TÓM TẮT:
Bài viết khái quát thực trạng năng lực cạnh tranh của điểm đến Thành phố Hồ Chí Minh thông qua khả năng khai thác hợp lý các yếu tố nguồn lực (tài nguyên du lịch; cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; chủ trương, chính sách phát triển du lịch; sản phẩm du lịch; nguồn nhân lực du lịch), từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khóa: điểm đến du lịch, năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch, TP. Hồ Chí Minh.
Nhiều năm qua, TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, mỗi năm đón hàng triệu du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, lưu trú. Đồng thuận với đó, TP. Hồ Chí Minh được xem là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất cả nước.
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, năm 2022, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, tăng tốc trong giai đoạn phục hồi, với hơn 35 triệu lượt khách quốc tế và nội địa đến, cùng hàng loạt các giải thưởng của Tổ chức Du lịch Thế giới (WTA) và "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á", là điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất, hấp dẫn nhất khu vực trong mùa du lịch cao điểm hè.
Trong 9 tháng của năm 2023, du lịch là một trong số ít ngành kinh tế của TP. Hồ Chí Minh có mức tăng trưởng tốt với tổng lượng khách quốc tế đạt gần 3,6 triệu lượt, khách nội địa gần 27 triệu lượt, tổng thu ước đạt gần 126.000 tỷ đồng, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm 2022 (9 tháng năm 2022 là 92.376 tỷ đồng), đạt 78,4% kế hoạch năm. Nhiều mục tiêu và kế hoạch năm 2023 của ngành cũng sắp “cán đích”, thậm chí được dự báo sẽ vượt chỉ tiêu, khi dư địa tăng trưởng còn rất nhiều từ chính sách thị thực mới và mùa cao điểm cuối năm sắp tới. (Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, 2023).
Năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch TP. Hồ Chí Minh được xem xét, đánh giá thông qua:
(1) Tài nguyên du lịch: Đặc điểm nổi bật của TP. Hồ Chí Minh trong số ít thành phố trên thế giới có được, đó là một đô thị lớn có nhiều nét văn hóa lịch sử mang tính đặc trưng, nhưng lại còn có biển, rừng và hệ thống sông rạch liên hoàn từ nội thành ra đến biển.
Đặc biệt, 2 hệ thống hạ tầng và cũng là sản phẩm tự nhiên, độc đáo, đặc sắc là khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ với diện tích 70.500 ha gắn với đô thị sinh thái biển Cần Giờ; khu sinh thái sông nước dọc sông Sài Gòn lên đến khu địa đạo Củ Chi, đền Bến Dược gắn với vùng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao và vườn, trang trại sinh thái, cây cảnh, hoa kiểng ven sông Sài Gòn đi từ quận 1 lên đến huyện Củ Chi và tỉnh Tây Ninh.
Theo thống kê của Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Thành phố có nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng gồm: 234 tài nguyên văn hóa vật thể, 120 tài nguyên nhân tạo trong số 386 tài nguyên du lịch; hệ thống bảo tàng, di tích cách mạng phong phú, hệ thống giao thông đường sông trong lòng đô thị. Nhiều khu sinh thái, nông thôn mới liền kề đô thị. Thành phố có truyền thống hoạt động văn hóa nghệ thuật; công nghiệp giải trí, văn hóa ẩm thực phát triển…
(2) Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch: Theo Phòng Vận tải đường thủy - Sở Giao thông Vận tải, TP. Hồ Chí Minh gồm 101 tuyến giao thông đường thủy với tổng chiều dài 913km, trong đó, tuyến hàng hải là 11 tuyến với chiều dài 229,2km; tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 5 tuyến với 126,1km; tuyến đường thủy nội địa địa phương gồm 83 tuyến với 555km (Quý Hiền, 2023).
TP. Hồ Chí Minh còn có lợi thế của 4 tuyến sông chính, gồm: Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp, cùng với hệ thống sông, kênh, rạch tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Mạng lưới có nhiều tuyến đường thủy nằm ngay trung tâm thành phố chính là điều kiện rất thuận lợi trong việc vận tải hành khách, kết hợp khách du lịch bằng đường thủy. Vì vậy, có nhiều doanh nghiệp lữ hành kinh doanh dịch vụ du lịch của Thành phố có năng lực tài chính, mong muốn phát triển du lịch đường thủy.
TP. Hồ Chí Minh có hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phát triển đứng đầu cả nước. Trong đó, sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe và y tế có nhiều tiềm năng phát triển nhanh dựa trên hệ thống cơ sở vật chất hiện đại gồm 131 bệnh viện, trong đó có bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân và bệnh viện thuộc bộ, ngành. Đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao với chi phí cho hoạt động khám chữa bệnh hợp lý. Các cơ sở y tế hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế ở TP. Hồ Chí Minh có khả năng tiếp nhận bệnh nhân là khách du lịch có nhu cầu chữa trị và chăm sóc sức khỏe.
Theo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Thành phố hiện có hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng (trong đó, có 324 khách sạn xếp hạng 1-5 sao), 1.280 doanh nghiệp lữ hành và 6.934 hướng dẫn viên du lịch với 59,6% là hướng dẫn viên du lịch quốc tế.
(3) Chủ trương, chính sách của chính quyền trong thúc đẩy phát triển du lịch: UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3364/QĐ-UBND ngày 13/8/2018 về phê duyệt Đề cương, nhiệm vụ Chiến lược phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030. Theo Quyết định này, những nội dung quan trọng của Chiến lược cần phải được xác định rõ ràng và cụ thể, bao gồm: (1) Chiến lược định hướng và phát triển thị trường; (2) Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch then chốt và quản trị chất lượng điểm đến; (3) Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch và các yếu tố nguồn lực khác; (4) Chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch; (5) Chiến lược tiếp thị, truyền thông và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch; (6) Chiến lược đầu tư và chính sách phát triển du lịch; (7) Chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin vào phát triển du lịch gắn với Đề án Phát triển Đô thị thông minh của TP. Hồ Chí Minh.
Trong tháng 9/2023, Sở Du lịch đã trình UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành kế hoạch cụ thể, kết hợp thực hiện giữa Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
(4) Sản phẩm du lịch: Năm 2022 là năm ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện thành công chương trình “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng”. Không chỉ nỗ lực thực hiện tốt vai trò là trung tâm du lịch lớn nhất nước, ngành Du lịch của Thành phố còn nỗ lực đổi mới sản phẩm để trở thành điểm đến du khách không thể bỏ qua với chuỗi sản phẩm mới tôn vinh các giá trị văn hóa - lịch sử - kiến trúc gắn liền với sự phát triển của Sài Gòn - Gia Định và nhịp sống hiện đại của TP. Hồ Chí Minh. Giải pháp này thực sự đã phát huy thế mạnh, bản sắc của du lịch của TP. Thủ Đức và các quận, huyện; thúc đẩy yếu tố liên kết vùng, sự cộng đồng trách nhiệm của sở, ngành, quận/huyện, doanh nghiệp. Chương trình đã tạo nên bức tranh du lịch thành phố sống động với hơn 60 sản phẩm du lịch, trong đó 30 sản phẩm du lịch mới của các quận, huyện và TP. Thủ Đức.
Năm 2023. ngành Du lịch Thành phố đã xác định tập trung triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển du lịch TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 với 4 mục tiêu chính: Tiếp tục nâng chất và đa dạng hóa sản phẩm du lịch của thành phố, chú trọng sản phẩm du lịch đặc trưng; Tập trung truyền thông, quảng bá về sản phẩm du lịch đặc trưng, điểm đến và thương hiệu du lịch thành phố; Thúc đẩy kích cầu du lịch và khai thác ứng dụng số trong du lịch; Đón 5.000.000 lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa với tổng thu du lịch đạt 160.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, từ khi mở cửa sau dịch Covid-19, TP. Hồ Chí Minh đón nhiều đoàn khách tàu biển quốc tế đến thăm quan Thành phố. Ngoài các điểm đến quen thuộc như: Dinh Thống Nhất, Bưu điện Thành phố, chợ Bến Thành, địa đạo Củ Chi,… các đoàn khách thường dành thời gian du ngoạn trên sông Sài Gòn, thưởng thức món ăn Nam Bộ trong không gian thanh mát của Làng Du lịch Bình Quới.
Để kích cầu, ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú để thu hút khách du lịch như: tổ chức hàng loạt các hội chợ triển lãm, ẩm thực văn hóa; lễ hội sông nước, trên bến - dưới thuyền... Các hoạt động trên đã thu hút hàng ngàn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, hưởng thụ.
Ngành Du lịch TP. Hồ Chí Minh cũng nỗ lực chuyển mình bằng cách tăng cường tính năng cho các ứng dụng (app) du lịch kết nối điểm đến, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm… Ứng dụng này còn tích hợp thêm thông tin, hình ảnh 3D, 2D của các khu du lịch, di tích lịch sử, điểm du lịch. Thông qua công nghệ thực tế ảo Virtual Reality (VR), ứng dụng cho phép du khách trải nghiệm cảm giác bay trong không gian ảo trên bầu trời TP. Hồ Chí Minh và tham quan thành phố nhìn từ trên cao.
Đặc biệt, TP. Hồ Chí Minh còn công bố nhiều sản phẩm du lịch y tế. Theo Sở Du lịch Thành phố bên cạnh dịch vụ nha khoa thẩm mỹ, vài năm trở lại đây, 3 dịch vụ y tế khác hiện cũng đang được khách du lịch nội địa và quốc tế quan tâm, gồm khám sức khỏe tổng quát, khám sức khỏe tầm soát bệnh lý - thực hiện kỹ thuật chuyên sâu và y học cổ truyền. Hiện, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã làm việc, kết nối với hơn 50 đơn vị gồm bệnh viện, spa, khách sạn, nhà hàng, các công ty lữ hành để phát triển các sản phẩm du lịch y tế. Theo đó, các doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh đã phối hợp với các đơn vị y tế để xây dựng hơn 30 sản phẩm du lịch y tế trong năm 2023. Điểm chung của các sản phẩm du lịch y tế được công bố dịp này là sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại các bệnh viện uy tín, chất lượng, trải nghiệm dịch vụ cao cấp, ăn uống, mua sắm, nghỉ dưỡng kết hợp tham quan các di tích, điểm đến nổi tiếng của TP. Hồ Chí Minh (Chi Mai, 2023).
(5) Nguồn nhân lực du lịch: Tính đến ngày 18/12/2020, TP. Hồ Chí Minh có 1.018 doanh nghiệp, trong đó có 759 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 163 doanh nghiệp lữ hành nội địa, 76 đại lý lữ hành và 20 văn phòng đại diện doanh nghiệp lữ hành nước ngoài; chủ yếu tại các quận 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. Về số lượng hướng dẫn viên, TP. Hồ Chí Minh có 7.200 hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ, trong đó hướng dẫn viên quốc tế chiếm tỷ lệ 46,86% với 3.374 người và hướng dẫn viên du lịch nội địa là 3.826 người (Thái Doãn Hồng, 2022).
Bên cạnh kết quả đạt được, năng lực cạnh tranh của điểm đến TP. Hồ Chí Minh cũng còn những hạn chế, bất cập như: hệ thống giao thông, cấp - thoát nước chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; các giải pháp giao thông công cộng kết nối các điểm đến du lịch còn chưa đáp ứng yêu cầu. Hệ thống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trở nên quá tải, trong khi hệ thống cầu tàu, bến đỗ đường thủy chưa đầu tư đồng bộ đang tạo rào cản cho sự phát triển của loại hình du lịch tiềm năng này. Thành phố vẫn thiếu các khu du lịch, công viên đạt được tầm vóc và sức thu hút khách quốc tế. Trong khi đó, các điểm biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn, đạt chất lượng để thu hút du khách lưu lại Thành phố vẫn còn là câu chuyện của tương lai… Đối với hạ tầng công nghệ thông tin, hiện Thành phố vẫn chưa có hệ sinh thái dữ liệu mở, do đó thiếu cơ sở dữ liệu dùng chung của ngành Du lịch Thành phố, chưa liên kết, tích hợp được dữ liệu giữa các ngành với nhau.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực của TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành Du lịch cả về số lượng và chất lượng. Về số lượng, các cơ sở đào tạo chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu. Sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp và cơ sở đào tạo du lịch chưa đạt được hiệu quả cao, dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực du lịch vừa thừa, vừa thiếu. Bên cạnh đó, cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực du lịch TP. Hồ Chí Minh chưa thật hợp lý giữa các loại hình, các nghề, còn xảy ra tình trạng mất cân đối trong đào tạo giữa chuyên ngành khách sạn và lữ hành. Một số cơ sở đào tạo chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chủ yếu đào tạo về nhân sự, nhân viên du lịch mà chưa chú trọng đào tạo đội ngũ quản lý. Mặt khác, trên địa bàn Thành phố chưa có trường đại học chuyên đào tạo về du lịch; chỉ có các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về ngành Du lịch, nhưng không chuyên sâu, chưa đáp ứng yêu cầu của ngành, chưa gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiện khách đến TP. Hồ Chí Minh chỉ lưu trú từ nửa ngày đến 1 ngày, không ở dài ngày như trước nữa. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của du lịch TP. Hồ Chí Minh đã bão hòa, sự khác biệt nay đã trở thành phổ biến khi các trung tâm mua sắm lớn (mall), các tòa nhà cao tầng, các sản vật đặc thù riêng có cũng đã tràn lan ở nhiều tỉnh thành khác…
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch TP. Hồ Chí Minh, theo tác giả, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, xây mới hoặc cải thiện cơ sở hạ tầng và phương tiện vận chuyển. So với các sân bay quốc tế trong khu vực, hệ thống cơ sở vật chất của Sân bay Tân Sơn Nhất tuy đã được từng bước hiện đại hóa, nhưng chưa đồng bộ và ngày càng xuống cấp. Trình độ và tính kỷ luật của bộ phận không lưu còn yếu. Sự lộn xộn trong sắp xếp đưa, đón khách chưa tạo được ấn tượng tốt với cả du khách trong và ngoài nước.
Ngoài ra, trong giai đoạn 2023-2025, Thành phố cần chú trọng phát triển vận tải hành khách, du lịch đường thủy theo hướng đa dạng các sản phẩm du lịch đường thủy. Cụ thể như: Đầu tư tuyến phà biển Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh - Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang với chiều dài khoảng 12km; thiết lập tuyến vận tải hành khách, du lịch từ TP. Hồ Chí Minh đi Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài khoảng 225km; đầu tư đưa vào khai thác các vị trí vùng nước neo đậu phương tiện thủy phục vụ vận tải hành khách, du lịch trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện Cần Giờ (12 vị trí); phát triển các cảng, bến và khu vực neo đậu phương tiện như Cảng, bến Nhà Rồng-Khánh Hội, các bến khu vực quận 1 trên sông Sài Gòn…
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá, tổ chức các sự kiện kích cầu, hình thành một số mô hình, sản phẩm, điểm du lịch mới hấp dẫn, tập trung thực hiện chuyển đổi số trong du lịch.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Theo đó, Thành phố cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp ngành Du lịch tuyển dụng lao động qua hệ thống sàn giao dịch việc làm định kỳ; kết nối doanh nghiệp du lịch với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chuyên ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực du lịch, dịch vụ, để đặt hàng theo yêu cầu nhằm bổ sung nguồn nhân lực có trình độ, kỹ năng nghề. Đồng thời, phối hợp với cơ sở kinh doanh trong việc tuyển dụng lao động; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng mềm cho cộng đồng tham gia hoạt động du lịch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, nhất là chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch.
Thứ tư, ngoài việc duy trì và phát huy các sản phẩm du lịch đã có, cần tiếp tục phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng riêng, có thế mạnh. Cụ thể:
- Về phát triển sản phẩm du lịch đường thủy, trước hết phải thúc đẩy giao thông đường thủy. Thời gian tới, Sở Du lịch cần phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các cơ chế chính sách, đề án nâng chất lượng giao thông đường thủy kết hợp phát triển du lịch. Trong đó, ngành Du lịch sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đầu và cuối các tuyến giao thông thủy; tổ chức các dịch vụ thể thao trên và dưới nước, các chương trình phục vụ du khách. Ngành Du lịch cũng sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ quảng bá các sản phẩm du lịch.
- Về kinh tế đêm, đây sẽ là lĩnh vực làm tăng chi tiêu của du khách, nên Sở Du lịch cần phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng quy chế đảm bảo an ninh, vệ sinh môi trường; rà soát các quy định pháp luật để gia hạn thời gian hoạt động cho các khu vực có hoạt động kinh tế đêm.
- Đối với các sản phẩm du lịch y tế, các bệnh viện, cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú... cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài, đào sâu nghiên cứu để xây dựng, làm mới và giới thiệu những gói sản phẩm du lịch với dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe hấp dẫn, chất lượng để thu hút thêm nhiều khách du lịch đến TP. Hồ Chí Minh trải nghiệm.
Ngoài ra, TP. Hồ Chí Minh hiện đã có vị thế là điểm đến của khách du lịch trước khi đến với các địa phương khác, do đó cần có sự liên kết các vùng cùng chia sẻ và phát triển sản phẩm đặc trưng riêng…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
THE TOURISM COMPETITIVENESS OF HO CHI MINH CITY
• TRAN THI HONG TRINH
Saigon University
ABSTRACT:
This paper summarizes the current competitiveness of Ho Chi Minh City as a tourism destination in terms of its ability to reasonably exploit resource factors, including tourism resources, infrastructure and technical facilities, guidelines and policies for tourism development, tourism products, and tourism human resources. Based on the paper’s findings, some solutions are proposed to improve the tourism competitiveness of the Ho Chi Minh City.
Keywords: tourist destinations, tourist destination competitiveness, Ho Chi Minh City.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 24 tháng 11 năm 2023]
(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiếtBài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết