TÓM TẮT:
Bài viết nghiên cứu những kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế trong nền kinh tế chia sẻ, từ đó rút ra những bài học cho Việt Nam, nhằm đảm bảo tính công bằng, hiệu quả của các chính sách thuế trong thời gian tới. Việc quản lý thuế trong nền kinh tế chia sẻ thực sự đang gặp phải rất nhiều khó khăn, từ việc xác định người nộp thuế đến việc quản lý cơ sở tính thuế và thu nộp tiền thuế. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý đối với quản lý thuế trong nền kinh tế chia sẻ chưa thực sự hoàn chỉnh nếu không muốn nói là còn thiếu ở một số khía cạnh nhất định. Vì vậy, quản lý thuế trong nền kinh tế chia sẻ thực sự là một thách thức cho cơ quan thuế.
Từ khóa: kinh nghiệm quốc tế, kinh tế chia sẻ, quản lý thuế, cơ quan thuế.
Kinh tế chia sẻ (sharing economy) còn có nhiều tên gọi và khái niệm đồng nghĩa khác như: kinh tế cộng tác (collaborative economy), kinh tế theo cầu (on-demand economy), kinh tế nền tảng (platform economy), kinh tế truy cập (access economy), kinh tế dựa trên các ứng dụng di động (app economy),...
Bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ là trong đó người tham gia cùng nhau tiếp cận với sản phẩm hoặc dịch vụ hơn là sở hữu cá nhân về sản phẩm hoặc dịch vụ đó. Hiện tượng này bắt nguồn từ sự mong muốn của người tiêu dùng đang ngày càng có nhu cầu kiểm soát lượng tiêu dùng của họ, thay vì "nạn nhân thụ động" của tiêu dùng. Mô hình tiêu dùng hợp tác được sử dụng trong các thị trường trực tuyến, cũng như các lĩnh vực mới nổi như cho vay xã hội, cho thuê nhà, thuê dịch vụ du lịch, tư vấn du lịch, chia sẻ xe hơi cá nhân... Với kinh tế chia sẻ, người ta có thể cho người lạ thuê bất cứ thứ gì đang không sử dụng, thậm chí kể cả nhà máy, máy móc nông nghiệp,… thông qua các công ty kết nối bằng internet, mà bên thuê và bên cho thuê biết rõ thông tin của nhau. Với mô hình này, nhiều người sẽ không cần phải mua những thứ có thể thuê, chủ sở hữu có thể kiếm tiền từ tài sản đang tạm thời nhàn rỗi của mình, người sử dụng phải trả phí cho tài sản hoặc dịch vụ mình được sử dụng và có lợi ích được thỏa mãn từ việc sử dụng đó, các nền tảng cũng có lợi ích từ dịch vụ kết nối thông qua việc định giá hoặc thu phí của các bên còn lại. Thông qua sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ cao trong bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ngày nay, cơ sở hạ tầng cứng và hạ tầng mềm có thể đáp ứng tốt kết nối trong nền kinh tế chia sẻ. Như vậy, bản chất của mô hình kinh tế chia sẻ là một mô hình kinh doanh mới của kinh doanh ngang hàng, tận dụng lợi thế của phát triển công nghệ số, giúp tiết kiệm chi phí giao dịch và tiếp cận một số lượng lớn khách hàng thông qua các nền tảng số.
Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số đặt ra vấn đề cơ quan quản lý thuế cũng cần có sự thay đổi về tổ chức bộ máy. Một số nước thành lập có bộ phận chuyên trách về quản lý thuế thực hiện quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đối với các chủ thể kinh doanh trên nền tảng công nghệ. Chẳng hạn ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đã thành lập tổ chuyên trách quản lý thuế đối với thương mại điện tử, đối với các chủ thể kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ. Thành viên của tổ chuyên trách này gồm các nhân viên có trình độ chuyên môn kỹ thuật về công nghệ thông tin, cán bộ kiểm tra thuế. Các nhân viên này thường xuyên được đào tạo các nghiệp vụ cần thiết phục vụ cho công tác quản lý như đào tạo về phương pháp thanh tra công nghệ thông tin, phần mềm kế toán, giám sát hệ thống an ninh mạng, các vấn đề liên quan đến máy chủ, đào tạo về cơ sở dữ liệu, cũng như đào tạo về các phần mềm tin học văn phòng.
- Vấn đề quản lý người nộp thuế và xác định giao dịch chịu thuế: Một trong các nội dung cần quan tâm trong việc quản lý thuế là phải nắm được thông tin người nộp thuế. Các nước khác nhau có biện pháp khác nhau để thu thập thông tin.
Tại Hồng Kông: Để xác định các doanh nghiệp có kinh doanh dựa trên nền tảng số, Cục Thu nội địa của Hồng Kông đã lập ra một đội giám sát, định kỳ rà soát các website ở Hồng Kông. Dựa trên những thông tin liên lạc trên website, nếu cán bộ thuế phát hiện người nộp thuế tiến hành hoạt động kinh doanh mà không đăng ký, cán bộ thuế sẽ gửi công văn hoặc cử đội kiểm tra thuế đến trụ sở của người nộp thuế để nhắc nhở, yêu cầu người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ đăng ký kinh doanh. Nếu người nộp thuế vẫn tiếp tục vi phạm nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, cán bộ thuế sẽ tiến hành các bước tiếp theo, bao gồm cả việc khởi tố.
Tại Đức: Cơ quan thuế Đức sử dụng công cụ Xpider để phát hiện các website của các tổ chức và cá nhân của Đức có hoạt động kinh doanh trên nền tàng số; nhận diện các hoạt động chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế; thu thập và lưu trữ thông tin để phục vụ cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế.
Tại Mỹ: Việc thu thập thông tin người nộp thuế ở cơ quan thuế Mỹ thay vì được thực hiện bởi các cán bộ thuế thì hiện nay cơ quan thuế Mỹ đang thực hiện thuê một bên thứ ba sử dụng thành thạo các công cụ để tìm kiếm các thông tin tình báo phục vụ công tác quản lý.
- Về đơn giản hóa thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế: Một số quốc gia thành viên EU cũng đã cố gắng khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ tổng hợp thu nhập của họ từ nền kinh tế chia sẻ khi khai thuế thông qua các thủ tục đơn giản hóa hoặc các tờ khai thuế tự động "điền trước" có sẵn cho các nhà cung cấp dịch vụ. Ở Pháp, theo luật ban hành vào tháng 7 năm 2016, các nhà cung cấp nền tảng số sẽ phải thông báo cho từng cá nhân cung cấp dịch vụ trong nền kinh tế chia sẻ một bản tóm tắt hàng năm về tình hình thuế của họ, đề cập đến cách thức và số tiền họ phải khai báo với cơ quan thuế. Estonia đã thực hiện thành công việc đơn giản hóa và hợp lý hóa thu thuế. Nước này đã triển khai dịch vụ thử nghiệm để đơn giản hóa việc kê khai thu nhập cho dịch vụ đi chung xe. Theo đó, các giao dịch giữa tài xế và khách hàng được đăng ký bởi nhà cung cấp nền tảng số. Nhà cung cấp nền tảng số này sẽ gửi dữ liệu có liên quan đến mục đích thuế cho cơ quan chức năng, người ta sẽ điền trước tờ khai thuế của người nộp thuế. Ý tưởng chính là giúp người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế một cách hiệu quả và với nỗ lực tối thiểu. Estonia đang dự tính mở rộng kế hoạch này sang các loại hình kinh doanh kinh tế chia sẻ khác. Đối với giao dịch cung cấp dịch vụ trực tuyến, các nước thuộc cộng đồng chung châu Âu (EU) triển khai áp dụng cửa khai thuế mini (MOSS - Mini One Stop Shop), cho phép mọi doanh nghiệp nước ngoài (thuộc EU hoặc ngoài EU) kê khai hoạt động cung cấp dịch vụ trực tuyến cho người tiêu dùng Pháp. MOSS được triển khai áp dụng từ ngày 01/01/2015. Áp dụng MOSS có nghĩa là doanh nghiệp không cần phải đăng ký thuế với cơ quan thuế ở mọi quốc gia EU mà doanh nghiệp có hoạt động cung ứng dịch vụ. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể đăng ký thuế giá trị gia tăng (GTGT), nộp tờ khai thuế GTGT và thanh toán thuế ở một nơi duy nhất. Khi tham gia MOSS, doanh nghiệp phải áp dụng các quy tắc của MOSS cho các khách hàng của doanh nghiệp tại bất kỳ quốc gia nào tại EU mà doanh nghiệp cung ứng. Có 2 đề án thuộc chương trình MOSS, gồm: Chương trình liên minh dành cho các doanh nghiệp được thành lập tại EU, hoặc có ít nhất 1 chi nhánh có trụ sở tại 1 quốc gia EU và Chương trình phi liên minh dành cho các doanh nghiệp không được thành lập tại EU, cũng không có bất kỳ chi nhánh nào có trụ sở tại EU. Việc áp dụng MOSS là tùy chọn và đây là một biện pháp đơn giản hóa sau khi thay đổi quy tắc đánh thuế GTGT, trong đó việc cung ứng diễn ra tại quốc gia thành viên của khách hàng, không phải quốc gia thành viên của nhà cung cấp. Theo chương trình này, một doanh nghiệp khi đăng ký MOSS tại một quốc gia thành viên, sẽ nộp thuế điện tử hằng quý cho 1 MOSS khi cung ứng các dịch vụ viễn thông, phát thanh và cung cấp dịch vụ điện tử cho các đối tượng không chịu thuế ở các quốc gia thành viên khác. Các khoản thuế hoàn trả sẽ được các quốc gia thành viên nhận dạng và chuyển đến các quốc gia thành viên tiêu dùng tương ứng thông qua mạng truyền thông an toàn. Nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tham gia MOSS, doanh nghiệp sẽ được yêu cầu đăng ký thực hiện nghĩa vụ thuế tại mỗi quốc gia thành viên - nơi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Tuy nhiên, khi chọn sử dụng MOSS, doanh nghiệp nước ngoài phải áp dụng chương trình này ở tất cả các quốc gia thành viên thuộc EU.
- Về thu nộp thuế: Bên cạnh việc đơn giản hóa thuế và minh bạch hóa, để khuyến khích nộp tờ khai thuế, thì một cách khác nhằm giảm trốn thuế trong nền kinh tế chia sẻ, đó là sự hợp tác giữa nhà cung cấp nền tảng số và cơ quan thuế. Nhà cung cấp nền tảng số sẽ tiến hành thu thuế dựa trên thỏa thuận ký kết với cơ quan thuế. Trên thực tế điều này đã được thực hiện ở một số thành phố trong bối cảnh của Airbnb. Chẳng hạn, ở Amsterdam, các nhà chức trách đã ký một thỏa thuận với Airbnb để thu thuế du lịch. Tương tự, Airbnb đã nhiều lần hợp tác với chính quyền địa phương trên toàn thế giới bao gồm Lisbon và Paris ở châu Âu, để thu và nộp thuế lưu trú. Liên quan đến thuế GTGT, trang web Airbnb quy định rằng Airbnb thu thuế này ở tất cả các quốc gia thành viên EU đối với các dịch vụ được cung cấp thông qua nền tảng số. Chẳng hạn, ở Hy Lạp, Airbnb thu thuế GTGT 5% mỗi đêm.
- Về thanh tra, kiểm tra thuế: Với tính chất hoạt động của kinh doanh dựa trên nền tảng số, có thể phát sinh rủi ro người nộp thuế không tuân thủ, do vậy cơ quan thuế rất chú trọng đến thanh tra và kiểm tra thuế. Hàn Quốc xây dựng Trung tâm Chống trốn thuế công nghệ cao thuộc Cục thuế vùng Seoul nhằm thực hiện điều tra các trường hợp trốn thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Trung tâm này có 30 cán bộ, trong đó có 15 cán bộ thông tin có trình độ cao. Các Cục thuế vùng còn lại có 8 cán bộ công nghệ thông tin chuyên trách hỗ trợ. Trung tâm chống trốn thuế công nghệ cao có nhiệm vụ phát hiện các trường hợp trốn thuế và thu thập chứng cứ để đấu tranh yêu cầu người nộp thuế phải thực hiện nghĩa vụ thuế. Ngoài việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để tăng cường tính tuân thủ của người nộp thuế thì cơ quan thuế cũng cần có những xử phạt nhất định đối với các trường hợp vi phạm pháp luật thuế hoặc trốn/tránh thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Ở Đài Loan, cơ quan thuế Đài Loan dành sự quan tâm sâu sắc đối với các giao dịch xuyên biên giới trong thương mại điện tử. Trong năm 2015, cơ quan thuế Đài Loan đã xử phạt Công ty Agoda (đại lý du lịch trực tuyến - là công ty liên kết của công ty có trụ sở chính tại Singapore) với mức 20 triệu Đài tệ (khoảng $ 620,000) do trốn/tránh thuế thu nhập doanh nghiệp và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Từ nghiên cứu kinh nghiệm ở nước ngoài liên quan đến quản lý thuế trong nền kinh tế chia sẻ, chúng tôi rút ra một số bài học mà Việt Nam có thể nghiên cứu và vận dụng như sau:
Thứ nhất: Hoàn thiện quy định pháp luật làm cơ sở nhận diện các giao dịch thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế.
Quy định về pháp luật là nền tảng căn bản nhất để có thể thực hiện quản lý thuế trong nền kinh tế chia sẻ. Do nền kinh tế chia sẻ có những đặc trưng khác biệt, liên quan đến các giao dịch xuyên biên giới nên việc xác định cơ sở thường trú là vấn đề rất quan trọng. Cơ sở thường trú (CSTT) của một tổ chức nước ngoài được nhiều quốc gia xác định dựa vào nơi đặt máy chủ điều hành các giao dịch. Nhưng thực tiễn đã cho thấy một số quốc gia không quan tâm đến vị trí máy chủ trong giao dịch xuyên biên giới, bởi nơi đặt máy chủ chưa chắc chắn sẽ tạo nên một CSTT, điều hành quản lý căn cứ vào nơi thực hiện các giao dịch và đã đem lại những kết quả tích cực trong quản lý. Với điều kiện hiện nay của Việt Nam, kinh nghiệm của Israel và Trung Quốc có thể được áp dụng nhằm tạo cơ sở pháp lý trong xác định các giao dịch thuộc phạm vi điều chỉnh của thuế Việt Nam. Đặc biệt vấn đề quản lý các giao dịch dựa trên nền tảng số của Trung Quốc là một kinh nghiệm hay cần học tập, theo đó Việt Nam cần nghiên cứu triển khai áp dụng trong tương lai gần trong quản lý các luồng tiền ra, vào lãnh thổ Việt Nam, từ đó có đầu mối tập trung thông tin phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động xuyên biên giới theo hướng hiệu quả hơn.
Thứ hai: Thành lập một bộ phận chuyên trách để quản lý thuế đối với hoạt động dựa trên nền tảng số tại cơ quan thuế.
Việc thành lập một bộ phận riêng biệt để quản lý thuế đối với các hoạt động dựa trên nền tảng số có thể dẫn đến việc tăng chi phí quản lý cho ngành Thuế. Tuy nhiên, do những khác biệt trong hoạt động kinh doanh dựa trên nền tảng này cần thiết phải có một bộ phận chuyên trách để quản lý. Bộ phận này có thể không cần tách riêng mà chỉ là một tổ chuyên trách bao gồm các nhân viên am hiểu về công nghệ thông tin, về phần mềm kế toán, kiến thức về thuế và kỹ năng thanh tra, kiểm tra như mô hình của Hàn Quốc. Các nhân viên này phải được cập nhật thường xuyên các kỹ năng và kiến thức về kinh tế số, kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử để có thể đưa ra các quyết định quản lý phù hợp và kịp thời.
Thứ ba: Đơn giản hóa thủ tục thực hiện nghĩa vụ thuế, bao gồm cả khâu kê khai và nộp thuế. Nên áp dụng quy trình đơn giản, riêng biệt, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế.
Có thể lựa chọn phương án quy định bắt buộc các nhà cung cấp nền tảng số khấu trừ thuế đối với cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ, hoặc có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan thuế với nhà cung cấp nền tảng số để nắm bắt được thu nhập của các cá nhân tham gia cung cấp dịch vụ.
Thứ tư: Chú trọng nâng cao tính tuân thủ người nộp thuế gắn với quy định cụ thể về nghĩa vụ thuế của người nộp thuế và chế tài xử lý.
Để nâng cao tính tuân thủ người nộp thuế cần chú trọng nâng cao chất lượng công tác thanh tra và kiểm tra từ việc lựa chọn đối tượng và các thao tác thực hiện. Thanh tra, kiểm tra trong nền kinh tế chia sẻ có nhiều khác biệt so với thương mại truyền thống, nên cần có nhiều kỹ năng và biện pháp nghiệp vụ thích hợp để phát hiện được các sai phạm của người nộp thuế, góp phần nâng cao hơn tính tuân thủ của người nộp thuế. Theo đó, cần tăng cường tập huấn, đào tạo cán bộ thuế về các kỹ năng thanh tra, kiểm tra trên máy tính, phương pháp truy tìm, khắc phục các dữ liệu nhằm phục vụ cho công tác quản lý thuế đối với các giao dịch trong nền kinh tế chia sẻ. Đặc biệt, sự hỗ trợ tích cực, phối hợp thực hiện của các cán bộ công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, cần có những chế tài xử phạt nghiêm đối với các đối tượng không thực hiện đúng nghĩa vụ thuế, nhằm có tác động răn đe mạnh mẽ đối với người nộp thuế khi đang có ý định muốn trốn/tránh thuế số thuế phải nộp.
Thứ năm: Chú trọng đến khâu thu thập thông tin liên quan đến người nộp thuế.
Đặc thù của nền kinh tế chia sẻ là có sự tham gia của nhiều người, số đối tượng quản lý của cơ quan thuế rất lớn, rủi ro gian lận, không tuân thủ cao. Do vậy, muốn quản lý người nộp thuế tốt, cơ quan thuế phải có cơ sở dữ liệu. Cơ quan thuế cần có bộ phận chuyên tìm kiếm thông tin liên quan đến người nộp thuế, hoặc mua tin của các nhà cung cấp dịch vụ có uy tín.
Quản lý thuế trong nền kinh tế số nói chung, nền kinh tế chia sẻ nói riêng luôn là một thách thức đối với các nhà quản lý ở giai đoạn hiện nay. Bài viết đã tổng hợp về kinh nghiệm quản lý thuế trong nền kinh tế chia sẻ của một số quốc gia trên thế giới và rút ra các bài học có thể vận dụng ở Việt Nam. Điều này không chỉ đảm bảo cho nguồn thu để Nhà nước thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, mà còn hỗ trợ tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, đồng thời góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển bền vững và cải thiện cuộc sống của người dân trong thời gian tới.
Lời cảm ơn:
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong đề tài mã số: DT23-24.106.
Tài liệu tham khảo:
1. Phạm Nữ Mai Anh (2020). Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử ở Việt Nam. Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Tài chính.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Dự thảo báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế, Hà Nội, tháng 11/2020.
3. Bộ Tư pháp - Trường Đại học Luật, Thành phố Hồ Chí Minh (2020). Tài liệu hội thảo: Một số vấn đề pháp lý và quản trị trong mô hình kinh tế chia sẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 10/2020.
4. Trần Thị Hằng (2019). Phát triển kinh tế chia sẻ tại Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và một số khuyến nghị. Tạp chí Khoa học và Công nghệ, số 54/2019.
5. Lê Xuân Trường (2016). Giáo trình Quản lý thuế. Học viện Tài chính, Nhà xuất bản Tài chính.
6. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin - Tư liệu (2018). Chuyên đề số 14: Quản lý nhà nước trong nền kinh tế chia sẻ, Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý cho Việt Nam.
7. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Trung tâm Thông tin - Tư liệu (2018). Chuyên đề số 7: Thực trạng kinh tế chia sẻ ở Việt Nam, Kiến nghị và giải pháp quản lý nhà nước.
8. Lucien Rigaux (2016). Sharing Economy: A New Challenge for the Tax Systems in the European States?. EMLE Master Thesis.
9. Pantazatou (2018). Taxation of the Sharing Economy in the European Union, Forthcoming in the Cambridge Handbook of Law and Regulation of the Sharing Economy. Davidson, Infranca and Finck (eds.), CUP 2018.
10. Wawan Juswanto và Rebecca Simms (2017). Fair Taxation on the Digital Economy. Asian Development Bank Institute, no. 2017-5 (December).
International experiences in managing taxes
from the sharing economy and lessons for Vietnam
PhD. To Van Tuan1
MA. Nguyen Thi Ha1
1Vietnam Maritime University
ABSTRACT:
This study explored international experiences in managing taxes from the sharing economy, thereby drawing lessons for Vietnam to ensure the fairness and effectiveness of tax policies in the coming time. The management of taxes in the sharing economy is facing many difficulties, from identifying taxpayers to managing the tax base to collecting and paying taxes. Besides, the legal corridor for tax management in the sharing economy is not really complete; it even lacks regulations in certain aspects. Therefore, tax management in the sharing economy is really a challenge for tax agencies.
Keywords: international experience, sharing economy, tax management, tax agency.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 8 tháng 4 năm 2024]
Nguồn: Tạp chí công thương
Đề tài Nghiên cứu về việc xây dựng các trung tâm chi phí nhằm kiểm soát chi phí của các bộ phận trong Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp do TS. Đinh Thị Kim Xuyến (Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Chuỗi cung ứng hạt điều xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh thực thi hiệp định CPTPP do Hoàng Minh Tuấn (Trường Đại học Đại Nam) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024, với nhiều quy định mới, trong đó quy định về “Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng”.
Xem chi tiếtĐề tài Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về giám sát các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực tài chính và đề xuất một số giải pháp cho Việt Nam do ThS. Nguyễn Ngọc Hà (Khoa Kinh tế Quốc tế, Học viện Ngoại giao) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tác động của thay đổi mức lương tối thiểu đối với thị trường lao động tại Việt Nam do TS. Cao Văn Trường (Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết