quốc tế của các công ty đa quốc gia

Các MNC là các nhân tố chính làm thay đổi khung cảnh kinh tế và chính trị quốc tế. Là những tổ chức hiện diện rộng khắp với quyền lực và tính “di động” cao.

Các MNC đóng vai trò chi phối hệ thống sản xuất, phân phối và sử dụng nguồn lực trên phạm vi thế giới. Theo số liệu thống kê quốc tế do UNCTAD công bố, tính đến hết năm 2015 đã có khoảng 103.000 tập đoàn đa quốc gia tồn tại trên toàn thế giới. Các công ty này tạo ra doanh thu vượt quá GDP của nhiều quốc gia [4]. 

Điểm đặc biệt nhưng dễ dàng nhận thấy ở các MNC hiện nay đó là khoảng 3.000 MNC hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, ô tô, truyền thông, hàng không, điện tử,… có chi nhánh ở nhiều nước trên thế giới, nhưng lại thực hiện nghiên cứu ở một nước, sản xuất các linh kiện ở nhiều nước và tạo ra sản phẩm cuối cùng ở một nước, sau đó là xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác. Khi đánh giá về MNC, các chuyên gia đã nhận định: “Vượt lên những giới hạn không gian và thời gian, ngôn ngữ và phong tục, chúng thực hiện chức năng mới là những dòng chảy toàn cầu phức tạp, hoặc những mạng lưới tích hợp của con người, tiền tệ, thông tin, nguyên liệu thô, những chu trình sản phẩm”. Có thể thấy, MNC là một thực thể có đủ sức mạnh vượt ra ngoài khung khổ từng quốc gia, đóng vai trò quyết định trong hoạt động đầu tư và kinh doanh trên phạm vi toàn cầu.

Do đó, các MNC không chỉ có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế và công nghệ của xã hội [5], mà còn gây tổn hại cho quyền con người, phá hoại môi trường, hoặc thậm chí phạm tội. Pháp luật quốc gia thường không thể tạo ra một khuôn khổ pháp lý để thực hiện kiểm soát các hành vi gây hại của các MNC, khi mà các hoạt động của nó diễn ra trên toàn cầu, tại các quốc gia có chủ quyền khác nhau. Ngoài ra, các quốc gia đang phát triển có nền kinh tế yếu kém phụ thuộc rất nhiều vào các khoản đầu tư của các MNC, do đó có thể không sẵn sàng để ban hành và thực thi các quy định quản lý về nhân quyền hay môi trường nhằm nâng cao tính hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, vẫn còn nhiều tranh cãi về các ảnh hưởng do các MNC mang lại. Các học giả tự do kinh tế coi các công ty này là lực lượng mang lại sự thay đổi tích cực, mở rộng những điều tốt đẹp như công nghệ và năng suất rộng khắp thế giới. Các học giả dân tộc chủ nghĩa về kinh tế lại nhìn nhận chúng như là mối nguy hiểm đối với chủ quyền của các quốc gia - dân tộc [6].

Thực tiễn cho thấy không khía cạnh nào khác của kinh tế - chính trị quốc tế đã tạo ra nhiều tranh cãi và những tuyên bố hùng hồn hơn các MNC. Ở các quốc gia, vẫn tồn tại sự kinh hãi và cảm giác bị đe dọa trước quyền lực của các tổ chức kinh tế trải rộng khắp toàn cầu này. Ngày nay, sau vài thập kỉ, khi các MNC trở thành một bộ phận cấu thành và vững chắc của đời sống kinh tế - chính trị quốc tế, đa số các quốc gia đã thay đổi cách nhìn nhận về các MNC. Các MNC ngày nay trở thành “con quái vật mà ai cũng yêu thích” [7]. Các quốc gia giàu, nghèo, không phân biệt chế độ chính trị, tất cả đều cạnh tranh nhằm kêu gọi các MNC đầu tư vào đất nước mình. Điều này đòi hỏi các quốc gia trên thế giới cần phải có những quy định pháp luật điều chỉnh một cách linh hoạt để có thể phát huy được những ưu điểm và hạn chế những nhược điểm của các MNC mang lại cho nền kinh tế của quốc gia mình.

Bên cạnh sự tác động mang cả tích cực lẫn tiêu cực của các MNC đến các nước tiếp nhận đầu tư, hoạt động của MNC cũng chịu ảnh hưởng khá lớn của môi trường chính trị chính quốc tế và nước tiếp nhận đầu tư. Các vấn đề tác động đến các MNC như quy định về quốc hữu hóa tài sản, các quy định chuyển tiền ra nước ngoài của nhà đầu tư, các ưu đãi theo nguyên tắc đối xử quốc gia hay đối xử công bằng và thỏa đáng,... Chiến lược đầu tư và thâm nhập thị trường của các MNC sẽ thay đổi tùy thuộc vào tình hình kinh tế - chính trị của một quốc gia. Chính vì lý do đó, với xu hướng tự do hóa ngày nay, các quốc gia đều đang tích cực đưa ra những chính sách nhằm thu hút các MNC đưa các dòng vốn FDI vào nước mình.

2.2. Tác động của MNC đến hoạt động đầu tư quốc tế

MNC thúc đẩy lưu thông dòng vốn FDI trên toàn thế giới[8]

Nhằm khai thác lợi thế so sánh (về nguồn nguyên liệu hay nhân lực, về thị trường hay cơ sở hạ tầng, ...) ở các quốc gia và vùng địa lý khác nhau, cùng các tiến bộ vượt bậc trong thông tin - liên lạc và giao thông - vận tải, ngày nay, quá trình sản xuất đã được quốc tế hóa ở mức độ rất cao. Có lẽ không còn một sản phẩm kỹ thuật cao nào, thậm chí cả những sản phẩm giản đơn, được sản xuất hoàn chỉnh từ khâu đầu đến khâu cuối trong lãnh thổ của một quốc gia. Lúc đầu, sự phân công lao động quốc tế mới này (được nhiều học giả gọi là "phân đoạn sản xuất" - production fragmentation) xuất hiện trong một số ngành hàng tiêu dùng, như đồ chơi trẻ em, hàng dệt may, giày dép; sau đó chuyển mạnh sang công nghiệp ô tô, máy tính và linh kiện, và ngay cả trong công nghiệp hàng không. Đến nay, đã có thể quan sát thấy quá trình này cũng đang diễn ra rất mạnh trong lĩnh vực dịch vụ, nhất là trong thương mại.

Trong quá trình quốc tế hóa đó, nổi lên vai trò đặc biệt của các MNC và tác động của chúng đối với hoạt động FDI toàn cầu. Bản thân việc MNC tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh trên lãnh thổ nhiều quốc gia tự nó đã kéo theo dòng luân chuyển FDI, vì vốn của công ty mẹ đầu tư vào công ty con đặt tại một nước khác được tính là FDI. Nếu FDI là một trong những động lực quan trọng nhất tạo nên và thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa trong những thập niên vừa qua, đến nay, chính các MNC là nguồn nuôi dưỡng và thúc đẩy của FDI. Các MNC hiện chi phối trên 90% tổng FDI trên toàn thế giới. Chỉ tính riêng MNC của tam giác kinh tế (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Tây Âu) đã chiếm 1/3 lượng FDI toàn cầu. Giá trị của lượng vốn FDI thực sự là thước đo vai trò to lớn của các MNC trong nền kinh tế thế giới, vì FDI là công cụ quan trọng nhất của các MNC trong việc thực hiện chiến lược toàn cầu của mình.

Với tư cách là chủ thể của hoạt động đầu tư trên thế giới, MNC là nhân tố đặc biệt quan trọng có ảnh hưởng mang tính quyết định tới toàn bộ hoạt động ĐTQT. Vào thời kỳ suy thoái kinh tế năm 2001, hầu hết các ngành đều có tốc độ tăng trưởng chậm lại. Các MNC giảm hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực. Động thái đó ảnh hưởng trực tiếp tới dòng lưu chuyển FDI trên thế giới. Tổng đầu tư vào các nước giảm 51%, từ 1.492 tỉ USD xuống còn 735 tỉ USD. Trong xu thế đó, các nước phát triển lại bị ảnh hưởng nhiều nhất do hầu hết các hoạt động M&A đều diễn ra tại các nước phát triển. Tuy nhiên, năm 2021, dòng vốn FDI toàn cầu đã tăng mạnh mẽ. Dòng vốn FDI vào đã tăng 64% đạt mức 1,58 nghìn tỷ USD so với điểm tăng trưởng thấp nhất năm 2020 và đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu 2008-2009. Nguyên nhân chủ yếu do các vụ M&A tăng một cách đột biến cả về số lượng và giá trị.

Hơn nữa, các MNC làm thay đổi xu hướng đầu tư giữa các quốc gia. Trong cơ cấu vốn FDI trên thế giới, tỷ trọng vốn FDI vào các nước phát triển chiểm phần lớn. Tuy nhiên, tỷ trọng này có xu hướng giảm dần trong khi các nước đang phát triển lại có tỷ trọng ngày càng cao. Cơ cấu dòng vốn FDI đã thay đổi do có sự điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh của các MNC. Cũng chính nhờ mở rộng chính sách tự do hóa FDI, các MNC ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với thúc đẩy dòng vốn FDI  vào các nước đang phát triển. Nếu trước đây, hầu hết nguồn vốn FDI được thực hiện bởi các MNC của các nước phát triển thì ngày nay, số lượng các MNC của các nước đang phát triển cũng tăng lên và có ngày càng nhiều vốn FDI đến từ các nước đang phát triển.

MNC làm tăng tích luàng đóng vai trò quan

Với thế mạnh về vốn, MNC đóng vai trò là động lực thúc đẩy tích lũy vốn của nước chủ nhà. Thông qua các MNC, nước chủ nhà có thể tăng cường thu hút vốn FDI đầu tư vào nước mình. Vai trò này của MNC được thể hiện qua một số khía cạnh:

Thứ nhất, bản thân các MNC khi đến hoạt động ở các quốc gia đều mang đến cho nước này một số lượng vốn lớn. Hơn nữa, trong quá trình hoạt động, các MNC cũng đóng góp cho ngân sách của nước chủ nhà qua các khoản như: thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu, chi phí về viễn thông, điện nước,… Mặt khác, nhờ có các MNC, một bộ phận đáng kể người dân có thêm thu nhập do làm việc trực tiếp trong các công ty chi nhánh nước ngoài hoặc gián tiếp thông qua việc cung cấp các dịch vụ cho các MNC và hoặc những người lao động khác.

Thứ hai, ngoài việc đầu tư vốn ban đầu cho các hoạt động sản xuất - kinh doanh, các MNC còn thực hiện các biện pháp huy động thêm vốn từ công ty mẹ, từ các chi nhánh thành viên của tập đoàn, từ các đối tác, các tổ chức tài chính và tín dụng thế giới. Đây chính là hình thức thu hút đầu tư của các nước đang phát triển hiện nay.

Thứ ba, MNC góp phần cải thiện cán cân thanh toán của các nước thông qua việc tích luỹ ngoại hối nhờ các hoạt động xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu của MNC chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các nước. Điều đó không chỉ thể hiện ở vai trò thúc đẩy thương mại thế giới của các MNC, mà còn đem lại một nguồn ngoại tệ quan trọng, góp phần tạo thế cân bằng cho cán cân thanh toán của nước chủ nhà.

Phát triển hoạt động chuyển giao công nghệ

Nhiều nghiên cứu của các học giả quốc tế đã nêu rõ những lợi ích MNC có thể mang đến cho các đối tác, nhất là ở các nước đang phát triển, thông qua hoạt động FDI. Trước hết, nhờ tiềm lực tài chính hùng mạnh, các dự án do MNC triển khai thường là những dự án có quy mô vốn lớn, đi liền với công nghệ cao. Người ta cũng nói nhiều đến tác động lan tỏa của MNC đối với doanh nghiệp nước chủ nhà, thông qua các mối liên kết. Tác động lan tỏa này được thể hiện trên 3 khía cạnh:

Thứ nhất và quan trọng nhất, là chuyển giao công nghệ. Ngoài vốn, các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và MNC nói riêng còn mang đến công nghệ sản xuất, kỹ năng quản lý tiên tiến hơn hẳn, từ đó các doanh nghiệp trong nước có thể học tập và tiếp thu.

Thứ hai, bản thân các công nghệ sản xuất và kinh nghiệm chuyên gia do các nhà đầu tư nước ngoài đưa tới đòi hỏi có những người lao động phù hợp, qua đó sẽ giúp nâng cao trình độ mọi mặt của người lao động trong nước.

Thứ ba, các MNC và hoạt động FDI là nhân tố tạo ra và thúc đẩy mối liên kết ngược (backward linkage) giữa các nhà cung ứng trong nước với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mối liên kết này thường được thể hiện ở hai dạng: nguyên liệu thô đầu vào tại địa phương và nguồn cung cấp linh kiện, phụ tùng từ các doanh nghiệp sở tại (thường được nói đến dưới thuật ngữ "công nghiệp phụ trợ"). Vì những lợi ích rõ rệt nêu trên, nhiều quốc gia thuộc nhóm các nước đang phát triển hết sức quan tâm và có nhiều biện pháp đặc biệt ưu tiên thu hút đầu tư từ các MNC.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trường Đại học Ngoại thương, Các khía cạnh kinh tế và pháp lý của đầu tư trực tiếp nước ngoài, năm 2009.
  2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Đầu tư, Nxb Công an nhân dân, 2006.
  3. Nguyễn Thiết Sơn (Chủ biên), Các công ty xuyên quốc gia: Khái niệm, đặc trưng và những biểu hiện mới, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2003.
  4. John Mikler, “Các công ty toàn cầu như là diễn viên trong chính sách toàn cầu và quản trị”, trong Giăng Mikler (ed),Sổ tay Công ty toàn cầu, Wiley-Blackwell 2013.
  5. Olivier De Schutter, Jan Wouters, Philip De Man, Nicolas Hachez và Mattias Sant'Ana,“Đầu tư trực tiếp nước ngoài, phát triển con người và nhân quyền: Hình thành các vấn đề”, (2009) 3 Nhân quyền & Quốc tế Discourse, Pháp.
  6. Leon Grunberg, “The IPE of Multinational Corporations”, in David N. Balaam & Michael Vaseth, Introduction to International Political Economy, New Jersey: Pearson Education, 2001, pp. 320-345.
  7. Tạp chí The Economist, số 1, ngày 03/01/2023.
  8. UNCTAD, World Investment Report 2022.

International investment activities of multinational companies - Theoretical and practical issues

Master. Le Dinh Quyet

Lecturer, Faculty of International commerce law, Hanoi Law University

­Abstract:

International investment is a popular activity in current international trade. In which, foreign direct investment (FDI) has brought great benefits to the host country. Multinational companies (MNCs) are the main FDI subjects. There are still doubts about the role of MNCs for countries receiving FDI due to the dual nature that MNCs bring. However, the role of MNCs has been proven in practice. Therefore, it is essential for countries to have appropriate policies and legal regulations to manage MNCs in order to attract and maximize the benefits that MNCs bring to the FDI receiving country.

Keywords: international investment, direct investment, FDI, multinational companies.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng

Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
2
2
2
3