Hiệu quả kinh doanh là một phạm trù kinh tế, biểu hiện sự phát triển kinh tế theo chiều sâu của các doanh nghiệp, phản ánh trình độ huy động và sử dụng nguồn lực vào sản xuất kinh doanh nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh mà doanh nghiệp xác định. Mục tiêu kinh doanh chung của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay đều là đạt hiệu quả kinh tế tài chính như tăng khả năng sinh lời, gia tăng giá trị doanh nghiệp, đồng thời cũng đạt hiệu quả kinh tế - xã hội, hướng đến phát triển bền vững (Mai Thị Diệu Hằng, 2019).
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành Nông nghiệp đạt trên 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; thặng dư thương mại ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2021. Trong đó, nông sản chính đạt 22,59 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2021; lâm sản chính đạt 16,93 tỷ USD, tăng 6,1%; thủy sản đạt 10,92 tỷ USD, tăng 22,9%; chăn nuôi đạt 400 triệu USD, giảm 7,1%. Toàn ngành Nông nghiệp tiếp tục có 11 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm có kim ngạch đạt trên 2 tỷ USD, gồm: cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. Điều đó cho thấy đóng góp quan trọng của ngành Nông nghiệp nói chung và xuất khẩu nông sản nói riêng đối với nền kinh tế đất nước.
Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong nỗ lực đưa hàng nông sản Việt Nam ra thế giới, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước nhưng cũng đứng trước những thách thức lớn trong bối cảnh hội nhập và suy thoái kinh tế thế giới, cũng như cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 đang tác động đến mọi quốc gia, mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Các sản phẩm nông sản của Việt Nam được đánh giá là chưa tương xứng với tiềm lực sẵn có. Xuất khẩu nông sản vẫn còn nhiều hạn chế, cụ thể như sau:
(1) Xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp. Việt Nam đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu tiêu, điều, cà phê, gạo, nhưng thứ hạng về giá xuất khẩu của những mặt hàng này lại rất thấp. Cụ thể, xuất khẩu hạt tiêu xếp thứ 1 thế giới, nhưng giá xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ đứng thứ 8; hạt điều đứng thứ 1 thế giới, nhưng giá đứng thứ 6; gạo, cà phê đứng trong nhóm thứ 2 và thứ 3 thế giới, nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ 10.
(2) Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào một vài thị trường. Theo Tổng cục Hải quan, trong giai đoạn 2010 - 2021, Trung Quốc và Hoa Kỳ là 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 47,2% tổng giá trị xuất khẩu nông sản trong 5 tháng đầu năm 2021. Tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc có xu hướng tăng lên, tăng từ 14,7% năm 2010 lên 22,6% trong 5 tháng đầu năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu trên 70% rau quả sang Trung Quốc.
(3) Chất lượng các sản phẩm nông sản xuất khẩu chưa đồng đều. Các nước nhập khẩu đưa ra yêu cầu ngày càng cao đối với hàng hóa nhập khẩu, nhất là các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, nhưng chất lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu của nước ta chưa đồng đều, vẫn còn nhiều đơn hàng xuất khẩu bị trả về do sử dụng các chất cấm trong quá trình sản xuất và chế biến. Tỷ lệ sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, chứng nhận quốc tế còn ít, chỉ đạt khoảng 10%.
(4) Tỷ lệ sản phẩm có thương hiệu còn ít. Hiện nay, có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu ở vị trí dẫn đầu thế giới, nhưng có đến hơn 80% chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác của Việt Nam.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019, số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản thành lập mới là 2.756 doanh nghiệp, tăng 25,3% so với năm 2018, nâng tổng số doanh nghiệp nông nghiệp lên 12.581 doanh nghiệp, tăng 36,23%. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu nông sản lao đao, thậm chí phá sản. Xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nhưng tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lại gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nguyên nhân đó là:
Một là, quy mô sản xuất doanh nghiệp trong nước nhỏ lẻ khiến cho việc sản xuất sản phẩm không đồng bộ, chất lượng không đồng đều. Vì vậy, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu của các nước.
Hai là, trong bối cảnh hội nhập mạnh, các quốc gia ngày càng nâng cao các rào cản phi thuế quan để bảo vệ thị trường trong nước. Một số nước thay đổi chính sách nhập khẩu thường xuyên cũng gây khó khăn cho nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khăn trong việc thích ứng với những thay đổi của thị trường.
Ba là, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam còn non yếu trong việc phân tích thị trường, công tác kiểm tra, giám sát và quản lý chất lượng còn hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng hàng xuất khẩu.
Bốn là, công nghiệp hỗ trợ (dịch vụ logistics) còn yếu, nhất là trong khâu vận chuyển và bảo quản. Mặc dù các chính sách trong thời gian gần đây được xây dựng khá đầy đủ để hỗ trợ nông sản xuất khẩu, song các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản còn hạn chế trong việc liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến sâu.
Năm là, phát triển thương hiệu sản phẩm còn yếu, cũng như gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ và truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hiện nay bắt đầu quan tâm đến việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quy trình sản xuất - kinh doanh, song việc thực hiện còn nhiều hạn chế, bởi thiếu vốn và trình độ nguồn nhân lực lao động chưa đáp ứng kịp với khoa học kỹ thuật mới.
Sáu là, công tác quản lý tài chính các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản còn nhiều hạn chế, tổ chức hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả và chưa đáp ứng được với biến động của thị trường, với sự thay đổi nhanh chóng của quy mô và quy trình sản xuất.
Bảy là, khó khăn trong huy động và sử dụng vốn của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Biến động về tỷ giá khiến chi phí tài chính tăng cao, các doanh nghiệp nông sản xuất khẩu trong thời gian qua thiếu vốn, khó khăn trong tiếp cận vốn, nợ nước ngoài tồn đọng nhiều ảnh hưởng đến tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Một là, gia tăng giá trị sản phẩm. Một trong những hạn chế lớn nhất của xuất khẩu nông sản Việt Nam là xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thấp, sản phẩm có thương hiệu ít. Vì vậy, gia tăng giá trị sản phẩm là một trong những vấn đề tiên quyết ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam. Nhu cầu thị trường đang hướng đến các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội, đòi hỏi các sản phẩm nông, lâm, thủy sản cần được khai thác hợp lý, từ đó đưa ra các tiêu chuẩn tương ứng về nguồn gốc sản phẩm.
Hai là, hoàn chỉnh chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh. Với đặc điểm quy mô nhỏ lẻ, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản còn hạn chế trong việc liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, đầu tư chế biến sâu. Điều này khiến doanh nghiệp mất thêm nhiều chi phí tìm kiếm, vận chuyển nguồn nguyên liệu đầu vào, làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cần tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, người nông dân, người chế biến để khép kín quy trình, giảm thiểu chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ba là, huy động và sử dụng vốn hiệu quả. Việc tiếp cận nguồn vốn vay với các hộ nông dân, với các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp nhiều khó khăn, do không có, hoặc ít có tài sản thế chấp, lãi suất cao, hồ sơ thủ tục phức tạp. Trong khi đó, mọi khâu của quy trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch, phân phối nông sản đều cần nguồn lực tài chính rất lớn. Ngoài ra, việc thiếu vốn cũng khiến khả năng tiếp nhận các đơn hàng lớn và xây dựng mối quan hệ lâu dài với các đối tác trong chuỗi cung ứng trở nên khó khăn hơn. Các doanh nghiệp cần công khai, minh bạch về tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh để tạo niềm tin vững chắc cho các tổ chức tài chính cung cấp các dịch vụ tài trợ phù hợp.
Bốn là, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tùy vào tình hình và khả năng đầu tư, các doanh nghiệp có thể lựa chọn ứng dụng các tiến bộ khoa học phù hợp để đạt hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao nhất. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật giúp nâng cao năng suất lao động, gia tăng giá trị sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất - kinh doanh là yêu cầu tất yếu đối với các doanh nghiệp xuất khẩu.
Năm là, hoàn thiện công tác quản lý tài chính và hoạch định kế hoạch tài chính. Việc lập kế hoạch, hoạch định tài chính cho các mục tiêu khác nhau trong từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp hạn chế tối đa sự bị động và phụ thuộc tài chính giúp doanh nghiệp tránh những tình huống mất khả năng thanh toán, hạn chế rủi ro, giúp hoạt động kinh doanh ổn định. Công tác quản lý tài chính cũng giúp cho doanh nghiệp đánh giá việc hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó có những điều chỉnh và quyết định tài chính phù hợp.
Sáu là, nâng cao công tác đào tạo đội ngũ lao động có trình độ đáp ứng yêu cầu công việc khi áp dụng khoa học công nghệ trong thời đại 4.0 và hội nhập. Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay lực lượng lao động trong ngành Nông - Lâm - thủy sản chiếm 33,1% trong tổng lao động theo ngành của cả nước, đa phần lực lượng lao động tập trung ở các vùng nông thôn chiếm khoảng 66,9%. Trong khi đó, theo khảo sát gần đây cho thấy, ở không ít nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản có hơn 60% số lao động không có chuyên môn kỹ thuật. Vì vậy, việc đào tạo bồi dưỡng lao động đáp ứng yêu cầu của hội nhập là nhiệm vụ cấp thiết không chỉ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, mà còn là vấn đề đặt ra của các cấp Bộ, ngành và Nhà nước.
Nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói riêng và đối với ngành Nông nghiệp nước ta nói chung, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh những giải pháp từ phía doanh nghiệp, cần phối hợp đồng bộ những chính sách từ phía Nhà nước, Bộ, ngành trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam phát triển bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Some solutions to improve the business performance of Vietnamese agricultural export enterprises
Master. Pham Thi Ngoc Mai
Faculty of Finance, Banking and Insurance
University of Economics - Technology for Industries
Abstract:
Improving the performance is one of the most important goals of businesses. In the context of Vietnam’s integration process and increasing competition from both domestic and international players, it is an urgent task for businesses, esepcially export enterprises, to increase their performance. This paper proposes some solutions to improve the business performance of agricultural export enterprises in the context of the country’s integration process, helping them develop sustainably in the coming time.
Keywords: business performance, export enterprises, exporting agricultural products, integration.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
Bài báo nghiên cứu "Kinh nghiệm về tổ chức bộ máy ngành Hải quan của một số quốc gia" do ThS. Nguyễn Trà My (Trường Đại học Sunderland London Campus, Vương quốc Anh) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết