TÓM TẮT:
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định rằng công nghệ số có thể tác động đáng kể đến việc tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tài chính, đặc biệt đối với các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại có đang dần hướng tới mô hình lấy khách hàng làm trung tâm, tăng cường sự tiện lợi trong các giao dịch ngân hàng thông qua các nền tảng số. Bài viết nghiên cứu các khung năng lực quốc tế về kỹ năng số cho mọi công dân nói chung và đối với nguồn nhân lực trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng. Từ đó, tác giả đưa ra một số giải pháp đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam nhằm nâng cao năng lực số của nguồn nhân lực ngân hàng.
Từ khóa: năng lực số, kỹ năng số, chuyển đổi số, nguồn nhân lực ngân hàng.
Một trong những giải pháp cơ bản giúp doanh nghiệp gia tăng sức cạnh tranh là đổi mới. Nhân tố góp phần không nhỏ cho tốc độ và quá trình đổi mới của doanh nghiệp chính là công nghệ. Tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng không những đã thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp, mà còn thay đổi nhiều khía cạnh của xã hội. Để duy trì hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp phải tiến hành số hóa, chuyển đổi số là cần thiết ở mọi cấp độ để phát triển một tổ chức hiện đại có khả năng thay đổi liên tục (Garth và cộng sự, 2016).
Đối với ngành ngân hàng, OECD (2019) cho thấy, công nghệ kỹ thuật số có thể có tác động đáng kể đến việc tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường tài chính. Ngân hàng sẽ chuyển sang mô hình dựa trên nền tảng số, lấy khách hàng làm trung tâm, đòi hỏi các ngân hàng thương mại phải tái cấu trúc. Ngành Ngân hàng là một trong những ngành ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ trong những năm gần đây. Trước đây, khách hàng phải tự mình đến ngân hàng và cần ít nhất một chi nhánh ngân hàng để thực hiện hầu hết các giao dịch. Giờ đây, nhờ tiến bộ công nghệ, họ có thể thực hiện hầu hết các giao dịch trên điện thoại di động, máy tính bảng hoặc máy tính cá nhân. Một số công nghệ như công nghệ di động và dữ liệu lớn đã cách mạng hóa hoạt động của ngân hàng, thúc đẩy những thay đổi trong mô hình ngân hàng những năm gần đây. Tóm lại, sự tiến bộ của công nghệ thông tin, cũng như việc sử dụng rộng rãi máy tính, internet và điện thoại di động, đã có tác động đáng kể đến lĩnh vực tài chính ngân hàng, tạo ra những công cụ tài chính và sản phẩm mới.
Để thích ứng với những tiến bộ trong công nghệ và đòi hỏi chuyển đổi số, nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết cho sự thành công. Để nâng cao năng lực tổ chức và khả năng đổi mới, một công ty phải xem xét các yếu tố như năng lực quản lý nhân sự, quản lý thông tin, cũng như năng suất lao động, dựa trên kiến thức và kỹ năng làm việc của nguồn nhân lực. Các thành tựu khoa học công nghệ gần đây đã đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp đến từ sự đa dạng của thị trường toàn cầu, kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng đối với chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Các tổ chức và cả cộng đồng đang buộc phải thay đổi do tiến bộ công nghệ (OECD, 2019). Hơn nữa, các nghiên cứu cho thấy, đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực sẽ vừa giúp doanh nghiệp giữ chân nhân viên tốt, vừa mang lại lợi thế cạnh tranh.
Bài viết nhấn mạnh tầm quan trọng của khung đánh giá năng lực - kỹ năng số trong ngành Ngân hàng, đồng thời đề cập đến một số kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam về cách thức thiết kế và triển khai khung đánh giá năng lực số.
Chuyển đổi số là quá trình sử dụng công nghệ số để thay đổi các quy trình kinh doanh truyền thống và đem lại giá trị cho khách hàng và doanh nghiệp. Quá trình này bao gồm việc sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, blockchain, big data để cải thiện quy trình kinh doanh và tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Tài chính ngân hàng là ngành có tốc độ phát triển nhanh và sự cạnh tranh gay gắt về sản phẩm và dịch vụ. Do đó, các ngân hàng đang nỗ lực mở rộng, thích nghi và tái cơ cấu để tránh tụt hậu so với các đối thủ cạnh tranh. Những đổi mới và tiến bộ trong ngành tài chính ngân hàng giúp giảm rủi ro, chi phí cho khách hàng, cung cấp sản phẩm, dịch vụ, công cụ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các bên liên quan so với trước đây. Việc số hóa ngành ngân hàng sử dụng một số công nghệ khác nhau.
Các dự án Fintech (công nghệ tài chính) đã nổi lên như một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong ngành tài chính. Fintech sử dụng kỹ thuật số, di động, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác để cải thiện tốc độ, chi phí và hiệu quả của các dịch vụ tài chính và ngân hàng. Nhiều công nghệ cũng cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như API ngân hàng, tài chính cá nhân, đầu tư cá nhân, đầu tư doanh nghiệp, cho vay ngành hàng (P2P), tài chính đại chúng, quản lý tài sản, chuyển tiền, phân tích dữ liệu, công nghệ quản lý, công nghệ Blockchain và tiền điện tử, trợ lý Robot và ngân hàng thế hệ mới (Machkour và Abriane, 2020). Bên cạnh rất nhiều lợi ích, chuyển đổi số làm tăng thêm tính phức tạp, biến đổi nhanh chóng và khó đoán của môi trường kinh doanh, đòi hỏi nguồn nhân lực cần có năng lực số cao để không chỉ thuần thục trong thao tác nghiệp vụ mà còn làm chủ được công nghệ, nhận thức và xử lý được những rủi ro công nghệ, đồng thời nắm bắt được những xu hướng biến đổi trong tương lai.
Hội đồng Liên minh Châu Âu định nghĩa năng lực kỹ thuật số là khả năng sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) một cách tự tin, tư duy phê phán và sáng tạo để đạt được các mục tiêu liên quan đến việc làm, khả năng được tuyển dụng, học tập, giải trí, hòa nhập, và tham gia vào xã hội (European Commission, n.d). Năng lực kỹ thuật số bao gồm khả năng sử dụng máy tính để tìm, phân tích, lưu, tạo, hiển thị và trao đổi thông tin, cũng như để tương tác và làm việc cùng nhau trong các mạng thông qua Internet. Để làm cho năng lực kỹ thuật số trở nên dễ hiểu hơn, Punie và cộng sự (2014) mô tả đó là tập hợp kiến thức, thái độ và kỹ năng cần thiết để hoạt động tích cực trong môi trường kỹ thuật số và tận dụng tối đa công nghệ trong công việc và cuộc sống hàng ngày.
Việc đánh giá năng lực số của nhân viên là một phần quan trọng của quá trình quản lý nhân sự trong ngành ngân hàng, đặc biệt trong quá trình chuyển đổi số. Một khung đánh giá năng lực số chính xác và hiệu quả sẽ giúp cho các nhà quản lý nhân sự đánh giá được năng lực số của nhân viên, phát hiện những điểm mạnh và điểm yếu của họ và đưa ra những quyết định quan trọng như định hướng nghề nghiệp, thăng tiến hay giảm thời gian làm việc.
Khung đánh giá về năng lực số toàn diện và được sử dụng rộng rãi nhất cho các kỹ năng số nói chung là DigComp 2.0 do Ủy ban Châu Âu đưa ra. Ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013 bởi Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban Châu Âu (JRC). DigComp cung cấp một khuôn khổ chung để hỗ trợ công dân và lực lượng lao động châu Âu tự đánh giá các kỹ năng của họ, đặt mục tiêu học tập, xác định cơ hội đào tạo và tiếp cận nhiều cơ hội nghề nghiệp tốt hơn.
Khung DigComp xác định các năng lực kỹ thuật số chính trên 5 lĩnh vực, đồng thời đưa ra mô tả chi tiết về các mức độ thành thạo và đưa ra các ví dụ ứng dụng cho từng mức độ.
i) Hiểu biết về thông tin và dữ liệu: khả năng giải thích nhu cầu thông tin; xác định vị trí, truy xuất, lưu trữ và quản lý dữ liệu số, nội dung và thông tin; đánh giá mức độ liên quan của nguồn thông tin/dữ liệu và tính hợp lệ của nội dung đó.
ii) Giao tiếp và cộng tác: khả năng tương tác, giao tiếp và cộng tác với những người khác thông qua việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số, có tính đến sự đa dạng về văn hóa và thế hệ; quản lý danh tính số (digital identity) và danh tiếng trên mạng (online reputation); tham gia vào mạng xã hội thông qua việc sử dụng các dịch vụ số công khai và riêng tư.
iii) Sáng tạo nội dung số: khả năng tạo, chỉnh sửa và cải thiện nội dung kỹ thuật số trong điều kiện tuân thủ giấy phép và bản quyền tác giả; sửa đổi và tích hợp thông tin; cung cấp hướng dẫn cho hệ thống hoặc thiết bị máy tính.
iv) An toàn: khả năng đảm bảo các thiết bị của cá nhân và của công việc được bảo vệ, bao gồm dữ liệu cá nhân và dữ liệu liên quan đến công việc, cũng như những thông tin nhạy cảm trong môi trường số; hiểu cách công nghệ tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần, cũng như nhận thức chung về tác động của môi trường số.
v) Giải quyết vấn đề: khả năng xác định nhu cầu/vấn đề và giải quyết chúng trong các môi trường số khác nhau; khả năng sử dụng các công cụ số để cải tiến các quy trình, dịch vụ và sản phẩm; cập nhật sự phát triển của công nghệ.
Các mức độ sử dụng bao gồm: Cơ bản (Foundation), Trung cấp (Intermediate), Nâng cao (Advanced), Chuyên sâu (Highly specialized).
Các phiên bản DigComp 2.1 (2016) và DigComp 2.2 (2022) đưa ra các ví dụ chi tiết về kiến thức, kỹ năng và thái độ và cách sử dụng khung năng lực để đạt được các mục tiêu khác nhau.
Khung DigComp là một công cụ có giá trị cho các nhà hoạch định chính sách, có thể giúp xác minh vị trí của người dân đối với các kỹ năng số ở cấp quốc gia. Do đó, khung đánh giá này có thể được sử dụng hiệu quả để lập kế hoạch và thiết kế các chương trình đào tạo và giáo dục ở cấp độ châu Âu. Một ví dụ về mối liên hệ giữa DigComp và các sáng kiến khác ở cấp độ châu Âu là Chỉ số Kinh tế và Xã hội số (the Digital Economy and Society Index - DESI), trong đó có một tiêu chí sử dụng khung DigComp. Khung DigComp cũng được sử dụng rộng rãi ở cấp quốc gia tại các quốc gia thành viên EU (European Commission, n.d).
Xác định các kỹ năng kỹ thuật số hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng là một khái niệm tương đối mới. Theo Moro và cộng sự (2015), nhân viên là một trong những lực lượng chính thực hiện quá trình chuyển đổi số trong các ngân hàng. Moro và cộng sự (2015) nhấn mạnh thêm rằng để hỗ trợ chuyển đổi số, ngành ngân hàng nên tập trung phát triển các kỹ năng kỹ thuật số và nâng cao chuyên môn kỹ thuật fintech của nhân viên. Các kỹ năng kỹ thuật số trong ngành ngân hàng được chú trọng phát triển dựa trên những nghiên cứu gần đây được thể hiện tại Bảng 1.
Bảng 1. Các kỹ năng số cần thiết trong ngành Ngân hàng
Nghiên cứu |
Kỹ năng |
Mazurchenko và cộng sự (2022)
|
- Giải quyết vấn đề trong môi trường kỹ thuật số - Phân tích và toán học nâng cao - Quản trị cơ sở dữ liệu - Phát triển phần mềm |
Santoso và cộng sự (2020) |
- Kỹ năng kỹ thuật số cơ bản - Năng lực công nghệ đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau như mô hình hoá, phân tích dữ liệu lớn, thống kê và lập trình. |
Goumeh và Barforoush (2021)
|
Kỹ năng, chuyên môn, kinh nghiệm và sở thích trong môi trường số; sự quan tâm của nhân viên dành cho cuộc CMCN 4.0; năng lực công nghệ thông tin và truyền thông của nhân viên; khả năng ra quyết định dựa trên dữ liệu; tính cởi mở với công nghệ mới; khả năng nhân viên được tiếp cận với các kỹ năng/chuyên môn kỹ thuật số khi cần. |
Sia và cộng sự (2021)
|
Các kỹ năng kỹ thuật số bao gồm quản trị tinh gọn, phân tích dữ liệu, mô hình kinh doanh kỹ thuật số, giao tiếp kỹ thuật số, công nghệ kỹ thuật số, tư duy hành trình, kiểm soát rủi ro. |
Radović-Marković và cộng sự (2019) |
Năng lực công nghệ thông tin |
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp
Khó phân tách kỹ năng số với kỹ năng kỹ thuật vì một số nghiên cứu khoa học nhóm tất cả các kỹ năng công nghệ thông tin có liên quan thành kỹ năng số và không có cấu trúc rõ ràng để tách kỹ năng số khỏi kỹ năng kỹ thuật. Khung DigComp có thể được sử dụng để đánh giá năng lực số của nhân viên ngân hàng, tuy nhiên do đặc thù hoạt động, ngành Ngân hàng cần một số kỹ năng cao hơn so với đề xuất từ khung. Những kỹ năng kỹ thuật đó có liên quan đến kỹ năng khoa học dữ liệu. Theo Melnychenko và cộng sự (2020), dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, sinh trắc học và Blockchain là những công nghệ kỹ thuật số hiện được sử dụng rộng rãi trong ngân hàng số. Trước đây, các công cụ Fintech tại ngân hàng chủ yếu được sử dụng gồm phần mềm duy trì tài khoản, giao dịch, cơ sở dữ liệu khách hàng; giờ đây, Fintech có thể được ứng dụng trong hầu hết các quy trình ngân hàng. (Bảng 2)
Bảng 2. Ứng dụng công nghệ Fintech trong ngân hàng số
Lĩnh vực ứng dụng |
AI |
Big data |
Blockchain |
Phân tích hành vi khách hàng |
X |
X |
|
Quản lý giao dịch |
X |
X |
X |
Phân loại khách hàng |
X |
X |
|
Nhận dạng khách hàng |
|
|
X |
Quản lý gian lận |
X |
X |
X |
Cá nhân hóa dịch vụ ngân hàng |
X |
X |
|
Đánh giá rủi ro và giám sát sự tuân thủ |
X |
X |
|
Phân tích phản ứng của khách hàng |
X |
X |
|
Tự động hóa quy trình |
X |
|
|
Tư vấn tài chính |
X |
X |
|
Ra quyết định đầu tư |
X |
X |
X |
Tài trợ thương mại |
|
|
X |
Cho vay hợp vốn |
|
|
X |
Cho vay ngang hàng (P2P) |
|
|
X |
Nguồn: Melnychenko và cộng sự, 2020
Nghiên cứu của Phongphaew (2022) đã đề xuất khung kỹ năng số cho nhân viên ngành tài chính ngân hàng như sau:
i) Khía cạnh An toàn: yêu cầu các kỹ năng về bảo vệ thiết bị; bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư.
- Xác lập mật khẩu đủ mạnh, quản lý mật khẩu hiệu quả, kích hoạt xác thực 2 lần.
- Biết phát hiện các email đáng ngờ có chứa phần mềm độc hại hoặc cố lấy thông tin nhạy cảm.
- Phản ứng thích hợp với hành vi vi phạm an ninh mạng.
ii) Khía cạnh Giao tiếp và Phối hợp: yêu cầu các kỹ năng về Nắm rõ quy cách giao tiếp trên mạng xã hội; Quản lý danh tính kỹ thuật số; Tương tác và chia sẻ thông qua công nghệ số.
- Biết cách ngừng nhận các tin nhắn hoặc email làm phiền.
- Nhận biết được các thông điệp thù địch, xúc phạm hoặc các hoạt động trực tuyến tấn công cá nhân hoặc nhóm.
- Biết sửa đổi cấu hình người dùng để ngăn chặn hoặc kiểm duyệt hệ thống AI đang theo dõi, thu thập hoặc phân tích dữ liệu.
- Sử dụng nhiều tính năng hội nghị truyền hình.
- Giao tiếp hiệu quả thông qua các công cụ làm việc nhóm.
- Biết báo cáo thông tin xuyên tạc và thông tin sai lệch cho các tổ chức xác minh tính xác thực và các nền tảng truyền thông xã hội để ngăn chặn sự lan truyền.
iii) Khía cạnh Thông tin và dữ liệu: yêu cầu các kỹ năng về Đánh giá và quản lý dữ liệu, thông tin, nội dung số.
- Xem xét cẩn thận các kết quả tìm kiếm hàng đầu/đầu tiên trong cả tìm kiếm dựa trên văn bản và tìm kiếm âm thanh, vì chúng có thể phản ánh các sở thích thương mại và các sở thích khác chứ không phải là kết quả phù hợp nhất cho truy vấn.
- Biết cách thu thập dữ liệu kỹ thuật số bằng các công cụ cơ bản như biểu mẫu trực tuyến và trình bày theo cách dễ tiếp cận.
- Sử dụng được các công cụ thống kê cơ bản cho dữ liệu, tạo biểu đồ và các hình ảnh trực quan.
iv) Đối với Khoa học dữ liệu: yêu cầu các kỹ năng về Trực quan hóa dữ liệu; Phân tích dữ liệu thăm dò; Làm sạch/chuẩn bị dữ liệu; Xử lý dữ liệu thông qua các công cụ như Tableau, Hadoop, R và Python…
v) Các công cụ Fintech
- Hiểu cách AI có thể cung cấp cho doanh nghiệp những hiểu biết có giá trị về hành vi và thói quen chi tiêu của người tiêu dùng.
- Có thể phân tích dữ liệu lớn giúp ngân hàng dự đoán những thay đổi trên thị trường và tạo ra các chiến lược kinh doanh mới dựa trên dữ liệu.
- Hiểu cách công nghệ Blcokchain cho phép các giao dịch phi tập trung mà không có sự tham gia của bên thứ ba; có thể sử dụng mạng lưới những người tham gia Blockchain để theo dõi các thay đổi hoặc bổ sung thông tin.
Nghiên cứu của Phongphaew (2022) cũng chỉ ra các ngân hàng thương mại nên tập trung vào bộ phận phân tích dữ liệu, công nghệ thông tin (CNTT) và trải nghiệm khách hàng để tăng tính cạnh tranh. Trong quá trình chuyển đổi số, những thay đổi cơ cấu quan trọng nhất là vai trò và kỹ năng của nhân viên.
Trong ngành Ngân hàng, việc sử dụng CNTT là rất quan trọng và cần được cập nhật thường xuyên để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và kết nối với các hệ thống ngân hàng-tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, hiện tại, vấn đề chính của ngành này là thiếu hụt về trình độ, số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ CNTT. Theo báo cáo khảo sát của Vụ TCCB, trong tổng số 224 cán bộ chuyên trách về CNTT (chiếm 3,9% tổng số cán bộ), chỉ có 72 cán bộ (chiếm 32,4%) có chứng chỉ quốc tế nâng cao về CNTT (Dương, 2020). Việc tinh giản biên chế hiện nay là một thách thức khác khiến cho việc tuyển dụng mới các cán bộ chuyên trách về CNTT không được triển khai một cách nhanh chóng.
Trong những năm đầu thế kỷ 21, việc đào tạo sử dụng công nghệ số trong ngành Ngân hàng đã được chú trọng ở bậc Đại học. Học viện Ngân hàng và Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đã mở ngành đào tạo nhân lực cho CNTT ngành Ngân hàng (Hệ thống thông tin quản lý) từ những năm 2000. Hiện tại, cả hai cơ sở giáo dục này đều tập trung vào việc gia tăng hàm lượng công nghệ trong chương trình đào tạo và mở rộng các hoạt động hợp tác với các tổ chức liên quan để giúp sinh viên tiếp cận các hệ thống nghiệp vụ sử dụng CNTT tiên tiến. Nhờ vào các hoạt động này, sinh viên và giảng viên được trang bị kỹ năng cần thiết để làm việc trong môi trường ngân hàng hiện đại, bao gồm các kỹ thuật phần mềm và mô phỏng quy trình nghiệp vụ của ngân hàng.
Nhìn chung, các NHTM và tổ chức tín dụng đều đang đứng trước khó khăn thiếu hụt về nhân lực CNTT có trình độ cao. Nhiều đơn vị còn thiếu bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về an ninh, an toàn thông tin và phải thuê các dịch vụ CNTT phức tạp từ bên ngoài. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất là số lượng chuyên gia trong các lĩnh vực hẹp của CNTT đang thiếu. Hầu hết các tổ chức còn thiếu quy định ưu tiên, đãi ngộ và tôn vinh nhân lực trình độ cao trong CNTT, khiến cho cán bộ không có ý định gắn bó lâu dài.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới hạn chế này là nguồn kinh phí cho việc đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ CNTT hiện chỉ được dành một phần rất ít so với các nhu cầu khác của tổ chức. Điều này là do chi phí cho các khóa huấn luyện sâu rất cao và thường được thiết kế riêng theo yêu cầu của khách hàng. Do đó, để giải quyết được thách thức này, các tổ chức cần phải đầu tư nhiều hơn vào đào tạo và bồi dưỡng nhân lực CNTT.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các NHTM cần xác định rõ phải tập trung vào việc đào tạo và bồi dưỡng nhân sự, để xây dựng đội ngũ chuyên gia về CNTT. Để làm được điều này, cần có các chương trình đào tạo và bồi dưỡng chuyên biệt cho cán bộ quy hoạch và chuyên gia. Chính sách đãi ngộ hợp lý sẽ giúp cho những người có năng lực cao gắn bó với Ngành và phát triển năng lực của mình. Đánh giá thường xuyên quy hoạch sẽ giúp việc loại bỏ những cán bộ không đủ tiêu chuẩn khỏi quy hoạch, trong khi chỉ duy trì những người có khả năng thực sự để phục vụ công việc của đơn vị.
Thứ hai, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực thực tiễn tại các NHTM thông qua xây dựng và thực hiện cơ chế luân chuyển nhân lực giữa các đơn vị, các hệ thống trong toàn Ngành. NHNN sẽ làm đầu mối triển khai việc luân chuyển và biệt phái cán bộ giữa NHNN và các NHTM, giữa NHNN, NHTM và các trường đào tạo. Mỗi NHTM được khuyến khích xây dựng cơ chế luân chuyển nội bộ để cán bộ có thể hiểu biết về nhiều vị trí công việc khác nhau, từ đó mở rộng tầm nhìn và nâng cao khả năng phối hợp hiệu quả trong công việc.
Thứ ba, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo bồi dưỡng của cơ sở đào tạo trong Ngành (bao gồm cả các cơ sở đào tạo trực thuộc NHNN trong hệ thống giáo dục quốc dân, các trường bồi dưỡng, trung tâm đào tạo của các ngân hàng). Mở rộng hợp tác với các tổ chức tài chính- tiền tệ quốc tế, các cơ sở đào tạo nước ngoài về đào tạo nhân lực trong Ngành. Trên cơ sở đa dạng hóa đối tượng hợp tác và hình thức hợp tác, tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về tài chính, chương trình, nội dung đào tạo, giảng viên và phương pháp giảng dạy. Ngoài ra, việc tạo ra văn hóa đổi mới và không ngừng học hỏi có thể giúp thúc đẩy tư duy ưu tiên kỹ thuật số cho nhân viên, khuyến khích họ nắm bắt các công nghệ và giải pháp mới.
Thứ tư, NHNH và các NHTM cần xác định phải tăng nguồn ngân sách dành cho đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài như tăng suất học bổng đào tạo sau đại học, tăng số lượng cán bộ tham dự các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn sâu, kiến thức mới mà các cơ sở đào tạo trong nước không đào tạo được.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Dương, C. (2020). Phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng tại Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Đào tạo Ngân hàng, 214.
European Commission. (n.d). Digcomp Framework. https://joint-research-centre.ec.europa.eu/digcomp/digcomp-framework_en
Garth, A., Surabhi, K., & Richa, W. (2016). Digital transformation in financial services A report from the Deloitte Center for Financial Services. www.deloittedigital.com.
Goumeh, F., & Barforoush, A. A. (2021). A Digital Maturity Model for digital banking revolution for Iranian banks. 26th International Computer Conference, Computer Society of Iran, CSICC 2021.
Machkour, B., & Abriane, A. (2020). Industry 4.0 and its implications for the financial sector. Procedia Computer Science, 177.
Markowitsch, J., Kollinger, I., Warmerdam, J., Moerel, H., Konrad, J., Burell, C., & Guile, D. (2002). Competence and human resource development in multinational companies in three European Union Member States : a comparative analysis between Austria, The Netherlands and the United Kingdom. In Cedefop Panorama series. Office for Official Publications of the European Communities.
Mazurchenko, A., Zelenka, M., & Maršíková, K. (2022). DEMAND FOR EMPLOYEES’ DIGITAL SKILLS IN THE CONTEXT OF BANKING 4.0. E a M: Ekonomie a Management, 25(2).
Moro, S., Cortez, P., & Rita, P. (2015). Business intelligence in banking: A literature analysis from 2002 to 2013 using text mining and latent Dirichlet allocation. Expert Systems with Applications, 42(3).
Melnychenko, S., Volosovych, S., & Baraniuk, Y. (2020). DOMINANT IDEAS OF FINANCIAL TECHNOLOGIES IN DIGITAL BANKING. Baltic Journal of Economic Studies, 6(1).
OECD. (2019). Digital disruption in financial markets. 1–28. http://www.oecd.org.proxy.library.uu.nl/daf/competition/digital-disruption-in-financial-markets.htm
Phongphaew, P. (2022). Develop a competencies framework for digital transformation in the banking industry. Master Thesis. Universiteit Utrecht.
Punie, Y., Brečko, B., & Ferrari, A. (2014). DIGCOMP: a Framework for Developing and Understanding Digital Competence in Europe. Http://Www.Openeducationeuropa.Eu/Nl/Elearning_papers, No.38.
Radović-Marković, M., Tomaš-Miskin, S., & Marković, D. (2019). Digitalization and agility of enterprises and banks: It competencies of managers and virtual team members. International Journal of Entrepreneurship, 23(4).
Santoso, W., Sitorus, P. M., Batunanggar, S., Krisanti, F. T., Anggadwita, G., & Alamsyah, A. (2020). Talent mapping: a strategic approach toward digitalization initiatives in the banking and financial technology (FinTech) industry in Indonesia. Journal of Science and Technology Policy Management, 12(3).
Sia, S. K., Weill, P., & Zhang, N. (2021). Designing a Future-Ready Enterprise: The Digital Transformation of DBS Bank. California Management Review, 63(3).
The competence frameworks for digital skills of human resources in the banking sector during the digital transformation: International experience and lessons learnt for Vietnam
Master. Bui Hong Trang
Faculty of Economics, Banking Academy of Vietnam
Abstract:
The Organisation for Economic Co-operation and Development (OECD) believes that digital technology can help financial institutions, especially commercial banks, increase their competitiveness. Commercial banks are adopting customer-centric strategies and trying to make their businesses more convenient for customers through digital platforms. This paper analyzes international competency frameworks for digital skills for all citizens in general and for human resources in the banking sector in particular. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to help Vietnamese commercial banks improve the digital capacity of their staff.
Keywords: digital capacity, digital skills, digital transformation, banking human resources.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12 tháng 5 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết