Tóm tắt:
Ngày 20/9/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có rất nhiều nội dung mới về xử lý kỷ luật đối với viên chức. Bài viết này góp phần làm rõ một số khía cạnh cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời làm rõ một số điểm mới về vấn đề kỷ luật đối với viên chức.
Từ khóa: viên chức, trách nhiệm kỷ luật.
Trách nhiệm kỷ luật là trách nhiệm pháp lý áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức do vi phạm kỷ luật, vi phạm quy tắc hay nghĩa vụ trong hoạt động công vụ hoặc vi phạm pháp luật mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Trách nhiệm kỷ luật cũng có thể hiểu là hình thức trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm kỷ luật của Nhà nước. Đó là các hành vi vi phạm kỷ luật lao động, học tập, công tác… được đề ra trong nội bộ cơ quan, tổ chức và phải chịu một hình thức kỷ luật nhất định theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm kỷ luật của viên chức hình thành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc trong hoạt động nghề nghiệp của mình được phân công hoặc khi viên chức có hành vi vi phạm pháp luật khác gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật đối với viên chức.
Như vậy, trách nhiệm kỷ luật của viên chức được hiểu là hậu quả pháp lý bất lợi do chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với viên chức vi phạm quy định pháp luật, điều lệ, đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm pháp luật khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công việc trong hoạt động nghề nghiệp của mình, làm ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân theo quy định Luật Viên chức và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật (Điều 2 Luật Viên chức năm 2010).
Cơ sở pháp lý để truy cứu trách nhiệm của viên chức là Luật Viên chức năm 2010; Nghị định số 71/2023/NĐ-CP sửa đổi một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức và những văn bản pháp luật khác có liên quan.
Về trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn xử lý trách nhiệm kỷ luật đối với viên chức, được quy định trong Luật Viên chức năm 2010 và Nghị định số 112/2020/NĐ-CP, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Nhìn chung, về trình tự thủ tục, thời hiệu, thời hạn, nguyên tắc xử lý trách nhiệm kỷ luật của công chức và viên chức cơ bản là không có nhiều sự khác nhau.
Về hình thức kỷ luật, đối với viên chức có 4 hình thức kỷ luật: khiển trách, cảnh cáo, cách chức và buộc thôi việc (tùy thuộc vào việc viên chức đó giữ chức vụ quản lý hay không - Điều 15 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP).
Một là, sửa đổi tiêu chí của hình thức kỷ luật khiển trách. Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP bổ sung thêm các hành vi bị xử lý kỷ luật là có hành vi vi phạm khác liên quan đến hoạt động công vụ bị xử lý kỷ luật về đảng, đoàn thể thì bị xem xét xử lý kỷ luật hành chính. Việc bổ sung này đã mở rộng thêm nhiều hành vi vi phạm có thể bị kỷ luật của viên chức.
Một trong những thay đổi đáng chú ý trong điểm mới tại Nghị định số 71/2023/NĐ-CP quy định về các hình thức kỷ luật trong đó có kỷ luật khiển trách hai đối tượng này. Theo đó, với cả công chức và viên chức, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP sửa đổi các hành vi bị kỷ luật khiển trách như sau:
- Bổ sung: né tránh, đùn đẩy, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ chức trách, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao mà không có lý do chính đáng;
- Sửa đổi: vi phạm quy định khác của Đảng và của pháp luật liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức.
Hai là, thay đổi trình tự, thủ tục kỷ luật viên chức. Khoản 11 và khoản 16 Điều 1 Nghị định số 71/2023/NĐ-CP hay quy định cũ tại Điều 25 và Điều 32 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP vẫn gồm 3 bước:
- Bước 1: Tổ chức họp kiểm điểm.
- Bước 2: Thành lập Hội đồng kỷ luật.
- Bước 3: Ra quyết định xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, các trường hợp không thực hiện bước 1 hoặc bước 1 và bước 2 có sự thay đổi như sau:
- Không họp kiểm điểm:
+ Viên chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan cũ và đã chuyển sang cơ quan mới thì phát hiện hành vi đó và vẫn còn trong thời hiệu kỷ luật.
+ Viên chức đang bị khởi tố, tạm giữ, tạm giam chờ kết luận điều tra, truy tố, xét xử về hành vi vi phạm pháp luật trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
+ Đã tổ chức kiểm điểm và cá nhân đã nhận trách nhiệm về hành vi vi phạm.
- Không họp kiểm điểm, thành lập Hội đồng kỷ luật:
+ Đã có kết luận về hành vi vi phạm và có đề xuất hình thức kỷ luật cụ thể.
+ Bị Tòa án kết án tù mà không hưởng án treo hoặc bị kết án về hành vi tham nhũng.
+ Đã có quyết định kỷ luật Đảng trừ trường hợp bị thành lập Hội đồng kỷ luật.
Ba là, viên chức vi phạm ở cơ quan cũ sang cơ quan mới vẫn có thể bị kỷ luật. Đây là điểm mới nằm trong phần các nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Cụ thể, viên chức có vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật tương ứng với vị trí hiện đang đảm nhiệm.
Bốn là, Quyết định xử lý kỷ luật viên chức có hiệu lực 12 tháng. Về nguyên tắc xử lý kỷ luật, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP bổ sung quy định: Quyết định xử lý kỷ luật viên chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành; đối với trường hợp bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức thì việc quy hoạch, bổ nhiệm ứng cử vào chức vụ cao hơn, bố trí công tác cán bộ áp dụng hiệu lực theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về Đảng, hiệu lực của Quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về Đảng có hiệu lực. Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật, theo đó quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực, không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.
Trường hợp viên chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật trong thời gian đang thi hành Quyết định xử lý kỷ luật áp dụng xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực. Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ viên chức; hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của viên chức.
Năm là, thay đổi hình thức kỷ luật Đảng thì phải thay đổi hình thức kỷ luật hành chính tương xứng. Với trường hợp viên chức bị xử lý kỷ luật về Đảng, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đĐng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về Đảng. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về Đảng bằng hình thức cao nhất, cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 13, Điều 14, Điều 19 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP; nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý; hạ bậc lương đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau về việc xác định hình thức kỷ luật hành chính tương xứng với hình thức xử lý kỷ luật về Đảng cao nhất, cấp có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng xử lý kỷ luật để tham mưu; tham khảo ý kiến bằng văn bản của tổ chức Đảng ra quyết định xử lý kỷ luật Đảng viên trước khi quyết định.
Trong trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về Đảng, phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn). Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về Đảng, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.
Sáu là, cha mẹ chồng không được làm thành viên Hội đồng kỷ luật công chức. Cụ thể, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP quy định: không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm. Trong khi trước đây tại khoản 4 Điều 28 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP quy định: không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm của công chức bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật. Như vậy, so với trước đây, Nghị định số 71/2023/NĐ-CP bổ sung thêm cha, mẹ (vợ hoặc chồng), anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng không được cử làm thành viên Hội đồng kỷ luật.
Khi tiến hành hoạt động nghề nghiệp của mình, có không ít viên chức do các nguyên nhân khác nhau đã có những hành vi vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm kỷ luật của Nhà nước và gây ra những hậu quả, tác động tiêu cực trong đời sống xã hội. Thực tế, hệ thống văn bản pháp luật quy định trách nhiệm pháp lý nói chung và trách nhiệm kỷ luật của viên chức nói riêng đang bộc lộ những hạn chế, không phù hợp với tình hình mới hiện nay, các văn bản hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời, các hình thức, thẩm quyền ra quyết định, thời hiệu, thời hạn kỷ luật… còn nhiều bất cập. Do đó, cần phải tiếp tục hoàn thiện trách nhiệm kỷ luật đối với viên chức trên cơ sở hoàn thiện các quy định của pháp luật bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi. Cụ thể như sau:
Một là, cần có định hướng cụ thể và lâu dài về vấn đề tổ chức - pháp lý của viên chức.
Việc tổ chức lại nhằm đổi mới cơ chế, chính sách với các thiết chế phù hợp, nhằm động viên, khơi dậy tiềm năng và tạo động lực mới cho đội ngũ viên chức hoạt động ngày càng chính quy, chuyên nghiệp, có ý thức tổ chức và trách nhiệm cao của đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học và lao động kỹ thuật chất lượng cao, từng bước chấn chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công cho xã hội. Do đó, việc nghiên cứu để đưa ra được giải pháp về tổ chức đối với đội ngũ viên chức nhà nước trong tình hình mới hiện nay, nhằm khắc phục tình trạng trì trệ, yếu kém, từng bước thay đổi nhận thức về đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật và nâng cao chất lượng phục vụ, cung cấp dịch vụ công từ các viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập là hết sức quan trọng, có ý nghĩa chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều chỉnh cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, đề bạt, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật viên chức lãnh đạo nhằm khắc phục những tồn tại, để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt của các đơn vị sự nghiệp công lập, đội ngũ viên chức, nhất là đối với viên chức lãnh đạo hiện nay. Do đó, Chính phủ cần sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các văn bản pháp quy để hướng dẫn thi hành và cụ thể hóa các quy định về tổ chức, hoạt động cũng như trách nhiệm pháp lý (trong đó có trách nhiệm kỷ luật) đối với viên chức lãnh đạo. Trong những văn bản pháp luật này, xác định rõ trách nhiệm của viên chức khi thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao, thực hiện hoạt động nghề nghiệp của mình trên từng lĩnh vực cụ thể.
Hai là, cần cơ cấu lại chính sách tiền lương, thưởng, phụ cấp cho viên chức.
- Cần hoàn thiện pháp luật, tiêu chí đánh giá năng lực cán bộ, công chức, viên chức. Luật Viên chức 2010 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã có sự đổi mới về phương pháp, quy trình đánh giá, xếp loại công chức theo năng lực; công khai, minh bạch và lượng hóa các tiêu chí tuyển dụng, đánh giá theo năng lực phù hợp với vị trí việc làm. Nội dung đánh giá công chức dựa trên các quy định cụ thể về các tiêu chí, như: chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị; về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong, lề lối làm việc… và các tiêu chí về năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; kết quả thực hiện nhiệm vụ gắn với vị trí việc làm, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể.
- Ban hành bộ tiêu chí về tiêu chuẩn đo lường, định lượng về năng lực. Chính sách lương, thưởng, đãi ngộ một cách khoa học, công bằng, dựa trên năng lực, mức độ cống hiến, kết quả công việc của viên chức có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo động lực làm việc và phát triển tài năng. Trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay, tiền lương cần đảm bảo được đời sống của mỗi viên chức, chính sách đãi ngộ căn cứ theo năng lực, theo kết quả và đúng với giá trị sức lao động trong mối tương quan với mặt bằng thu nhập của các vị trí công việc tương ứng trong thị trường lao động là cần thiết. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố thu nhập ổn định, trong khu vực công, rất cần có các yếu tố đãi ngộ, khích lệ động viên và khuyến khích phi vật chất khác, để ghi nhận sự đóng góp và tự hào cống hiến, phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân của những cán bộ, viên chức làm việc không mệt mỏi, bỏ sức lao động nhiều hơn.
Ba là, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức, tư tưởng, chính trị của viên chức.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng viên chức có phẩm chất tốt, chuyên nghiệp, tận tụy và có kinh nghiệm đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong tình hình mới, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau:
- Xây dựng kế hoạch tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ viên chức các cấp. Trong đó, xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cũng như những định hướng mang tính chiến lược; không những xây dựng đội ngũ viên chức đủ về số lượng, đạt về chất lượng mà còn đảm bảo tính kế thừa. Thực hiện cơ chế đào tạo, bồi dưỡng theo định kỳ bắt buộc hàng năm, cũng như chế độ đào tạo, bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm.
- Tiếp tục đổi mới phương thức và nội dung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Đổi mới các chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tính hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng. Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cần sát với thực tế, hướng vào các vấn đề thiết thực đặt ra từ quá trình công tác.
- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng phải bảo đảm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kiến thức văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức viên chức. Nội dung cần trang bị cho người học thế giới quan duy vật biện chứng, phương pháp luận khoa học cách mạng, nâng cao năng lực tư duy lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, tổng kết thực tiễn, khả năng ứng dụng lý luận một cách sáng tạo, hiệu quả; cung cấp cho học viên phương pháp phát hiện, xử lý, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Cần dành một tỷ lệ thích hợp cho kỹ năng thực hành trong cấu trúc chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác nhau để khi gặp những tình huống cụ thể trong công tác viên chức có thể xử lý nhanh, kịp thời và hiệu quả.
- Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cần đổi mới theo hướng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý gắn với vị trí và trách nhiệm tương ứng của từng viên chức. Tùy theo từng chuyên đề, có thể lựa chọn các phương pháp phù hợp, vận dụng các phương pháp giảng dạy tiên tiến kết hợp sử dụng các công cụ, phương tiện dạy học hiện đại. Xây dựng nội dung các chuyên đề theo hướng gợi mở, đối thoại để rèn luyện phương pháp, kỹ năng giải quyết vấn đề, xử lý tình huống. Tổ chức cho học viên đi nghiên cứu, khảo sát thực tế rút kinh nghiệm với thời gian phù hợp. Chú trọng kết hợp lý luận với liên hệ thực tế, bảo đảm tính khoa học, phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, độc lập suy nghĩ của người học. Đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng. Kết hợp giữa nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ với xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức lối sống, tác phong cho viên chức. Phương thức học tập nên được thực hiện kết hợp giữa học tập trung và đi thực tế để điều tra, nghiên cứu và xử lý tình huống nhằm góp phần giải quyết một số vấn đề và đề xuất những biện pháp xử lý những vấn đề đang nổi cộm hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
New contents of Decree 71/2023/ND-CP
on disciplinary responsibilities of public employees
Master. Nguyen Le Dan
Institute of State And Law
Abstract:
On September 20, 2023, the Government issued Decree 71/2023/ND-CP amending and supplementing a number of articles of Decree 112/2020/ND-CP dated September 18, 2020 on disciplinary handling of cadres, civil servants, and public employees. Decree 71/2023/ND-CP has new contents on disciplinary handling of public employees. This paper clarifies some theoretical and practical aspects of Decree 71/2023/ND-CP and presents some recommendations to strengthen this Decree.
Keywords: official, disciplinary responsibility.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết