Kỳ 4: Cụm liên kết ngành kinh tế biển Bắc Trung Bộ - tạo khối liên kết bền vững để phát triển


(CHG) Khu Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh thuộc vùng biển và ven biển Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình với khu vực trọng điểm phát triển là ven biển Nghệ An – Hà Tĩnh gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm cỡ quốc tế.

Cụm liên kết ngành kinh tế biển Bắc Trung Bộ - tạo khối liên kết bền vững để phát triển

Trung tâm kinh tế biển tầm cỡ quốc tế

Theo Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030 của Chính phủ, miền Trung có 3 cụm liên kết ngành kinh tế biển thuộc khu vực Bắc Trung bộ, Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ. Trong đó, Bắc Trung Bộ sẽ là khu vực phát triển những ngành, lĩnh vực ưu tiên dựa vào thế mạnh địa lý và cơ sở sẵn có của cả ba tỉnh.

Cảng biển xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa ở cửa ngõ Vịnh Bắc Bộ và các dịch vụ vận tải biển, dịch vụ logistics liên vùng, quốc tế với trung tâm là khu cảng biển Vũng Áng – Cửa Lò, hình thành khu chế xuất, khu đô thị công nghiệp công nghệ cao, trung tâm logistics quốc tế gắn với cảng biển.

Ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sản xuất hàng điện tử, dệt may xuất khẩu, công nghiệp luyện cán thép, công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô tập trung ở Nghệ An - Hà Tĩnh, hình thành khu công nghệ cao ở khu vực thành phố Vinh; công nghiệp lọc hóa dầu, hóa chất ở Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An; công nghiệp năng lượng tái tạo ở ven biển Quảng Bình – Hà Tĩnh.

Du lịch ven biển phát triển các trung tâm, khu du lịch biển có sức hấp dẫn cao đối với khách quốc tế. Liên kết phát triển các trung tâm du lịch biển Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An, Nam Nghệ An – Bắc Hà Tĩnh; phát triển Quảng Bình là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển và du lịch di sản thiên nhiên thế giới (Phong Nha Kẻ Bàng) có tầm quốc tế cao trong khu vực.

Phát triển nghề cá xa bờ và nuôi trồng thủy sản ven biển tập trung vào các sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ chế biến xuất khẩu với trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển ở Nghệ An, Quảng Bình.

Tiềm năng và lợi thế của liên kết Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh

Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm và hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nhận định rằng 3 tỉnh hoàn toàn có thể liên kết thành một khối phát triển vùng dựa trên những thế mạnh địa lý và cơ sở hạ tầng hiện có.

Ảnh minh họa

Về địa lý, 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có diện tích tự nhiên 33.604 km2, chiếm 10,1% diện tích cả nước, quy mô GRDP năm 2021 khoảng 459,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5% GDP cả nước. Đây cũng là vùng có vốn văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng lâu đời; là cầu nối quan trọng giữa Bắc Bộ với duyên hải Trung Bộ. Đây cũng là cửa ngõ thông thương ra biển gần nhất của khu vực phía Tây Tây Bắc nước ta, các tỉnh Trung - Thượng Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Ba tỉnh đều có hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ các loại hình và các trục giao thông quan trọng như quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ ven biển, đường sắt Bắc Nam, Cao tốc Bắc Nam, cảng nước sâu Nghi Sơn, cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương, cảng hàng không quốc tế Vinh và Thọ Xuân, các cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Nậm Cắn, Na Mèo,… có thể vừa đảm bảo phát triển kinh tế vừa đảm bảo an ninh quốc phòng của đất nước.

Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh có đủ 3 vùng địa lý là trung du miền núi; đồng bằng và ven biển với tài nguyên đa dạng, phong phú, tạo điều kiện phát triển đa ngành, đa lĩnh vực cả về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. 3 tỉnh đều có tiềm năng phát triển các ngành sản xuất quy mô lớn, cung cấp hàng hóa cho cả nước và hướng tới xuất khẩu; nổi trội về kinh tế biển, kinh tế rừng và di sản văn hóa.

Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh đều có bờ biển dài 321km với nhiều bãi biển đẹp như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm... có di sản Thành nhà Hồ và nhiều di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử để tạo đà cho phát triển du lịch.

Hoạt động liên kết vùng giữa 3 tỉnh ngày càng được quan tâm, phát triển trên nhiều lĩnh vực và đạt được kết quả không nhỏ.

Về nông, lâm nghiệp, thủy sản, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã hợp tác, liên kết trong quản lý, bảo vệ rừng, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh, thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới 3 tỉnh đã có sự chia sẻ kinh nghiệm, học tập lẫn nhau trong xây dựng nông thôn mới.

Về phát triển công nghiệp, thương mại, các tỉnh đã tập trung các ngành, lĩnh vực có thế mạnh như công nghiệp lọc hóa dầu, sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện, chế biến gỗ và thủy điện. Các khu kinh tế ven biển như Nghi Sơn, Vũng Áng được ưu tiên đầu tư gắn với phát triển cảng nước sâu Nghi Sơn và cảng nước sâu Vũng Áng. Ngành Công thương các tỉnh cũng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại giữa các tỉnh nhằm liên kết khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương.

Về phát triển dịch vụ, 3 tỉnh cùng hợp tác với Quảng Bình xây dựng các hành trình du lịch trải nghiệm, di sản văn hóa kết hợp nghỉ dưỡng tại những địa điểm như Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Thành nhà Hồ, khu di tích Lam Kinh, khu di tích Kim Liên, khu di tích Đại thi hào Nguyễn Du, chùa Hương Tích…

Về cơ sở hạ tầng, 3 tỉnh đã chủ động đầu tư vốn, nâng cấp các tuyến đường giao thông, tạo sự kết nối liên thông giữa các tỉnh. Đồng thời, đầu tư nguồn lực để từng bước đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu kinh tế ven biển; cảng biển và khu neo đậu, hậu cần nghề cá. Cảng Nghi Sơn, cảng Cửa Lò, cảng Sơn Dương - Vũng Áng đã được đầu tư hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu thông thương hàng hóa của doanh nghiệp địa phương.

Tuy nhiên, 3 tỉnh còn gặp những bất lợi về thời tiết, về sự đồng thuận nhịp nhàng trong chính sách quản lý, sự thu hút và phân bổ nguồn lực hợp lý cho các dự án. Ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng, trong thời gian tới, 3 tỉnh cần tập trung vào phát triển một số lĩnh vực trọng điểm:

Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, sản xuất tập trung, chuyên canh quy mô lớn dọc tuyến đường TP. Hồ Chí Minh, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của các địa phương, kết hợp phát triển nông nghiệp với du lịch.

Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp xi măng, sắt, thép, nâng cao chất lượng, hạ giá thành, tạo thương hiệu sản phẩm để cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường. Phát triển các sản phẩm có thế mạnh là du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch di sản, tiến tới hình thành các cụm du lịch giữa các địa phương với các sản phẩm đa dạng.

Phát triển cảng biển với trọng tâm là nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cảng hiện có, mở mới các tuyến vận tải đường biển qua cảng để nâng cao năng lực bốc xếp, thông quan hàng hóa, liên kết với các cảng biển lớn ở các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam để chia sẻ nguồn hàng cũng như giảm ùn tắc tại các cửa biển lớn.

Phát triển thủy sản, khai thác xa bờ, đầu tư hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú tàu thuyền, hình thành các khu đô thị nghề cá, tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi, bám biển. Đẩy mạnh các dự án nuôi trồng thủy sản, chế biến thủy sản lớn, có tính liên kết vùng, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với ngư dân.

3 tỉnh cũng cần tạo cơ chế liên kết huy động nguồn lực giữa các tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và đẩy mạnh xúc tiến đầu tư đa phương, hướng đến mục tiêu xây dựng cụm kinh tế biển Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh phát triển đồng bộ, bền vững.

Ngày 14/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 462/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là tiền đề để 03 tỉnh triển khai thực hiện những dự án phát triển kinh tế vùng.

(Còn tiếp)

Còn lại: 1000 ký tự
Cơ cấu lại ngành công nghiệp vùng Đông Nam Bộ theo tinh thần Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị

CHG - Là vùng kinh tế năng động, sáng tạo, đi đầu trong sự nghiệp đổi mới, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm… cho cả nước, vùng Đông Nam Bộ trở thành “đầu tàu” phát triển kinh tế của cả nước nói chung và ngành công nghiệp nói riêng. Thời gian tới, cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu để tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh là định hướng phát triển quan trọng để ngành công nghiệp của vùng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Xem chi tiết
Cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng - Từ lý luận đến thực tiễn

Bài báo nghiên cứu "Cơ cấu tổ chức và nhân lực hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong Học viện Ngân hàng - Từ lý luận đến thực tiễn" do Đỗ Huyền Linh (Học viện Ngân hàng) thực hiện.

Xem chi tiết
TP. Hồ Chí Minh: Doanh nghiệp kêu cứu vì bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua liên tục bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm kính mắt nhãn hiệu Phoenix.

Xem chi tiết
Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ đổi mới (kỳ 2)

​CHG - Trong giai đoạn tới, tuy còn nhiều biến động về địa - chính trị, nhưng xu thế chung là khoa học - công nghệ trên thế giới sẽ phát triển rất nhanh cùng với toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển của các quốc gia. Các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tăng cường liên kết, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, nhất là trong thương mại, đầu tư, nhân lực, khoa học - công nghệ. Tình hình này đòi hỏi Đảng ta tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, hành động quyết liệt, năng động và sáng tạo, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để lãnh đạo phát triển kinh tế, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

Xem chi tiết
Việc thừa nhận tư cách pháp lý cho luật sư robot - góc nhìn của các quốc gia và thực tiễn tại Việt Nam

Đề tài Việc thừa nhận tư cách pháp lý cho luật sư robot - góc nhìn của các quốc gia và thực tiễn tại Việt Nam do Thái Lâm Ngọc (Sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3