(CHG) Sau gần 4 năm đàm phán, ông Lê Minh Hoan (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) và ông Du kiến Hoa (Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc) đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó có yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này. Nghị định thư có hiệu lực từ ngày 11/7.
Trong Nghị định thư quy định, tất cả các vùng trồng, cũng như các cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, phải được đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được cả Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Thông tin đăng ký phải bao gồm tên, địa chỉ và mã số, để khi phát hiện có sản phẩm không tuân thủ các yêu cầu của Nghị định thư này thì có thể truy xuất nguồn gốc một cách chính xác.
Bên cạnh đó, trước khi lô hàng đầu tiên xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách vườn trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt. Danh sách này sẽ cập nhật thường xuyên và được đăng trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc chính thức được ký kết |
Tất cả các vùng trồng đã đăng ký xuất khẩu sang Trung Quốc dưới sự giám sát của Bộ NN&PTNT phải xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc, áp dụng Thực hành nông nghiệp tốt (GAP) và đảm bảo các điều kiện như vệ sinh vườn trồng, cách xa nguồn ô nhiễm, loại bỏ ngay những quả rụng và thối hỏng. Phải áp dụng Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), bao gồm giám sát sinh vật gây hại, phòng trừ bằng hóa chất hoặc sinh học và các biện pháp canh tác khác…
Trong việc kiểm tra và kiểm dịch trước khi xuất khẩu, trong 2 năm đầu tiên kể từ ngày Nghị định thư có hiệu lực, cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải tiến hành kiểm tra kiểm dịch thực vật, lấy mẫu 2%. Trong thời gian 2 năm, nếu không phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật thì tỷ lệ lấy mẫu sẽ giảm xuống 1%. Trong trường hợp phát hiện thấy đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống, lá hoặc đất thì toàn bộ lô hàng không được xuất khẩu sang Trung Quốc…
Sầu riêng của Việt Nam sẽ được nhập khẩu qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu trái cây. Khi sầu riêng tới cửa khẩu Trung Quốc, Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra giấy tờ, hồ sơ liên quan và hoàn tất quá trình kiểm tra kiểm dịch. Những lô hàng sầu riêng từ các vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được nhập khẩu vào Trung Quốc.
Nếu trong trường hợp phát hiện đối tượng kiểm dịch thực vật còn sống tại phụ lục đính kèm hoặc đối tượng kiểm dịch thực vật mới được ghi nhận tại Việt Nam, hoặc phát hiện lẫn đất, lá thì lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu, tiêu hủy hoặc áp dụng biện pháp xử lý kiểm dịch thực vật. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của Trung Quốc, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy….
Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Nghị định thư, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ kiểm tra thực tế hoặc trực tuyến, với sự hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại vùng trồng sầu riêng của Việt Nam để xác nhận hệ thống quản lý sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc phù hợp với các yêu cầu của Nghị định thư này hay không.
Nghị định thư này sẽ có hiệu lực trong 3 năm, trừ khi một trong hai bên thông báo bằng văn bản cho bên kia ít nhất 3 tháng trước ngày hết hiệu lực về ý định sửa đổi hoặc chấm dứt Nghị định thư này. Nghị định thư này sẽ tự động gia hạn hiệu lực theo chu kỳ 3 năm.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ông Hoàng Trung cho biết, ngoài Nghị định thư này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã gửi tiếp công hàm toàn bộ danh sách mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cho phía Tổng cục Hải quan Trung Quốc để rà soát.
Tổng cục Hải quan Trung Quốc sau khi rà soát và kiểm tra, sẽ đăng các mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói đủ điều kiện lên trang web để các doanh nghiệp có thể tra cứu thông tin và xúc tiến các đơn hàng xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Cục Bảo vệ thực vật sẽ sớm tổ chức tập huấn cho các địa phương, doanh nghiệp để nắm vững các quy định, điều kiện để xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), từ năm 2010 đến nay, tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc tăng với tốc độ nhanh, duy trì trung bình hàng năm hơn 16%. Tại Việt Nam, sầu riêng là loại trái cây xuất khẩu khá nhiều sang Trung Quốc dưới dạng múi, đã tách vỏ và được cấp đông.
Hiện sầu riêng được đánh giá là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, được trồng nhiều tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái sầu riêng còn chưa chủ động và đa dạng được thị trường.
Cùng với Việt Nam, Thái Lan và Malaysia được coi là những nhà cung cấp sầu riêng lớn nhất cho thị trường tỉ dân này.
Đề tài Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Tài chính ngân hàng do ThS. Đặng Thu Trang (Khoa Tài chính – Ngân hàng & Bảo hiểm - Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) thực hiện.
Xem chi tiếtĐề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.
Xem chi tiết(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.
Xem chi tiết(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.
Xem chi tiết