(CHG) Năm 2023, trọng tâm là phải thực hiện tốt chính sách tài khoá, đồng thời phối hợp với chính sách tiền tệ hợp lý hiệu quả nhất, cùng tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường vốn… Cần gỡ vướng về dòng tiền, hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) phát triển, gia tăng năng lực DN, từ đó tăng năng lực nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: VGP
Nhân dịp Xuân Quý Mão 2023, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về trọng tâm điều hành trong thời gian tới của Bộ Tài chính.
Kinh tế lấy lại đà tăng trưởng, chống thất thu hiệu quả
- Năm 2022, chính sách tài khóa có đóng góp quan trọng vào sự phục hồi kinh tế. Bộ Tài chính đã có giải pháp gì để khắc phục khó khăn, giúp thu NSNN về đích sớm và vượt dự toán?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đến ngày 15/12 đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, bằng 119,8% dự toán, cao hơn 77,8 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10,11/2022). Để có được kết quả này là do một số yếu tố sau đây.
Thứ nhất, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân. Nền kinh tế phục hồi tích cực, GDP 9 tháng tăng 8,83%, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây; ước cả năm tăng 8%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 730,28 tỷ USD, xuất siêu trên 11 tỷ USD. Các hoạt động sản xuất - kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng và trở lại trạng thái bình thường mới…
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt khó. Mặc dù chịu tác động giảm thu do thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, song việc thực hiện các chính sách này đã có tác động tích cực thúc đẩy duy trì và mở rộng sản xuất - kinh doanh, đồng thời tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ, qua đó tăng thêm nguồn thu cho ngân sách…
Thứ hai, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, DN.
Thứ ba, đã có nỗ lực rất lớn của cơ quan thuế, hải quan đã tăng cường các biện pháp quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, gian lận thương mại, chống thất thu.
Đáng chú ý, năm 2022, Bộ Tài chính đã vận hành Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng.
Đẩy mạnh thu ngân sách từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, ước cả năm 2022 đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 97% so năm 2021 (hơn 20 nghìn tỷ đồng).
Nhận diện đúng khó khăn
- Dù số thu cao nhưng theo diễn biến thực tế thì số thu giảm sút trong những tháng cuối năm. Điều này đặt ra những lo ngại gì và giải pháp nào để nguồn thu nội địa ổn định và bền vững hơn trong năm 2023, thưa Bộ trưởng?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Từ quý III/2022 trở lại đây nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn, khi bị ảnh hưởng bởi tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường; xung đột địa chính trị quốc tế diễn biến phức tạp; khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác; các nước lớn áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất…
Ở trong nước, áp lực lạm phát gia tăng; thị trường vốn, bất động sản, chứng khoán, tiền tệ, giải ngân vốn đầu tư công còn nhiều điểm nghẽn,... chưa thể khắc phục ngay để khôi phục nguồn thu NSNN. Sức ép về lãi suất, tỉ giá, lạm phát đẩy chi phí đầu vào tăng cao, đầu ra tiêu thụ chậm lại do thiếu đơn hàng mới. Thị trường xuất khẩu giảm sút khi cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia suy giảm... Những vấn đề trên sẽ là những áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trong năm 2023.
Để giảm thiểu tác động từ bên ngoài, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho DN phát triển. Trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023.
Để đạt được kết quả tốt trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp như: Bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển KT-XH, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030; đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho DN, người dân có thêm nguồn lực ứng phó với những khó khăn, thách thức trong thời gian tới; chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi NSNN; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá; điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường.
Đặc biệt, Bộ Tài chính sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, bịt các lỗ hổng; đẩy mạnh công tác giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tăng cường công tác truyền thông, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.
Tăng cường phối hợp chính sách, nâng "sức khoẻ" DN và nền kinh tế
- Ngay trong những ngày đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp gì để thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết này?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Nhìn lại năm 2022, các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ DN, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả số giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn). Cụ thể, số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng. Đến 15/12/2022, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng… Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2023.
Có thể thấy những chính sách nêu trên đã có "tác dụng kép", giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội…
Trong thời gian tới, bên cạnh những yếu tố tích cực, thuận lợi, dự báo năm 2023 sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ những tác động bất lợi chung của kinh tế thế giới. Ngay trong những ngày đầu năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, dự toán NSNN và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 01, Bộ Tài chính đã kịp thời xây dựng, ban hành Kế hoạch chi tiết thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 33/QĐ-BTC ngày 12/1/2023 trong đó phân công, phân nhiệm cho các đơn vị thuộc Bộ phấn đấu thực hiện từng nhiệm vụ.
Theo đó, năm 2023, chúng tôi sẽ tập trung tham mưu cho Chính phủ để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Bộ Tài chính đã đề ra kế hoạch triển khai 108 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó có 53 nhiệm vụ trực tiếp chủ trì, 55 nhiệm vụ phối hợp với các bộ ngành liên quan để thực hiện; chủ trì xây dựng 33 đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ban hành 57 Thông tư. Trọng tâm của chúng tôi là tiếp tục thực hiện tốt chính sách tài khoá; phối hợp giữa chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ một cách hợp lý nhất và hiệu quả nhất. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để ổn định thị trường chứng khoán, bảo hiểm, thị trường vốn và bảo đảm quản lý tài chính ngân sách, tài sản công hiệu quả nhất.
Cụ thể, năm 2023, chúng tôi cũng vừa đề xuất thực hiện chính sách gia hạn kéo dài, giãn hoãn thời gian nộp thuế như năm 2022, đồng thời đề xuất và được Chính phủ đồng ý giảm 3% tiền thuê đất, thực hiện giảm thuế môi trường cho xăng dầu và một số khoản phí và lệ phí… từ đó tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ gia đình.
Tôi cho rằng, cần phải tập trung để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN, gỡ vướng về dòng tiền, hỗ trợ cho DN phát triển. Gia tăng năng lực DN, từ đó tăng năng lực nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2022, Bộ Tài chính đứng đầu các bộ ngành về chuyển đổi số. Để tiếp tục phát huy thế mạnh, Bộ Tài chính đã đưa ra những tầm nhìn định hướng cụ thể để phát triển tài chính số. Đó là chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN phù hợp với lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, giảm chi phí, tăng năng suất của DN, tạo thuận lợi, mang lại sự hài lòng của người dân, giúp người dân, DN. Tập trung chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện trong các lĩnh vực như thuế, hải quan kho bạc, chứng khoán, trọng tâm ứng dụng CNTT, trí thuệ nhân tạo.
Bộ Tài chính phấn đấu hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ đã đề ra như: 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 100% dịch vụ công trực tuyến được thiết kế, thiết kế lại nhằm tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng, khi sử dụng được điền sẵn tối đa thông tin, dữ liệu mà người dùng đã cung cấp trước đó theo thỏa thuận hoặc được thu thập, chia sẻ phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ Tài chính được xác thực điện tử… |
Nguồn: https://baochinhphu.vn/nam-2023-chinh-sach-tai-khoa-ho-tro-dn-va-nen-kinh-te-phat-trien-ben-vung-102230119183505638.htm
0