(CHG) Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, từ ngày 16-17/2, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) trực tiếp và trực tuyến tại Phnom Penh, Campuchia.
Tham dự Hội nghị có các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN.
Đây là Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN trực tiếp đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia dưới chủ đề “ASEAN Hành động: Cùng ứng phó các thách thức”, cũng như sau thời gian gián đoạn do đại dịch COVID-19. Hội nghị đã trao đổi về các trọng tâm, ưu tiên và định hướng hợp tác ASEAN trong 2022.
Các Bộ trưởng đánh giá cao chủ đề của năm 2022, ủng hộ các ưu tiên, sáng kiến nước Chủ tịch đề xuất trên cả ba trụ cột Cộng đồng chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội và cam kết hợp tác chặt chẽ với nước Chủ tịch nhằm hiện thực hóa các sáng kiến. Các Bộ trưởng thống nhất cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dòng hành động còn lại trong Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2025, yêu cầu Nhóm đặc trách cao cấp (HLTF) xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025 sớm đi vào hoạt động; nhấn mạnh ASEAN cần nâng cao năng lực tự cường khu vực trước các thách thức truyền thống và phi truyền thống đang nổi lên, trong đó có việc tiếp tục ứng phó và phục hồi khu vực sau đại dịch COVID-19. Đến nay, ASEAN đã tiếp nhận khoảng 30 triệu USD cho Quỹ Ứng phó COVID-19, một phần dùng để mua vaccine cho các nước thành viên; đồng thời tiếp tục huy động đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp ASEAN (RRMS).
Bên cạnh đó, để đạt được mục tiêu khu vực tăng trưởng 5,1% năm 2022, ASEAN cần đẩy mạnh Kế hoạch triển khai Khuôn khổ Phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF), Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN (ATCAF), cũng như thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực hợp tác như kinh tế số, thương mại điện tử, kết nối số, khoa học và công nghệ, khởi nghiệp cho phụ nữ và thanh niên, thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực, giao lưu nhân dân, nâng cao nhận diện và bản sắc ASEAN…
Trong bối cảnh địa chính trị quốc tế và khu vực đang có những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, các Bộ trưởng nhất trí cần duy trì đoàn kết và thống nhất ASEAN, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại của ASEAN, củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ, đề cao chủ nghĩa đa phương và nâng cao hiệu quả của các cơ chế do ASEAN chủ trì và dẫn dắt, đóng góp hiệu quả thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng trong khu vực.
Các Bộ trưởng đã dành thời gian trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có Biển Đông và Myanmar. Về Biển Đông, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp trên thực địa, ảnh hưởng đến hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực cũng như làm phương hại môi trường biển. Các Bộ trưởng tái khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN, trong đó có thượng tôn pháp luật, kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đạt được Bộ Quy tắc COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Các nước cũng nhất trí tiến hành các hoạt động thiết thực, có ý nghĩa kỷ niệm 20 năm DOC và 40 năm UNCLOS trong 2022 nhằm đóng góp vào nỗ lực trên.
Về vấn đề Myanmar, các Bộ trưởng khẳng định Myanmar là thành viên không thể tách rời của đại gia đình ASEAN, tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ và tương lai của Myanmar do chính người dân nước này quyết định. Theo đó, nhất trí ASEAN tiếp tục nỗ lực hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp khả thi, bền vững cho khủng hoảng hiện nay thông qua thực hiện Đồng thuận 5 điểm, nhất là cần đạt tiến triển thực chất trong công tác của Đặc phái viên và tiếp tục hỗ trợ nhân đạo của ASEAN cho người dân Myanmar.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá cao trọng tâm, ưu tiên nước Chủ tịch ASEAN 2022, Campuchia đề ra; khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn của Việt Nam trong triển khai các ưu tiên, sáng kiến đã nhất trí.
Bộ trưởng đề nghị ASEAN tiếp tục triển khai mạnh mẽ các sáng kiến ứng phó COVID-19 như Khung Phục hồi Tổng thể ASEAN, Khung Thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, đề xuất triển khai công nhận lẫn nhau Hộ chiếu vaccine khu vực để sớm nối lại các hoạt động đi lại và tạo điều kiện phục hồi toàn diện trong khu vực, đồng thời chú trọng nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ để sẵn sàng trước các tình huống khẩn cấp mới tương tự COVID-19.
Về định hướng xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn yêu cầu ASEAN sớm kiện toàn Nhóm HLTF và cần chuẩn bị kỹ lưỡng để Cộng đồng ASEAN có thể thích ứng, ứng phó hiệu quả với các thách thức phức tạp nổi lên trong bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới biến chuyển nhanh chóng, lấy củng cố đoàn kết, thống nhất, đối thoại và hợp tác làm cơ sở cho một Cộng đồng vững mạnh, tự cường. Đồng thời, tiếp tục đề cao vai trò trung tâm của ASEAN, nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cân bằng trong quan hệ với các đối tác, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng cảm ơn sự tham gia và đóng góp tích cực của các nước ASEAN tại Diễn đàn Cấp cao ASEAN về Hợp tác tiểu vùng vì phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm do Việt Nam chủ trì tổ chức tháng 11/2021 vừa qua, đề nghị ASEAN tiếp tục duy trì đà hợp tác thu hẹp khoảng cách phát triển, phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm ở các tiểu vùng của ASEAN.
Về Biển Đông, chia sẻ quan ngại của các nước về những diễn biến phức tạp và các sự cố không mong muốn ở Biển Đông, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982 nhằm duy trì Biển Đông là vùng biển của hòa bình, ổn định và hợp tác; tiếp tục triển khai đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC, sớm đạt được Bộ Quy tắc COC thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Bộ trưởng cũng hoan nghênh đề xuất kỷ niệm 20 năm DOC cùng với 40 năm UNCLOS trong năm 2022.
Về Myanmar, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định sẵn sàng cùng các nước hỗ trợ Myanmar vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, ủng hộ tiếp tục triển khai hiệu quả Đồng thuận 5 điểm, trong đó có công tác của Đặc phái viên Chủ tịch ASEAN về Myanmar và hỗ trợ nhân đạo cho người dân nước này.
Bộ trưởng cũng đề xuất đẩy mạnh hợp tác trong ASEAN và với các Đối tác xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống đang nổi lên, như an ninh mạng, an ninh biển, an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, ô nhiễm môi trường, cũng như các thách thức an ninh mới do đại dịch COVID-19 gây ra...
Kết thúc hội nghị, Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 đã ra thông cáo báo chí của Chủ tịch tóm tắt các nội dung quan trọng trao đổi tại hội nghị.
Nguồn: Báo Công An Nhân Dân
(CHG) TS. Nguyễn Thanh Mai, Trưởng bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hình sự, Học viện Tư pháp, đã có những phân tích sâu sắc về hành vi khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng như những “vùng trống” pháp lý còn tồn tại trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để tri ân, ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, đồng thời khẳng định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của Tạp chí trong công cuộc phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Xem chi tiết(CHG) Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP HCM chiều 5/6/2025, câu phát biểu ngắn gọn nhưng đầy trăn trở của ông Nguyễn Quang Huy, Chi cục phó Quản lý thị trường TP HCM đã gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận: “Nhiều tiểu thương coi tiền phạt như một phần chi phí kinh doanh”.
Xem chi tiết