Khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng - gian lận và giải pháp khắc phục


TÓM TẮT:

Thuế giá trị gia tăng là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước là một sự tiến bộ của pháp luật Việt Nam khi phát triển từ thuế doanh thu thành thuế giá trị gia tăng. Nhưng cũng vì những mặt tích cực mà thuế giá trị gia tăng mang lại, các chủ thể nộp thuế đã lợi dụng các quy định này nhằm trục lợi cá nhân, gây ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách Nhà nước. Bài viết tập trung nêu rõ những điểm tiến bộ của thuế giá trị gia tăng so với thuế doanh thu; thực trạng gian lận và các giải pháp khắc phục gian lận thuế giá trị gia tăng.

Từ khóa: khấu trừ, hoàn thuế, gian lận thuế.

1. Đặt vấn đề

Thuế giá trị gia tăng có ưu điểm là đánh vào giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ ở từng khâu sản xuất và lưu thông cho đến tiêu dùng. Điểm nổi bật của thuế giá trị gia tăng là khắc phục được nhược điểm thu trùng lặp, chồng chéo qua nhiều khâu của thuế doanh thu. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp thường lợi dụng các kẽ hở của pháp luật về thuế giá trị gia tăng để thực hiện các hành vi chiếm đoạt tiền của Nhà nước, đặc biệt ở khâu khấu trừ và hoàn thuế.

2. Khái quát về thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu được tính dựa trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng có nguồn gốc từ thuế doanh thu - loại thuế được áp dụng tại Việt Nam khi thuế giá trị gia tăng chưa được ban hành.

Thuế doanh thu là loại thuế gián thu được đánh dựa trên cơ sở doanh thu của hoạt động kinh doanh công - thương nghiệp - dịch vụ với mỗi lần phát sinh doanh thu bán hàng. Theo Luật Thuế doanh thu, doanh thu phát sinh chính là cơ sở để thực hiện việc thu nộp thuế, do vậy toàn bộ doanh thu phát sinh của sản phẩm trải qua mỗi chuyển dịch từ sản xuất, lưu thông tới tiêu thụ đều bị đánh thuế. Nếu càng nhiều khâu thì số thuế càng tăng thêm, dễ dẫn tới tình trạng thuế chồng thuế, thu thuế trùng lặp với phần doanh thu đã chịu thuế ở công đoạn trước.

Chính vì vậy, Nhà nước đã ban hành thuế giá trị gia tăng nhằm thay thế cho thuế doanh thu trước đây. Thuế giá trị gia tăng không thu trùng lặp nên tạo ra được sự khích lệ hợp tác hóa, chuyên môn hóa nhằm tăng chất lượng, giảm giá của sản phẩm, thích hợp cho nền kinh tế sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường.

Thuế giá trị gia tăng được áp dụng rộng rãi cho mọi cá nhân hay tổ chức có sử dụng sản phẩm, hàng hóa hoặc được cung cấp dịch vụ, nhờ vậy, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Thuế giá trị gia tăng chỉ được tính trên phần giá trị tăng thêm, không tính vào vốn, vì thế tạo ra sự khuyến khích cho các cá nhân hay các tổ chức mạnh dạn góp phần đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh phù hợp với phương hướng phát triển kinh tế - xã hội.

Thuế giá trị gia tăng là loại thuế được hoàn lại đối với hoạt động xuất khẩu nên có chức năng khuyến khích hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu, tạo ra sự thuận lợi đối với hàng xuất khẩu. Giúp thị trường hàng xuất khẩu có thể cạnh tranh trên thương trường quốc tế.

Thuế giá trị gia tăng bảo đảm sự công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, còn kết hợp với thuế nhập khẩu, giúp tăng giá vốn của hàng nhập khẩu, vì vậy có tác dụng bảo vệ sản xuất - kinh doanh nội địa. Đối với cơ quan thuế, thuế giá trị gia tăng giúp chống thất thu thuế với hiệu quả cao, tạo ra sự kiểm soát lẫn nhau về thuế.

Thuế gia trị gia tăng làm tăng được tính tự giác trong việc thực hiện nghĩa vụ của người nộp thuế.

Việc khấu trừ thuế giá trị gia tăng đã nộp ở khâu đầu còn có chức năng tạo nên sự khích lệ cho việc chuyên môn hóa, hiện đại hóa sản xuất, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư công cụ sản xuất mới để đưa vào sản xuất, hạ giá thành sản phẩm.

3. Khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng

Khấu trừ thuế giá trị gia tăng là một hình thức xác định số tiền thuế cần nộp vào ngân sách nhà nước đối với các sản phẩm tính thuế. Là hoạt động mà doanh nghiệp cần xác định chính xác số tiền thuế phải nộp dựa trên kết quả của việc lấy số thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ đi số thuế giá trị gia tăng đầu vào. Thuế giá trị gia tăng đầu vào được hiểu là khi doanh nghiệp mua vào một lượng hàng hóa nhất định sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng của sản phẩm đó, còn khi doanh nghiệp bán sản phẩm cho người tiêu dùng, người đó sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng của loại hàng hóa đó.

Theo quy định thì chỉ những doanh nghiệp nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế mới được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Những doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp trực tiếp sẽ không có cơ sở để khấu trừ thuế. Điều này là bởi những doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp trực tiếp chỉ nộp khoản thuế tính trên phần giá trị gia tăng của hàng hóa phát sinh ở khâu kinh doanh của mình. Trong khi đó, đối với những doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ đã phải thanh toán khoản thuế giá trị gia tăng khi mua hàng hóa đầu vào cho nhà cung cấp rồi lại nộp tiếp khoản thuế giá trị gia tăng đầu ra do người tiêu dùng chi trả. Do đó, phần thuế giá trị gia tăng đầu vào phải được hoàn lại để phản ánh doanh nghiệp chỉ phải nộp khoản thuế ròng dựa trên phần giá trị gia tăng phát sinh trong khâu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Hoàn thuế giá trị gia tăng được hiểu là một khoản thuế được nhà nước trả lại mà đối tượng nộp thuế đã nộp cho ngân sách nhà nước. Cụ thể hơn là ngân sách nhà nước trả lại cho đơn vị kinh doanh, tổ chức doanh nghiệp, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ. Số tiền thuế được trả là số tiền thuế đầu vào khi bạn trả mua hàng hóa dịch vụ mà đơn vị kinh doanh chưa được khấu trừ trong kỳ tính thuế. Hoặc đơn vị, cá nhân đó không thuộc diện chịu thuế.

Việc hoàn thuế xuất hiện trong các quy định của pháp luật thuế giá trị gia tăng mà không được quy định ở các luật như Luật Thuế đất đai, Luật Thuế doanh nghiệp, Luật Thuế sở hữu trí tuệ,... Điều này xuất phát từ những đặc điểm của đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. 

Chỉ có cơ quan thuế mới có quyền ra quyết định hoàn thuế cho bất cứ một đối tượng nào. Quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế chỉ mang tính chất tuyên bố, xác nhận quyền hoàn thuế của từng đối tượng nộp thuế cụ thể khi các chủ thể này hội đủ các điều kiện hoàn thuế do luật định. Tức là, các đối tượng thuộc diện hoàn thuế được phép thực hiện một số hành vi nhất định như có quyền yêu cầu cơ quan thuế phải thực hiện hoàn thuế khi đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện luật thuế từ quy định này có thể có sự nhầm lẫn: quyền hoàn thuế được xuất hiện trên cơ sở quyết định hoàn thuế của cơ quan thuế. Điều này có thể làm nảy sinh tư tưởng ban phát từ phía cơ quan thuế hay sự chạy chọt để được hoàn thuế từ phía đối tượng nộp thuế. Do đó, các đối tượng nộp thuế cần phải hiểu rõ các trường hợp nào thì được hoàn thuế.

Người nộp thuế được hoàn lại số thuế đã nộp mà chưa được khấu trừ hết, do đó tránh được trùng lặp thuế giúp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nhưng cũng chính vì vậy, đã tạo nên một nhược điểm của thuế giá trị gia tăng đó là dễ bị gian lận, nhất là ở khâu hoàn thuế.

4. Gian lận thuế giá trị gia tăng

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, năm 2022, toàn ngành Thuế thực hiện 6.265 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế GTGT (bằng 174,66% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số thuế truy hoàn và phạt là 630,837 tỷ đồng. Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã đánh giá dữ liệu 11.829 doanh nghiệp có phát sinh đề nghị hoàn thuế GTGT xuất khẩu từ ngày 1/1/2018 đến hết ngày 30/8/2021 và xác định được 70 doanh nghiệp có rủi ro cao về hoàn thuế.1

Để ngăn chặn hành vi gian lận tiền hoàn thuế, cơ quan thuế các cấp đã tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau hoàn thuế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế... Tuy nhiên, các hành vi gian lận tiền hoàn thuế ngày càng phức tạp, với các thủ đoạn vô cùng tinh vi.

Hành vi điển hình và phổ biến nhất mà tất cả các đối tượng đều sử dụng đó là:

Sử dụng các công ty “ma” để xuất khống hoặc mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng để hợp thức hóa thuế giá trị gia tăng đầu vào làm cơ sở hoàn thuế.

Theo đó, trong vụ án "Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" tại tỉnh Thanh Hóa. Ngày 21/10, thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Lê Bá Nga (SN 1976; ngụ số nhà 106, Nguyễn Phúc Chu, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa).

Theo kết quả điều tra ban đầu: Từ đầu năm 2020 đến tháng 8-2022, Công ty TNHH Thanh Bình TH (có trụ sở tại xã Đông Lĩnh, thành phố Thanh Hóa) và Công ty NDS Thanh Hóa (tại thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước) do Lê Bá Nga thành lập đã bán ra số lượng lớn hóa đơn, có tổng giá trị gần 100 tỷ đồng, mỗi hóa đơn Nga thu lời từ 5,5% đến 6% tổng giá trị hàng hóa.2

Đây là số tiền hàng hóa được ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng bán cho các công ty có nhu cầu mua hóa đơn đầu vào, nhằm kê khai báo cáo với cơ quan thuế để giảm trừ số thuế phải nộp cho Nhà nước.

Đây chỉ là một vụ án trong số rất nhiều những vụ án về gian lận thuế xảy ra trong thời gian vừa qua. Ngoài thủ đoạn nêu trên, các đối tượng còn sử dụng rất nhiều những thủ đoạn khác, như: khai giá xuất khẩu lên gấp nhiều lần so với giá nhập khẩu, nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng chủ yếu xảy ra với các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông nghiệp, linh kiện điện tử; tạo lập giao dịch giả mạo mua bán, giao dịch chuyển tiền qua ngân hàng lòng vòng…  nhằm hợp thức hóa kê khai khống hồ sơ kê khai hoàn thuế.

Nguyên nhân dẫn tới gian lận thuế giá trị gia tăng

Một là, sự thiếu hiểu biết của người nộp thuế về nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập vào ngân sách chung của quốc gia. Ý thức tự giác chấp hành nghĩa vụ thuế của các đối tượng này còn rất kém, bản chất của thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu không được hiểu đúng rằng số tiền thuế doanh nghiệp phải nộp chỉ là khoản thu hộ Nhà nước thông qua giá bán hàng hóa, dịch vụ mà thường được hiểu là một sự giảm lợi ích của doanh nghiệp. 

Hai là, cơ chế quản lý thuế đã và đang thay đổi theo hướng hiện đại, đặc biệt là cơ chế cho phép các doanh nghiệp tự in hóa đơn, giãn thời gian lập và nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn từ tháng thành quý. Việc thay đổi này đòi hỏi tính tự giác tuân thủ luật pháp của Nhà nước rất cao của người nộp thuế, tuy nhiên điều này quả thực rất khó đối với một bộ phận không nhỏ người nộp thuế ở nước ta.

Ba là, những yếu kém của đội ngũ cán bộ thực thi pháp luật thuế giá trị gia tăng: Nhiều trường hợp chính cán bộ thuế gợi ý và tiếp tay cho một số cá nhân ăn cắp tiền thuế. Chủ trương xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới bị lợi dụng với sự tiếp sức của một vài cán bộ thuế biến chất đã làm thất thoát trầm trọng ngân sách nhà nước. Để thu một tỷ đồng thuế, nhiều cán bộ thuế phải nỗ lực phấn đấu trong thời gian có khi cả năm. Thế nhưng chỉ cần 2-3 cán bộ thuế thoái hóa biến chất cũng đủ gây thất thoát số lượng thuế nhiều hơn con số nói trên rất nhiều lần trong thời gian ngắn.

5. Giải pháp khắc phục gian lận thuế giá trị gia tăng

Trước những hành vi gian lận ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, các cơ quan quản lý vẫn chưa thể giải quyết triệt để dù đã đưa ra nhiều giải pháp. Song, bất kể là hành vi được thực hiện dưới hình thức nào đều gây ra những tổn hại nhất định tới ngân sách nhà nước, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, khiến môi trường doanh nghiệp cạnh tranh trở nên không lành mạnh, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, trong thời gian tới, để tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, ngăn ngừa tình trạng gian lận chiếm đoạt thuế giá trị gia tăng, chúng tôi đề xuất cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Các cơ quan quản lý cần làm tốt công tác kiểm soát hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng cường công tác thanh, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế và tình hình các doanh nghiệp sau hoàn thuế. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ công tác thành lập doanh nghiệp, tránh trường hợp thành lập công ty ma chỉ nhằm mục đích mua bán hóa đơn.

Thứ hai, cần tăng chế tài phạt đối với hành vi gian lận hoàn thuế, kịp thời điều tra, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng, khai gian, khai khống trong xuất nhập khẩu hàng hóa nhằm gian lận chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Thứ ba, hoàn thiện các quy định của pháp luật và các chính sách về thuế của Nhà nước, đảm bảo khoa học, chặt chẽ và có tính ổn định lâu dài.

Thứ tư, cần quy định mọi nghiệp vụ kinh tế của các doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều phải thực hiện qua ngân hàng nhằm kiểm soát được dòng tiền của các doanh nghiệp.

Gian lận thuế là hành vi vi phạm pháp luật luôn tồn tại song song với hoạt động thuế của Nhà nước. Để chống thất thu, chống các hành vi gian lận thuế, các cơ quan có thẩm quyền cần có những giải pháp cụ thể, đồng bộ trong hoạt động quản lý thuế.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Thuỳ Linh (2022), Ngăn chặn gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng,

truy cập tại: <https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM260128>.

[2] Quỳnh Trâm (2022), Thanh Hóa: Bắt giữ đối tượng mua bán hóa đơn trái phép thu lợi gần 100 tỷ đồng, truy cập tại: <https://baodantoc.vn/thanh-hoa-bat-giu-doi-tuong-mua-ban-hoa-don-trai-phep-thu-loi-gan-100-ty-dong-1666427553126.htm>.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2019), Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
  2. Quốc hội (2008), Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013.
  3. Lê Thị Thủy (2013), Thực trạng pháp luật Thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam và đề xuất hoàn thiện pháp luật, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội.

The value-added tax deduction and refund - Tax fraud and solutions

Master. Tang Nu Tieu Trang

Faculty of Political Theory - Law, Hong Duc University

Abstract:

Value-added tax (VAT) is the main revenue source of the state budget is an advancement of Vietnamese law. However, some taxpayers have taken advantage of VAT to commit tax frauds, negatively affecting the state budget’s revenue. This paper is to hightlight the advantages of VAT to sales tax, points out the current VAT fraud and proposes some solutions to prevent VAT fraud. 

Keywords: deduction, tax refund, tax fraud.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn bền vững trong bối cảnh hội nhập

Bài báo nghiên cứu "Giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn bền vững trong bối cảnh hội nhập" do ThS. Từ Tuấn Cường (Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Gia Định) thực hiện.

Xem chi tiết
Thực trạng thị trường dịch vụ kế toán hiện nay và những nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán

Bài báo nghiên cứu "Thực trạng thị trường dịch vụ kế toán hiện nay và những nội dung kiểm tra hoạt động dịch vụ kế toán" do ThS. Ngô Thị Mỹ Hạnh (Giảng viên Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Suối Giàng

Đề tài Tiềm năng và các giải pháp phát triển du lịch văn hóa bền vững tại Suối Giàng do NGUYỄN TRUNG SƠN (Giám đốc Hợp tác xã Enna Glamping Suối Giàng) - TS. HOÀNG SĨ THÍNH (Khoa Du lịch và Ngoại ngữ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam) - ThS. PHẠM XUÂN PHÚ (Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0

Đề tài Vấn đề đặt ra với nghề kế toán, kiểm toán thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 do ThS. Phạm Thị Tươi (Khoa Kế toán Kiểm toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.

Xem chi tiết
Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững

Đề tài Tìm giải pháp hoàn thiện chính sách và pháp luật về quản lý, phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững do ThS. Trần Phương Tâm An (Khoa Pháp luật kinh tế - Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3