Một số kinh nghiệm bước đầu trong thực hiện “mục tiêu kép”
Nam Định là tỉnh ven biển nằm ở trung tâm vùng nam đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên gần 1.700 km2, có 72km bờ biển, dân số gần 2 triệu người, gồm 9 huyện và thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, với 226 xã, phường, thị trấn. Trong những năm qua, tình hình chính trị, xã hội của tỉnh Nam Định ổn định, môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường, xây dựng nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện.
Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng trực tiếp, sâu rộng bởi đại dịch COVID-19, song kinh tế của tỉnh vẫn có sự khởi sắc, duy trì mức tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, một số chỉ tiêu kinh tế có mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 7,7%, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 14%, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt gần 2,8 tỷ USD, tăng 32,7%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.000 tỷ đồng, vượt 20% so với dự toán và tăng 22% so với năm 2020... Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện, đến nay, đã có 78/204 (38%) xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu hút đầu tư đạt kết quả khá, nhất là đầu tư trong nước, với tổng mức đầu tư trên 70 nghìn tỷ đồng (tương đương trên 3 tỷ USD). Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục ổn định và phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm; giáo dục - đào tạo tiếp tục giữ vững thành tích là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đứng thứ hai toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021, bảo đảm an toàn cho học sinh được học trực tiếp trên lớp ngay từ đầu năm học 2021 - 2022. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Từ những thành công trên, Nam Định rút ra một số kinh nghiệm bước đầu trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19:
Thứ nhất, xác định công tác phòng, chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, ưu tiên hàng đầu vì sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là lực lượng tuyến đầu, như y tế, công an, quân sự, cùng sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Tùy vào diễn biến của dịch bệnh, tỉnh đã triển khai linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp. Tỉnh chủ động chuyển trạng thái từ mục tiêu “Không COVID-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với các biện pháp cốt lõi trong phòng, chống dịch là: Cách ly hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; truy vết nhanh nhất, xét nghiệm thần tốc nhất; điều trị từ xa, từ sớm ngay tại cơ sở; thực hiện 5K + vắc-xin, thuốc điều trị + công nghệ + nâng cao ý thức người dân... Qua thực tiễn, tỉnh Nam Định nhận thấy một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công trong công tác phòng, chống dịch là xác định được vị trí, vai trò và phát huy hiệu quả hoạt động của gần 3.700 tổ công tác phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, sự đồng thuận, tích cực tham gia của từng hộ gia đình, từng người dân.
Thứ hai, việc tổ chức thực hiện luôn bám sát chỉ đạo của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ; lựa chọn đúng và tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và khâu đột phá; gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài với chỉ đạo thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt.
Thứ ba, tổ chức quán triệt, xây dựng kế hoạch và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tạo chuyển biến tích cực ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX.
Thứ tư, chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao tính chủ động, ý thức, tinh thần trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch bệnh vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường trong sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, tạo sức mạnh đồng thuận trong xã hội.
Thứ năm, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh theo phương châm: “Chống dịch để sản xuất, sản xuất để chống dịch”, bảo đảm hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng, chống dịch với các hoạt động kinh tế, chú trọng an sinh xã hội, lấy người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh làm trung tâm phục vụ, đồng thời là chủ thể tham gia phòng, chống dịch.
Thứ sáu, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư. Đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư; nâng cao chất lượng và hiệu quả, tránh hình thức, dàn trải; thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ bảy, tập trung chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các dự án đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, khu, cụm công nghiệp. Trong năm 2021, tỉnh Nam Định đã có một số công trình, dự án quan trọng được hoàn thành và đang triển khai, tạo diện mạo mới, động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của giai đoạn 5 năm 2021 - 2025; dự báo dịch COVID-19 có thể còn diễn biến phức tạp, do đó, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Nam Định tiếp tục nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt trên các lĩnh vực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục kiên trì, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11-10-2021, của Chính phủ, về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, tiến tới thực hiện Chiến lược tổng thể phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2021 - 2023. Tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở. Đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 cho nhân dân. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của các tổ chức, cá nhân, nhất là những nơi tập trung đông người, như doanh nghiệp sản xuất có đông công nhân, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh..., xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Hai là, tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Từng bước khôi phục các hoạt động kinh doanh, vận tải, du lịch, dịch vụ,… theo lộ trình, bảo đảm nguyên tắc kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Ba là, tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong thu hút đầu tư bằng một số biện pháp cơ bản, đó là: 1- Tập trung nguồn lực, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông, như: tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển,...; 2- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng “sạch” nhằm thu hút đầu tư, như Khu công nghiệp Mỹ Thuận, mở rộng Khu công nghiệp Bảo Minh, Cụm công nghiệp Yên Bằng, Thanh Côi...; 3- Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút, hỗ trợ và đồng hành cùng nhà đầu tư. Ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng, thân thiện với môi trường. Chủ động mời các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, đại sứ quán các nước, các tổ chức, hiệp hội nước ngoài tại Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về làm việc trực tiếp với tỉnh để kêu gọi, xúc tiến đầu tư.
Bốn là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Rà soát, đơn giản hóa quy trình, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra công vụ để ngăn ngừa những hiện tượng tiêu cực, sách nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Khuyến khích các doanh nghiệp đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức.
Năm là, thực hiện tốt quản lý quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập và phê duyệt các quy hoạch; sớm hoàn thành việc lập Quy hoạch tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Sáu là, thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Bảy là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Tiếp tục tăng cường thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng tuyên truyền, cổ vũ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương người tốt, việc tốt. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận chính quyền vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Nguồn: Tạp chí cộng sản
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết