(CHG) Khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng kinh tế - xã hội đã và đang trở thành đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế. Theo Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển, gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 của Chính phủ, miền Trung có 3 cụm liên kết ngành kinh tế biển thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Kinh tế miền Trung chờ cơ hội phát triển mới.
Bức tranh về kinh tế khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Ngày 12/9, Hội thảo Phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra tại Hà Nội đã đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những nút thắt có tính vùng, liên vùng về phát triển kinh tế biển, đề xuất các cơ chế chính sách nhằm khai thông, bổ sung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Ngày 16/8/2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 39-NQ/TW nhằm định hướng cho phát triển Vùng và là căn cứ, cơ sở để Chính phủ cùng các Bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khơi dậy nguồn lực và phát huy lợi thế, tiềm năng cho phát triển vùng và các địa phương để thực hiện mục tiêu: “Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ sớm tiến kịp các vùng khác trong nước và trở thành một đầu cầu lớn của cả nước trong giao lưu, hợp tác kinh tế quốc tế; cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân trong Vùng; hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng của thiên tai; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái”.
Sau hơn 18 năm thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW, với sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt và nguồn lực đầu tư của Trung ương cùng sự chủ động, nỗ lực cố gắng vươn lên của các địa phương trong Vùng, việc phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Một số tiềm năng, lợi thế của vùng được khai thác và phát huy hiệu quả, đời sống của nhân dân trong vùng không ngừng được cải thiện. Một số địa phương đã bứt phá, vươn lên và trở thành các điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước: Kinh tế vùng tăng trưởng đạt 7,3%/năm trong giai đoạn 2005 - 2020, cao hơn trung bình cả nước; quy mô kinh tế vùng được mở rộng, đạt 1.157 nghìn tỷ đồng vào năm 2020, chiếm 14,53% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 56,91 triệu đồng/người/năm.
Chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện với đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt 38,25% giai đoạn 2013 - 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách và công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đạt được nhiều kết quả. Kết cầu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Hệ thống đô thị ven biển, khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp được hình thành và dần trở thành động lực phát triển…
Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội vùng còn nhiều tồn tại, hạn chế và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn phát triển dưới mức trung bình cả nước. Tăng trưởng kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư từ ngân sách nhà nước và vốn FDI. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng còn chậm, chưa có sự đột phá, quy mô công nghiệp còn nhỏ và có tốc độ tăng trưởng công nghiệp thấp.
Đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển còn hạn chế, các trung tâm logistics, cảng cạn ICD phát triển chậm. Tốc độ đô thị hóa, chất lượng đô thị thấp và thiếu liên kết. Môi trường đầu tư kinh doanh một số địa phương cải thiện chậm, doanh nghiệp chủ yếu quy mô nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp…
Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nhiệm vụ được Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 đặt ra cho vùng là: “Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ. Cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp lọc hóa dầu, luyện kim, sản xuất, lắp ráp ô tô.
Phát triển nhanh, đồng bộ năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Tăng cường liên kết vùng, tiếp tục hình thành, phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế.
Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông - Tây; phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Nâng cao năng lực phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại của thiên tai, bão lũ, hạn hán; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chống sa mạc hóa, sạt lở bờ sông, bờ biển”.
Bên cạnh đó, cần làm rõ được tiềm năng, lợi thế cũng như vị trí, vai trò, chức năng của từng địa phương trong tổng thể Vùng và của Vùng trong tổng thể quốc gia. Đây là căn cứ, cơ sở quan trọng giúp Ban Chỉ đạo đề xuất các định hướng lớn cho phát triển Vùng thời gian tới.
Đặc biệt, tập trung làm rõ về thuận lợi, khó khăn trong tổ chức triển khai các quy hoạch; thực hiện các cơ chế, chính sách và bố trí nguồn lực cho vùng và các địa phương, nhất là trong phát triển kinh tế biển, phát triển các khu kinh tế biển, khu công nghiệp, phát triển đô thị, phát triển năng lượng tái tạo, hạ tầng giao thông liên vùng, phát triển du lịch, phát triển các chuỗi sản xuất, cung ứng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Hội thảo Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát triển kinh tế biển khu vực miền Trung
Theo Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển, gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030, tại khu vực miền Trung sẽ có 3 cụm liên kết ngành kinh tế biển thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
Cụ thể, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Bắc Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình) với khu vực trọng điểm phát triển là ven biển Nghệ An - Hà Tĩnh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế.
Liên kết phát triển các trung tâm du lịch biển Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An - Bắc Hà Tĩnh; phát triển Quảng Bình là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản thiên nhiên thế giới (Phong Nha Kẻ Bàng) có tầm quốc tế cao trong khu vực.
Đề án vừa được phê duyệt cũng cho biết, phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Trung Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) với khu vực trọng điểm phát triển ở Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Điểm nhấn của cụm liên kết này chính là sự phát triển vùng du lịch ven biển Nam Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Bắc Quảng Nam là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản văn hóa thế giới có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương.
Phát triển các trung tâm du lịch đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam); hình thành khu du lịch quốc tế hóa cao ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) phát triển là trung tâm du lịch đảo có tầm quốc tế.
Bên cạnh 2 cụm liên kết nêu trên thì đề án vừa được phê duyệt cũng đã xác định việc phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ (thuộc vùng biển và ven biển Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận) với khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á.
Đáng chú ý, tại cụm liên kết này, du lịch biển đảo phát triển các khu du lịch, đô thị du lịch biển có mức độ quốc tế hóa cao, liên kết các cơ sở du lịch biển với các cơ sở du lịch di sản, di tích văn hóa ven biển với trung tâm dịch vụ du lịch ở thành phố Nha Trang, thành phố Quy Nhơn.
Tại đây sẽ hình thành các khu trung tâm thương mại miễn thuế cho khách du lịch. Đồng thời khu đô thị du lịch biển quốc tế ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên phát triển là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, thám hiểm biển có tầm quốc tế cao ở châu Á Thái Bình Dương.
Đề án cũng xác định việc phát triển các cơ sở dịch vụ du lịch huyện đảo Trường Sa là trung tâm du lịch đảo xa bờ.
(Còn tiếp)
(CHG) TS. Nguyễn Thanh Mai, Trưởng bộ môn Kỹ năng tham gia giải quyết vụ án hình sự, Học viện Tư pháp, đã có những phân tích sâu sắc về hành vi khách quan của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cũng như những “vùng trống” pháp lý còn tồn tại trong Bộ luật Hình sự hiện hành.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/2025, tại Hà Nội, Tạp chí điện tử Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại (CHG) đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật nhân kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để tri ân, ôn lại truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng, đồng thời khẳng định vai trò, sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của Tạp chí trong công cuộc phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và buôn lậu trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 21/6/1925, tờ báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập đã chính thức ra đời, đánh dấu sự khai sinh của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Từ đó đến nay, 100 năm đã trôi qua, một thế kỷ của bản lĩnh, dấn thân, sáng tạo và đồng hành cùng dân tộc. Nhìn lại chặng đường vẻ vang ấy, chúng ta không chỉ tri ân những người làm báo qua các thời kỳ mà còn thấy rõ vai trò của báo chí trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và chấn hưng đất nước trong thời kỳ mới.
Xem chi tiết(CHG) Năm 2025 đánh dấu một cột mốc lịch sử đặc biệt: tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trên hành trình một thế kỷ đồng hành cùng sự nghiệp cách mạng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc, báo chí cách mạng Việt Nam không chỉ là “vũ khí tư tưởng” sắc bén, mà còn là tuyến đầu trong nhiều cuộc đấu tranh không tiếng súng. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại và buôn lậu ngày càng tinh vi, báo chí tiếp tục phát huy vai trò tiên phong, trở thành cánh tay nối dài của các lực lượng chức năng, cùng xã hội xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Xem chi tiết(CHG) Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế, xã hội TP HCM chiều 5/6/2025, câu phát biểu ngắn gọn nhưng đầy trăn trở của ông Nguyễn Quang Huy, Chi cục phó Quản lý thị trường TP HCM đã gây chú ý mạnh mẽ trong dư luận: “Nhiều tiểu thương coi tiền phạt như một phần chi phí kinh doanh”.
Xem chi tiết