Tóm tắt:
Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành. Bài viết phân tích, đánh giá những nội dung hiện hành về đối tượng chủ thể, từ đó, tác giả đề xuất mở rộng quyền cho người sử dụng đất được hưởng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 sửa đổi năm 2023 trước bối cảnh Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế. Nghiên cứu mở rộng quyền cho người dân tộc thiểu số, “con dâu”, “con rể” và người sống cùng được hưởng chính sách, đào tạo, học nghề mới, được hỗ trợ tái định cư đến nơi ở mới có điều kiện tốt hoặc bằng nơi ở cũ.
Từ khóa: thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, quyền của người sử dụng đất, dân tộc thiểu số, Dự thảo Luật Đất đai năm 2013.
Dự thảo Luật Đất đai hiện nay, trong một chừng mực nhất định đã đáp ứng được một phần sự kỳ vọng về việc cần thiết sửa đổi Luật Đất đai lần này. Thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP, ngày 31/12/2022 về việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đã có nhiều nội dung mới nhằm thể chế hóa các định hướng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, kết luận của Đảng, của Quốc hội, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, phù hợp với xu thế phát triển.
Thứ nhất, đối với quyền “chuyển đổi quyền sử dụng đất” cần được bổ sung vào khoản 9 Điều 3 Dự thảo. Chính vì vậy “chuyển quyền sử dụng đất” được hiểu là việc chuyển giao quyền sử dụng đất từ người này sang người khác thông qua các hình thức chuyển đổi. Đổi đất lấy đất, chuyển đổi quyền sử dụng đất được nhận diện là một hợp đồng dân sự đặc thù, trong đó các bên chuyển giao quyền sử dụng đất cho nhau theo quy định của pháp luật về đất đai[1]. Việc chuyển đổi quyền sử dụng đất, các bên được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất đã chuyển đổi. Mỗi bên trong hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất vừa là bên chuyển quyền đối với quyền sử dụng đất của mình, vừa là bên nhận chuyển quyền đối với quyền sử dụng đất của bên kia.
Thứ hai, đối với quyền “Tích tụ đất nông nghiệp” tại khoản 47 Điều 3 Dự thảo. Tại khoản 47 Điều 3 cũng như Điều 186 Dự thảo: phương thức tích tụ đất nông nghiệp là thông qua nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Người sử dụng đất tích tụ đất nông nghiệp không phải chỉ là các doanh nghiệp như cách giải thích tại khoản 23 Điều 3 Dự thảo. Việc đóng góp tài sản là quyền sử dụng đất được thực hiện thông qua hợp đồng hợp tác giữa các cá nhân, pháp nhân và không thành lập doanh nghiệp[2].
Thứ ba, đối với quyền “góp vốn bằng quyền sử dụng đất”: Quy định bị hạn chế đối với chủ thể là doanh nghiệp. Tại khoản 23 Điều 3 Dự thảo: “góp vốn bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên về chuyển quyền sử dụng đất thông qua việc góp quyền sử dụng đất để tạo thành giá trị tài sản trong vốn điều lệ của doanh nghiệp, bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập”, việc quy định như vậy sẽ dẫn đến cách hiểu khi thiết kế quy phạm việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chỉ đặt ra đối với các doanh nghiệp. Các chủ thể khác không được chuyển quyền sử dụng đất thông qua hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại khoản 23 Điều 3 Dự thảo đã không đúng với quy định có liên quan trong Bộ luật Dân sự năm 2015 tại Điều 102 và Điều 506 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thứ tư, tại khoản 27 Điều 3 của Dự thảo thì “Hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó người sử dụng đất dùng quyền sử dụng đất của mình để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân, chủ thể khác mà không làm thay đổi quyền sử dụng đất của người sử dụng đất”. Chủ thể của hợp đồng hợp tác, kinh doanh bằng quyền sử dụng đất có thể là cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác. Chính vì vậy, Dự thảo cần mở rộng chủ thể của hợp đồng hợp tác nói riêng lại chỉ bao gồm cá nhân và pháp nhân[3].
Thứ năm, khoản 36 Điều 3 Dự thảo cần mở rộng quyền được tham gia ký hợp đồng cho thuê đất, cho thuê quyền sử dụng đất cần giải thích rõ về chủ thể tham gia thị trường quyền sử dụng đất cụ thể như sau: là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất đối tượng có nhu cầu sử dụng đất, cho thuê đất… Theo Điều 106 Bộ luật Dân sự năm 2015, người sử dụng đất có quyền sở hữu đối với bất động sản (bao gồm cả quyền sử dụng đất)[4]; Điều 4 Dự thảo cũng đã ghi nhận về việc áp dụng Luật Đất đai và các Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Do đó, cần bổ sung thêm cụm từ “và các Luật khác có liên quan” vào khoản 1 Điều 28 Dự thảo.
Thu hồi đất giúp cho Nhà nước thực hiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho xã hội. Đồng thời, thu hồi đất giúp thực hiện các dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án đầu tư lớn như khu đô thị, khu sinh thái, khu công nghiệp... Điều hòa vấn đề địa tô chênh lệch 1 và địa tô chênh lệch 2 luôn luôn khó khăn với giá đất trước khi có dự án và sau khi có dự án chênh nhau khoảng 50-700 lần. Việc góp quyền sử dụng đất vào sản xuất - kinh doanh, thay vì nhận tiền 1 lần sẽ đảm bảo cơ chế an toàn và khoản tiền sử dụng đất sẽ trở thành khoản tiền thu đều đặn cho người dân, Nhà nước thu tiền sử dụng đất đều đặn, nhà đầu tư không phải dồn tiền trả một lần mà trả dần theo tiến độ của dự án’.
Việc thu hồi đất đang gây bất lợi cho phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nguyên nhân là do nhiều trẻ em gái và phụ nữ chưa kết hôn đang ở với cha mẹ, tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất “có quyền sử dụng đất chung” trong hộ gia đình[5] của cha mẹ. Tuy nhiên, phụ nữ sau khi lấy chồng, về sống trong gia đình nhà chồng, họ không phải là người “có quyền sử dụng đất chung” với gia đình nhà chồng. Mặc dù họ có thể là người sử dụng đất chính (theo đúng nghĩa đen của từ này). Ví dụ: bố mẹ chồng già yếu, chồng đi làm ăn xa, con dâu là người trực tiếp sử dụng đất cho các hoạt động như: cày cấy, chăn nuôi, trồng trọt,… trên đất mà hộ gia đình nhà chồng có quyền sử dụng đất hoặc con dâu là người tạo ra thu nhập chính cho gia đình bằng việc mở cửa hàng, bán tại nhà đất mà bố, mẹ chồng và chồng có quyền sử dụng. Vì vậy, quy định: “Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, bảo đảm thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” tại khoản 2 Điều 89 đúng, nhưng chưa đủ để bảo đảm bình đẳng giới. Vì chủ thể được bồi thường là người có đất bị thu hồi. Như vậy, con dâu hoặc con rể (trên thực tế chủ yếu là con dâu) sống chung với gia đình nhà chồng hoặc nhà vợ - người trực tiếp sử dụng đất bị thu hồi - bị mất nguồn sinh kế, bị loại khỏi các chính sách bồi thường cũng như hỗ trợ của Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất. Mở rộng chủ thể được hưởng chính sách bồi thường và hỗ trợ đến những người trực tiếp sử dụng đất, hay có sự ảnh hưởng trực tiếp khi bị thu hồi đất. Có thể gọi họ là người sống cùng với người có đất bị thu hồi. Như vậy, chủ thể được hưởng bồi thường và hỗ trợ sẽ là người có đất bị thu hồi và người sống cùng với người có đất bị thu hồi. Để tránh cụm từ người sống cùng với người có đất bị thu hồi bị hiểu khác nhau, cụm từ này được cần được giải thích tại Điều 3 của Dự thảo Luật. Như vậy chủ thể này cần ít nhất 3 điều kiện:
- Điều kiện thứ nhất: Con dâu hoặc con rể, vợ hoặc chồng của người có đất bị thu hồi.
- Điều kiện thứ hai: Trực tiếp sử dụng đất mà bố mẹ chồng hoặc bố mẹ vợ, chồng hoặc vợ là người có đất bị thu hồi.
- Điều kiện thứ ba: Thời gian sống cùng và trực tiếp sử dụng đất từ khi kết hôn 1 năm đến 3 năm.
- Đối với các quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cần làm rõ nội dung chính sách Bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ (khoản 2 Điều 89). Cần quan tâm đến 2 vấn đề sau:
- Giá trị bồi thường về đất và chính sách hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng phải tương đương với giá trị thực hiện (vật chất và các lợi ích khác) của các dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất.
- Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhất là phương án hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm (Điều 105); để người bị thu hồi đất là dân tộc thiểu số có sinh kế ổn định, bảo đảm thu nhập phải có nhiều phương án để người dân lựa chọn.
Dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất vì hiện nay việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình. Đồng thời, Dự thảo Luật có quy định xử lý chuyển tiếp đối với trường hợp hộ gia đình đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành để đảm bảo đầy đủ quyền và nghĩa vụ cho các thành viên trong hộ gia đình. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục duy trì quy định về hộ gia đình trong Dự thảo Luật, do đây là chủ thể có tính lịch sử, tham gia sâu vào quan hệ đất đai và thực tế hiện nay còn nhiều giấy tờ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi tên chủ sử dụng đất là hộ gia đình,...). Các quy định về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Dự thảo Luật Đất đai (lấy ý kiến nhân dân lần 2) còn chưa đầy đủ, ít nội dung quy định cụ thể, một số nội dung còn chưa thống nhất. Với những nội dung như hiện nay tại Dự thảo Luật chưa thể chế hóa đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW; các chính sách đối với dân tộc thiểu số trong các điều luật chưa thể hiện được nguyên tắc nêu tại Điều 17 là “…có đất để sản xuất, kinh doanh, đảm bảo sinh kế”, do đó cần tiếp tục xem xét, sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về việc phân loại đất tại Điều 10 của Dự thảo Luật Đất đai chưa có sự thống nhất với Luật Lâm nghiệp. Cần làm rõ bất cập này, xem xét quy định nào đúng, phù hợp thực tế hơn, trên cơ sở đó sửa đổi quy định của luật kia cho thống nhất.
Thứ hai, Điều 17 Dự thảo Luật Đất đai cần quy định rõ các chính sách ưu tiên áp dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số và thể hiện rõ các chính sách này tại các điều khoản khác trong dự thảo. Đồng thời, phải quy định trách nhiệm của Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ và chính quyền địa phương về việc ban hành chính sách đất đai đối với đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số, cũng như quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí nguồn lực thực hiện chính sách đất đai đối với đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số;
Thứ ba, quy định về Quyền và nghĩa vụ của cộng đồng dân cư sử dụng đất tại Điều 42. Dự thảo Luật quy định cộng đồng dân cư không được chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Trong thực tế, rất nhiều đồng bào mất đất do vay nợ, thế chấp đất. Vì thế, pháp luật cần mở rộng hơn quyền của cộng đồng dân cư trong việc góp vốn và thế chấp tại ngân hàng để có thể đầu tư vào sản xuất, khai thác đất một cách hiệu quả nhất, không bị chiếm dụng, chuyển quyền sử dụng trái pháp luật. Ngoài ra, cần công nhận cộng đồng dân cư là chủ rừng có quyền lợi và nghĩa vụ như các chủ rừng khác.
Thứ tư, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Để việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số đúng tinh thần Nghị quyết số18-NQ/TW “… giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;…”, do đó cần xem xét, quy định bổ sung nhiệm vụ này vào nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất từ cấp tỉnh đến cấp huyện (có thể đưa vào nghị định của Chính phủ), xác định rõ: đối tượng, địa bàn, kế hoạch thực hiện 5 năm và hằng năm theo phạm vi, thẩm quyền của cấp tỉnh/huyện. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định rõ đối với từng xã về số hộ, diện tích, loại đất, vị trí (lô, thửa); hiện trạng hạ tầng về giao thông, điện, nước…(nếu bố trí đất ở); đất rõ nguồn gốc, không có tranh chấp; phương án giao đất phải cụ thể, được sự thống nhất của cộng đồng dân cư và người dân được giao đất theo chính sách; đồng thời, chính quyền địa phương phải bố trí kinh phí và các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện.
Thứ năm, về giá đất. Để xác định giá đất theo giá thị trường đối với vùng nông thôn miền núi, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (là nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống), cần làm rõ một số yếu tố (có tính đặc thù) tác động đến việc thực hiện: (1) Những tác động bất lợi của yếu tố tự nhiên, khách quan; (2) Kinh tế - xã hội chậm phát triển, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; (3) Ít có giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất; (4) Một bộ phận không nhỏ đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số có ít hiểu biết về chính sách, pháp luật; (5) Các đơn vị tư vấn về giá đất còn ít, năng lực hạn chế... Nghị quyết số 73/NQ- CP/ về ủy quyền quyết định giá đất cho địa phương.
Thứ sáu, đối với các quy định về chính sách giao đất, cho thuê đất rừng. Cần làm rõ hơn 2 nội dung sau: (1) Việc cho phép được sử dụng kết hợp với mục đích kết hợp trồng cây hằng năm, cây dược liệu, chăn nuôi đối với đất rừng phòng hộ, nhất là cho trồng cây hằng năm, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ thì có thể sẽ bị lợi dụng chặt tỉa cây rừng, lấn chiếm đất rừng, vi phạm pháp luật bảo vệ rừng. (2) Xử lý các bất cập giữa Luật Đất đai và Luật Lâm nghiệp (Ví dụ: Khoản 1, khoản 2 Điều 35 dự thảo Luật và Điều 79 Luật Lâm nghiệp năm 2017). Theo Nghị quyết số 18-NQ/TW: “kịp thời có chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất”, “Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa...”, “Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch…”, do đó, có thể nghiên cứu theo hướng: Đối với những diện tích rừng phòng hộ độ che phủ thấp (do thiên tai, cháy rừng, mưa lũ: (1) xác định ranh giới, diện tích, độ che phủ, trữ lượng rừng; (2) phương án sản xuất của người dân kèm theo các biện pháp giám sát chặt chẽ của chính quyền xã, thôn; (3) kết thúc kỳ khai thác, nếu sản xuất có hiệu quả và người dân tiếp tục có nhu cầu thì xem xét cho tiếp tục; (4) trường hợp Nhà nước thu hồi đất thì bồi thường cây trồng cho người dân theo quy định (không bồi thường, hỗ trợ đất)…
Thứ bảy, đối với quy định tại Điều 175 Dự thảo Luật Đất đai. Cần quy định việc tham gia ngay từ đầu của cơ quan Tài nguyên và môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương để cùng với các công ty nông, lâm trường rà soát hiện trạng sử dụng đất, đánh giá, xác định các diện tích cần thu hồi. Đồng thời, cần phải quy định cụ thể thời gian các nông, lâm trường phải thực hiện thống kê, kiểm kê, đo đạc, khảo sát, đánh giá, phân hạng và lập bản đồ địa chính đất giao lại cho địa phương. Để giải quyết các vướng mắc, khó khăn, ngoài các quy định (như Dự thảo Luật), Nghị định hướng dẫn thi hành Luật cần bổ sung các quy định về: (1) Tiêu chí để xác định việc sử dụng đất không hiệu quả hoặc không sử dụng đất (khi vi phạm luật) của các công ty để làm căn cứ thu hồi đất; (2) Các chính sách đối với người dân khi tham gia hoạt động cùng với các công ty cần được minh bạch, công bằng với các trường hợp thực hiện công việc tương tự (ví dụ: người dân khi nhận giao khoán lại công việc bảo vệ rừng thì phải được hỗ trợ đủ số tiền theo định mức của Nhà nước; trường hợp nếu có chi phí quản lý của các công ty thì phải có quy định của Nhà nước và ngân sách phải bổ sung, không trừ vào chi phí trực tiếp cho người dân); (3) các công ty thực sự ưu tiên cho các hộ thiếu đất sản xuất được nhận hợp đồng, thuê thầu sử dụng đất phù hợp với trình độ, tay nghề; đồng thời ưu tiên tiếp nhận, đào tạo, sử dụng con em đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Từ những vấn đề phân tích và bình luận, tôi đề xuất Ban Soạn thảo Dự thảo Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) cân nhắc về các quy phạm ban hành phải có tính lường trước, tính dự báo các tình huống có thể xảy ra;
Thứ nhất: Mở rộng chủ thể được hưởng chính sách thu hồi, bồi thường tái định cư, những người chịu tác động trực tiếp khi Nhà nước thu hồi đất. Không nên lấy ý kiến đại diện của người dân khi có đất thu hồi, góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động tiếp cận thông tin đất đai.
Thứ hai: Cần nghiên cứu cẩn trọng ý kiến về vấn đề “thâu tóm”, “tích tụ đất đai” của nhóm lợi ích. Sau khi tích tụ một lượng đất đai lớn từng vùng thì việc làm giá và quyết định giá sẽ bị nhóm” thâu tóm” đất đai, nhóm tích tụ chi phối. Sự tác động chính sách đất đai của Nhà nước và thiết chế sở hữu toàn dân đối với đất đai, các dự án đô thị, các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… về dự thảo Luật Đất đai cần thể hiện sự tôn trọng quyền của chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai. Đây là vấn đề có tính cấp thiết, tính thời sự và ý nghĩa khoa học về quyền dân chủ đối với tài sản là đất đai của nhân dân.[6]
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2019). Giáo trình Luật Dân sự (tập II). Nxb Công an nhân dân, tr.236-237.
[2] Kiều Thị Thuỳ Linh (2018, chủ nhiệm đề tài). Hợp đồng hợp tác trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.84-96.
[3] Kiều Thị Thuỳ Linh (2018, chủ nhiệm đề tài). Hợp đồng hợp tác trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.26-39.
[4] Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 5 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014. Và hợp đồng chuyển nhượng Dự án và một phần Dự án để cho thuê.
[5] Khoản 2 Điều 5 dự thảo Luật: “Hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành (sau đây gọi là hộ gia đình).
6 Doãn Hồng Nhung (2022). Lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật đất đai (sửa đổi) - sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng. Truy cập tại: https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=71438.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Expanding the rights of land users who can receive compensation
and resettlement support when the State recovers land in the Draft Land Law 2013
(amended) in the context of Vietnam's regional and international integration
Assoc.Prof.Ph.D Doan Hong Nhung
University of Law, Vietnam National University
Abstract:
The Draft Land Law 2013 (amended) has many new points compared to current regulations. This paper analyzes and evaluates the current law’s content on legal subjects. Based on the paper’s analysis, the paper proposes to expand the rights of land users who can receive compensation and resettlement support when the State recovers land in the Draft Land Law 2013 (amended) in the context of Vietnam's regional and international integration. The paper proposes that ethnic minorities, "daughters-in-law", "sons-in-law", and people living with them should receive vocational training and resettlement support when their land is recovered by the State.
Keywords: land recovery, compensation, support, resettlement, rights of land users, ethnic minorities, the Draft Law on Land 2013.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 20 tháng 9 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết