Tóm tắt:
Trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng trong chính các cơ quan Thanh tra Nhà nước. Thực trạng vấn đề này đã được đặt ra từ lâu, nhưng tình hình tham nhũng trong các cơ quan này vẫn chưa được cải thiện nhiều, thậm chí còn diễn biến phức tạp. Trong bài viết này, nhóm tác giả phân tích các nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Nhà nước, từ đó có cơ sở để đề xuất các giải pháp phòng, chống tham nhũng trong chính các cơ quan này.
Từ khóa: tham nhũng, phòng, chống tham nhũng, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, cơ quan Thanh tra Nhà nước.
Những nguyên nhân sai phạm dẫn đến tham nhũng ở cơ quan Thanh tra là từ hậu quả của suy thoái đạo đức, tư tưởng, tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, Đảng viên, nhân viên trong cơ quan Thanh tra đã gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, cụ thể như sau:
Thứ nhất, do triển khai, thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, việc thiếu công khai, minh bạch tài sản, thu nhập; việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức còn mang tính hình thức, không có sự kiểm tra, giám sát kịp thời; do thể chế còn bất cập và thiếu bộ phận kiểm tra, giám sát, theo dõi, đối sánh với cơ quan Thuế (chứng từ hoàn thuế từ thu nhập cá nhân có nhiều nguồn là minh chứng nguồn thu nhập hợp pháp); do nhận thức về trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan Thanh tra Nhà nước còn hạn chế, thiếu quan tâm, ngại va chạm và chưa quyết liệt chỉ đạo.
Thứ hai, do các cơ quan Thanh tra Nhà nước chưa kịp thời xử lý phát hiện tham nhũng của cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ công vụ; do bệnh thành tích vì nếu có cán bộ trong cơ quan phạm tội sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín, thành tích của cơ quan; do sợ trách nhiệm nên những người lãnh đạo cơ quan Thanh tra Nhà nước dễ nảy sinh tâm lý muốn “gói kín”, “vo tròn”, “tránh xung đột” những vụ việc để xử lý nội bộ nên gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng tại các cơ quan này.
Thứ ba, do đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là cán bộ thuộc các cơ quan Thanh tra Nhà nước nên họ là cán bộ rất hiểu pháp luật chống tham nhũng; hiểu rõ trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm và tường tận các mánh khóe để trục lợi cá nhân, hành vi tội phạm, về trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra, về quyền, nghĩa vụ của cán bộ… Chính vì vậy, trong hoạt động tố tụng, cán bộ thanh tra gặp rất nhiều khó khăn trong phát hiện tham nhũng của các đối tượng này; Họ vốn là cán bộ, Đảng viên có chức vụ, quyền hạn nhưng với thời gian họ bị tha hóa, biến chất, suy thoái về đạo đức, lối sống nên thường có nhiều thủ đoạn che giấu, khai báo không thành khẩn, quanh co, hoặc chỉ khai nhận một phần khi có bằng chứng cụ thể; do đối tượng phạm tội còn có rất nhiều mối quan hệ với cấp trên trực tiếp để tác động nên gây khó khăn trong quá trình phát hiện, xử lý tham nhũng.
Thứ tư do tính chất phức tạp của đối tượng tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Nhà nước đã làm ảnh hưởng tới tiến độ xử lý các vụ việc tham nhũng; do công tác thu thập, đánh giá tài liệu chứng cứ, chứng từ, minh chứng tham nhũng gặp nhiều khó khăn vì đối tượng tham nhũng có chức vụ, có trình độ chuyên môn cao, thủ đoạn tham nhũng tinh vi, có kinh nghiệm che dấu hành vi tham nhũng. Do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cơ quan còn chưa quyết liệt, chưa kịp thời đôi khi còn thờ ơ.
Thứ năm, do chế tài xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Nhà nước còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe nên vẫn còn nhiều dư địa cho tham nhũng hoành hành. Bên cạnh đó việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong cơ quan Thanh tra Nhà nước khi để xảy ra tham nhũng còn hình thức, nể nang, né tránh. Do sau khi tham nhũng được phát hiện trong cơ quan Thanh tra Nhà nước hầu như không ai dám đứng ra nhận trách nhiệm, ai cũng cho rằng mình là người ngoài cuộc, đổ lỗi cho nhau. Do người có thẩm quyền còn nể nang, né tránh, trong việc xử lý kỷ luật đối với người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.
Thứ sáu, do công tác đào tạo, bồi dưỡng định kỳ, thường xuyên, cập nhật các kiến thức mới và chuyên sâu, ứng dụng công nghệ 4.0 về kỹ năng phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước chưa được quan tâm đúng mức, chưa thường xuyên; do cán bộ, công chức trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước có kiến thức hiểu biết pháp luật và năng lực chuyên môn không đồng đều. Mặt khác, số cán bộ, công chức có kỹ năng nghề nghiệp, có bản lĩnh vững vàng trước các nguy cơ về tham nhũng trong quá trình thực thi công vụ, công vụ còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng… Hoạt động khen thưởng, biểu dương cá nhân, tổ chức, biểu dương tấm gương “Người tốt - Việc tốt” và biện pháp bảo vệ người tố cáo sai phạm tham nhũng còn chưa quyết liệt triệt để tăng niềm tin cho quần chúng nhân dân.
Hoàn thiện thể chế quản lý về kinh tế - xã hội, bịt kín các “kẽ hở” để “không thể tham nhũng”, ngăn ngừa việc chuyển dịch tài sản bất hợp pháp có được từ tham nhũng, tiêu cực. Cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế - xã hội, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để kiểm soát có hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn, tăng cường và nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực[1]. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, giám sát nội bộ trong cơ quan Thanh tra Nhà nước và kiểm soát hoạt động nghiệp vụ, lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp nhà nước về tài chính, tài sản công để giảm thiểu cơ hội tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Nhà nước. Sớm ban hành các quy định riêng về việc kê khai tài sản, thu nhập cho cán bộ, công chức tại các cơ quan Thanh tra Nhà nước, từ đó mới có thể xử lý kịp thời tài sản tham nhũng trong các cơ quan này[2].
Mau chóng phối hợp với ngân hàng và các tổ chức tín dụng khi có các giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải được thống kê và báo cáo cho cơ quan phòng, chống tham nhũng và rửa tiền của Việt Nam. Những thống kê giao dịch của các khách hàng cũng được chuyển về Cục Nhà ở và Thị trường Bất động sản để xem xét. Từng bước nghiên cứu và hoàn thiện pháp luật về thuế lũy tiến để đánh thuế đối với các bất động sản bỏ hoang, bất động sản được đầu tư của cán bộ, công chức trong cơ quan Thanh tra Nhà nước, nhằm minh bạch hóa nhà đất, tránh tạo ra kẽ hở để cán bộ, công chức “hợp pháp hóa” tài sản tham nhũng, những thu nhập bất minh bằng việc nhờ người thân đứng tên trên bất động sản, tài sản có giá trị lớn (du thuyền, ô tô, xe siêu sang, máy bay…) chuyển hóa tài sản tham nhũng thành tài sản hợp pháp.
Do vậy, Nhà nước cần phải ban hành Luật Thuế tài sản theo hướng có thêm phần nội dung kiểm soát tài sản nhà đất đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Thanh tra Nhà nước, nhằm điều tiết đối tượng có thu nhập cao, chống đầu cơ về nhà, đất, hạn chế tình trạng “rửa tiền” “hợp pháp hóa” tài sản của đối tượng tham nhũng[3].
Tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, nâng cao hơn nữa nhận thức về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho cán bộ, Đảng viên trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước. Khắc phục nhận thức yếu kém, sai lệch của một bộ phận cán bộ, Đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước.
Nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để cán bộ, Đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy khi triển khai thực hiện được nghiêm chỉnh, tích cực, quyết liệt hơn. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, Đảng viên về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong cơ quan. Cán bộ, Đảng viên trong cơ quan Thanh tra Nhà nước cần thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình, kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”[4] trong nội bộ cơ quan. Thường xuyên giáo dục, đẩy mạnh nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, Đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về vai trò, tác dụng to lớn của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao trình độ giáo dục liêm chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm; xây dựng văn hóa “chống tham nhũng”, “căm ghét tham nhũng” của cán bộ, Đảng viên trong cơ quan Thanh tra Nhà nước.
Tăng cường hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong cơ quan Thanh tra Nhà nước theo hướng thật đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, khắc phục bằng được sự lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực của cán bộ, Đảng viên có chức vụ. Thiết lập một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực đối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Thanh tra Nhà nước theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Đặc biệt, phải chú trọng quy định thật cụ thể chế tài xử lý vi phạm đối với cán bộ, Đảng viên có hành vi tham nhũng ở nhiều lĩnh vực. Xây dựng được cơ chế kiểm soát bên trong thật hiệu quả để việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm, tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Nhà nước. Xử lý kịp thời vụ việc xảy ra sai phạm, tiêu cực trong việc bổ nhiệm, quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ; xử lý nghiêm tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội, chạy vị trí việc làm trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước[5].
Tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động của đoàn thanh tra, đoàn giám sát; cần tiến hành khảo sát, nắm tình hình trước khi ban hành quyết định thanh tra, giám sát; cần kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, hoạt động kiểm tra, giám sát; khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần tiến hành thanh tra lại để bảo đảm thanh tra đúng pháp luật; cần có các biện pháp để cơ quan thanh tra cấp trên kiểm soát hoạt động thanh tra của cơ quan thanh tra cấp dưới và ngược lại. Phát huy vai trò của các cơ quan quyền lực nhà nước và vai trò của xã hội trong giám sát hoạt động của cơ quan Thanh tra Nhà nước. Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong giám sát hoạt động của cơ quan Thanh tra Nhà nước. Tăng cường giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp nhằm phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước. Nâng cao vai trò giám sát của xã hội trong hoạt động cơ quan Thanh tra Nhà nước; Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên của Mặt trận phải phát huy được vai trò trong việc tham gia, đóng góp thiết thực vào các hoạt động phòng, chống tham nhũng tại cơ quan Thanh tra Nhà nước; tiếp nhận và đề nghị giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến hoạt động của cơ quan Thanh tra Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân[6]. Tăng cường nghiên cứu cơ chế giám sát lẫn nhau trong quá trình xử lý các vụ việc tham nhũng nhằm bảo đảm cho các cơ quan Thanh tra Nhà nước thực hiện đúng phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, tránh chồng chéo trong quá trình hoạt động phòng, chống tham nhũng. Nên chăng, cần phải thành lập “Hội đồng xử lý tham nhũng và phòng, chống tham nhũng”.
Nâng cao hiệu quả chỉ đạo của người đứng đầu trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước trong chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả pháp luật phòng, chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm ngăn chặn, xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vụ việc tham nhũng trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Xây dựng cơ chế giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong cơ quan Thanh tra Nhà nước để nắm bắt mọi hoạt động trong quá trình thực thi công vụ có dấu hiệu tham nhũng nhằm xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Nâng cao hiệu quả các cuộc kiểm tra, thanh tra nội bộ, duy trì chế độ tự kiểm tra, báo cáo định kỳ đối với các đơn vị trong cơ quan Thanh tra Nhà nước. Chủ động xây dựng kế hoạch tập trung thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy trình trong tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến tổ chức, cá nhân và lĩnh vực công tác có điều kiện phát sinh tham nhũng để tiến hành thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất. Nâng cao hiệu quả các cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật trong công tác tiếp nhận, quản lý, xử lý hiệu quả hành vi tham nhũng. Nâng cao hiệu quả việc theo dõi, xử lý, giải quyết kịp thời tố cáo hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức trong cơ quan Thanh tra Nhà nước. Nâng cao hiệu quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; chú trọng tới công tác kiểm tra, giám sát trong trường hợp có đơn tố cáo về hành vi lạm quyền, gây sách nhiễu, vi phạm pháp luật trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước có những biểu hiện tham nhũng một cách rõ ràng, đã có kết luận của các cơ quan chức năng thì cần phải xử lý nghiêm và kịp thời để làm gương răn đe[7].
Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của cấp ủy, ủy ban kiểm tra trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng cần được thực hiện nghiêm túc để giảm thiểu hành vi tham nhũng; phát hiện kịp thời những vi phạm của cán bộ, Đảng viên, tổ chức đảng; kiểm tra, giám sát thường xuyên sẽ cảnh báo kịp thời đối với những cán bộ, Đảng viên đã và đang có ý định thực hiện hành vi tham nhũng. Cấp ủy, tổ chức đảng trong cơ quan Thanh tra Nhà nước phải xác định đây là một trong những giải pháp “then chốt” để xử lý hiệu quả tệ nạn tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện và công khai, có trọng tâm, trọng điểm[8].
Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong cơ quan Thanh tra Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ; kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý; kiểm tra, giám sát cán bộ, Đảng viên có biểu hiện tham nhũng có nhiều dư luận và đơn thư phản ánh, tố cáo; suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ[9].
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng, Nhà nước và các cơ quan của Đảng cần phải: quy định chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan Thanh tra Nhà nước sẽ tác động mạnh mẽ đến đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức trong cơ quan đó. Trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức, người có nhiệm vụ, quyền hạn trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước liên quan trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đẩy mạnh đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống tham nhũng, phẩm chất chính trị, bản lĩnh đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức trong cơ quan Thanh tra Nhà nước; nghiên cứu xây dựng chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý; đồng thời tăng cường chế độ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc đối với hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị[10]. Đổi mới công tác tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước để bảo đảm xây dựng lực lượng phát hiện và xử lý tham nhũng có tính ổn định, chuyên nghiệp. Trong công tác cán bộ, cần có cơ chế để tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, tài vào làm việc ở các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức theo hướng xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá, bảo đảm khách quan, chính xác về bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ trong cơ quan Thanh tra Nhà nước. Thực hiện chính sách, quy định đề cao trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các quy định về khen thưởng, kỷ luật, đãi ngộ và đề bạt; quan tâm đến cán bộ thanh tra có thâm niên, kinh nghiệm và cán bộ trẻ đã có thời gian thử thách. Đặc biệt, đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Hoàn thiện chế độ, chính sách về tiền lương cho cán bộ, công chức trong cơ quan Thanh tra Nhà nước. Đây được xem là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn ngừa hành vi tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, Đảng viên. Cần có cơ chế bảo vệ cán bộ, an ninh nội bộ để đảm bảo cho cán bộ, công chức có cuộc sống ổn định thì họ sẽ yên tâm cống hiến hết năng lực, sở trường. Ngược lại, khi cuộc sống của đội ngũ cán bộ, công chức không được bảo đảm, họ sẽ có nguy cơ nhũng nhiễu, tiêu cực. Vì vậy, cần hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ, tiền lương cho cán bộ, công chức trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước. Tinh giảm biên chế để tăng quỹ lương; đẩy mạnh thực hiện quy chế tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện bảng mô tả công việc; bố trí sắp xếp việc làm và trả lương theo đúng chuyên môn, năng lực, phù hợp với vị trí việc làm[11].
Chế độ đãi ngộ cần phải phù hợp đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước theo tinh thần của Chỉ thị số 50-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Theo đó, bảo đảm chế độ đãi ngộ đặc biệt cho lực lượng chuyên trách chống tham nhũng. Cần xác định đây là lực lượng đặc thù, đòi hỏi phải có chế độ đãi ngộ phù hợp để yên tâm công tác. Tăng cường các điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động của lực lượng chuyên trách phòng, chống tham nhũng để bảo đảm việc phát hiện và xử lý tham nhũng được hiệu quả và kịp thời. Thường xuyên nâng cao tinh thần, trách nhiệm của lực lượng chuyên trách về phòng, chống tham nhũng[12].
Tăng cường tập trung phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Nhà nước, nhất là thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, cần xử lý ngay các vụ việc tiêu cực trong cán bộ, Đảng viên trong cơ quan Thanh tra Nhà nước có tính chất phức tạp, nổi cộm, dư luận xã hội quan tâm. Tập trung đẩy nhanh tiến độ, xử lý dứt điểm các vụ việc tham nhũng, sai phạm kinh tế nghiêm trọng, phức tạp. Tích cực, khẩn trương xử lý với tinh thần phát hiện đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi phạm tội là ai, đã có dấu hiệu phạm tội phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tố, xét xử. Các cơ quan Thanh tra Nhà nước trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện dấu hiệu phạm tội phải kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật, không chờ kết thúc quá trình thanh tra, kiểm tra[13].
Phòng, chống tham nhũng trong cơ quan Thanh tra sẽ giúp cho bộ máy thanh tra vận hành khách quan, lành mạnh hóa hoạt động công vụ nhà nước, nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng. Bài viết đã phân tích đánh giá thực trạng tham nhũng trong cơ quan Thanh tra Nhà nước từ đó đề xuất một số giải pháp đáp ứng các yêu cầu cấp thiết của công tác phòng, chống tham nhũng trong cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong thời gian tới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Doãn Hồng Nhung (2021). Kiểm soát quyền lực trong thu hồi đất ở Việt Nam. Tạp chí Quản lý Nhà nước, Học viện Hành chính Quốc gia, Số 311/12/2021. ISSN 2354-0761; trang 44-49.
[2] Doãn Hồng Nhung (2022). Pháp luật về kiểm soát quyền lực nhà nước trong thu hồi đất và thực tiễn thi hành ở Việt Nam. Đề tài Khoa học cấp Bộ, Thanh tra Chính phủ.
[3] Doãn Hồng Nhung (2021). Quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai năm 2013, những bất cập và đề nghị sửa đổi bổ sung, Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, trang 80-97, tháng 9 năm 2021.
[4] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2023). Sách: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật - trang 30.
[5] Trung ương (2019). Điều 10, 11, 12, 13 Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23 tháng 9 năm 2019 quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
[6] Doãn Hồng Nhung (2021). Quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo tranh chấp đất đai trong Luật Đất đai năm 2013, những bất cập và đề nghị sửa đổi bổ sung, Hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, trang 80-97, tháng 9 năm 2021.
[7] Thủ tướng Chính phủ (2019). Chỉ thị số 10/2019/CT-TTg ngày 22/4/2019 về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc - trang 1, 2, 3.
[8] Trung ương (2021). Điều 2, 4 Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28 tháng 7 năm 2021 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
[9] Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2023). Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật - trang 15, 16, 17, 18, 19.
[10], 12, 13 Trung ương (2015). Chỉ thị số 50/2015-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng - trang 1, 2.
[11] Quốc hội (2019). Điều 4, 214, 215, 216 Luật Lao động năm 2019.
Tài liệu tham khảo:
Some opinions on the causes of corruption and negativity in the state anti-corruption agencies of Vietnam
Assoc.Prof.Dr. Doan Hong Nhung
University of Law, Vietnam National University, Hanoi
Cung Phi Tai Phuong
Department of Judgment Execution of Hanoi City
Abstract:
In recent years, the state anti-corruption agencies have experienced many cases of corruption themselves. This situation has been raised for a long time, but the corruption situation in these agencies has not improved much, even become more complicated. This paper analyzes the causes of corruption and negativity in the state anti-corruption agencies of Vietnam. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to prevent and fight against corruption in these agencies.
Keywords: corruption, anti-corruption, anti-corruption agencies, the Government Inspectorate of Vietnam.
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết