Nâng cao năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay


TÓM TẮT:

Năng lực lãnh đạo (NLLĐ), mà cụ thể là NLLĐ của người đứng đầu là nhân tố quyết định thành công của doanh nghiệp. Hiện nay, vấn đề nâng cao NLLĐ ở các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm không chỉ từ phía các doanh nghiệp, mà còn của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở khái quát về hoạt động chuyển đổi số  trong doanh nghiệp, chỉ rõ những năng lực cần có của lãnh đạo doanh nghiệp, tác giả đề xuất một số giải pháp nâng cao NLLĐ của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số.

Từ khóa: chuyển đổi số, doanh nghiệp, năng lực lãnh đạo, hoạt động doanh nghiệp.

1. Đặt vấn đề

Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là vấn đề đang được Đảng và Nhà nước quan tâm, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là giải pháp quan trọng, là xu hướng tất yếu để các doanh nghiệp nâng cao năng lực, lợi thế cạnh tranh, tồn tại, tăng tốc và phát triển. Từ tháng 1/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành và triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025 với mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam thay đổi, thích ứng với những điều kiện mới, nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Bối cảnh chuyển đổi số đã và đặt ra những yêu cầu mới về năng lực của người lãnh đạo doanh nghiệp. Nhận thức rõ những yêu cầu này để từ đó có giải pháp nâng cao NLLĐ ở các doanh nghiệp là vấn đề cần thiết.

2. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp

Trước sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện chủ trương đó, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, giảm thủ tục hành chính, thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Hiện nay, cả nước có khoảng 870 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp ở quy mô nhỏ và vừa [1]. Trên thực tế, hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp đã diễn ra mạnh mẽ trong những năm gần đây như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều doanh nghiệp nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các giải pháp phần mềm vào hoạt động quản lý bán hàng, tiếp thị trực tuyến, quản lý kênh phân phối, quản trị kinh doanh hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp được định nghĩa là việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kinh doanh, hiệu quả quản lý, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp và tạo ra các giá trị mới. Các hoạt động chuyển đổi số có thể bao gồm từ việc số hóa dữ liệu quản lý, kinh doanh của doanh nghiệp, áp dụng công nghệ số để tự động hóa, tối ưu hóa các quy trình nghiệp vụ, quy trình quản lý, sản xuất kinh doanh, quy trình báo cáo, phối hợp công việc trong doanh nghiệp cho đến việc chuyển đổi toàn bộ mô hình kinh doanh, tạo thêm giá trị mới cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp không chỉ đơn giản là đưa công nghệ số vào, mà cần kết hợp với chuẩn hóa quy trình kinh doanh, quy trình quản trị doanh nghiệp. Chuyển đổi số mang rất nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp.

Một là, thu hẹp khoảng cách giữa các phòng, ban, bộ phận trong nội bộ doanh nghiệp. Việc ứng dụng các công nghệ số trên một nền tảng thống nhất sẽ tạo nên sự liên kết thông tin giữa các phòng, ban, bộ phận trong doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả, từ đó giúp cho sự vận hành các hoạt động của doanh nghiệp không bị tắc nghẽn.

Hai là, tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị. Thực hiện chuyển đổi số, lãnh đạo của doanh nghiệp có thể chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp, như: tình hình sản xuất - kinh doanh, biến động về doanh số, nhân sự, phản hồi của khách hàng… sẽ được thể hiện trên các phần mềm quản trị. Những điều này sẽ giúp hoạt động đạt hiệu quả và minh bạch hơn so với trước đó.

Ba là, có thể tối ưu hóa năng suất là việc của nhân viên. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong doanh nghiệp. Những công việc có giá trị gia tăng thấp, công nghệ số có thể tự động thực hiện, không phát sinh thêm chi phí trả lương cho nhân viên. Đồng thời, giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. Chuyển đổi số còn giúp nhà quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo nhận lại cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng hoặc cuối quý.

Bốn là, chuyển đổi số giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Công nghệ số giúp triển khai và vận hành doanh nghiệp hiệu quả, chính xác và chất lượng. Các giải pháp số hóa sẽ tăng tính hiệu quả và chính xác trong các quyết định của doanh nghiệp. Đồng thời, giúp doanh nghiệp mở rộng khách hàng, tương tác nhanh chóng với khách hàng, từ đó có chính sách chăm sóc và phục vụ khách hàng một cách hiệu quả. Những lợi ích này sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

3. Năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số

Hiện nay, có nhiều quan niệm khác nhau về lãnh đạo. Theo Janda (1960): “Lãnh đạo là dạng đặc biệt của quan hệ quyền lực được đặc trưng bởi nhận thức của các thành viên trong nhóm rằng: một thành viên khác của nhóm có quyền lực đòi hỏi những dạng hành vi đối với các thành viên khác trong hoạt động của họ như là một thành viên trong nhóm” [5]. Theo (Jacobs, 1970), “Lãnh đạo là sự tương tác giữa những con người, trong đó có một người trình bày những thông tin để người khác trở nên bị thuyết phục với những kết cục của anh ta… và những kết cục này sẽ được hoàn thiện khi đối tượng cư xử theo những điều được được đề nghị hoặc được đòi hỏi” [6]. Còn nhiều quan niệm khác như: “Lãnh đạo là gây ảnh hưởng” (John C. Maxwell, 1993) [7], “Lãnh đạo là khả năng gây ảnh hưởng lên những người khác” (Stephan P.Robins, 1998) [9]. Tựu chung, lãnh đạo là hành động thu phục nhân tâm, là làm thế nào để những người xung quanh mình đi theo mình, làm theo mình một cách tự nguyện, cùng lý tưởng mục tiêu với mình. Lãnh đạo trong doanh nghiệp là lãnh đạo gắn với doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới mục tiêu yếu là lợi nhuận. Người lãnh đạo sử dụng các nguồn lực đầu vào như: tiền vốn, nguyên liệu, thông tin, nhân lực… để đạt được mục tiêu. Nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp là người gắn liền với chức vị, quyền lực do được bổ nhiệm (ví dụ như trưởng phòng) hoặc là những người có quyền hạn thực sự (chủ doanh nghiệp).

Nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp là “cá nhân có khả năng gây ảnh hưởng, kích thích và khuyến khích người khác đóng góp vào các hoạt động có hiệu quả và thành công của tổ chức họ trực thuộc” [8]. Một nhà lãnh đạo phải đảm bảo được 3 yếu tố: khả năng tạo tầm nhìn, khả năng truyền cảm hứng và khả năng gây ảnh hưởng, nghĩa là, phải có NLLĐ. Theo Doh J.p (2003), có nhiều quan niệm khác nhau về NLLĐ: NLLĐ là khả năng tạo ra động lực và hứng khởi cho bản thân và sau nữa là truyền sự hứng khởi cho người khác; là khả năng giành được sự ủng hộ và nỗ lực tối đa từ các thành viên trong tổ chức; là tổng hợp các tố chất, kiến thức, hành vi thái độ, kỹ năng mà nhà lãnh đạo cần có để hoàn thành nhiệm vụ của mình; là khả năng của cá nhân nhằm gây ảnh hưởng, thúc đẩy và khiến người khác cống hiến vì hiệu quả và thành công của tổ chức [3].

Trong bối cảnh chuyển đổi số, để có NLLĐ tốt, đội ngũ nhà lãnh đạo trong các doanh nghiệp Việt Nam cần phải có những kiến thức, kỹ năng, tố chất, hành vi lãnh đạo phù hợp.

Kiến thức lãnh đạo là tổng thể tri thức, hiểu biết mà một người lĩnh hội, tích lũy qua trải nghiệm hoặc học hỏi và có khả năng vận dụng vào công việc lãnh đạo của mình. Đó là những hiểu biết chung của lãnh đạo doanh nghiệp về các vấn đề tự nhiên, xã hội, về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh của doanh nghiệp, về lãnh đạo điều hành doanh nghiệp... Các kiến thức mà lãnh đạo một doanh nghiệp cần có bao gồm: các kiến thức về doanh nghiệp và ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp, kiến thức về văn hóa - xã hội,... Bên cạnh đó, cần có các kiến thức về lãnh đạo bản thân, kiến thức về chiến lược kinh doanh, kiến thức để điều hành các hoạt động chính của doanh nghiệp như kiến thức về quản trị nhân sự, marketing, tài chính, sản xuất - dịch vụ. Trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số hiện nay, đòi hỏi nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải có các kiến thức bổ trợ khác, như: kiến thức về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, về văn hóa doanh nghiệp, về quản trị sự thay đổi, về hội nhập kinh tế quốc tế, về ngoại ngữ, tin học... Các kiến thức này sẽ giúp lãnh đạo các doanh nghiệp chủ động trong việc tìm ra chiến lược, cơ hội kinh doanh, mở rộng thị trường, từ đó giúp doanh nghiệp ngày càng phát triển.

Kỹ năng lãnh đạo, là năng lực thực hiện các công việc, biến kiến thức thành hành động. Kỹ năng lãnh đạo thể hiện sự thành thạo của mỗi người khi vận dụng sự hiểu biết về lãnh đạo trong thực tế điều hành nhằm đạt được mục tiêu đã đề ra. Các kỹ năng này được biểu hiện  cụ thể như sau: Các kỹ năng lãnh đạo bản thân: kỹ năng thấu hiểu bản thân; cân bằng công việc và cuộc sống; học hỏi, giải quyết vấn đề... Các kỹ năng lãnh đạo đội ngũ: bao gồm các kỹ năng giao tiếp lãnh đạo; động viên khuyến khích, phát triển đội ngũ; thiết lập và lãnh đạo nhóm; kỹ năng đào tạo và phát triển nhân viên, đánh giá nhân viên; hướng dẫn, định hướng cho nhân viên… Các kỹ năng lãnh đạo tổ chức, bao gồm: kỹ năng xây dựng tầm nhìn và lập chiến lược; tổ chức và triển khai công việc; huy động và phối hợp các nguồn lực; xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp; khởi xướng sự thay đổi;…

Phẩm chất lãnh đạo, bao gồm các nhân tố thuộc về thế giới quan tiếp nhận và phản ứng lại các thực tế, xác định giá trị, giá trị ưu tiên. Các phẩm chất cần có để đảm bảo tính hiệu quả trong công tác lãnh đạo của doanh nghiệp bao gồm: Tầm nhìn bao quát: Nhà lãnh đạo phải biết kết hợp giữa nhận thức chủ quan và những yếu tố khách quan bên ngoài để có cái nhìn bao quát mọi vấn đề mà doanh nghiệp sắp phải đối mặt. Tính mạo hiểm, quyết đoán: không sợ khó khăn nguy hiểm, dám đương đầu với thất bại là phẩm chất quan trọng và có ý nghĩa quyết định tới đến thành bại trong hoạt động kinh doanh. Ham học hỏi: ngoài những kiến thức cơ bản trong lĩnh vực hoạt động của mình, lãnh đạo doanh nghiệp phải luôn có tinh thần học hỏi để không ngừng nâng cao kiến thức, nhận biết và cập nhật những thông tin và tri thức mới. Tư duy đổi mới, sáng tạo: thể hiện sự chủ động khỏi xướng và thực hiện đổi mới của người lãnh đạo, luôn suy nghĩ sáng tạo đồng hành với phòng ngừa rủi ro, khuyến khích thuộc cấp phát huy sáng kiến vì mục tiêu chung của tổ chứcTrách nhiệm: là phẩm chất thể hiện khả năng chịu trách nhiệm trước hành vi, kết quả hoạt động của cá nhân, có ý thức trách nhiệm trong từng công việc được giao, có ý thức nhận lỗi và không đổ lỗi cho người khác. Đạo đức nghề nghiệp: là sự trung thực, sự liêm chính, sự công tâm… trong công tác điều hành doanh nghiệp cũng như đối với khách hàng, xã hội. Tính kiên nhẫn, không bao giờ đầu hàng với khó khăn khi chưa thực sự đối đầu nó. Sự tự tin, lãnh đạo doanh nghiệp tự tin thường cố gắng gánh vác những công việc khó khăn và đề ra các mục tiêu mang nhiều thách thức. Điều đó sẽ làm tăng quyết tâm và cam kết của cấp dưới, của người lao động để hoàn thành mục tiêu đề ra từ đầu.

4. Một số giải pháp cần thực hiện

Đại hội XIII của Đảng đặt ra những mục tiêu và khát vọng phát triển của đất nước đến năm 2025 trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đại hội XIII cũng đã đề ra nhiệm vụ: Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi… [4, tr.72]. Đồng thời đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60 - 65% [2]. Để thực hiện mục tiêu trên, trong bối cảnh chuyển đổi số doanh nghiệp, cần triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao NLLĐ của các doanh nghiệp.

Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp. Chú trọng phát triển đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp trên cơ sở phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo bài bản, có tri thức, tính sáng tạo vượt trội, được trải nghiệm trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp với cơ chế thị trường, thích ứng với sự phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Ðổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo về kinh tế và quản trị kinh doanh ở các học viện, trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề. Trong đó, chú trọng giáo dục, rèn luyện và hun đúc cho doanh nhân “tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ”, ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với sự phát triển xã hội, tính trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức cộng đồng cao. Cập nhật, bổ sung hệ thống tri thức mới về quản trị, kinh doanh trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, nâng cao nhận thức cho lãnh đạo doanh nghiệp về chuyển đổi số. Thực tế cho thấy, với những doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ thì việc quyết định thực hiện chuyển đổi số như thế nào, lựa chọn các giải pháp nào là một rào cản rất lớn. Chuyển đổi số nếu chỉ trong kế hoạch mà không có nhân lực phù hợp triển khai thì cũng thành vô nghĩa. Để dẫn dắt, triển khai được chuyển đổi số, nhà lãnh đạo phải có kiến thức và kinh nghiệm về cả kinh doanh và công nghệ. Do đó, cần tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về chuyển đổi số. Đào tạo chuyên sâu theo quy mô, giai đoạn, lĩnh vực chuyển đổi số cho doanh nghiệp. Đào tạo về chiến lược chuyển đổi số cho các chủ doanh nghiệp.

Thứ ba, triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Ngân sách Nhà nước cần tập trung ưu tiên đầu tư vào xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số dùng chung làm nền tảng, tạo điều kiện cho chuyển đổi số. Đẩy nhanh chuyển đổi số nhóm doanh nghiệp ngành tài chính - ngân hàng, để từ đó tạo trụ cột thay đổi hành vi để các doanh nghiệp tích cực chuyển đổi số. Tập trung xây dựng và triển khai các chính sách ưu đãi về thuế, phí khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi số, sử dụng và cung cấp các dịch vụ số. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, chính sách vay ưu đãi để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện đổi mới công nghệ, trang bị công nghệ mới hiện đại để thực hiện chuyển đổi số. Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số, trong đó Chính phủ đóng vai trò cầu nối để thúc đẩy chính phủ điện tử và dịch vụ điện tử cho các doanh nghiệp.

Thứ tư, phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong triển khai các hoạt động nâng cao NLLĐ cho các chủ doanh nghiệp. Các hiệp hội cần tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ quản lý;  cần tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cho hội viên về chuyên môn nghiệp vụ, cách thức quản lý hiện đại, đặc biệt là rèn luyện kỹ năng kinh doanh và nghề giám đốc, giúp doanh nghiệp, doanh nhân nắm vững các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Với vai trò đại diện cho doanh nghiệp, các hiệp hội cần đứng ra tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các hội viên hoặc tổ chức các hoạt động giao lưu truyền đạt kinh nghiệm giữa các hội viên với nhau. Các hoạt động này cần được thực hiện một cách thường xuyên, có tổ chức.

Thứ năm, phát huy tính tích cực, chủ động của cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp trong nâng cao NLLĐ. Mỗi lãnh đạo doanh nghiệp là đối tượng, đồng thời là chủ thể của quá trình phát triển đội ngũ doanh nhân. Sự tác động của các chủ thể khác bằng nhiều con đường, giải pháp chỉ có hiệu lực, hiệu quả khi mỗi doanh nhân có ý thức làm chủ và tự chủ trong phát triển trình độ, năng lực, là tế bào để phát triển đội ngũ. Vì thế, mỗi doanh nhân cần đề cao ý thức học tập và tự học tập, tự đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ toàn diện và NLLĐ đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số. Thường xuyên cập nhật, tận dụng cơ hội, nắm bắt và làm chủ hệ thống tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, ng dụng vào quản lý, kinh doanh; trau dồi những kỹ năng cần thiết để đủ sức “đứng vững” và nâng cao năng lực cạnh tranh trong cơ chế thị trường. Bên cạnh đó, mỗi lãnh đạo doanh nghiệp phải không ngừng tự bồi dưỡng, rèn luyện tác phong, phương pháp của nhà lãnh đạo, nhà quản lý với những chuẩn mực văn hóa tiến bộ, hiện đại, giàu bản sắc dân tộc.

5. Kết luận

chuyển đổi số trong doanh nghiệp là xu thế tất yếu hiện nay, có tác động sâu sắc, toàn diện đến sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Bối cảnh đó cũng đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn đối với NLLĐ của các doanh nghiệp. Để nâng cao NLLĐ của các doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số cần có sự chung tay hành động từ phía Chính phủ, các Hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp và cá nhân mỗi nhà lãnh đạo trong doanh nghiệp. Từ đó, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao, có đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Phát triển doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023). Báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp 2022, “Mức độ sẵn sàng chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam”, tháng 2/2023.
  2. Phạm Minh Chính (2022). Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tạp chí Cộng sản điện tử. Truy cập tại https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-tieu-diem/-/asset_publisher/s5L7xhQiJeKe/content/chinh-phu-thau-hieu-chia-se-lang-nghe-va-ho-tro-doi-ngu-doanh-nhan-vuot-qua-kho-khan-vuon-xa-hon-nua
  3. Doh, J. P (2003). Can leadership be taught? Perspectives from management educators. Academy of Management Learning and Education 2(1).
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Janda, K (1960). Toward the explication of the concept of leadership in terms of the concept of power. Human Realation, 13.
  6. Jacobs & Jaques (1990). Military executive leadership, Measures of leadership. West Orange, NJ: Leadership Library os America.
  7. John C. Maxwell (1993). Developing the Leader Within You. USA: Publisher: Thomas Nelson.
  8. House (1996). Path-goal theory of leadership: Lesson, legacy and a reformulated theory. Leadership Quarterly, 323-352.
  9. Stephen R. Covey (2009). The 7 Habits of Highly Effective, People RosettaBooks; Revised edition (December 2, 2009).

Improving the leadership capacity of enterprises in the context of current digital transformation process 

Luu Ngoc Liem

Lac Hong University

Abstract:

Leadership capacity, especially the leadership capacity of the head, is a ecisive factor for the success of an enterprise. The improvement of leadership capacity for Vietnamese enterprises has been received attention not only from businesses but also from state management agencies at all levels in order to improve the quality of human resources for the country’s digital transformation and international integration. This paper presents an overview of the digital transformation in enterprises and identifies the required competencies of business leaders. Based on the paper’s analysis, some solutions are proposed to improve the leadership capacity of enterprises.

Keywords: digital transformation, enterprise, leadership capacity, business operations.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Tác động của quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại các công ty Việt Nam

Tác động của quản trị công ty đến hiệu quả hoạt động doanh nghiệp tại các công ty Việt Nam do ThS. Mai Huỳnh Phương Thảo (Giảng viên, Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) - Nguyễn Thị Thanh Ngân - Nguyễn Thanh Thiên Kim - Nguyễn Đăng Khoa (Sinh viên, Khoa Kế toán, Trường Đại học Tôn Đức Thắng) thực hiện

Xem chi tiết
Các yếu tố tác động đến tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Đề tài Các yếu tố tác động đến tỷ lệ nắm giữ tiền mặt của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam do ThS. Trần Huỳnh Kim Thoa - ThS. Lê Thị Minh - ThS. Lê Nguyễn Trà Giang (Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

Xem chi tiết
TP.HCM: Phấn đấu đến cuối năm 2024 phải hoàn thành cầu nối Nhà Bè và Quận 7

(CHG) - Hôm 15/9, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã chính thức chốt kế hoạch hoàn thành công trình cầu Rạch Đỉa vào cuối năm 2024.

Xem chi tiết
Đình chỉ, kiểm tra nguồn gốc thực phẩm một cơ sở vì liên quan đến vụ 21 học sinh có dấu hiệu ngộ độc

(CHG) - Tin từ Trung tâm Y tế TP. Pleiku, đơn vị đang điều tra, xác minh trường hợp nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi uống trà sữa trong tiệc liên hoan nhân dịp Tết Trung thu tại lớp 7.1 Trường THCS Tôn Đức Thắng (phường Thống Nhất, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) khiến 21 học sinh đau bụng, buồn nôn.

Xem chi tiết
Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn dịch vụ kế toán chuyên nghiệp: trường hợp của các doanh nghiệp nhỏ tại thành phố Cần Thơ

Bài báo nghiên cứu "Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định chọn dịch vụ kế toán chuyên nghiệp: trường hợp của các doanh nghiệp nhỏ tại thành phố Cần Thơ" PGS.TS. Nguyễn Hữu Đặng1 - ThS. Vương Yến Linh2 - TS. Lương Thị Cẩm Tú1 - ThS. Trần Khánh Dung1 - ThS. Đinh Thị Ngọc Hương1 - ThS. Đàm Thị Phong Ba1 (1 - Trường Kinh tế, Trường Đại học Cần Thơ và 2 - Khoa Kinh tế, Trường Đại học Nam Cần Thơ) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3