(CHG) Sáng 20/11, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng, với chủ đề “Phát triển Xanh – Hài hòa – Bền vững”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cùng dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng); đại diện các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để triển khai Nghị quyết này, Chính phủ đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết.
Tại hội nghị, Chính phủ công bố Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6.10.2022 của Bộ Chính trị; giới thiệu tiềm năng, xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của vùng Tây Nguyên.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23 đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết; phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững; phát triển văn hóa - xã hội và nguồn nhân lực; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Cùng với đó, chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể và 9 dự án đầu tư và hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo kế hoạch triển khai chương trình hành động của Chính phủ. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Chương trình hành động của Chính phủ có nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của Vùng nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và là cơ hội cho Vùng Tây Nguyên phát triển trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045.
Tại hội nghị các bộ, ngành, đại phương tham luận về kế hoạch của bộ, ngành, địa phương mình thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải tham luận về phát triển giao thông kết nối Tây Nguyên với vùng lân cận, sân bay, cảng biển và với cả nước, thông qua các tuyến đường bộ cao tốc; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham luận về phát triển nông nghiệp vùng Tây Nguyên theo hướng hiệu quả cao, hàng hóa, hữu cơ, đặc sản gắn với chế biến, thị trường tiêu thụ; Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tham luận về phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vùng Tây Nguyên...
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày sản phẩm nông nghiệp vùng Tây Nguyên. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Cũng tại Hội nghị, các tổ chức quốc tế, hiệp hội doanh nghiệp tham luận về việc hợp tác đầu tư đẩy mạnh kết nối hạ tầng vùng Tây Nguyên với hạ tầng quốc gia và khu vực; huy động sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng đối với hợp tác phát triển đối với việc hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, gìn giữ văn hóa truyền thống; tiềm năng, cơ hội hợp tác kinh tế xanh trên địa bàn Tây Nguyên...
Trước khi diễn ra Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu đã thăm quan triển lãm ảnh nghệ thuật “Tây Nguyên xanh – hài hòa – bền vững”, giới thiệu vẻ đẹp của vùng đất và con người vùng Tây Nguyên, khắc họa những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần, đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc của đồng bào vùng Tây Nguyên.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/su-kien-noi-bat/hoi-nghi-trien-khai-chuong-trinh-hanh-dong-thuc-hien-nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-ve-phat-trien-vung-tay-nguyen-i308212/
1