(CHG) Cụm liên kết ngành kinh tế biển nhằm phát huy hiệu quả, có sức cạnh tranh hội nhập cao gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển từng khu vực vùng biển, ven biển là mục tiêu của Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, cụm liên kết kinh tế biển phía Bắc lấy Hải Phòng – Quảng Ninh làm trọng tâm phát triển.
Hải Phòng – Quảng Ninh làm trọng tâm phát triển kinh tế biển phía Bắc
Mục tiêu phát triển cụm liên kết ngành biển ở phía Bắc
Theo Đề án phát triển cụm liên kết ngành biển ở phía Bắc (thuộc vùng biển và ven biển: Quảng Ninh – Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình) với khu vực trọng điểm phát triển ở Hải Phòng – Quảng Ninh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á. Phát triển những lĩnh vực ưu tiên như sau:
Về cảng biển quốc tế, vận tải biển viễn dương, trong nước và dịch vụ hàng hải, dịch vụ logistics đa phương thức với trung tâm là khu cảng Lạch Huyện – Đình Vũ (Hải Phòng) – Yên Hưng – Cái Lân – Cẩm Phả (Quảng Ninh). Hình thành khu công nghiệp cao, khu thương mại, khu trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế ở khu vực thành phố Hải Phòng – Hạ Long phát triển thành trung tâm dịch vụ hàng hải, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực kinh tế biển và thương mại, tài chính quốc tế.
Công nghiệp đóng tàu container, tàu hàng trọng tải lớn, tàu biển chuyên phục vụ kinh tế, quốc phòng, công nghiệp cơ khí chế tạo máy, công nghiệp ô tô, công nghiệp công nghệ cao sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông với trung tâm là khu vực Bắc Hải Phòng – Nam Quảng Ninh; công nghiệp dệt may, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng xuất khẩu tập trung ở Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định.
Du lịch biển đảo hình thành các khu du lịch quốc tế hóa cao ở Quảng Ninh (Vân Đồn, Vịnh Hạ Long) phát triển thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn. Liên kết phát triển vùng du lịch Cát Bà – vịnh Hạ Long – Bái Tử Long – Vân Đồn thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, du lịch di sản thiên nhiên biển đảo có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương.
Nuôi trồng hải sản, thủy sinh vật biển và nghề cá ứng dụng công nghệ hiện đại gắn với tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản với trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá vùng biển ở Hải Phòng. Hình thành các khu căn cứ dịch vụ trên biển, dịch vụ hậu cần nghề cá, cơ sở kinh tế lưỡng dụng ở các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vỹ.
Tại Hội thảo “Phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" được tổ chức tại Nam Định đã đánh giá thực trạng, những thành tựu đạt được, các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng.
Tại hội nghị, các nghiên cứu đã đưa ra những cơ hội, thách thức trong phát triển kết cấu hạ tầng và kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng trong giai đoạn mới. Định hướng và các giải pháp chủ yếu về phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế biển vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo cho rằng, cần tiếp tục xây dựng khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng trở thành trung tâm kinh tế biển. Trong đó, Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới. Hải Phòng trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần cảng biển quốc tế, trung tâm nghề cá lớn gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ.
Đồng thời, phát triển chế biến thủy sản, nuôi trồng thủy sản ven bờ và xa bờ ở cả Quảng Ninh và Hải Phòng. Phát triển kinh tế biển vùng nam đồng bằng sông Hồng cần được kết nối không gian với trung tâm phát triển kinh tế ở tiểu vùng Hải Phòng – Quảng Ninh, và hành lang kinh tế Đông – Tây với các tuyến kinh tế trọng điểm ở Bắc Trung Bộ.
Với những thế mạnh địa lý và tiềm lực kinh tế sẵn có, Hải Phòng – Quảng Ninh sớm đã có sự hợp tác trong nhiều lĩnh vực để tăng cường thúc đẩy phát triển kinh tế của cả hai tỉnh.
Tàu du lịch quốc tế neo đậu tại cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: baoquangninh.com.vn
Hải Phòng – Quảng Ninh hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế
Hải Phòng và Quảng Ninh đặt ra vấn đề hợp tác, liên kết từ rất sớm. Năm 2009, tỉnh Quảng Ninh và TP. Hải Phòng đã ký kết chương trình hợp tác, phối hợp mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, cụ thể hóa các nghị quyết của trung ương.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Hải Phòng và Quảng Ninh đều đứng nhất nhì cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP trong năm 2021 (Hải Phòng 12,38%, Quảng Ninh 10,28%). Cả hai bên đều tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, là động lực tăng trưởng kinh tế với các dự án công nghệ cao tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hải Phòng hiện có 12 khu công nghiệp đang hoạt động (tỷ lệ lấp đầy trung bình hơn 62%), thu hút nhiều dự án trọng điểm lớn như: khu công nghiệp VSIP, Tràng Duệ, Nam Đình Vũ, Nomura… Quảng Ninh có 7 khu công nghiệp sẵn sàng hạ tầng, trong đó có khu công nghiệp Đông Mai, Sông Khoai, Đầm Nhà Mạc đều nằm trong bán kính 20-30km tới cảng Đình Vũ, sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Quảng Ninh là địa phương duy nhất có biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, đặc biệt là các cặp cửa khẩu quốc tế song phương.
Tháng 10/2021, Quảng Ninh khởi công dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại thành phố Móng Cái, tương lai cùng với cảng Hải Phòng tạo thành nhóm cảng biển là cửa ngõ xuất nhập khẩu cho cả nước và khu vực ASEAN.
Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn đặt vấn đề hợp tác phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, du lịch… Những cây cầu mới như Bến Rừng, Lại Xuân sẽ sớm được khởi công xây dựng, góp phần liên kết nội vùng, liên vùng với các vùng đồng bằng sông Hồng.
Hai địa phương cũng thúc đẩy có hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng dịch vụ logistics, khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, như Cảng hàng không quốc tế Cát Bi – Cảng Hải Phòng – Cảng Lạch Huyện – Cảng Cái Lân – Càng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Hệ thống cảng biển sẽ tiếp tục liên kết với tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái. Hàng hóa sẽ được vận chuyển đường bộ đến cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Hoành Mô.
Theo liên kết đó, Hải Phòng là cảng đích của các hãng tàu biển cập cảng làm thủ tục hải quan, kiểm định quốc tế, các doanh nghiệp vận tải đường bộ nhận container vận tải qua Quảng Ninh.
Sự liên kết hợp tác phát triển công nghiệp giữa Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ đóng góp vai trò rất lớn trong việc thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo vào khu vực phía Bắc, hình thành các chuỗi cung ứng.
Việc phát triển hạ tầng giao thông tại Hải Phòng và Quảng Ninh cũng sẽ hình thành các tuyến đường huyết mạch, tăng khả năng kết nối vận chuyển nguyên liệu và linh kiện phục vụ sản xuất công nghiệp cho các địa phương, cũng như xuất khẩu hàng hóa từ các địa phương khác qua hệ thống cảng biển.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hai địa phương vẫn cần phải có sự hợp tác hơn nữa để khai thác các tiềm năng của địa phương. Quan trọng hơn nữa là cần có mối liên kết chặt chẽ mang tính tổng thể để làm thành những chuỗi cung ứng liên hoàn giữa các dịch vụ. Như vậy mới tạo thành một khối phát triển bền vững trong tương lai.
(Còn tiếp)
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết