(CHG) Trong bối cảnh mới, phát triển bền vững là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, thực hiện hoạt động logistics xanh trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, logistics xanh là một khái niệm tương đối mới mẻ.
TÓM TẮT
Trong bối cảnh mới, phát triển bền vững là xu thế tất yếu của mọi quốc gia, thực hiện hoạt động logistics xanh trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết. Tại Việt Nam, logistics xanh là một khái niệm tương đối mới mẻ. Khái niệm, bản chất logistics xanh là gì và các nhân tố tác động tới quá trình thực hiện hoạt động logistics xanh chưa được hiểu một cách đầy đủ và chính xác. Dẫn tới quá trình thực hiện hoạt động logistics xanh tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trên cơ sở dữ liệu thứ cấp từ các tài liệu nghiên cứu, báo cáo về logistics xanh tại Việt Nam, bài viết tổng hợp và trình bày một số nội dung lý thuyết quan trọng về logistics xanh, đồng thời đưa ra một số nhận định về thuận lợi và khó khăn khi thực hiện hoạt động logistics xanh tại Việt Nam.
Từ khóa: logistics xanh, phát triển bền vững, thúc đẩy.
1. Đặt vấn đề
Logistics được coi là yếu tố quan trọng quyết định việc thúc đẩy dòng chảy của toàn bộ các giao dịch kinh tế đặc biệt là hoạt động thương mại hàng hóa và dịch vụ. Nhận thức được tầm quan trọng của logistics, Chính phủ ra Nghị định số 200/QĐ-TTG, đặt mục tiêu tăng tốc độ tăng trưởng của dịch vụ logistics lên 15-20% và gia tăng mức đóng góp của logistics vào GDP từ 8-10%. Tuy nhiên, sự phát triển của các hoạt động logistics gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Theo Doherty và Hoyle (2009), hoạt động logistics nói chung gây ra khoảng 5,5% lượng khí nhà kính. Riêng tại Việt Nam, vận tải đường bộ chiếm hơn 95% tổng lượng khí thải ra môi trường từ hoạt động vận chuyển hàng hóa. Thực hiện các hoạt động logistics xanh là xu hướng tất yếu và cấp bách. Để có thể thực hiện logistics xanh một cách hiệu quả, trước hết cần hiểu rõ về bản chất cũng như vai trò của logistics xanh. Từ đó, bài viết đưa ra một số đánh giá về cơ hội, cũng như thách thức của việc thực hiện hoạt động logistics xanh tại Việt Nam.
2. Phương pháp nghiên cứu
Do giới hạn về mặt tiếp cận dữ liệu cũng như thời gian thực hiện, phương pháp nghiên cứu áp dụng trong bài là nghiên cứu tại bàn (desk research) với nguồn dữ liệu chủ yếu là dữ liệu thứ cấp. Cụ thể, dữ liệu được tập hợp và thu thập từ các bài báo khoa học được đăng trong các tạp chí in và tạp chí điện tử trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng dữ liệu từ báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường, các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Các thông tin, dữ liệu chủ yếu được tìm kiếm thông qua mạng internet, kho tàng thông tin khổng lồ và dễ dàng tiếp cận giúp tích kiệm thời gian nhưng vẫn đảm bảo tin cậy. Toàn bộ dữ liệu được kiểm tra, phân loại theo các tiêu thức lần lượt là tính phù hợp với mục tiêu và nội dung nghiên cứu; tính chính xác và tính thời sự của dữ liệu; từ đó lựa chọn những dữ liệu hữu ích, có độ tin cậy cao nhất phục vụ cho nghiên cứu.
3. Tổng quan về logistics xanh
3.1. Khái niệm và mục tiêu logistics xanh
Thuật ngữ “logistics xanh” hay các thuật ngữ tương tự như “logistics bền vững”, “logistics xanh bền vững” lần đầu tiên được đưa ra vào những năm 1980. Kể từ đó, theo nhiều cách tiếp cận khác nhau, các tổ chức và các nhà nghiên cứu đề cập tới nhiều khái niệm, thuật ngữ khác nhau về logistics xanh. Theo Kutkaitis, Župerkienė (2011), logistics xanh là hệ thống logistics mà năng lượng được tiêu dùng hiệu quả và giảm tác hại đến môi trường nhưng vẫn gia tăng hiệu quả lao động và tính cạnh tranh. Guochuan (2010) định nghĩa logistics xanh là hệ thống các hoạt động logistics được tạo ra để đồng thời đáp ứng nhu cầu, sở thích của con người và tuân theo xu hướng phát triển bền vững. Tại Việt Nam, trong Báo cáo logistics Việt Nam 2022, đã đưa ra khái niệm về logistics xanh: “Logistics xanh là hoạt động logistics hướng tới các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường”.
Như vậy, xét về bản chất, logistics xanh tập trung nhấn mạnh vào những nỗ lực và biện pháp nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động logistics để đạt tới sự cân bằng bền vững giữa các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường (Hình 1, Sbihi & Eglese, 2010).
Theo khung phát triển logistics xanh bên trên, logistics xanh chi phối đồng thời cả 3 mục tiêu vĩ mô là kinh tế, xã hội và môi trường. Mục tiêu môi trường tập trung vào giảm ô nhiễm thông qua hạn chế sử dụng các loại nhiên liệu hóa thạch bằng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo thay thế. Mục tiêu xã hội hướng tới việc giảm tai nạn, giảm sự tắc nghẽn do số lượng phương tiện tham gia giao thông. Và cuối cùng, mục tiêu kinh tế, thực hiện logistics xanh giúp giảm tổng khối lượng năng lượng cần sử dụng nhờ các biện pháp như tối ưu hóa lộ trình, áp dụng công nghệ thông tin trong tính toán…
3.2. Mô hình áp dụng logistics xanh tại cấp độ doanh nghiệp
Dựa theo nghiên cứu của Aidas và cộng sự (2013), quy trình thực hiện hoạt động logistics xanh tại doanh nghiệp bao gồm 5 bước được mô tả chi tiết trong Hình 2.
Toàn bộ quá trình tổ chức triển khai áp dụng hoạt động logistics xanh tại cấp độ doanh nghiệp chịu tác động của 2 nhóm yếu tố chính.
- Yếu tố bên trong: bao gồm nguồn nhân lực, quy định thể chế của công ty, năng lực về công nghệ kỹ thuật và các yếu tố kinh tế vi mô khác.
- Yếu tố bên ngoài: bao gồm các yếu tố về pháp luật và chính trị, xã hội, môi trường và yếu tố khoa học - kỹ thuật.
3.3. Vai trò của logistics xanh
3.3.1. Giảm phát thải khí nhà kính
Vai trò đầu tiên và được đánh giá quan trọng nhất của logistics xanh chính là giảm phát thải khí nhà kính. Theo nghiên cứu của Cơ quan năng lượng quốc tế IEA (2021), có đến 37% lượng khí thải nhà kính toàn cầu do vận chuyển - một trong các hoạt động logistics cơ bản nhất, gây ra.
Sử dụng các loại nhiên liệu thân thiện với môi trường hay tăng cường sử dụng các phương tiện chạy bằng động cơ điện giúp cắt giảm đáng kể lượng khí carbon thải ra ngoài môi trường. Cụ thể, xe điện có thể giúp giảm 37% - 83% lượng phát thải khí carbon (Yoann Gimbert, 2022).
3.3.2. Đáp ứng quy định và mục tiêu của Chính phủ
Tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp quốc năm 2021 (COP26), gần 150 quốc gia đã cam kết sẽ không còn phát thải khí nhà kính vào năm 2050. Bên cạnh đó, các quốc gia cũng đồng thời cam kết thực hiện các hoạt động bảo vệ rừng và sử dụng đất, chuyển đổi và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo. Để thực hiện được các cam kết, tuyên bố nêu trên, các chính phủ từng bước xây dựng chương trình hành động và đưa ra các quy định cụ thể để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chung tay thực hiện. Trong đó, hoạt động logistics xanh được coi là một trong các xu hướng và nhu cầu tất yếu.
Cụ thể, thông qua việc thắt chặt các quy định chính sách về môi trường, xả thải, hay áp thuế carbon, Chính phủ thúc đẩy và đồng thời tạo sức ép để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi theo hướng phát triển bền vững, áp dụng rộng rãi các hoạt động logistics xanh. Một trong các công cụ hiệu quả và được nhiều chính phủ áp dụng nhất hiện tại chính là thuế carbon.
3.3.3. Giúp đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt hơn
Ngày nay, nhờ sự phát triển của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông, việc tiếp cận thông tin của khách hàng về sản phẩm, công ty trở nên đơn giản và nhanh chóng. Nhận thức của người tiêu dùng về bảo vệ môi trường cũng được gia tăng. Theo báo cáo của IBM Research Insights (2020), 57% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi thói quen mua hàng thương mại điện tử để giúp giảm tác động đến môi trường. Hay theo khảo sát của DHL, 50% khách hàng phản hồi rằng những quan ngại về môi trường ảnh hưởng tới quyết định mua sắm của họ. Như vậy, thực hiện logistics xanh sẽ giúp gây dựng hình ảnh tốt đẹp của doanh nghiệp và có tác động tích cực đến sự hài lòng, gia tăng mức độ thỏa mãn của khách hàng.
3.3.4. Thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp
Như đã phân tích bên trên, thực hiện logistics xanh giúp các tổ chức doanh nghiệp đạt lợi ích kinh tế từ các chính sách, quy định hỗ trợ của Chính phủ. Đồng thời, theo DHL, 88% khách hàng có xu hướng trung thành hơn với những doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Như vậy, logistics xanh đóng góp cho sự tăng trưởng doanh thu bền vững của doanh nghiệp. Từ góc độ chi phí, hoạt động logistics xanh giúp giảm thiểu chi phí năng lượng, tối ưu hóa toàn bộ các hoạt động giúp giảm tổng chi phí logistics của doanh nghiệp.
3.4. Một số hoạt động logistics xanh phổ biến
3.4.1. Vận tải xanh
Vận tải xanh được thực hiện thông qua 2 cách thức phổ biến:
- Thay thế các loại phương tiện sử dụng động cơ đốt trong sang các loại phương tiện sử dụng năng lượng điện hoặc hybrid. Một số công nghệ sản xuất phương tiện mới hiện nay có chức năng thu giữ carbon còn dư trong xe thay vì phát thải ra ngoài.
- Sử dụng nhiên liệu sinh học và các loại nhiên liệu bền vững (được sản xuất từ các nguồn khác nhau như dầu ăn đã qua sử dụng, phế thải nông nghiệp hay chất thải rắn tại đô thị,..) trong vận tải.
Ngoài ra, vận tải xanh còn bao gồm các hoạt động tối ưu hóa khả năng chuyên chở của phương tiện và lộ trình vận chuyển nhờ áp dụng công nghệ, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong giao hàng chặng cuối.
3.4.2. Kho bãi xanh
Kho bãi xanh là ý tưởng cho rằng khi tái cơ cấu và tiến hành đầu tư đúng cách cho các trung tâm phân phối, nhà kho sẽ giúp giảm lượng khí thải carbon. Cụ thể, doanh nghiệp thực hiện đầu tư vào trang thiết bị sử dụng công nghệ mới hoặc năng lượng tái tạo trong nhà kho, trung tâm phân phối. Ví dụ như việc sử dụng hệ thống chiếu sáng thân thiện với môi trường hơn bằng cách thay thế các bóng đèn huỳnh quang bằng bóng đèn đi-ốt phát quang (LED) sẽ làm giảm lượng điện tiêu thụ điện tới 75%. Hay lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mái nhà sẽ giúp tạo ra điện năng tự nhiên để sử dụng trong chính hoạt động của nhà kho, trung tâm phân phối.
3.4.3. Bao bì, đóng gói xanh
Theo ước tính, trung bình có tới 7 loại vật liệu khác nhau được sử dụng trong quá trình đóng gói hàng hóa, trong đó, loại vật liệu nhựa chiếm đến 95% tổng giá trị bao bì đóng gói, nhưng chỉ có 14% trong số đó được tái chế, theo báo cáo chung của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Quỹ Ellen MacArthur (2016). Những năm gần đây, với sự gia tăng của thương mại điện tử, việc sử dụng các loại bao bì nhựa đóng gói càng trở nên phổ biến và khó kiểm soát. Thực hiện logistics xanh, các loại vật liệu mới thân thiện với môi trường được nghiên cứu và đưa vào sử dụng nhiều hơn. Quy cách đóng gói hàng hóa cũng thay đổi để tích kiệm lượng vật liệu, bao bì cần sử dụng.
4. Cơ hội và thách thức của hoạt động logistics xanh ở Việt Nam
4.1. Cơ hội
4.1.1. Quy định và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ
Là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu, Việt Nam nhận thức rõ ràng về tính nghiêm trọng cũng như tính cấp thiết của hoạt động bảo vệ môi trường và đặc biệt là giảm phát thải khí nhà kính. Thực hiện cam kết sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), chính phủ Việt Nam đẩy mạnh thực hiện xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải CO2. Đánh giá chung, Đảng và Chính phủ Việt Nam cũng như các cơ quan chức năng thực sự dành sự quan tâm và ưu tiên hàng đầu cho hoạt động phát triển bền vững, trong đó có phát triển logistics xanh thông qua việc ban hành nhiều văn bản pháp luật, chính sách có liên quan nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi.
4.1.2. Nhận thức của doanh nghiệp
Theo khảo sát của Ban biên tập Báo cáo logistics Việt Nam 2022, tỷ lệ các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm cả các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics dành mối quan tâm rất lớn tới hoạt động logistics xanh và bền vững. Hơn 73,2% số công ty được khảo sát cho biết công ty đã đưa logistics xanh vào trong chiến lược kinh doanh của công ty. Đây là minh chứng cụ thể và rõ ràng về tầm nhận thức của các doanh nghiệp về vai trò của logistics xanh trong phát triển bền vững.
4.1.3. Nhận thức của người tiêu dùng
Những năm gần đây, nhận thức của người tiêu dùng tại Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực. Người tiêu dùng gia tăng nhận thức và ưu ái hơn việc tiêu dùng hàng hóa, sản phẩm được cung cấp nhờ sử dụng dịch vụ logistics xanh. Do khách hàng là mục tiêu cuối cùng của mọi chuỗi cung ứng sản phẩm, nên sự chuyển biến thái độ của người tiêu dùng về logistics xanh là động lực mạnh mẽ thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện hoạt động logistics xanh. Cũng theo khảo sát của Báo cáo logistics Việt Nam 2022, có trên 30% khách hàng đồng tình với việc sử dụng các loại phương tiện, nhiên liệu, vật liệu thân thiện với môi trường, trên 10% khách hàng sẵn sàng trả thêm tiền để được sử dụng dịch vụ logistics xanh.
4.2. Thách thức
4.2.1. Hạn chế về nguồn lực
Thách thức của việc áp dụng hoạt động logistics tại Việt Nam hiện nay là hạn chế về nguồn lực: cả nguồn lực tài chính và nguồn nhân lực.
Khả năng tài chính của doanh nghiệp là yếu tố bên trong có tác động lớn nhất tới quá trình phát triển logistics xanh của doanh nghiệp, với mức điểm trung bình 4.24/5 (Theo khảo sát của Báo cáo logistics Việt Nam 2022). Tính đến năm 2022, có 98% số doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên hạn chế về nguồn lực tài chính là điều hoàn toàn dễ hiểu. Để tiến hành phát triển hoạt động logistics xanh, các doanh nghiệp sẽ cần vốn đầu tư trong quá trình mua mới trang thiết bị công nghệ, tái cơ cấu lại các hoạt động vốn có. Khó khăn về tài chính tác động trực tiếp cản trở việc áp dụng logistics xanh.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực logistics chất lượng cao tại Việt Nam còn thiếu hụt nghiêm trọng. Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành Logistics của nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó đòi hỏi khoảng 200.000 nhân lực logistics chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.
4.2.2. Cơ sở hạ tầng logistics
Xét về các yếu tố bên ngoài, cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam được đánh giá là yếu tố gây khó khăn lớn nhất cho phát triển hoạt động logistics xanh tại Việt Nam. Cụ thể, mặc dù cơ sở hạ tầng logistics tại Việt Nam đã được đầu tư nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề như chất lượng đường, cảng, bến tàu xe vẫn chưa đảm bảo, quy hoạch và xây dựng mạng lưới giao thông chưa tối ưu dẫn tới hạn chế hiệu quả của các hoạt động logistics. Tình trạng số lượng tham gia vào hệ thống giao thông quá tải gây tắc nghẽn tại nhiều tuyến đường, bến cảng vẫn thường xuyên xảy ra, đặc biệt trong các khoảng thời gian cao điểm.
Về hệ thống công nghệ thông tin phục vụ logistics, mức độ áp dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp còn thấp, hệ thống chưa đồng bộ, gây chậm trễ trong quá trình xử lý thực hiện hoạt động logistics.
4.2.3. Hạn chế về quy định, chính sách
Chính phủ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam rất nỗ lực trong việc đưa ra các quy định, chính sách hỗ trợ cho hoạt động logistics xanh. Tuy nhiên, thực tế quá trình áp dụng và thực thi các quy định còn gặp nhiều vướng mắc do chồng chéo chức năng nhiệm vụ giữa các cơ quan chức năng.
Bên cạnh đó, trong các hoạt động logistics, vận tải có xu hướng được quan tâm nhiều hơn, trong khi đó về bản chất, các hoạt động logistics chức năng khác như kho bãi, hệ thống công nghệ thông tin logistics cũng có vai trò rất quan trọng và có mối quan hệ chặt chẽ. Vì vậy, việc chỉ tập trung thúc đẩy một loại hình hoạt động logistics trong khi còn hạn chế về các loại cơ sở hạ tầng logistics khác dẫn đến tình trạng thiếu đồng bộ trong việc áp dụng và thực hiện logistics xanh. Đặc biệt, những quy định về việc tái chế, sửa chữa và phục hồi chất thải; tái chế và phát triển bao bì thân thiện môi trường và quảng bá sử dụng các nguồn tài nguyên tái tạo còn hạn chế.
5. Kết luận
Trong khuôn khổ diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2022 được tổ chức với chủ đề “Logistics xanh”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển bền vững của toàn ngành. Thông qua bài nghiên cứu, tác giả tiến hành hệ thống hóa cơ sở lý thuyết quan trọng về logistics xanh: khái niệm, mục tiêu, mô hình áp dụng logistics xanh cấp độ doanh nghiệp, cũng như một số hoạt động logistics xanh phổ biến. Từ đó, một số nhận định về các yếu tố tạo điều kiện thuận lợi và gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động xanh tại Việt Nam cũng đã được trình bày trong bài. Hiểu rõ ràng hơn về logistics xanh và những thuận lợi cũng như khó khăn của việc thực hiện hoạt động này tại Việt Nam sẽ giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị chu đáo, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển hơn nữa hoạt động logistics xanh tại Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Doherty, S.; Hoyle, S., (2019). Supply Chain Decarbonization: The Role of Logistics and Transport in Reducing Supply Chain Carbon Emissions. World Economic Forum: Geneva, Switzerland.
IBM, (2022). Meet the 2020 consumers driving change. Institute for Business value
IEA, (2023). Transport Improving the sustainability of passenger and freight transport. Link: https://www.iea.org/topics/transport
Nguyễn Minh Phong, (2022). Dấu ấn tích cực trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Báo Chính phủ. Link: https://baochinhphu.vn/dau-an-tich-cuc-tren-hanh-trinh-doi-moi-va-hoi-nhap-quoc-te-cua-viet-nam-102220110083625022.htm
Nhật Dương, (2022). Nhân lực logistics của Việt Nam vừa thiếu vừa yếu. Link: https://vneconomy.vn/nhan-luc-logistics-cua-viet-nam-vua-thieu-vua-yeu.htm
SAP, (2023). Green logistics: What is it and why it matters. Link: https://www.sap.com/insights/green-logistics.html
Vasiliauskas, A. V., Zinkevičiūtė, V., & Šimonytė, E. (2013). Implementation of the concept of green logistics reffering to it applications for road freight transport enterprises. Business: Theory and Practice, 14(1), 43-50.
Yoann Gimbert, 2022. How clean are electric cars?. Link: https://www.transportenvironment.org/discover/how-clean-are-electric-cars/
Green logistics in Vietnam: Opportunities and challenges
Master. Pham Thu Trang
Thuongmai Universsity
Abstract:
In the new context, sustainable development is an inevitable trend for all countries. Implementing green logistics activities becomes more urgent and necessary than ever. In Vietnam, green logistics is a relatively new concept. Many people have not fully understood the concept and nature of green logistics, and the factors affecting the implementation of green logistics activities. As a result, there are many challenges to the implementation of green logistics activities in Vietnam. By analyzing secondary data from researches and reports on green logistics in Vietnam, this paper summarizes and presents some important theoretical contents about green logistics, and points out advantages and disadvantages for the implementation of green logistics activities in Vietnam.
Keywords: green logistics, sustainable development, promoting.
Nguồn: Tạp Chí Công Thương
0