TÓM TẮT:
Trong quá trình giải quyết phá sản doanh nghiệp cho thấy Luật Phá sản 2014 của Việt Nam vẫn còn những điểm chưa sát với thực tiễn, tạo ra nhiều lỗ hổng trong công tác xử lý hậu quả và tịch thu tài sản… Để có thể đưa luật đi sát vào với thực tiễn trong hoạt động phá sản tại Việt Nam, việc học hỏi, rút ra kinh nghiệm từ Luật Phá sản của các quốc gia trên thế giới là hoàn toàn cần thiết, qua đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật về phá sản doanh nghiệp.
Từ khóa: kinh nghiệm các nước trên thế giới, phá sản doanh nghiệp, kinh nghiệm cho Việt Nam.
Quy định của pháp luật hiện đại về phá sản của Pháp được đưa ra trong các luật năm 1955, năm 1967. Hiện tại, việc giải quyết phá sản ở Pháp được quy định tại Luật ngày 25/01/1985 (được sửa đổi theo Luật Phá sản ngày 20/10/1994). Một trong những đặc trưng của pháp luật phá sản hiện đại của Pháp là khuyến khích sự sống sót của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Pháp luật cũng phân biệt rõ các quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản và sự phân biệt thứ tự ưu tiên các quyền của chủ nợ đối với người mắc nợ. Pháp luật về phá sản của Pháp cũng quy định hai thủ tục: thủ tục phục hồi và thủ tục phá sản.
Một số chủ thể tham gia quản lý, thanh lý tài sản theo luật phá sản của cộng hòa Pháp được quy định cụ thể như sau: Tại Điều 9 quy định: “Từ một đến ba đại diện các chủ nợ được giao nhiệm vụ tiến hành thủ tục phục hồi doanh nghiệp hoặc thủ tục thanh lý doanh nghiệp. Những người có quan hệ họ hàng hoặc thông gia trong phạm vi bốn đời với con nợ không được bầu làm đại diện cho các chủ nợ. Thẩm phán phụ trách thủ tục xử lý phá sản doanh nghiệp, theo yêu cầu của con nợ hay các chủ nợ, hoặc có thể tự mình can thiệp đề nghị thay đổi một hoặc một số đại diện của các chủ nợ”.
Điều 13 quy định “Quyết định của tòa án về việc mở thủ tục phục hồi và thủ tục thanh lý doanh nghiệp xác định ra danh sách các chủ nợ với một người làm đại diện. Đại diện các chủ nợ là người duy nhất thay mặt các chủ nợ tham gia tố tụng và có thể ràng buộc trách nhiệm các chủ nợ…”.
Luật phá sản của Pháp quy định, ngay khi Tòa án tuyên bố mở thủ tục thanh lý doanh nghiệp hay quyết định chuyển từ thủ tục phục hồi doanh nghiệp sang thành thủ tục thanh lý doanh nghiệp thì đại diện các chủ nợ tiến hành thủ tục lập bảng tổng kết nợ đồng thời “đại diện các chủ nợ tự tiến hành bán hàng hóa và động sản của con nợ, tiến hành thu hồi các khoản nợ và thanh toán nợ của con nợ. Sau khi đã trừ đi các chi phí cần thiết do thẩm phán phụ trách thủ tục quyết định duyệt, số tiền thu được từ việc bán và thu nợ được chuyển ngay đến quỹ tiền gửi và ký thác. Đại diện các chủ nợ phải chứng thực với thẩm phán phụ trách thủ tục về các khoản tiền gửi đó;…” thủ tục thanh lý doanh nghiệp sẽ được tòa án ra quyết định tuyên bố chấm dứt (chấm dứt việc giải quyết phá sản) khi đã xử lý xong tài sản của doanh nghiệp.
Như vậy, theo pháp luật phá sản của Cộng hòa Pháp thì chủ thể tham gia quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản là đại diện các chủ nợ. Người này không phải là công chức của nhà nước, không phải là đại diện cho một cơ quan, tổ chức nào mà họ là người trong số các chủ nợ được thẩm phán chỉ định hoặc các chủ nợ lựa chọn và họ tham gia vào quá trình giải quyết phá sản từ giai đoạn đầu cho đến khi kết thúc thủ tục giải quyết phá sản doanh nghiệp.
Luật Phá sản doanh nghiệp của Liên bang Nga quy định các thủ tục gồm: Thủ tục tổ chức lại và Thủ tục thanh lý. Trong cả hai thủ tục này, Tòa án đều bổ nhiệm một người quản lý hoặc thanh lý tài sản của doanh nghiệp đang được giải quyết phá sản. Người này được gọi là quản tài viên. Ví dụ như trong thủ tục tổ chức lại: Quản tài viên có quyền quản lý và lãnh đạo doanh nghiệp, chịu trách nhiệm quản lý doanh nghiệp; Tổ chức Hội nghị chủ nợ: Bầu ủy ban chủ nợ; Phê duyệt kế hoạch quản lý tài sản của người mắc nợ; Bổ nhiệm (chỉ định một số doanh nghiệp) có nghĩa vụ chuyển tiền vào tài khoản ký quỹ tại Tòa án trọng tài; phê duyệt kế hoạch quản lý tài sản của người mắc nợ… Tùy tình hình cụ thể, quản tài viên có quyền đề nghị Tòa án trọng tài quyết định đối với doanh nghiệp như: chấm dứt quản lý tài sản và tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản; tiếp tục thực hiện quản lý doanh nghiệp; tuyên bố doanh nghiệp thoát khỏi tình trạng trên và chấm dứt quản lý tài sản của doanh nghiệp. Quản tài viên theo pháp luật phá sản của Liên bang Nga là người hành nghề độc lập, họ được hưởng thù lao khi tham gia vào quá trình giải quyết phá sản. Quản tài viên là chủ thể tham gia và chịu trách nhiệm quản lý và thanh lý các tài sản của doanh nghiệp bị phá sản từ khi được tòa án chỉ định cho đến khi kết thúc giải quyết việc phá sản.
Theo quy định của pháp luật phá sản của Nhật Bản, cùng với việc ra quyết định phá sản, Tòa án chỉ định nhân viên quản lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản. Trường hợp doanh nghiệp bị phá sản không còn tài sản thì Tòa án sẽ tuyên bố chấm dứt thủ tục phá sản ngay.
Quản lý và bán tài sản của doanh nghiệp: nhiệm vụ này do nhân viên quản lý tài sản thực hiện. Ngay sau khi được chỉ định, nhân viên quản lý tài sản sẽ đến trụ sở doanh nghiệp mắc nợ và thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản theo quyết định của Tòa án. Nếu doanh nghiệp chưa cho công nhân thôi việc thì họ sẽ cho công nhân thôi việc. Nhân viên quản lý tài sản quyết định việc bán tài sản theo thủ tục thông thường hoặc tổ chức bán đấu giá, quyết định việc dừng kinh doanh hay để doanh nghiệp mắc nợ tiếp tục kinh doanh. Tất cả tiền thu được phải gửi vào một tài khoản riêng và mục tiêu là chuyển toàn bộ tài sản của doanh nghiệp bị phá sản thành tiền để thanh toán cho giai đoạn tiếp theo. Nhân viên quản lý có quyền hủy những hành vi nhất định được thực hiện trước khi có quyết định tuyên bố phá sản mà gây thiệt hại đối với các chủ nợ.
Thanh toán khoản nợ và chấm dứt thủ tục phá sản: nhân viên quản lý tài sản sẽ thực hiện công việc này. Sau ngày kiểm tra các khoản nợ đầu tiên, người quản lý tài sản có trách nhiệm phân chia các tài sản tiền mặt của công ty bị phá sản. Sau khi thanh lý hoàn toàn, người quản lý tài sản tiến hành phân chia tài sản của công ty bị phá sản lần cuối với sự phê chuẩn của Tòa án. Sau đó, Tòa án triệu tập một cuộc họp toàn thể các chủ nợ để nhân viên quản lý tài sản trình bày về mặt tài chính. Khi giá trị của khối tài sản phá sản không đủ để trả các chi phí phá sản thì Tòa án tuyên bố chấm dứt thủ tục phá sản. Khi yêu cầu tuyên bố phá sản, Tòa án đánh giá rằng tổng tài sản phá sản sẽ không đủ chi phí thì Tòa án có trách nhiệm tuyên bố chấm dứt phá sản ngay khi quyết định tuyên bố phá sản.
Như vậy, chúng ta có thể thấy pháp luật về phá sản của Nhật Bản quy định về chủ thể quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản có một số đặc điểm sau: thứ nhất, việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản do một cá nhân thực hiện, người này được gọi là nhân viên quản lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản. Thứ hai, nhân viên quản lý tài sản là người do tòa án chỉ định, chịu trách nhiệm quản lý và thanh lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản kể từ khi tòa án ra quyết định phá sản cho đến khi tòa án tuyên bố chấm dứt thủ tục phá sản. Theo đánh giá của các chuyên gia pháp luật trong tổ chức Jica của Nhật Bản thì nhân viên quản lý tài sản của doanh nghiệp bị phá sản hành nghề với tư cách cá nhân như nghề luật sư, họ hoạt động rất hiệu quả và là một trong những nghề khá thịnh hành ở Nhật Bản.
Hiện nay ở Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thì Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2006 (LPSDN năm 2006) vẫn còn hiệu lực thi hành. Vấn đề về chủ thể thực hiện việc quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp phá sản được gọi là người quản lý và được luật quy định khá đầy đủ.
Việc tham gia của người quản lý vào quá trình giải quyết phá sản được quy định rất sớm, cụ thể Điều 13 của LPSDN năm 2006, quy định “Trường hợp Tòa án nhân dân quyết định thụ lý đơn yêu cầu phá sản thì đồng thời chỉ định người quản lý”. Như vậy, người quản lý (Quản tài viên) được tham gia ngay từ đầu của quá trình giải quyết phá sản.
Theo quy định của LPSDN năm 2006, quản tài viên ở Trung Hoa chưa được xem là một nghề độc lập, mà nhiều đối tượng có thể được Tòa án chỉ định làm quản tài viên, cụ thể tại Điều 24 quy định: “Quản tài viên có thể là một tổ thanh lý tài sản bao gồm nhân sự từ các bộ phận và tổ chức có liên quan, hoặc một công ty luật, công ty kế toán, công ty thanh lý phá sản và các cơ quan, tổ chức xã hội khác được thành lập theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp bị giải quyết phá sản, sau khi tham khảo ý kiến của cơ quan có liên quan, Tòa án nhân dân có thể chỉ định người có trình độ, kiến thức chuyên môn phù hợp làm quản tài viên”.
Tuy nhiên, quản tài viên do Tòa án chỉ định có thể bị thay thế: nếu hội nghị chủ nợ cho rằng quản tài viên không thể thực hiện nhiệm vụ của mình một cách công bằng và phù hợp với luật pháp hoặc không đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ của mình thì có thể nộp đơn yêu cầu tòa án nhân dân thay thế. Phương pháp chỉ định quản tài viên và xác định thù lao của quản tài viên do Tòa án nhân dân tối cao quy định.
Về nhiệm vụ và quyền hạn của quản tài viên thì Điều 25 LPSDN năm 2006, quy định: Tiếp quản tài sản, con dấu, sổ sách kế toán, tài liệu và các tài liệu khác của con nợ (doanh nghiệp phá sản); Điều tra tình trạng tài sản của con nợ và lập báo cáo tình trạng tài sản; Quyết định công việc quản lý nội bộ của con nợ; Quyết định chi phí hàng ngày của con nợ và các chi phí cần thiết khác; Quyết định tiếp tục hoặc ngừng hoạt động kinh doanh của con nợ trước khi cuộc họp chủ nợ đầu tiên được triệu tập; Quản lý và xử lý tài sản của con nợ; Đại diện cho con nợ trong các vụ kiện tụng, Trọng tài hoặc các thủ tục pháp lý khác; Đề nghị triệu tập hội nghị chủ nợ; Các nhiệm vụ khác mà tòa án nhân dân cho rằng quản tài viên phải thực hiện. Nếu luật này có quy định khác về nhiệm vụ của người quản lý thì các quy định đó được áp dụng.
Ngoài ra, luật còn quy định quản tài viên có thể được tuyển dụng nhân viên nếu được Tòa án đồng ý và Quản trị viên không được từ chức mà không có lý do chính đáng. Quản tài viên từ chức phải được Tòa án nhân dân chấp thuận. Đồng thời, quản tài viên phải thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của luật này, báo cáo Tòa án nhân dân và chịu sự giám sát của Hội nghị chủ nợ và Hội đồng chủ nợ (Điều 23).
Luật Phá sản của Trung Hoa cũng quy định về thủ tục tổ chức lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nếu việc phục hồi hoạt động kinh doanh không hiệu quả hoặc Hội nghị chủ nợ không thành thì căn cứ theo yêu cầu của quản tài viên Tòa án sẽ ra quyết định chấm dứt việc thực hiện phương án tổ chức lại và tuyên bố con nợ phá sản (Điều 93, 99 Luật Phá sản doanh nghiệp năm 2006). Ngoài ra, trong quá trình giải quyết phá sản, doanh nghiệp không còn tài sản để phân chia hoặc sau khi phân chia xong, quản tài viên phải kịp thời báo cáo Tòa án nhân dân về việc phân chia tài sản phá sản và trình Tòa án nhân dân ra quyết định chấm dứt thủ tục phá sản.
Sau khi có quyết định tuyên bố phá sản thì việc xử lý tài sản còn lại của doanh nghiệp do quản tài viên xây dựng kế hoạch, lên phương án và trực tiếp xử lý, cụ thể tại Điều 116 quy định: “Kế hoạch phân chia tài sản bị phá sản sẽ do quản tài viên thực hiện sau khi Tòa án nhân dân đã ra phán quyết và phê duyệt”.
Nhiệm vụ, quyền hạn của quản tài viên chấm dứt sau khi thực hiện xong việc thanh lý tài sản và xóa tên doanh nghiệp bị phá sản tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Pháp luật của mỗi nước trên thế giới có những quy định khác nhau về chủ thể quản lý tài sản phá sản. Tuy nhiên, khái quát lại có thể thấy có 2 mô hình chủ thể phổ biến là mô hình chủ thể quản lý tài sản là những cá nhân (Tín thác viên theo Luật Phá sản Hoa Kỳ, Quản tài viên theo Luật Phá sản của Thụy Điển và Latvia, quản trị viên theo Luật Phá sản Nhật Bản và Luật Phá sản Cộng hòa liên bang Nga…) và mô hình là một thiết chế tập thể (như trong pháp luật phá sản Việt Nam trước 2014 và Luật phá sản Trung Quốc). Đồng thời với mỗi mô hình, pháp luật các nước cũng trao cho chủ thế này những nhiệm vụ quyền hạn rộng hẹp khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội đặc thù của mỗi nước.
Pháp luật phá sản doanh nghiệp các nước đều thể hiện vai trò của người quản lý, thanh lý tài sản (gọi tắt là Quản tài viên) trong quá trình giải quyết việc phá sản nói chung và trong giai đoạn thi hành quyết định tuyên bố phá sản nói riêng. Qua việc tìm hiểu pháp luật phá sản của một số nước trên thế giới, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, như sau:
Thứ nhất, việc quản lý tài sản và thanh lý tài sản trong quá trình phá sản nên nghiên cứu chỉ giao cho các cá nhân hành nghề độc lập (quản tài viên), chứ không nên trao thẩm quyền cho nhiều chủ thể như quy định của Luật Phá sản năm 2014 hiện nay. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ quản tài viên theo các tiêu chí và chuẩn mực nhất định để phù hợp với hoạt động của họ.
Thứ hai, thủ tục giải quyết phá sản, kể cả thủ tục thi hành quyết định tuyên bố phá sản chỉ nên trao thẩm quyền cho một đại diện của nhà nước tham gia, quyết định đó là thẩm phán của Tòa án. Có thể thấy pháp luật phá sản của hầu hết các nước trên thế giới đều quy định thẩm phán là người trực tiếp giải quyết phá sản kể từ khi thụ lý cho đến khi chấm dứt thủ tục phá sản. Về vấn đề này, Luật Phá sản năm 2014 của Việt Nam đang có sự cắt khúc gián đoạn. Theo đó, trước khi có quyết định tuyên bố phá sản thẩm phán là người giải quyết việc phá sản. Còn sau khi có quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án, chấp hành viên lại được trao quyền thi hành quyết định này. Điều này đã gây ra không ít khó khăn, bất cập cho cả quá trình giải quyết việc phá sản.
Thứ ba, trình tự, thủ tục thanh lý tài sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản cần được quy định và áp dụng thống nhất bằng những quy định mang tính đặc thù của thủ tục phá sản để đảm bảo hiệu quả của việc giải quyết phá sản nói chung và việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản nói riêng./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Tài liệu tham khảo từ sách:
1. Quốc hội (1993), Luật Phá sản doanh nghiệp, Hà Nội.
2. Quốc hội (2004), Luật Phá sản doanh nghiệp, Hà Nội.
3. Quốc hội (2014), Luật Phá sản doanh nghiệp, Hà Nội.
4. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp, Hà Nội.
5. Liên bang Nga (2002), Luật Phá sản doanh nghiệp.
6. Hoa Kỳ (1978), Luật Phá sản doanh nghiệp.
7. Trung Quốc (1986), Luật Phá sản doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo từ tạp chí:
1. Trần Thị Tâm, Đặng Thu Hà (2013), “ Một số ý kiến về thủ tục Phá sản của Luật Phá sản hiện hành và kiến nghị hoàn thiện”, Tạp chí Tòa án nhân dân, (4), tr 25-32.
2. Nguyễn Thanh Thủy (2013), “Những khó khăn, vướng mắc và các giải pháp kiến nghị sửa đổi Luật Phá sản năm 2004”, Tạp chí Tòa án nhân dân, (16), tr 26-35.
Experience of some countries in solving corporate bankruptcy and lessons learnt for Vietnam
Master. Tran Trong Dai
Faculty of Economic Law
Abstract:
The process of solving corporate bankruptcy cases in Vietnam shows that the Law on Bankruptcy 2014 still has many regulations that are not practical and create legal loopholes in handling consequences, confiscating assets, etc. Hence, it is necessary for Vietnam to learn from the bankruptcy regulations of countries around the world, to strengthen Vietnam’s bankruptcy regulations.
Keywords: experience of countries in the world, bankruptcy of enterprises, experience for Vietnam.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14 tháng 5 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết