Thị trường EU với 27 nước thành viên và hơn 511 triệu dân là thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng của Việt Nam, chiếm tỷ trọng xuất khẩu nông sản lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt kể từ khi Hiệp định EVFTA được thực thi từ tháng 8/2020. Những tác động của Hiệp định EVFTA đối với nông sản xuất khẩu sang thị trường EU cần được chi tiết hóa và phân tích bằng những con số cụ thể. Từ đó tận dụng lợi thế của Hiệp định, hoàn thiện định hướng phát triển, từng bước liên kết sâu - rộng vào thị trường này.
Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU đã cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đến năm 2027, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
EVFTA được thực thi trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và biến động thị trường vẫn còn nhiều phức tạp, được kỳ vọng mang lại nhiều cơ hội to lớn cho Việt Nam, một lợi ích dễ dàng nhận thấy đó là thuế suất nhập khẩu một số loại hàng nông sản của Việt Nam vào EU sẽ giảm đi đáng kể.
Bảng 1: Lộ trình hưởng ưu đãi thuế suất của một số mã hàng nông sản xuất khẩu sau khi EVFTA thực thi
Nguồn: Tổng hợp từ Phụ lục I (Nghị định số 111/2020/NĐ-CP ngày 18/ 9/2020) và Phụ lục II (Nghị định số 116/2022/NĐ-CP ngày 31/12/2022)
Tính từ ngày 01/8/2020 đến nay, hàng nông sản xuất khẩu sang EU đã có những bước chuyển mình đáng kể, trong đó có những mặt hàng tăng trưởng mạnh như hạt tiêu có giá trị xuất khẩu năm 2021 tăng 78,64% so với năm 2020 và giảm nhẹ 2% vào năm 2022.
Lần lượt các mặt hàng khác cũng có mức độ tăng trưởng đáng kể so với trước khi EVFTA có hiệu lực.
Bảng 2. Trị giá và sản lượng nông sản xuất khẩu sang EU từ 2019 – 2022
Nguồn: Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thống kê
Tuy nhiên có thể thấy việc xuất khẩu nông sản sang EU vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Khó khăn lớn nhất mà Việt Nam gặp phải trong xuất khẩu đó chính là điều kiện và tiêu chuẩn của thị trường EU khá cao và nghiêm ngặt. Ngoài các tiêu chuẩn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, các mặt hàng nông sản còn bị sức ép với các yêu cầu của các chỉ số tăng trưởng xanh từ EU. Đó là một trong những thách thức to lớn tác động mạnh đến doanh số xuất khẩu và chiến lược phát triển nông sản xanh, xây dựng quy tắc xuất xứ của Việt Nam nhằm đáp ứng thị trường khó tính này.
Ưu đãi từ Hiệp định đang được tận dụng hiệu quả khi kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu sang EU trong năm 2021 đạt hơn 35 nghìn tấn, tương đương 150 triệu USD, tăng 17,7% về lượng và tăng mạnh 78,64% về trị giá xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2020. Sang đến năm 2022, mặt hàng tiêu xuất khẩu giảm 16,2% về lượng nhưng chỉ giảm nhẹ 2,03% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Từ đó cho thấy, giá trị của hạt tiêu Việt Nam đã tăng lên so với trước đây (Bảng 2).
EU chiếm 10% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong năm 2022. Trong số các thị trường thành viên EU, hạt tiêu Việt Nam được xuất chủ yếu sang 2 nước Đức (đạt 50 triệu USD) và Hà Lan (đạt hơn 47 triệu USD).
Hạt điều là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ hai trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU, chiếm đến 31% trong năm 2021 và 23% trong năm 2022. Xuất khẩu hạt điều sang EU trong năm 2021 đạt 120 nghìn tấn, tương đương 694 triệu USD, tăng 12,5% về lượng và tăng 3,14% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Sang đến năm 2022, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các đối thủ khôi phục sau đại dịch làm cho sản lượng hạt điều xuất khẩu giảm hơn 18 nghìn tấn và giá trị xuất khẩu giảm 105 triệu USD so với 2021 (Bảng 2).
EU là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn thứ hai của Việt Nam (sau Hoa Kỳ), chiếm 13% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này, tương đương 402 triệu USD trong năm 2022. Trong số các thị trường thành viên EU, hạt điều được xuất chủ yếu sang 2 nước: Hà Lan và Đức.
EVFTA mở ra cơ hội cho rau quả Việt Nam xuất khẩu sang EU, trong đó có nhiều sản phẩm là thế mạnh của Việt Nam như vải, nhãn, chôm chôm, thanh long, dứa, dưa… hưởng thuế suất dần về 0% trong thời gian ngắn, tạo ra lợi thế lớn về giá cho rau quả Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia.
Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang EU đạt 150,73 triệu USD, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2020. Đến năm 2022, hàng rau quả tiếp tục tăng hơn 35 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đạt đến 186 triệu USD, tương đương với tăng gần 24% so với cùng kỳ (Bảng 2).
Lượng rau, quả tiêu thụ tại thị trường EU có xu hướng ngày một tăng do người dân có thói quen ăn uống để bảo vệ, tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, thị trường này lại đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm. Để nắm bắt được cơ hội này, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả đã và đang tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường khó tính này.
Nhờ tận dụng hiệu quả các lợi thế từ Hiệp định EVFTA, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU đã có sự bứt phá mạnh mẽ trong thời gian qua. EVFTA đã mở ra cơ hội cho gạo Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với gạo của các quốc gia khác như Thái Lan, Ấn Độ khi xuất khẩu vào EU, đặc biệt là đối với các dòng gạo đặc sản có giá trị cao (gạo thơm các loại, gạo cao cấp, gạo nếp, gạo janopica…).
Ưu đãi từ Hiệp định đang phát huy hiệu quả trong 2 năm gần đây, năm 2021 xuất khẩu gạo sang EU đạt gần 30 nghìn tấn, tương đương 19,5 triệu USD, tăng 26% về lượng nhưng tăng tới gần 52% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy, doanh nghiệp đã phục hồi đáng kể sau đại dịch và đang bắt kịp xu hướng sản xuất các loại giống chất lượng cao hướng tới thị trường cao cấp. Đến năm 2022, thị trường đã ổn định với mức tăng trưởng trung bình khoảng 5% cả về lượng và giá trị. Mặc dù xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU có xu hướng tăng nhưng tỷ trọng chỉ chiếm 1% so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản sang thị trường này (Bảng 2).
Để đáp ứng các tiêu chuẩn cao từ thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng gạo, truy xuất nguồn gốc thông qua việc đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đưa vào các giống lúa đạt chuẩn, cải tiến dây chuyền công nghệ xay xát, chế biến.
Hiệp định EVFTA có hiệu lực giúp cho thuế nhập khẩu sản phẩm chè vào các nước EU giảm dần về 0 vào năm 2025. Năm 2020 cả thế giới đều bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam nói chung và sản phẩm chè nói riêng đều bị ảnh hưởng. Đến năm 2021, sản lượng xuất khẩu của sản phẩm này đã tăng cao trở lại, đạt gần 1,7 triệu USD về giá trị tương đương với giá trị xuất khẩu chè năm 2019, nhưng sản lượng xuất khẩu năm 2021 lại thấp hơn 179 tấn so với năm 2019. Điều này chứng tỏ chất lượng và giá cả sản phẩm xuất khẩu đã tăng đáng kể, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang chuyển trọng tâm sang xuất khẩu các sản phẩm chè chất lượng cao. Đây là định hướng phù hợp với thị trường EU vì với mức thu nhập khá cao, người tiêu dùng tại đây cần những sản phẩm thương hiệu gắn với chất lượng sản phẩm hơn là giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên đến năm 2022, sản phẩm chè xuất khẩu sang EU đều giảm cả về lượng và về chất (Bảng 2), cho thấy thị trường này đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để vượt qua các rào cản kỹ thuật của thị trường nếu muốn giữ vững thị trường chè tại EU.
Trong năm 2021 nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch, các ngành công nghiệp sản xuất tại EU có nhu cầu sử dụng rất lớn đối với cao su và các sản phẩm từ cao su - một nguyên liệu cần thiết để sản xuất máy bay, ô tô, xe máy, thiết bị, máy móc, y tế, hàng tiêu dùng… Chính vì vậy họ đã tăng cường nhập khẩu sản phẩm này, đẩy sản lượng xuất khẩu đạt gần 100 nghìn tấn, tương đương 168 triệu USD, tăng 45% về lượng và tăng mạnh 82% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Đến năm 2022, sản phẩm cao su đã hạ nhiệt, sản lượng xuất khẩu chỉ còn khoảng 70 nghìn tấn, tương đương với giá trị 112 triệu USD, giảm khoảng 30% cả về chất và về lượng (Bảng 2).
Với cam kết của EVFTA, thuế quan xuất khẩu cà phê sang EU sẽ giảm dần về 0% cho đến năm 2025. Đây là một cơ hội tốt cho cà phê Việt Nam khi EU là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất trên thế giới, tiêu thụ khoảng 30% tổng sản lượng toàn cầu. Sau thời điểm 01/8/2020, trị giá và sản lượng cà phê xuất khẩu sang EU không ngừng tăng lên cho thấy tác dụng của EVFTA đã phát huy đáng kể.
Năm 2022, trị giá xuất khẩu cà phê sang EU đạt kỷ lục gần 1,5 tỷ USD, chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này (Bảng 2), hiện đây là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Trong số các thành viên EU, cà phê Việt Nam được xuất chủ yếu sang các nước: Đức ( 473,6 triệu USD), Italy ( 295,6 triệu USD) và Bỉ (257,8 triệu USD). Với đà tăng trưởng như hiện nay, cà phê Việt Nam đang dần chiếm ưu thế so với các đối thủ cạnh tranh như Brazil, Colombia, Peru.
Sau giai đoạn sản lượng xuất khẩu của nông sản Việt Nam do diễn biến phức tạp của đại dịch COVID năm 2020 - 2021, năm 2022 tổng kim ngạch nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã có những bước tiến vượt trội. Cụ thể sản lượng nông sản năm 2022 tăng 11% so với năm 2021, thúc đẩy giá trị xuất khẩu của năm 2022 đã tăng 15% so với 2021, 28% so với năm 2020. Kết quả này cho thấy, sau 2 năm thực thi Hiệp định giá trị xuất khẩu của các loại nông sản có chiều hướng tăng. Đây là một động lực cho các nhà xuất khẩu nông sản sang EU hiện nay kết quả này một phần do thuế quan đã được cắt giảm đáng kể từ khi thực thi Hiệp định EVFTA.
Tuy nhiên hiện nay, EU liên tục cập nhật và tăng cường áp dụng các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch, các tiêu chí tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Chính vì vậy, bên cạnh ưu thế cạnh tranh về giá , các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hướng đến việc cạnh tranh thông qua việc thỏa mãn các yêu cầu, tiêu chí nghiêm ngặt từ EU để giữ vững vị thế và tham gia sâu hơn vào các thị trường khác trên thế giới. Để làm được điều này, các doanh nghiệp có thể xem xét ở góc độ tổng thể: Cải thiện nhà máy và cơ sở chế biến, quy trình sản xuất; đa dạng hóa sản phẩm; cập nhập thông tin thị trường, bao gồm các ưu đãi thuế quan, vệ sinh và an toàn thực phẩm, các rào cản kỹ thuật, quy tắc xuất xứ, các tiêu chí tăng trưởng xanh Các doanh nghiệp nên lưu ý trên toàn bộ chuỗi giá trị, các khâu sản xuất phải được phòng vệ rủi ro, truy xuất nguồn gốc, tem nhãn của sản phẩm đều phải công khai, minh bạch.
6. Tổng cục Hải quan Việt Nam. Truy cập tại: https://www.customs.gov.vn/
The EVFTA’s impacts on Vietnam’s agricultural exports
after the agreement come into effect
Master. Nguyen Thi Nhu Hang1
Master. Pham Anh Tuyet1
Faculty of Economics, Dong Thap University
Abstract:
The European Union - Vietnam Free Trade Agreement between (EVFTA) was kicked off and negotiated successfully when the bilateral relationship, especially the economic relationship, between Vietnam and the EU had been strengthened. Although the EVFTA has just come into effect for more than two years, it has contributed significantly to Vietnam’s economic development. The EVFTA would be a boost for Vietnam’s exports, especially the agricultural exports. This study analyzes the EVFTA’s impacts on Vietnam’s agricultural exports and proposes some solutions to support the country’s agricultural exports to the EU.
Keywords: free trade agreement, the EVFTA, agricultural product, agricultural exports.
Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết