Tóm tắt:
Hiện tượng ở một số địa phương và một số cơ quan, đơn vị, bộ ngành vẫn còn có không ít cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm làm ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và mục tiêu phát triển của địa phương. Do đó, việc Đảng và Nhà nước quan tâm đẩy mạnh kiểm soát quyền lực nhà nước trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt là để hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả sẽ tập trung phân tích thực trạng kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương hiện nay.
Từ khóa: kiểm soát quyền lực nhà nước, phòng, chống tham nhũng, chính quyền địa phương.
Đảng và Nhà nước ta luôn luôn xác định rõ tham nhũng và lãng phí ảnh hưởng rất nghiêm trọng sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ ta, cũng như tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Chính vì vậy, tại các kỳ đại hội Đảng, công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đạo đức cách mạng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn của Đảng và Nhà nước ta. Từ Đại hội VI của Đảng đến nay không có nhiệm kỳ nào không có nghị quyết về xây dựng Đảng, đặc biệt, ở 3 Đại hội XI, XII, XIII đều có Nghị quyết Trung ương 4 của các khóa về việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bác Hồ quan niệm tham ô, lãng phí, quan liêu là “giặc nội xâm”, là kẻ thù của nhân dân. Người khẳng định: “Tham ô là trộm cắp. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi Việt gian, mật thám. Chống tham ô, lãng phí và quan liêu như chống “giặc ở trong lòng”. Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 2 và khoản 2 Điều 8 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”, “các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.
Do đó, việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay có tác động rất lớn đến hoạt động của tổ chức bộ máy hành chính nhà nước và mục tiêu phát triển của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Vì vậy, việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng ở các cấp, các ngành nói chung và đối với chính quyền địa phương nói riêng rất cần thiết, nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới còn nhiều bất ổn do tác động của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan. Theo đó, thời gian qua tình hình trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao, giá dầu thế giới tăng cao, đất nước vừa trải qua dịch bệnh Covid-19 vẫn còn để lại nhiều hệ lụy phức tạp, khu vực biển Đông còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, cuộc chiến tranh dành ảnh hưởng của một số nước vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, cạnh tranh thương mại của các cường quốc kinh tế ngày càng trở nên khốc liệt, thế lực thù địch vẫn luôn âm thầm tìm đủ mọi cách để gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, muốn hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, còn một số cán bộ, công chức không dám làm, không dám tham mưu, sợ trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm… Do đó, việc nâng cao kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay là vô cùng quan trọng trong việc thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Việc siết chặt kiểm soát kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ và nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của công chức là góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay nhiều cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc được giao và không thực hiện hoặc không mạnh dạn tham mưu cho cấp trên. Bên cạnh đó, vai trò người đứng đầu thiếu kiên quyết, kiên trì, tích cực làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức và chưa khắc phục hết các hiện tượng sa sút, thoái hóa về phẩm chất, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên, đặc biệt là vai trò nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị ở địa phương. Cá biệt vẫn còn hiện tượng một số người đứng đầu tổ chức chưa thật sự gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình và khi sai phạm thường viện lý do để chối tội hoặc chịu tội thay mình qua việc lấy tập thể làm bia đỡ cho quyết định sai do mình ban hành. Chính vì vậy, việc đề cao kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế của đất nước ta là rất quan trọng để hướng đến mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Tại khoản 1 Điều 4 Hiến pháp năm 2013 quy định: Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Trong Hiến pháp 2013 đã xác định địa vị pháp lý của Đảng cầm quyền trong thực hiện nhiệm vụ kiểm soát quyền lực nhà nước đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước của chính quyền với các hình thức phù hợp thể hiện thông qua việc các quy định về phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thực hiện tốt chức năng của ủy ban kiểm tra các cấp ủy đảng ở các địa phương.
Theo số liệu thống kê trong 10 năm qua từ năm 2012 đến năm 2022, các cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 19.546 vụ/33.868 bị can, truy tố 16.699 vụ/33.037 bị can, xét xử sơ thẩm 15.857 vụ/30.355 bị cáo, về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế; trong đó tội phạm về tham nhũng đã khởi tố, điều tra 2.657 vụ/5.841 bị can, truy tố 2.628 vụ/6.199 bị can, xét xử sơ thẩm 2.439 vụ/5.647 bị cáo. Riêng Ban Chỉ đạo đã đưa gần 1.000 vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế, nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo ở 3 cấp độ; trong đó có 37 bị cáo nguyên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, với mức án nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, khẳng định quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”. Bên cạnh đó, đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, cùng với việc phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế, công tác thu hồi tài sản tham nhũng có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thu hồi tài sản được nâng lên. Nếu như trước năm 2013, tỷ lệ thi hành án về tiền đối với các vụ án tham nhũng chỉ đạt dưới 10% thì giai đoạn 2012-2022 đã đạt tỷ lệ 34,7% (60.940 tỷ đồng/175.608 tỷ đồng)[1].
Đặc biệt, trong năm 2022, đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 3 Thứ trưởng và tương đương, 1 Chủ tịch Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV); các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính, thu hồi 82.560 tỷ đồng và 883 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 3.530 tập thể và 8.619 cá nhân[1].
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế đã công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng năm 2022, Việt Nam đạt 42/100 điểm, xếp hạng 77/180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 3 điểm và 10 bậc so với khảo sát năm 2021 và tăng 6 điểm, 27 bậc so với năm 2020. Cách tính điểm thì 0 điểm là mức tham nhũng cao nhất và 100 điểm là trong sạch nhất. Nhìn vào số điểm thì Việt Nam ở dưới mức trung bình, điều này chứng tỏ mức độ tham nhũng ở nước ta vẫn cao.
Việc thực hiện phòng, chống tham nhũng đối với chính quyền địa phương và một số cơ quan, đơn vị, bộ, ngành vẫn còn nhiều bất cập, thiếu hướng dẫn đồng bộ và còn nhiều văn bản chồng chéo nhau tạo nên hệ thống chói buộc nhau rất khó để thực hiện, do nội dung văn bản của bộ, ngành nào thì chỉ có bộ, ngành đó mới có thể giải thích, hướng dẫn, dẫn đến nhiều bất cập trong việc hiểu đúng cũng như áp dụng chưa thống nhất trong công việc hiện nay. Chính vì vậy, đã tạo ra lỗ hổng hệ thống để một số cán bộ trục lợi cá nhân hoặc móc ngoặc với nhau, lợi ích nhóm tạo ra cơ chế xin - cho làm cản trở sự phát triển của đất nước.
Trong khi đó, quá trình thực hiện phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương vẫn còn nhiều bất cập và chưa tận dụng tối đa tiềm lực ở chính quyền địa phương nên chưa thể kết hợp được các thế mạnh của địa phương. Bên cạnh đó, tính hiệu quả thực thi và minh bạch trách nhiệm trong giải trình vẫn còn nhiều hạn chế. Cùng với đội ngũ cán bộ, công chức đang có nhiều dấu hiệu chững lại do sợ trách nhiệm nên tìm đủ lý do để né tránh nhiệm vụ hoặc đùn đầy nhiệm vụ lên cấp trên mà chưa có biện pháp xử lý nghiêm đối với các đối tượng trên. Bởi lẽ, ở một số cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương chưa thật sự quan tâm đến hành lang pháp lý cụ thể, mà chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, vận động và kêu gọi ý thức của từng cán bộ, công chức trên tinh thần tự giác... Ngoài ra, hệ thống của thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vẫn chưa thực sự quyết liệt ở một số nơi nên vẫn còn một số tổ chức đảng, đảng viên ở một số tổ chức đảng, một số cấp chính quyền địa phương vi phạm nhưng vẫn còn xử lý chưa nghiêm minh, chưa kịp thời và chưa ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng tham nhũng, tiêu cực.
Thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, cùng với hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán.
Chính vì lẽ đó, việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay là vô cùng quan trọng, cần phải thực hiện đồng bộ một số kiến nghị sau đây:
Một là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan thanh tra chuyên ngành, Ban Nội chính và Ủy ban kiểm tra các cấp để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong thực hiện nghiêm quy định Điều lệ Đảng, các quy chế, quy định của Đảng. Tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, đồng thời, đẩy nhanh việc xây dựng thể chế về kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng đối với các cơ quan được giao nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng.
Trong đó, cần thể chế hóa Kết luận số 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung do Ban Chấp hành Trung ương đề ra, đó là: cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hai là, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng và thi hành kỷ luật đảng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên và tổ chức đảng nhằm đảm bảo minh bạch, công khai. Đồng thời, xử lý nghiêm người đứng đầu có hành vi bao che sai phạm hoặc cố ý cản trở việc xem xét xử lý kỷ luật hay cố tình cho qua các hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách.
Đồng thời, sớm hoàn thiện pháp luật đồng bộ hệ thống pháp luật nhằm giảm sự bất cập giữa các bản quy phạm pháp luật và thứ tự ưu tiên áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế các hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi lạm dụng thẩm quyền được nhà nước giao phó trong thi hành công vụ để áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật một cách tùy tiện và áp đặt ý chí cá nhân trong suy diễn các nội dung đã được quy định cụ thể trong văn bản quy phạm pháp luật.
Ba là, Đảng và Nhà nước cần xây dựng cơ chế xử lý trách nhiệm nghiêm đối với công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, địa phương. Bởi lẽ, việc tham mưu, soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật tác động rất lớn đến đời sống xã hội và người dân, dễ nảy sinh yếu tố tham nhũng chính sách. Do đó, việc xử phạt nghiêm minh đối với cá nhân và bộ phận tham mưu soạn thảo văn bản sẽ giảm bớt những sai sót, đồng thời qua đó sẽ nâng cao được nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng và thực hiện pháp luật nói chung. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng năng lực trình độ cho cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật ở cơ quan, đơn vị, các bộ, ngành và địa phương để đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tính chuyên nghiệp có đủ năng lực trình độ nhận diện vấn đề và kỹ năng, nhất là kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.
Bốn là, Đảng và Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo, giám sát các vụ án trọng điểm để đẩy nhanh tiến trình xử lý cho kịp thời nhằm để làm gương, đồng thời, cương quyết đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực nhà nước tại cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương. Kiên quyết, kiên trì xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của đội ngũ cán bộ, công chức và viên chức khi có phát hiện lỗi về hành vi vi phạm nhằm tránh việc sai phạm nhiều nhưng “xử lý qua loa” hoặc cho qua sẽ làm “nhờn” hiệu lực, hiệu quả của pháp luật và kỷ cương hành chính và quy định, Điều lệ Đảng.
Năm là, Đảng và Nhà nước cần quán triệt cụ thể, nhất quán đến từng lãnh đạo là người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương phải đặt trọng tâm đến công việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng ngay trong chính cơ quan, đơn vị do mình quản lý, đặc biệt, phải đề cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và chú trọng trách nhiệm đến công tác xử lý kỷ luật cán bộ, công chức kịp thời, nghiêm minh, đảm bảo tính thượng tôn pháp luật, công khai, minh bạch và công bằng trong việc áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Kiểm soát quyền lực nhà nước là việc vô cùng quan trọng cần phải kiên trì, kiên quyết làm thường xuyên, vì vậy, cần đẩy mạnh việc kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay là việc rất quan trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước cần quan tâm chỉ đạo và đẩy nhanh việc rà soát, phát hiện những hạn chế bất cập trong hệ thống pháp luật cũng như các thiết chế để có những bước điều chỉnh kịp thời nhằm thiết lập và tạo nên sự thống nhất, đồng bộ giữa thể chế và thiết chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc phòng, chống tham nhũng không chỉ riêng với ai mà ngay cả trong chính cơ quan được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra cũng như cá nhân người đứng đầu tổ chức.
Như vậy, có thể khẳng định pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để nhà nước quản lý xã hội và cũng giữ một vai trò quyết định đối với công tác kiểm soát quyền lực nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng tại các cơ quan, đơn vị và chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, pháp luật cũng góp phần ngăn ngừa các hành vi có thể dẫn đến vi phạm kỷ luật trong đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên, nhằm góp phần xây dựng niềm tin với nhân dân, xã hội, tổ chức và các doanh nghiệp để quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và hướng đến một nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Controlling state power in the fight against corruption
at local authorities, agencies, and units in Vietnam
Ph.D Tran Quyet Thang1
Master. Ngo Minh Quan2
1National Academy of Public Administration - The Central Region Campus
2Faculty of Constitutional Law and Administrative Law,
University of Law - Vietnam National University
Abstract:
In some localities and some agencies, units, and ministries, there are still many officials, civil servants, and public employees who are afraid of responsibility. It has an impact on the performance and efforts of organizations and municipalities to achieve their development goals. Therefore, the Communist Party of Vietnam and the Government of Vietnam have promoted control over state power in the ongoing fight against corruption to achieve the goal of building a socialist rule-of-law state by the people, by the people, and for the people. This paper analyzes the current state of power control in preventing and fighting corruption in agencies, units, and local authorities.
Keywords: controlling state power, preventing and fighting corruption, local government.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2023]
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết