Nhận diện cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do


Bài báo nghiên cứu "Nhận diện cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do" do Trần Thị Kim Chi (Khoa Quản trị - Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng) thực hiện.

TÓM TẮT:

Việt Nam đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đặt ra từ các hiệp định thương mại tự do ( FTA) cần phải thay đổi để tận dụng tốt cơ hội, hạn chế rủi ro, nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cũng như việc thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây, như: vấn đề lao động, công đoàn, môi trường, thách thức về bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế. Nghiên cứu này nhằm giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp có liên quan có cái nhìn toàn diện về những cơ hội và các thách thức mà Việt Nam thừa hưởng và đối diện, từ đó đưa ra các chính sách, chiến lược hợp tác bài bản, hướng tới đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng hiệu lực và hiệu quả.

Từ khóa: cơ hội, thách thức, hiệp định thương mại tự do, kinh tế, hội nhập quốc tế.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam tham gia các FTA mang lại nhiều tác động tích cực cho kinh tế, thông qua việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, theo đó, kim ngạch xuất nhập khẩu sang các nước đối tác tăng mạnh, củng cố thị trường truyền thống, khơi thông nhiều thị trường tiềm năng trên cơ sở thúc đẩy quan hệ với các đối tác chiến lược kinh tế quan trọng.

Để có được kết quả trên, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có liên quan đã đẩy mạnh các hoạt động đàm phán song phương, đa phương, tập trung vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Sự thành công của nền kinh tế Việt Nam bắt đầu bước tiến vượt bậc khi tham gia vào CPTPP, EVFTA -  đây được coi là các FTA thế hệ mới, phù hợp xu thế phát triển của thương mại hiện đại. Các FTA thế hệ mới này đã thực sự thiết lập lại những tiêu chuẩn và thông lệ thương mại quốc tế mới, được kì vọng cao sẽ đem lại những động lực tăng trưởng cho thương mại giữa các quốc gia thành viên mà trước đây FTA chỉ tập trung vào các đối tác khu vực châu Á, chưa mạnh dạn vươn tới các khu vực châu Âu và châu Mỹ.

2. Tổng hợp các FTA của Việt Nam hiện nay

Đến nay, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do, các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á.[1]

Theo quan điểm truyền thống, FTA là hiệp định hợp tác kinh tế được ký kết giữa ít nhất hai nước, nhằm cắt giảm các hàng rào thương mại, cụ thể là thuế quan, quota nhập khẩu và các hàng rào phi thuế quan khác, đồng thời, thúc đẩy thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa các nước này với nhau. Một trong các đặc điểm quan trọng của FTA truyền thống là các thành viên của FTA không có biểu thuế quan chung trong quan hệ thương mại với các nước bên ngoài FTA. Các FTA điển hình theo khái niệm này là FTA ASEAN (AFTA).[1]

Thuật ngữ “Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới” được sử dụng để chỉ các FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ như các “FTA truyền thống”; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế thực thi chặt chẽ và hơn thế, nó bao hàm cả những lĩnh vực được coi là “phi truyền thống” như: lao động, môi trường, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp về đầu tư…[1] 

Một số nội dung đã có trong các FTA truyền thống và các hiệp định của WTO nhưng được các FTA thế hệ mới hoàn thiện, bổ sung hoàn chỉnh hơn, như: thương mại hàng hóa, bảo vệ sức khỏe động vật và thực vật trong thương mại quốc tế, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, tự vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, minh bạch hóa và chống tham nhũng, giải quyết tranh chấp giữa Chính phủ nước tiếp nhận đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài… điển hình như: trong các FTA “thế hệ mới”, về thương mại hàng hóa, phần lớn hàng nhập khẩu sẽ được loại bỏ thuế quan; về thương mại dịch vụ và đầu tư, các cam kết đều cao hơn so với cam kết WTO. Như vậy, so với các hiệp định của WTO, các FTA “thế hệ mới” chính là các hiệp định “WTO cộng”, với những nội dung trước đây từng bị từ chối, nay lại cần thiết phải chấp nhận, bởi bối cảnh thương mại quốc tế đã thay đổi. Trong đó, nổi bật là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA nhằm hỗ trợ mục tiêu công nghiệp hóa của Việt Nam, giảm sự lệ thuộc thương mại vào một khu vực và mở rộng ra toàn thế giới, cụ thể:

- Hiệp định CPTPP: Các nước cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 65-95% số dòng thuế và xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực, các mặt hàng còn lại sẽ có lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 5-10 năm.[1]

Trong CPTPP, Việt Nam cam kết xóa bỏ số dòng thuế ở mức cao, theo đó: 65,8% số dòng thuế có thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 4 khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có thuế suất 0% vào năm thứ 11 khi Hiệp định có hiệu lực. Đối với thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn các mặt hàng hiện đang áp dụng thuế xuất khẩu theo lộ trình từ 5-15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực.[1]

- Hiệp định EVFTA: Các nội dung chính của Hiệp định, bao gồm: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại; các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững; các vấn đề pháp lý, hợp tác và xây dựng năng lực.[1]

Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, EVFTA giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm 20% vào năm 2020; dự kiến tăng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng, nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là tăng 15,28% vào năm 2020; dự kiến tăng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2038. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân dự kiến từ 2,18% - 3,25% (2019 - 2023); 4,57% - 5,30% (2024 - 2028) và 7,07% - 7,72% (2029 - 2033).[3]

3. Cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do

3.1. Cơ hội

Một là, ưu đãi về thuế.

Khi ký kết các FTA, các thành viên sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan, trong đó có việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo một lộ trình nhất định. Hầu hết các nước có biểu thuế áp dụng chung cho tất cả các nước còn lại trong khối. Như vậy, xuất khẩu sẽ tăng trưởng nhanh khi thuế suất giảm. Việc giảm thuế sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng nguồn hàng nhập khẩu giữa các nước trong khối do giá thành rẻ hơn, chất lượng, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn. Giảm thuế giúp cho việc mở rộng thị phần hàng hóa nhập khẩu tại các nước nội khối tham gia FTA và tác động trở lại tới xuất khẩu hàng hóa tại các nước này. Ví dụ: Trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết xóa bỏ 99% dòng thuế; trong đó, EU cam kết xóa bỏ 85,6%, Việt Nam cam kết xóa bỏ 65% số dòng thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực.[4]

Hai là, tăng tỉ lệ nội địa hóa - thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

Các điều kiện về quy tắc xuất xứ chặt chẽ trong các FTA thế hệ mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất trực tiếp nguyên vật liệu thay thế nhập khẩu. Từ đó giảm mức độ phụ thuộc vào các nguyên phụ liệu nhập khẩu, dẫn đến tăng tỉ lệ nội địa hóa trong hàng hóa xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh và giúp tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn cho xuất khẩu.

Việc tham gia các FTA thế hệ mới sẽ khiến cho nhiều mặt hàng làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước có giá thấp hơn. Do đó, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp được cắt giảm, từ đó, giá cả hàng hóa sẽ cạnh tranh hơn so với hàng nhập khẩu, thúc đẩy sản xuất trong nước để xuất khẩu. Việc cắt giảm thuế quan sẽ khiến hàng hóa nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là các nước EU vào Việt Nam sẽ nhiều hơn do giá thành rẻ, mẫu mã phong phú và đa dạng, tác động tích cực đến sản xuất trong nước.

FTA sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội xuất khẩu sang nhiều thị trường khác nhau, giảm lệ thuộc vào một thị trường cụ thể, giảm rủi ro kinh doanh thương mại khi thực hiện đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Kết quả là trong 3 năm gần đây, Việt Nam được xếp là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới, với tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 12,5% trở lên). [3]

Ba là, cải tiến khoa học công nghệ - đáp ứng xu thế - bảo vệ môi trường.

Những quy định về quy tắc xuất xứ, kỹ thuật, môi trường đối với xuất khẩu hàng hóa sẽ giúp đẩy mạnh triển khai các tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Áp dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu mới để tạo ra các sản phẩm xuất khẩu có tính năng khác biệt, triển khai các chương trình sản xuất tiết kiệm năng lượng, công nghệ cao, bảo vệ môi trường. Tham gia các FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam cũng như các nước xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật trong sản xuất hàng hóa phù hợp và hài hòa về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thông lệ quốc tế. Từ đó, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và nâng cao kỹ thuật công nghệ trong sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Các FTA thế hệ mới cũng có các quy định về phát triển bền vững, giúp hạn chế bớt những công nghệ lạc hậu và thúc đẩy phát triển các công nghệ sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. Những xu hướng này mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam và cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bốn là, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Nâng cao năng lực cạnh tranh trên 3 cấp độ: ngành, doanh nghiệp, sản phẩm đối với các nước khi tham gia các FTA thế hệ mới. Các FTA sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và ngược lại các doanh nghiệp tại các nước tham gia phải tạo ra năng lực cạnh tranh để đáp ứng được các quy định trong các FTAs. Từ đó, hàng hóa xuất khẩu sẽ có đủ sức cạnh tranh trong nội khối nói riêng và trên thị trường quốc tế nói chung. Bên cạnh đó, các FTA đều có các cam kết đối xử công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, mua lại, mở rộng, điều hành, triển khai, vận hành, kinh doanh. Điều đó sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thị trường Việt Nam nhanh hơn.

Năm là, phát triển chuỗi cung ứng hàng hóa.

Để tận dụng được tốt các ưu đãi thuế quan, hàng hóa của các nước tham gia FTA phải đáp ứng được yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng hàng xuất khẩu. Như vậy, sẽ thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế, nguyên phụ liệu, marketing, phân phối tại các nước tham gia FTA.

Sáu là, thu hút đầu tư.

FTA có tác động thúc đẩy hình thành sự lưu chuyển các dòng vốn đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Do các cam kết trong các FTA thế hệ mới đảm bảo lợi ích cao và cạnh tranh bình đẳng, hướng tới phát triển bền vững và hỗ trợ tăng trưởng, các nhà đầu tư cùng các thị trường đầu tư mới xuất hiện nên dòng vốn đầu tư lưu chuyển nhanh và mạnh hơn. Theo đó, đã tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài có thể mạnh dạn đầu tư vào thị trường tiềm năng như Việt Nam. Việc đó tạo nên nguồn vốn FDI lớn cho sự phát triển cho nền kinh tế, đồng thời cũng góp phần giúp cho Việt Nam tiếp cận được các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, hạn chế bớt các công nghệ lạc hậu, thúc đẩy phát triển công nghệ xanh, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường. [2]

Nhờ các FTA được ký kết, Việt Nam đã thu hút được FDI từ các đối tác có FTA với Việt Nam. Theo đó, trong 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam, đứng đầu là những nền kinh tế có quan hệ FTA với Việt Nam, như: Hàn Quốc (đứng thứ nhất) với tổng vốn đăng kí trên 70,6 tỉ USD (chiếm 18,4% tổng vốn đầu tư); Nhật Bản (đứng thứ hai) với gần 60,3 tỉ USD (chiếm 15,7% tổng vốn đầu tư); tiếp đến là Singapore, Trung Quốc...[4]

3.2. Thách thức

Bên cạnh những mặt tích cực, việc tham gia các FTA cũng là áp lực lớn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Cụ thể, không chỉ hàng Việt Nam “xuất ngoại”, mà hàng ngoại cũng “đổ bộ” vào nước ta thuận lợi hơn nhờ ưu đãi từ các FTA. Bởi xét về mặt nguyên tắc, tham gia FTA có nghĩa là mở cửa cho hàng hóa nước ngoài vào thị trường trong nước, ngược lại, hàng hóa trong nước dễ dàng tiếp cận với thị trường thế giới hơn. Về cơ bản, có một số thách thức sau khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới.

Một là, đáp ứng yêu cầu cao về công nghệ.

Đây vừa là thuận lợi, vừa là khó khăn trong phát triển xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam chưa thực sự phát triển về lĩnh vực công nghiệp, năng suất còn thấp, công nghệ chưa cao. Để đảm bảo các quy định về kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, môi trường đối với xuất khẩu hàng hóa cần phải đáp ứng các yêu cầu về công nghệ trong sản xuất. Như vậy, cần đầu tư mạnh vào công nghệ, máy móc thiết bị tiên tiến, hiện đại, đây là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam trong sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Hai là, nước nhập khẩu sử dụng biện pháp tự vệ

Các biện pháp tự vệ là một hình thức “van an toàn” mà hầu hết các nước nhập khẩu là thành viên WTO đều mong muốn. Với chiếc van này, nước nhập khẩu có thể ngăn chặn tạm thời luồng nhập khẩu để giúp ngành sản xuất nội địa tránh những đổ vỡ trong một số trường hợp đặc biệt khó khăn. Biện pháp này như một hình thức giúp bảo hộ nền sản xuất của các nước khi tham gia FTA. Khi đó, nước xuất khẩu sẽ chịu thiệt hại về kinh tế do không được hưởng các ưu đãi về thuế suất quy định trong các FTA gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa tại nước đó.

Ba là, tạo ra sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước.

Tham gia các FTA sẽ thu hút nhiều vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất, đây là một thách thức lớn đối với ngành sản xuất trong nước. Các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế về cả tài chính, công nghệ và thị trường. Với những lợi ích thu được từ các cam kết trong FTA, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào các ngành sản xuất trong nước. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ dịch chuyển nhà máy từ nhiều quốc gia sang các nước được đầu tư, gây ra áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước. Khi đó, các sản phẩm hàng hóa trong nước sẽ bị cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm.

Bốn là, cần đáp ứng các điều kiện về lao động, môi trường.

Những tiêu chuẩn về lao động và môi trường ở mức độ cao cũng là một trong những khó khăn lớn đối với xuất khẩu hàng hóa Việt Nam khi tham gia các FTA thế hệ mới. Để tránh cạnh tranh không bình đẳng thông qua việc không đảm bảo các điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các FTA thế hệ mới thường đưa ra những cam kết riêng về lao động. Tuy nhiên, việc chuyển đổi để đáp ứng các tiêu chuẩn về lao động cần có khoảng thời gian nhất định, do đó đáp ứng quy định về lao động để được hưởng các ưu đãi cũng là một thách thức với các ngành sản xuất hàng hóa ở Việt Nam. Ngoài ra, trong các FTA, những vấn đề môi trường có liên quan đến thương mại đã được đưa vào thành những nghĩa vụ cam kết mang tính ràng buộc và bắt buộc các nước thành viên phải thực thi thông qua việc sử dụng công cụ về kinh tế. Để thực hiện các điều khoản về môi trường, Việt Nam cần điều chỉnh về chính sách, luật pháp liên quan đến môi trường nhằm khắc phục những bất cập trong việc bảo vệ môi trường khi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

Năm là, hoàn thiện thể chế, khung khổ pháp lý tiếp cận các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế

Các cam kết trong các FTA chủ yếu đòi hỏi các nước thành viên phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung pháp luật nội địa trong những lĩnh vực liên quan phù hợp với cam kết chung, đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ về năng lực mà cả về nguồn lực thực thi. Thực tế, khó khăn trong sửa đổi, điều chỉnh các thiết chế đang tồn tại theo các yêu cầu mới về thủ tục, trình tự trong các cam kết của các FTA. Bên cạnh các cam kết mang tính truyền thống, còn có những cam kết mang tính quy tắc, có ý nghĩa ràng buộc cách hành xử chính sách của các bên là rất lớn, trải rộng trên nhiều lĩnh vực liên quan tới thương mại, kinh doanh. Phần lớn các cam kết này đều phải thực hiện ngay khi FTA có hiệu lực, hoặc trong một thời hạn ngắn sau đó. Ngoài ra, việc thiết lập cơ chế bảo đảm thực hiện đồng bộ các nghĩa vụ cụ thể theo cam kết trong các FTA đối với Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn.

4. Một số khuyến nghị

4.1. Đối với Nhà nước

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với việc thực hiện các cam kết hội nhập, nhằm nâng cao hiệu quả huy động, sử dụng vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Thay đổi chính sách thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án, đối tác phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam; Chú trọng hướng phát triển bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực; Tăng cường công tác kiểm soát các doanh nghiệp FDI, nhất là các doanh nghiệp thường báo lỗ để tránh các hiện tượng chuyển giá. 

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế theo lộ trình. Trong việc sửa đổi, bổ sung các chính sách, cần đảm bảo tính đồng bộ, hiệu quả, duy trì ổn định môi trường đầu tư, kinh doanh, không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến lợi ích của các doanh nghiệp đang hoạt động cũng như các nhà đầu tư mới; Kịp thời rà soát, sửa đổi, điều chỉnh, bãi bỏ quy định không phù hợp với các cam kết quốc tế nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ trong các điều ước quốc tế song phương, đa phương và khu vực mà Việt Nam là thành viên.

 Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Giám sát chặt chẽ việc ban hành và áp dụng các giấy phép, điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định và phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các cam kết quốc tế.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết; Hoàn thiện các chính sách thương mại cho phù hợp với điều kiện của Việt Nam và không xung đột với các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia.

4.2. Đối với các hiệp hội

 Tiếp tục triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế, những rào cản thương mại của các thị trường xuất khẩu. Tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại - đầu tư theo thị trường, ngành hàng và lĩnh vực kinh doanh cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong và ngoài nước.

Tiếp tục đẩy mạnh vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan quản lý, tạo điều kiện kết nối giao lưu giữa các doanh nghiệp hội viên; tăng cường phổ biến thông tin hội nhập về pháp luật của các nước, sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp, quản lý chất lượng, các quy tắc xuất xứ… cho các doanh nghiệp hội viên, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu.

4.3. Đối với doanh nghiệp

Tăng cường liên kết với nhau, tạo những cơ hội đầu tư nhằm tăng sức mạnh cạnh tranh; Chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu; Tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu để giảm thiểu phụ thuộc nguyên phụ liệu của các nhà cung cấp nước ngoài.

Đổi mới hoạt động quản trị doanh nghiệp và công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu. Cùng với đó, chủ động xây dựng các chiến lược kinh doanh, phát triển sản xuất để có thể cạnh tranh với hàng hóa từ các nước trong khu vực ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu, nghiên cứu đáp ứng các tiêu chí về quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi về thuế quan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao các thông tin, lộ trình cam kết... để đưa ra định hướng đúng, xây dựng chiến lược kinh doanh hợp lý. Quan trọng hơn, cộng đồng doanh nghiệp phải có lộ trình thích nghi, thay đổi phù hợp. Bởi vì, nếu rào cản thuế quan được gỡ bỏ hoàn toàn và mang lại lợi ích kinh tế lớn, thì quy tắc xuất xứ nổi lên như một rào cản mới.

Cần có cơ chế đầu tư nguồn nhân lực sớm, có chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần thỏa đáng cho người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao. Đây chính là đầu tư cho nguồn nhân lực để tạo ra lợi thế cạnh tranh khi hội nhập. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần đổi mới cơ chế quản lý tiền lương gắn với năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, khuyến khích người lao động tự động nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình.   

5. Kết luận

Để đạt mục tiêu thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội mà FTA mang lại, Việt Nam cần có chiến lược bài bản, tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động. Chính vì vậy, việc phân tích, đánh giá các cơ hội, thách thức của nền kinh tế Việt Nam khi gia nhập FTA nhất là về năng lực cạnh tranh, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như việc thực thi các cam kết trong trong các FTA là rất quan trọng và cấp thiết. Qua đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị phù hợp, nhằm thúc đẩy khôi phục và phát triển nền kinh tế Việt Nam theo hướng lâu dài và bền vững.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Hoàng Thế Hải (2018). Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam tham gia. Tạp chí Tri thức Xanh, số 159 - 03/2022.
  2.  Nguyễn Sơn (2021). FTA thế hệ mới thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Truy cập tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/821753/view_content.
  3.   Trần Thị Bích Nhân, Đỗ Thị Minh Hương (2019). Cơ hội và thách thức khi thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Truy cập tại: https://mof.gov.vn/webcenter/portal/ttpltc/pages_r/l/chi-tiet-tin-ttpltc?dDocName=MOFUCM150981.
  4. Trần Thị Trang, Đỗ Thị Mai Thanh (2018). Những tác động nổi bật của FTA thế hệ mới đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Hội thảo Kinh tế Việt Nam năm 2018 - Triển vọng năm 2019, tr. 60 -71.

 

Identifying opportunities and challenges when Vietnam joins free trade agreements

Tran Thi Kim Chi

Faculty of Administration and International Economics, Lac Hong University

ABSTRACT:

Vietnam is facing many difficulties and challenges posed by free trade agreements (FTAs). To take advantage of opportunities and limit risks from FTAs, it is necessary for Vietnam to improve the country’s competitiveness, complete the legal framework, and well implement commitments in new areas that have not been specified in previous FTAs, such as labor issues, trade unions, the environment, and the challenges of ensuring political and social stability, creating a stable environment for economic development. This study aimed to help the government, ministries, branches, localities, and relevant businesses have a comprehensive view of the opportunities and challenges that Vietnam is facing, so they can make systematic policies and cooperation strategies to promote international economic integration in an efficient manner.

Keywords: opportunities, challenges, agreement, free trade, international economic integration.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 7 tháng 4 năm 2024]

Nguồn: Tạp chí công thương

Còn lại: 1000 ký tự
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương

Đề tài Tự chủ đại học và những vấn đề thực tiễn triển khai tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Công Thương do TS. Nguyễn Đồng Anh Xuân (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3