Những điểm sáng kinh tế quý I năm 2023 và triển vọng tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam


Tóm tắt:  

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Quý I năm 2023, thống kê cho thấy nhiều chỉ tiêu không đạt được như kế hoạch. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, những thách thức đặt ra đối với Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế năm 2023 là không hề nhỏ. Bài viết nghiên cứu những điểm sáng kinh tế quý I năm 2023 và triển vọng tăng trưởng trong năm 2023 của Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế, kinh tế phát triển, Đại hội XIII, tăng trưởng kinh tế, năm 2003.

1. Mục tiêu và kết quả đạt được

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng khóa XIII (Đại hội XIII) đề ra mục tiêu: "Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: trở thành nước phát triển, thu nhập cao"[1]. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, trong hai năm 2021 và 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam mặc dù là điểm sáng của thế giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, song không đạt được như kỳ vọng. Năm 2021, kinh tế Việt Nam đã cán đích với mức tăng trưởng GDP là 2,58%, thấp hơn so với mức tăng 2,91% năm 2020, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra là 6,5%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong đó, GDP quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02% và quý IV tăng 5,22%[2].

Trong năm 2022, các nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại, dù vẫn ghi nhận những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh mới (như bệnh đậu mùa khỉ). Xung đột Nga - Ukraine bùng phát từ tháng 02/2022 và kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến đà phục hồi của chuỗi cung ứng, giá nhiều mặt hàng trên thị trường thế giới tăng cao, an ninh năng lượng, lương thực ở nhiều nước, kể cả các nền kinh tế hàng đầu bị đe dọa. Tuy vậy, GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011 - 2022[3] do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động mạnh và khó đoán định, tăng trưởng ở hầu hết các quốc gia và khu vực cho thấy nhiều bất ổn và thách thức, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được đánh giá cao bởi kết quả thực tế ở các giai đoạn 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2022 đều nằm trong và vượt dự báo tăng trưởng theo kịch bản đưa ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022[4]. Thực tế này phần nào cho thấy hiệu quả của công tác điều hành, hỗ trợ của Chính phủ cho đà phục hồi và cải thiện khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Từ kết quả trên, nhiều dự báo tích cực được đưa ra cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đưa ra dự báo cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 theo hai kịch bản, có thể đạt mức 6,47% theo kịch bản 1 và 6,83% theo kịch bản 2[5].

Tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đã giao chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% và GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Để thực hiện mục tiêu này, kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 như sau[6]:

Bảng. Kịch bản tăng trưởng GDP năm 2023

Đơn vị: %

tang truong kinh te
Nhập chú thích ảnh

Nguồn: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế thế giới, quý 1/2023, theo ước tính của Tổng cục Thống kê GDP chỉ tăng 3,32%[7] so với cùng kỳ năm trước và là mức thấp thứ 2 trong giai đoạn 2011 - 2023.

Bên cạnh những kết đạt được, do diễn biến ngày càng bất lợi, khó lường của thế giới đã ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư… khiến tăng trưởng kinh tế quý I/2023 đạt thấp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2022 tăng 6,8%). Tiêu thụ giảm, tồn kho tăng cao, khiến áp lực điều hành kinh tế vĩ mô gia tăng.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, sản xuất của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm do chi phí sản xuất đầu vào tăng cao, số lượng đơn đặt hàng giảm mạnh. Giá trị tăng thêm các ngành công nghiệp quý I/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011 - 2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nguyên nhân do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6% (sản lượng khai thác than giảm 0,5% và dầu mỏ thô khai thác giảm 6%), làm giảm 0,2 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm. Riêng ngành xây dựng tăng 1,95%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,28% và 1,41% của cùng kỳ năm 2011 và 2012 trong giai đoạn 2011 - 2023, đóng góp 0,12 điểm phần trăm”.(6)

Khu vực dịch vụ trong quý 1/2023 thể hiện rõ sự phục hồi nhờ hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, chính sách mở cửa nền kinh tế trở lại từ ngày 15/3/2022 khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tới các nước trên thế giới được đẩy mạnh.

Đóng góp của một số ngành dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I/2023 là khá đáng kể: dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 25,98% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,64 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 8,09%, đóng góp 0,85 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,65%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 6,85%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành thông tin và truyền thông tăng 1,5%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Đáng chú ý, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực Trung ương (GRDP) quý I/2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 58 địa phương và giảm ở 5 địa phương trên cả nước. Đặc biệt, ở một số địa phương có mức giảm khá mạnh như Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 4,75%; Quảng Nam giảm 10,88%; Bắc Ninh giảm 11,85%.

Nhìn chung, thống kê cho thấy, GDP của Việt Nam quý I/2023 tăng trưởng thấp hơn so với dự đoán. Đây là mức giảm sâu gần nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 (chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1 năm 2020), làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát tại các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm...

Đánh giá về kết quả trên, lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều này phản ánh thực tiễn đúng theo những gì mà Chính phủ đánh giá khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023[8]. Theo đó, lãnh đạo Bộ đánh giá tình hình kinh tế thế giới với nhiều khó khăn như lạm phát vẫn còn cao, chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều nước, nhu cầu toàn cầu giảm sút, cuộc xung đột Nga - Ukraine… có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam do có độ mở lớn. Qua báo cáo của Tổng cục Thống kê và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả tăng trưởng của quý 1 được đánh giá ở mức khá so với bình quân chung trên thế giới và khu vực, khi mà các nền kinh tế khác được dự báo là tăng trưởng ở mức rất thấp. Chúng ta phải ghi nhận một cách khách quan và trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phân tích rõ những nguyên nhân, kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế mà nền kinh tế trong nước cần khắc phục"[9].

2. Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế quý I năm 2023

Báo cáo tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023 vừa diễn ra vào ngày 3/4/2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nêu ra 10 điểm sáng của kinh tế Việt Nam trong quý I/2023[10].

Thứ nhất, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm đã được Đảng, Quốc hội thông qua. Lạm phát cơ bản được kiểm soát ở mức phù hợp, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định... Thu Ngân sách Nhà nước quý I ước đạt 30,3% dự toán, trong đó thu nội địa ước đạt 30,9% dự toán (tăng 5,4% so với cùng kỳ). Nền kinh tế ước xuất siêu 4,07 tỷ USD trong quý I (cùng kỳ năm 2022 xuất siêu 1,9 tỷ USD). An ninh năng lượng, an ninh lương thực được giữ vững, cân đối cung - cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, nhất là trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Thứ hai, hoạt động sản xuất, kinh doanh được duy trì, một số lĩnh vực có mức tăng khá. Sản xuất nông nghiệp ổn định, giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản quý I/2023 tăng 2,52% so với cùng kỳ. Sản lượng nuôi trồng thủy sản quý I tăng 3,2% so với cùng kỳ, tranh thủ được cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Khu vực dịch vụ tiếp tục phục hồi tích cực, giá trị tăng thêm quý I/2023 tăng 6,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 95,9% tăng trưởng của cả nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3 tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung quý I tăng 13,9%.

Thứ ba, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, các dự án, ngân hàng yếu kém, nhà máy nhiệt điện… giải quyết các công việc thường xuyên, các vấn đề phát sinh về nguồn cung xăng dầu, trang thiết bị, vật tư y tế, phản ứng chính sách tiền tệ của Mỹ, EU, vướng mắc của hệ thống đăng kiểm… Đồng thời, triển khai các giải pháp trung và dài hạn, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn, trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, khơi thông nguồn lực đầu tư cho nền kinh tế.

Thứ tư, tập trung làm tốt công tác an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân. Ước tính kinh phí trợ giúp tết của 63 địa phương là khoảng 9.500 tỷ đồng; xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo cứu trợ, cứu đói trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Thứ năm, tình hình lao động, việc làm quý I/2023 phục hồi tích cực; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của lao động tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.

Thứ sáu, các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển du lịch tại các địa phương.

Thứ bảy, ngành Giáo dục tích cực triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới, chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; tổ chức Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên; chủ động phương án biên chế giáo viên tại các địa phương, nhằm khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Thứ tám, ngành Y tế tập trung xử lý, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở khám, chữa bệnh lớn; tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các dịch bệnh khác, nhất là trong bối cảnh diễn ra nhiều lễ hội, điều kiện thời tiết chuyển mùa nồm, ẩm, dễ xuất hiện dịch bệnh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trước, trong và sau Tết... Trong tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/NQ-CP về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Thứ chín, quốc phòng an ninh được bảo đảm. 

Thứ mười, công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả, góp phần nâng cao quan hệ đối tác song phương và đa phương; đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, thu hút FDI, đã mở cửa lại được thị trường khách du lịch Trung Quốc.

Còn theo Tổng cục Thống kê, bên cạnh trụ đỡ là khu vực kinh tế nông nghiệp giúp bảo đảm đời sống của nhân dân cũng như phục vụ cho xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực, thực phẩm trong khu vực và trên thế giới, những điểm sáng của nền kinh tế trong quý I bao gồm: các hoạt động thương mại, vận tải, các hoạt động về du lịch và hoạt động kích cầu tiêu dùng tại chỗ đã thể hiện được kết quả tích cực với mức tăng trưởng gần 6,8%. Đáng chú ý, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hiện đã ngang bằng với thời điểm trước dịch Covid-19.

Một điểm nổi bật nhất trong bức tranh quý I là lượng khách quốc tế tới Việt Nam đạt 2,7 triệu lượt trong quý I - gấp gần 30 lần cùng kỳ và đã tương đương 1/3 mục tiêu cả năm nay. Dự báo, con số này sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới khi "thị trường tỷ dân" Trung Quốc đã mở cửa cho khách du lịch đi theo đoàn sang Việt Nam từ ngày 15/3/2023. Đây là cơ hội để ngành Du lịch nội địa phục hồi, nhất là với địa phương có cả đường biên trên bộ và trên biển với Trung Quốc.

Điểm tích cực khác là CPI đã được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh lạm phát toàn cầu đã suy giảm nhưng vẫn neo đậu ở mức rất cao: trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Cùng với đó, đầu tư công tăng 11% thực sự là "vốn mồi" để duy trì cho vốn đầu tư toàn xã hội. Điều này sẽ tạo động lực quan trọng trước mắt và lâu dài cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

3. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023

Với con số tăng trưởng 3,32% của quý I/2023, mục tiêu 6,5% cả năm nay được đánh giá là thách thức. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, các quý còn lại của năm 2023 cần đạt mức tăng trưởng 7,5% và điều này không hề đơn giản trong bối cảnh các khó khăn, thách thức của nền kinh tế vẫn còn tồn tại; những biến động từ kinh tế thế giới còn tiếp tục ảnh hưởng đến Việt Nam…

Tuy nhiên, điểm cộng lớn nhất của Việt Nam được đánh giá là sự ổn định kinh tế vĩ mô, với lạm phát tiếp tục trên xu hướng giảm và vẫn trong mục tiêu 6,5% cho năm nay. Thêm vào đó, mặt bằng lãi suất vẫn đang tiếp tục hạ nhiệt để hỗ trợ doanh nghiệp. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, có tới gần 76% doanh nghiệp ngành Chế biến, chế tạo được hỏi cho biết rằng tình hình kinh doanh của họ sẽ ổn định hoặc tốt hơn trong quý II năm nay.

Còn theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, xu hướng tăng trưởng kinh tế Việt Nam thường tăng thấp trong quý I, gia tăng dần ở quý II, sau đó bứt phá ở nửa cuối năm. Theo đó, năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới hiện nay, kinh tế quý II tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá nhưng sẽ cải thiện hơn so với quý II. Muốn vậy, các ngành, các cấp cần tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, cần tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…; đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng trong năm 2023 trên cơ sở kết quả tăng trưởng quý I/2023. Theo đó, Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị); tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024-2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%". Kịch bản 2: Để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II/2023 là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01/NQ-CP), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9%, cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí… tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh”.

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021 - 2025 từ 6,5-7%[11].

Để đạt được tăng trưởng như kịch bản 2, về quan điểm chỉ đạo điều hành quý II/2023, Bộ Kế hoạch và Đầu tư  đề nghị, quán triệt nghiêm tinh thần chủ đề điều hành “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, và 6 quan điểm, trọng tâm chỉ đạo điều hành tại Nghị quyết số 01/NQ-CP; bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội về Chiến lược 10 năm, Kế hoạch 5 năm và năm 2023. Cùng với đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; nắm chắc tình hình thực tiễn, nâng cao năng lực phân tích, dự báo; phối hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách vĩ mô, chủ động ứng phó với các vấn đề mới phát sinh, không để kéo dài, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; khắc phục khó khăn, thách thức, tranh thủ mọi thời cơ, cơ hội phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát đã được Đảng, Quốc hội quyết nghị.

4. Kết luận

Có thể nói, thực trạng kinh tế quý 1 suy giảm, tăng trưởng kinh tế không đạt theo kế hoạch và những khó khăn, bất ổn của kinh tế thế giới hiện tại, mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,5% trong năm 2023 sẽ là một thách thức đối với Việt Nam. Chúng ta có thể lạc quan với những gì đã đạt được và tin tưởng vào sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ cùng sự vào cuộc của tất cả các ngành, các cấp, doanh nghiệp và cả người dân. Song cũng cần phải hết sức nỗ lực cố gắng, bám sát diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế, những diễn biến chính trị đang có chiều hướng ngày càng phức tạp để có sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt. Trong đó, cần chú trọng hơn đến thị trường trong nước, thúc đẩy đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân trong sản xuất kinh doanh... Có như vậy, kinh tế Việt Nam mới có thể đạt được những mục tiêu đề ra, để lại là điểm sáng của nền kinh tế thế giới như những năm vừa qua.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 (tập 1). NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, tr 14

[2] Tổng cục Thống kê (2021). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2021/.

[3] Tổng cục Thống kê (2022). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/bai-top/2022/12/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2022/.

[4] Chính phủ (2022). Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiên Kế hoạch chủ yếu thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022. Truy cập tại: https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/01/01-nq.signed.pdf.

[5] Tạp chí Tài chính (2023). Hai kịch bản cho kinh tế Việt Nam 2023. Truy cập tại: https://tapchitaichinh.vn/hai-kich-ban-cho-kinh-te-viet-nam-2023.html.

[6] Chính phủ (2023). Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Truy cập tại: https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=207258&classid=509.

[7] Tổng cục Thống kê (2023). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2023. Truy cập tại: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/03/bao-cao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-i-nam-2023/.

[8] Phương Anh (2023). Khó khăn, vướng mắc đối với tất cả các dự án đầu tư: Cần tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Truy cập tại: https://kinhtevadubao.vn/kho-khan-vuong-mac-doi-voi-tat-ca-cac-du-an-dau-tu-can-thao-go-ngay-tu-cap-co-so-25627.html.

[9] Phương Anh (2023). Khó khăn, vướng mắc đối với tất cả các dự án đầu tư: Cần tháo gỡ ngay từ cấp cơ sở. Tạp chí Kinh tế và Dự báo. Truy cập tại: https://kinhtevadubao.vn/kho-khan-vuong-mac-doi-voi-tat-ca-cac-du-an-dau-tu-can-thao-go-ngay-tu-cap-co-so-25627.html.

[10,11] Nguyễn Hòa (2023).10 điểm sáng kinh tế quý I và 2 kịch bản tăng trưởng năm 2023. Công Thương. Truy cập tại: https://congthuong.vn/10-diem-sang-kinh-te-quy-i-va-2-kich-ban-tang-truong-nam-2023-248850.html.

 

Vietnam’s economic highlights in the first quarter of 2023 

and the growth prospects in 2023

PhD. Le Tien Dung

Hanoi University of Science and Technology

Abstract:

The year 2023 plays a significant role in the implementation of resolutions of the 13th National Party Congress and the National Assembly on the 2021-2025 five-year socio-economic development plan. In the first quarter of 2023, Vietnam did not achieved many set targets. As the world has experienced many complicated developments, it is quite difficult for Vietnam to reach the economic goals of 2023. This paper analyzes the  economic highlights of Vietnam in the first quarter of 2023 and the growth prospects in 2023.

Keywords: economy, economic development, the 13th National Party Congress, economic growth, 2023.

Nguồn: TẠP CHÍ CÔNG THƯƠNG

Còn lại: 1000 ký tự
Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số

Đề tài Nguồn vốn cho doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số do ThS. Trần Thúy Nga (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội) thực hiện.

Xem chi tiết
Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp ngành Công Thương khu vực Nam Trung Bộ

(CHG) Ngày 14/11, tại Đà Nẵng, Cục kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Công nghiệp môi trường Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường cho các cơ quan, doanh nghiệp khu vực miền Trung”.

Xem chi tiết
Khu thương mại tự do - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng

(CHG) Ngày 14/11, Sở Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Khu thương mại tự do Đà Nẵng - Động lực mới phát triển ngành logistics thành phố Đà Nẵng”.

Xem chi tiết
Long An: Tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

(CHG) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An đã có tân Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh.

Xem chi tiết
Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam

Bài báo nghiên cứu "Xu hướng tiêu dùng xanh trong phát triển bền vững tại Việt Nam" do TS. Nguyễn Thị Hạnh (Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Hải Phòng) thực hiện.

Xem chi tiết
2
2
2
3