Kỳ vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc sẽ đột phá hơn về mọi mặt


(CHG) Chiều 23/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đang thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 22-24/6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol 

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính chào mừng Tổng thống Yoon Suk Yeol, Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Hàn Quốc thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam; đánh giá chuyến thăm mang ý nghĩa quan trọng, diễn ra ngay trong năm đầu tiên hai nước triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện, thể hiện sự coi trọng cao của Chính phủ Hàn Quốc và của cá nhân Tổng thống Yoon Suk Yeol đối với quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc; khẳng định Việt Nam nhất quán coi trọng quan hệ với Hàn Quốc, mong muốn cùng Hàn Quốc đưa khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước phát triển với tầm nhìn xa hơn và mục tiêu cao hơn.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ vui mừng gặp lại Thủ tướng Phạm Minh Chính sau cuộc gặp nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản tháng 5 vừa qua; chúc mừng những thành tựu phát triển mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua; nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc hết sức coi trọng quan hệ Hàn Quốc- Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác hợp tác trọng tâm của Hàn Quốc tại khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Yoon Suk Yeol bày tỏ vui mừng và hài lòng về những bước phát triển thực chất trong quan hệ hai nước, đặc biệt là việc hai bên đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện tháng 12/2022 dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. 
Hai bên đã trao đổi về các biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quốc phòng-an ninh, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, lao động, khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân và các lĩnh vực hợp tác khác.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới phục hồi chậm, tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức và trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hai bên nhất trí cùng nỗ lực nâng cao hiệu quả hợp tác cùng có lợi, bổ sung thế mạnh lẫn nhau, trọng tâm là tạo bước chuyển lớn về chất trong hợp tác kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên triển khai hiệu quả các hiệp định thương mại tự do song phương (VKFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), qua đó hoàn thành mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào thời gian sớm và hướng tới mục tiêu 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.
Thủ tướng đề nghị Hàn Quốc tiếp tục mở cửa hơn nữa cho hàng hóa thế mạnh của Việt Nam như nông thủy hải sản, trái cây theo mùa; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Hàn Quốc; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên, như phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao, chất bán dẫn, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, xây dựng các tổ hợp sản xuất công nghiệp chuyên sâu theo chuỗi giá trị. 
Thủ tướng hoan nghênh doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia và các dự án BOT xây dựng nhà máy nhiệt điện, điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Việt Nam; đề nghị Hàn Quốc tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đầu tư sang Hàn Quốc; tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến chiến lược cho xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) Hàn Quốc và khuyến khích chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam; đồng thời, đề nghị mở rộng giao lưu thế hệ trẻ hai nước; tăng cường hợp tác giữa các địa phương và người dân hai nước, qua đó góp phần phát triển toàn diện quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc.
Tổng thống Yoon Suk Yeol bày tỏ tán thành cao với ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính; khẳng định Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam; đề nghị hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, mong Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, cơ sở hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh; tạo điều kiện để công dân Hàn Quốc du lịch, làm ăn, sinh sống tại Việt Nam;
Ủng hộ mở rộng quy mô cơ sở giáo dục của Hàn Quốc tại Việt Nam; tăng cường giao lưu thế hệ trẻ hai nước; khẳng định Hàn Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Việt Nam sang Hàn Quốc học tập trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến, khoa học công nghệ hiện đại, qua đó góp phần phát triển hơn nữa quan hệ hai nước thời gian tới.

Hai bên nhất trí cùng nỗ lực nâng cao hiệu quả hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, hai bên nhất trí cùng nỗ lực nâng cao hiệu quả hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ ASEAN-Hàn Quốc, Mekong-Hàn Quốc; phối hợp để Việt Nam hoàn thành vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc nhiệm kỳ 2021-2024; chia sẻ tầm nhìn chung về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; duy trì môi trường hòa bình, ổn định, trật tự pháp lý và giải quyết các tranh chấp trên biển bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm các quyền, lợi ích chính đáng của các quốc gia phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982).
Trước đó, vào chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Tổng thống Yoon Suk Yeol đã dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc tổ chức tại khách sạn Marriott Hà Nội.

Tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng hợp tác kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc sẽ đột phá hơn về mọi mặt

Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc năm 2023 nhằm hướng tới 30 năm quan hệ mới, Chiến lược hợp tác công nghiệp Việt - Hàn trong tương lai. Đồng thời, tập trung vào hợp tác chuỗi giá trị toàn cầu (GVC), chuyển đổi kỹ thuật số (DX) và chương trình hành động chống biến đổi khí hậu.

Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hàn Quốc. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và khoảng 500 doanh nghiệp, gồm khoảng 300 doanh nghiệp Hàn Quốc, 200 doanh nghiệp Việt Nam cùng tham dự Diễn đàn. Hàng trăm doanh nghiệp Hàn Quốc (bao gồm lãnh đạo của 5 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc) tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Đây là số doanh nghiệp đông nhất trong các chuyến thăm nước ngoài gần đây của Tổng thống Hàn Quốc.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho rằng, điều cấp bách nhất là hai nước cần nâng cao hơn nữa hoạt động giao thương, đưa kim ngạch thương mại song phương lên 150 tỷ USD vào năm 2030. Hai nước cần mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực khác, đồng thời gỡ bỏ mọi rào cản quá trình này. Ông hy vọng, doanh nghiệp hai nước sẽ có nhiều dự án hợp tác với nhau.
Ông Yoon Suk Yeol cũng cho biết, Hàn Quốc sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Điều này đòi hỏi những động thái, chiến lược hết sức cụ thể. Việt Nam và Hàn Quốc đang là những nước được hưởng lợi ích từ tự do thương mại và hai bên cần thúc đẩy điều này, đồng thời tăng cường hợp tác về các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, năng lượng tái tạo.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm và Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cảm ơn những chia sẻ thẳng thắn, chân thành của các doanh nghiệp Hàn Quốc về tình hình kinh doanh tại Việt Nam và cam kết đầu tư ở Việt Nam trong những lĩnh vực mới. Đây chính là minh chứng rõ nét cho sự đồng hành, tin cậy, thấu hiểu và chia sẻ của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với Việt Nam trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, quyết tâm vượt qua khó khăn để phát triển.
"Cách đây 30 năm, chúng ta không thể hình dung được quan hệ hai nước sẽ đạt được thành quả ngày hôm nay và tôi mong muốn thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cùng lớn lên với sự phát triển của hai đất nước, hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư sẽ có đột phá hơn về mọi mặt, đạt kết quả gấp 3, 4 lần những kết quả đã đạt được hiện nay vào dịp hai nước kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao, xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, góp phần giúp quan hệ hai nước ngày càng đơm hoa kết trái", Thủ tướng chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Việt Nam rất hoan nghênh sự tham gia tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Hàn Quốc. Định hướng thu hút đầu tư hiện nay của Việt Nam là có chọn lọc, ưu tiên các lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu, phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Theo đó, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam các lĩnh vực tiềm năng như đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, công nghệ sinh học, điện tử, bán dẫn, năng lượng sạch, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao… Đặc biệt, Thủ tướng mong các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường đầu tư các lĩnh vực công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí. Đây cũng là những lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh và sự hợp tác này có tính bổ trợ, cùng nhau cùng phát triển. 
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển. Càng khó khăn, thách thức, càng phải đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ.
Thủ tướng đề nghị các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc trong thời gian tới tiếp tục mở rộng đầu tư, xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, góp phần cùng Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

 

Nguồn: chinhphu.vn

Còn lại: 1000 ký tự
Ngành Công Thương khẳng định vị thế trụ cột của nền kinh tế trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong những năm qua đã đóng góp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển của ngành Công Thương, thực hiện tái cấu trúc công nghiệp và thương mại. Giai đoạn 2021-2030, mục tiêu KHCN ngành Công Thương sẽ phát triển thực sự trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền công nghiệp quốc gia hiện đại, góp phần tích cực phát triển thương mại theo hướng tăng trưởng nhanh và bền vững.

Xem chi tiết
Chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga và một số gợi mở cho Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Chức năng giám sát của Tòa án trọng tài nhà nước đối với các Tòa án trọng tài ngoài nhà nước ở Liên bang Nga và một số gợi mở cho Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Huyền Trang (Giám đốc Công ty Luật Viên An, Luật sư, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Bảo Ngọc (Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sạch trong công nghiệp

Đề tài Giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sạch trong công nghiệp do ThS. Vũ Phương Lan (Khoa Công nghệ Hóa - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội ) thực hiện.

Xem chi tiết
Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

Đề tài Hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 do ThS. Lê Thị Diễm Phương (Giảng viên Khoa Luật Dân sự, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Bài nghiên cứu "Kiểm tra, giám sát của hệ thống chính trị nhằm đấu tranh phòng, chống tham nhũng" do ThS. Trần Tường Thụy (Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3